Type something to search...

[Thiền sư] Vân Nham Đàm Thạnh

  • 20 Nov, 2024
Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Vân Nham Đàm Thạnh họ Vương, người Chung Lăng Kiến Xương. Từ thuở thiếu niên sư đã xuất gia ở Thạch Môn. Ban sơ, sư tham yết Thiền sư Bách Trượng Hoài Hải mà chưa ngộ huyền chỉ, nhưng vẫn thị phụng bên mình Hoải Hải 20 năm. Sau khi Bách Trượng qui tịch, sư bèn đến tham yết Dược Sơn, ngay lời nói là khế hội. Một hôm, Dược Sơn hỏi sư:

  • Ông ngoài tại Bách Trượng Hoài Hải ra, còn đến đâu nữa mới tới đây?

Sư nói:

  • Từng từ Quảng Nam đến đây.

Dược Sơn hỏi:

  • Nghe nói ngoài cửa Đông thành Quảng Châu có một tảng đá bị quan cai trị châu dời đi phải không?

Sư nói:

  • Không riêng quan cai trị châu mà người cả nước cũng không nhúc nhích nổi.

Dược Sơn lại hỏi:

  • Nghe nói ông biết múa sư tử (hoặc hiểu là múa lân) phải không?

Sư đáp:

  • Đúng vậy.

Dược Sơn hỏi:

  • Múa được mấy suất?

Sư đáp:

  • Múa được sáu suất.

Dược Sơn nói:

  • Ta cũng múa được.

Sư hỏi:

  • Hòa thượng múa được mấy suất?

Sơn đáp:

  • Ta chỉ múa được một suất.

Sư nói:

  • Một tức sáu, mà sáu tức một.

Sau sư đến Qui Sơn, Qui Sơn hỏi:

  • Thừa nghe trưởng lão tại Dược Sơn múa sư tử phải không?

Sư đáp:

  • Đúng vậy.

Qui Sơn hỏi:

  • Múa mãi hay có lúc cũng nghỉ?

Sư nói:

  • Cần múa thì múa, cần nghỉ thì nghỉ.

Hỏi:

  • Lúc nghỉ thì sư tử ở tại đâu?

Sư nói:

  • Cất thôi, cất thôi!

Hỏi:

  • Chư Thánh từ xưa đi về đâu?

Sư lặng thinh hồi lâu rồi nói:

  • Làm chi, làm chi?

Hỏi:

  • Tạm thời chẳng tại, giống như người chết thì thế nào?

Sư nói:

  • Nên đem chôn thôi.

Hỏi:

  • Người hết sức bảo nhiệm với cái đó là một hay là hai?

Sư nói:

  • Một khúc lụa mộc là một đoạn hay là hai đoạn?

Động Sơn nghe được nói:

  • Như người leo cây.

Sư đang nấu trà, Đạo Ngô hỏi:

  • Nấu cho ai uống vậy?

Sư nói:

  • Có một người cần uống.

Đạo Ngô nói:

  • Sao không bảo y tự nấu?

Sư nói:

  • May mà có Thạnh mỗ đây.

Sư hỏi Thạch Sương:

  • Từ đâu lại?

Sương đáp:

  • Từ chỗ Qui Sơn lại.

Sư hỏi:

  • Ở tại nơi đó được bao lâu?

Sương nói:

  • Tạm qua đông hạ.

Sư nói:

  • Nếu thế thì thành như núi lâu đài rồi vậy.

Sương nói:

  • Tuy tại nơi đó nhưng lại không biết.

Sư nói:

  • Nơi đó cũng chẳng tri, chẳng thức.

Thạch Sương không lời đối đáp. Về sau, Đạo Ngô nghe được nói:

  • Được thân tâm vô đạo pháp thế nào ấy!

Về sau, sư cư ngụ núi Vân Nham Du huyện Đàm Châu. Một hôm, sư nói với chúng rằng:

  • Có một đứa con nhà người, nếu hỏi thì không có điều gì hồi đáp không được.

Động Sơn hỏi:

  • Trong nhà nó có bao nhiêu sách vở?

Sư đáp:

  • Một chữ cũng không.

Hỏi:

  • Thế sao có nhiều tri thức vậy?

Sư nói:

  • Đêm ngày không từng ngủ.

Hỏi:

  • Hỏi một vấn đề được không?

Sư nói:

  • Đáp được mà không thèm nói.

Sư hỏi tăng:

  • Từ đâu lại?

Đáp:

  • Từ chỗ đốt thêm hương lại.

Sư hỏi:

  • Có thấy Phật không?

Đáp:

  • Thấy.

Sư hỏi:

  • Thấy nơi nào?

Đáp:

  • Thấy ở hạ giới.

Sư nói:

  • Phật xưa! Phật xưa!

Đạo Ngô hỏi:

  • Đức đại từ đại bi có ngàn tay, ngàn mắt, mắt nào là mắt Chánh nhãn?

Sư nói:

  • Như lúc không có đèn quơ được cái gối thì thế nào?

Đạo Ngô nói:

  • Mỗ lãnh hội rồi! Mỗ lãnh hội rồi!

Sư nói:

  • Lãnh hội thế nào?

Đạo Ngô nói:

  • Toàn thân đều là mắt.

Sư đang quét sân, Qui Sơn nói:

  • Chà, cực khổ dữ a!

Sư nói:

  • Nên biết là không cực khổ.

Qui Sơn nói:

  • Nếu thế là có mặt trăng thứ hai rồi

Chú: Nguyên văn ‘Đệ nhị nguyệt’.

