[Thiền sư] Tào Khê Linh Thao
- 17 Dec, 2024
Giới thiệu
Thiền sư Tào Khê Linh Thao họ Trương, người Cát Châu, nương Lục Tổ xuất gia, chưa từng rời xa Tổ. Khi Lục Tổ viên tịch, Sư làm tháp chủ nơi thờ Y ca-sa.
Niên hiệu Khai Nguyên thứ tư (716), vua Đường Huyền Tông nghe đức độ của Sư, ra chiếu mời vào kinh. Sư cáo bệnh chẳng đến.
Niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu (760), Đường Huyền Tông sai sứ đem Y truyền pháp vào cung cúng dường, và lệnh cho Sư theo vào triều. Sư lấy cớ bệnh từ chối
Trọn đời ở tại bổn sơn. Sư thọ 95 tuổi, thụy hiệu là Đại Hiểu Thiền Sư.
Khai Nguyên thứ mười (722), ngày mùng 3 tháng 8 Nhâm Tuất, nửa đêm chợt nghe trong tháp có tiếng kéo dây sắt. Chúng tăng kinh hãi, thấy một người mặc áo tang từ trong tháp chạy ra. Chúng tăng thấy trên cổ Tổ có vết thương, liền đem việc trộm ấy báo cho châu huyện.
Huyện lệnh Dương Khản và Thứ sử Liễu Vô Thiểm nhận được đơn trình, hết sức gia công tìm bắt. Tháng năm nơi làng Thạch Giác bắt được kẻ ấy, liền giải qua Thiều Châu. Người ấy thưa rằng: Họ Trương tên Tịnh Mãn, người huyện Lương, Nhữ Châu. Nơi chùa Khai Nguyên tại Hồng Châu nhận của vị tăng Kim Đại Bi người Tân La, số tiền hai mươi ngàn để lấy đầu Lục Tổ đem về Hải Đông cúng dường.
Thứ sử Liễu nghe lời khai, chưa vội gia hình, bèn đích thân đến Tào Khê, hỏi cao đệ của Tổ là Linh Thao, xem phải xử đoán thế nào.
Linh Thao bảo: Nếu lấy quốc pháp mà luận, lý là bị tội; song Phật giáo từ bi, oán thân bình đẳng, huống là kia muốn cầu cúng dường, tội có thể tha thứ được.
Thứ sử vui mừng tán thán: Mới biết cửa Phật quảng đại.
Bèn tha kẻ trộm.
Niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu, vua Túc Tông sai sứ đến thỉnh y bát của Lục Tổ về cung để thờ. Đến Vĩnh Thái nguyên niên vào ngày mồng 5 tháng 5, vua Đại Tông mộng thấy Lục Tổ đến thỉnh y bát. Nên vào ngày mồng 7, vua ra sắc lệnh cho quan Thứ sử Dương Hàm rằng: “Trẫm mộng thấy thiền sư Năng đến thỉnh y bát và ca-sa về Tào Khê. Nay sai quan Trấn Quốc Đại tướng quân Lưu Sùng Cảnh cung nghinh về đó. Đối với Trẫm đấy là báu vật của nước, nên phải như pháp mà tôn trí tại bổn tự, bảo tăng chúng những vị đã đích thân thừa kế tông chỉ, hãy cẩn thận giữ gìn, chớ để hư hao”.
Về sau nhiều lần những bảo vật ấy bị trộm, nhưng chưa đi xa đã lấy lại được.
Ngoài ra, những sự tích khác về Tổ rất nhiều người biên chép như Thượng thư Vương Duy, Thứ sử Liễu Tôn Nguyên, Thứ sử Lưu Ngung Tích… đều thuộc đời Đường.
Ngữ lục
Cảnh ngữ
Tác phẩm
Thông tin khác