Sư đưa cây chổi lên hỏi:

  • Cái này là mặt trăng thứ mấy?

Qui Sơn cúi đầu đi thẳng.

Huyền Sa nghe chuyện nói:

  • Đó là mặt trăng thứ hai đấy!

Sư hỏi tăng:

  • Từ đâu lại?

Đáp:

  • Từ chỗ nói chuyện với đá lại.

Sư hỏi:

  • Đá có gật đầu không vậy?

Tăng không lời đối đáp, sư nói:

  • Lúc chưa hỏi là đã gật đầu.

Sư đang làm giày, Động Sơn hỏi:

  • Nơi sư cầu xin nhãn tinh chẳng biết có được không?

Sư hỏi:

  • Nhãn tinh của ông cho ai rồi?

Đáp:

  • Lương Giới mỗ không có.

Sư nói:

  • Dù cho có đi nữa, ông hướng nơi nào mà trước thủ?

Động Sơn không lời đối đáp, sư hỏi:

  • Xin nhãn tinh có phải là nhãn không?

Đáp:

  • Không phải nhãn.

Sư liền nạt.


Sư hỏi ni cô (Nguyên văn ‘ni chúng’, không có nghĩa là chúng ni cô mà chỉ là một người trong ni chúng):

  • Cha cô còn sống không?

Đáp:

  • Thưa còn.

Sư hỏi:

  • Tuổi tác bao nhiêu?

Đáp:

  • Tuổi đã 80.

Sư nói:

  • Cô còn một người cha tuổi không phải 80, có biết không?

Ni cô nói:

  • Há cũng giống như cha con đến chăng?

Sư đáp:

  • Dạng như cha cô đến cũng chỉ là hàng con cháu thôi.

Động Sơn nói:

  • Dù cho không phải dạng ấy đến cũng là hàng con cháu.

Tăng hỏi:

  • Một niệm vừa dấy lên là đã rơi vào ma giới thì thế nào?

Sư nói:

  • Ông nhân cái gì mà từ Phật giới đến?

Tăng không lời đối đáp. Sư hỏi:

  • Lãnh hội không?

Đáp:

  • Không lãnh hội.

Sư nói:

  • Đừng nói thể thủ không được, dù cho thể thủ được đi nữa, cũng chỉ là bên phải, bên trái.

Sư hỏi ông tăng:

  • Nghe nói ông biết bói phải không?

Đáp:

  • Thưa phải ạ!

Sư nói:

  • Thử bói lão tăng xem nào!

Tăng không lời đối đáp.

Động Sơn nói thay:

  • Thỉnh Hòa thượng cho biết ngày sanh, tháng đẻ!

Năm Đường Hội Nguyên nhằm tháng 10 năm Tân Dậu sư bịnh nặng. Ngày 26 tắm gội xong, gọi chủ sự tăng phải chuẩn bị tiệc chay, ngày mai có vị thượng tọa ra đi. Đến ngày 27, tuyệt nhiên không thấy ai đi đâu cả. Đến đêm sư qui tịch, thọ 60 tuổi trà-tỳ được xá-lợi hơn 1.000 viên, chôn trong mồ đá. Sắc thụy Vô Trụ Đại Sư, tháp tên Tịnh Thắng.

PHẦN PHỤ LỤC:

Thuở thiếu niên, sư xuất gia tại Thạch Môn, rồi tham học hơn 20 năm tại pháp hội của Bách Trượng Hoài Hải mà cũng không thể khế hiệp cơ duyên. Sau sư đến chỗ Dược Sơn, Hòa thượng hỏi:

  • Từ đâu đến?

Sư đáp:

  • Từ chỗ Bách Trượng đến.

Dược Sơn hỏi:

  • Hòa thượng Bách Trượng dạy tăng đồ lời gì?

Sư đáp :

  • Hòa thượng Bách Trượng thường nói: ‘Ta có một câu nói, trăm vị đều đầy đủ’.

Dược sơn nói :

  • Mặn là vị mặn, lạt là vị lạt, không mặn không lạt là vị thông thường, thế nào là một câu nói đầy đủ trăm vị?

Sư không lời đối đáp, Dược sơn hỏi :

  • Đối với chuyện sống chết trước mắt, ông có biện pháp gì?

Sư đáp:

  • Trước mắt không có sống chết.

Dược Sơn hỏi:

  • Ông ở tại Bách Trượng được bao lâu?

Sư đáp:

  • Đã 20 năm.

Dược Sơn nói:

  • Ông ở chỗ Bách Trượng hai mươi năm mà vẫn chưa trừ bỏ tục khí.

Lại có một hôm, sư đang đứng hầu bên cạnh.

Dược Sơn hỏi:

  • Bách Trượng còn nói pháp gì nữa?

Sư đáp:

  • Có lúc nói: ‘Ngoài ba câu tỉnh ngộ, trong sáu câu lãnh hội’.

Dược Sơn nói:

  • Cách xa ba ngàn dặm, cũng mừng không dính dáng gì.

Lại hỏi:

  • Còn thuyết giảng pháp gì nữa?

Sư đáp:

  • Có lúc thượng đường, đại chúng vừa tụ tập đông đủ thì Hòa thượng lấy gậy đánh đuổi hết, rồi lại gọi đại chúng. Đại chúng vừa quay đầu lại, Hòa thượng hỏi: ‘Là cái gì?’.

Dược Sơn nói:

  • Sao chẳng nói chuyện này trước? Hôm nay nhờ có ông mà thấy được huynh Hoài Hải.

Sư vừa nghe liền tỉnh ngộ ngay.

Ngữ lục

Cảnh ngữ

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts