[Thiền sư] Vân Cái Chí Nguyên
- 26 Sep, 2024
Giới thiệu
Thiền sư Vân Cái Chí Nguyên (Viên Tịnh) ở núi Vân Cái Đàm Châu là pháp tôn của Thiền sư Đạo Ngô Tông Trí, người kế thừa pháp của Thiền sư Thạch Sương Khánh Chư. Sau khi ông xuất gia thọ giới, bắt đầu cuộc sống Vân Du.
Thiền sư Vân Cái Chí Nguyên thật giống như đám mây nổi trôi tự do tự tại, từ Triết Giang trôi đến Vi Châu, rồi từ Vi Châu nhởn nhơ trôi nổi đến núi Vân Cư ở Giang Tây.
Núi Vân Cư, ở phía nam ngọn núi Khuông Lô, phía đông cái hồ lớn ở Phàn Dương, núi non trùng điệp. Chu vi ngang dọc 300 dặm; núi non muôn vẻ, cao to sừng sững vút tận tầng xanh. Càng thần kỳ hơn đó là sau khi bạn leo lên đỉnh núi, mở ra trước mắt bạn một cánh đồng bằng phẳng bao la bát ngát, mà bốn bề đều có núi bao quanh, thiên nhiên tạo nên một thành quách bằng núi cao. Ở đây, tùng trúc gọi gió, ruộng vườn mục ca, mây trắng vỗ vào mặt, điện vũ nguy nga. Núi Vân Cư trên trời, núi ở trên trời mây; trên núi lại có núi, núi ở trên đỉnh cao. Thảo nào mấy trăm năm sau nữa, đến đời nhà Tống, khi Cư Sĩ Đông Pha đến núi Vân Cư thăm Thiền sư Phật Ấn, kinh ngạc mà rằng:
Bước từng bước đến cửa Triệu Châu,
Trên núi quái lạ lại có núi,
Một vùng mấy núi chọc trời xanh,
Mấy tiếng trống chuông lạc nhân thế.
Thác hoa mây tuyết thấm mắt Tăng,
Hang đá tháng năm ngời nhan Phật,
Muốn tâm sự cùng mây trắng,
Róc rách dưới cầu khe nước xanh.
ÂM:
Nhất hành hành đáo Triệu Châu quan,
Quái để sơn đầu cánh hữu sơn.
Nhất phiến lâu đài tủng thiên thượng,
Sổ thanh chung cổ lạc nhân gian.
Bạo hoa phi tuyết tẩm tăng nhãn,
Nham huyệt lưu quang ánh Phật nhan.
Dục dữ bạch vân luận tâm sự,
Bích khê kiều hạ thủy sàn sàn.
Đương thời, người trú trì trên núi Vân Cư là Tổ sư Đạo Ưng, một vị cao Tăng của Tông Tào Động.
Thiền sư Chí Nguyên đến phương trượng, chưa kịp lễ bái liền vội vàng hỏi: “Chí Nguyên con bôn ba khắp nơi, nhưng tự tánh lại không sáng được. Con nay đã hết cách rồi, xin hỏi, ngay lúc này, con nên làm như thế nào?”
Vân Cư Đạo Ưng nói: “Chỉ vì công lực của ngươi chưa được.”
Thiền sư Chí Nguyên cho rằng câu trả lời của Tổ sư Vân Cư không hợp với ý của mình, quay người ra khỏi phương trượng, nghênh ngang mà đi.
Ông trèo đèo lội suối tiếp tục đi thẳng lên phía Tây, đến núi Thạch Sương ở Lưu Dương Hồ Nam, đến thăm Đại sư Thạch Sương Khánh Chư. Ông xông thẳng vào phương trượng, cũng như lúc ở núi Vân Cư không lễ bái liền hỏi: “Lúc Chí Nguyên không biết làm sao nữa thì thế nào?”
Thạch Sương Khánh Chư nói: “Không những ngươi đối với nó (tự tánh) không biết làm sao nữa mà lão Tăng ta đây cũng không biết làm sao đối với nó nữa!”
Chí Nguyên kinh ngạc chút nữa thì nhảy cẫng lên, nghi ngờ hỏi: “Thưa Đại Hòa Thượng, Ngài là một vị Đại Tông Sư thiên hạ đều ngưỡng mộ kính trọng, đạt được tâm ấn của chư Phật, tại sao lại không biết làm sao nữa?”
Đại sư Thạch Sương Khánh Chư cười nói: “Điều này có gì lạ đâu? Nếu lão Tăng có thể làm sao, có thể nắm bắt được nó, vậy thì, chẳng phải chính ta có thể trừ bỏ được cái không biết làm thế nào của ông sao?”
Chí Nguyên nghe đạo lý này, bèn cúi thấp cái đầu quật cường của mình xuống, cung kính làm lễ tham bái. Từ đó về sau ông quyết định ở lại núi Thạch Sương theo Đại sư Khánh Gia tham thiền.
Thời gian dần trôi, lá xanh trên núi Thạch Sương dầu sương dãi gió từ xanh trởi thành vàng, giống như những ngọn đuốc cháy sáng rừng rực, khắp vùng núi đồi ánh lên một màu hồng thật hồng. Thiền sư Chí Nguyên đang ngày đêm tham học bên cạnh Sư phu, công phu tu hành tiến bộ nhanh. Việc tham thiền này cũng giống như trong miệng ngậm cuốc sắt, lúc mới bắt đầu, không nếm ra mùi vị (nghi tình không phát ra được), buồn tẻ chứ chẳng hứng thú gì; đến khi vào được cửa, nếm được một ít mùi vị, lại cắn cắn không được, nhai lại nhai không ra, nuốt lại nuốt không xuống, nhả lại nhả không ra… trong đó có mùi vị tiến thoái lưỡng nan, do dự hàng hoàng, lên không được mà xuống cũng không xong, sống chẳng ra sống chết chẳng ra chết, muốn khó khó bao nhiêu có khó bấy nhiêu! Chính Thiền sư Chí Nguyên đang ở trong giai đoạn này.
Tại núi Thạch Sương, từng có một công án như thế này:
Có một vị tăng hỏi Đại sư Thạch Sương Khánh Chư: “Nhà nhà đều đóng thì không hỏi, lúc nhà nhà đều mở làm thế nào?
Nguyên ý của vị Tăng này là muốn nói, thể của tự tánh tạm thời không hỏi, lúc có các loại tác dụng của tự tánh hiển hiện làm sao lãnh hội?” Thạch Sương Khánh Chư lại ngược đường mà đi nên nói: “Dụng của tự tánh thời không hỏi, thể của tự tánh làm sao?”
Vị Tăng mờ mịt không đáp được. Trải qua hơn nửa năm khổ công tham cứu, một hôm, cuối cùng ông cũng ngộ ra câu chuyển ngữ này, nên nói: “Không ai tiếp được nó (tự tánh).”
Thiền sư Thạch Sương vỗ tay bảo: “Ông trả lời rất đúng, không uổng công ông đã hạ thủ công phu. Nhưng ông vẫn còn chỉ mới nói ra được bát thành.”
Vị Tăng này tham thiền đến nỗi tâm linh vô cùng nhạy bén, ông lập tức nắm bắt được thiền cơ từ trong lời nói của Sư Phụ, vội vàng truy hỏi: “Thưa Đại Hòa Thượng, Ngài vẫn nói như thế sao?”
Đại sư Thạch Sương trả lời: “Không ai biết được nó.”
Vị Tăng này rỗng rang đại ngộ!
Thiền sư Chí Nguyên sau khi nghe được công án này, trong tâm cảm nhận được một tiếng kêu gọi vô hình, ông vội vàng tìm kiếm hình bóng Sư phụ khắp nơi. Sau khi ông gặp được Sư Phụ Thạch Sương ở trong sân chẳng kể ha bảy hai mươi mốt gì cả nhảy ùm “một cái”, quỳ xuống đất, đảnh lễ ba vái, khẩn cầu Sư Phụ khai thị lại công án “không ai biết được nó” cho mình. Không ngờ, Thạch Sương lắc đầu, kim khẩu không chịu mở lời nữa.
Thiền sư Chí Nguyên bước lên ôm lấy Đại sư Thạch Sương, cứ ôm Sư Phụ đi đến phương trượng, đặt lên pháp tòa trang nghiêm, mà thưa: “Thưa Đại Hòa Thượng, hôm nay nếu ngài không khai thị thiền yếu cho con, con sẽ đánh ngài!”
Đại sư Thạch Sương gật gật đầu nói: “Có thể.”
Thiền sư Chí Nguyên thấy Sư Phụ nhận lời, vô cùng phấn khởi. Ông cho rằng Đại sư Thạch Sương nhất định sẽ chỉ dạy Phật pháp kỳ diệu nhất cho mình, liền lễ bái không thôi.
Không ngờ, Đại sư Thạch Sương vẫn nói như cũ: “Không ai biết được nó.”
Theo bản năng Thiền sư Chí Nguyên giật mình, lập tức tỉnh ngộ ngay trong câu nói đó. Không phải sao, tự tánh không hình không tướng, người nào có thể bắt được nó? Tuy không ai biết được nó, nhưng trong mỗi thời mỗi khắc đều phát sanh tác dụng trên thân thể chúng ta, chúng ta có thể lãnh hội được sự tồn tại của nó một cách rõ ràng!
Sau khi khai ngộ, Thiền sư Chí Nguyên xuôi theo sông Lưu Dương mà đi, lại men theo sông Tương đến núi Vân Cái gần Đàm Châu, trú trì hoằng truyền chánh pháp. Người đời tôn xưng là “Vân Cái Chí Nguyên”.
Đương thời, cuối đời nhà Đường, chính quyền trung ương yếu dần, các địa phương trở thành trạng thái nửa độc lập. Một viên quan địa phương họ Mã thống trị ở Đàm Châu cũng tự xưng vương.
Nước sắp mất, họa hoạn dẩy đầy, ngay cửa Phật cũng chịu nhiều nhiễu nhương - Đạo giáo gần Đàm Châu thịnh hành, các tín đồ thường đến chùa Phật giáo gây rối.
Chánh Đạo (đạo sĩ chủ quản phụ trách quản lý của cải tài sản đạo giáo trong bản địa của mỗi châu) Đàm Châu càng điên cuồng ngang ngược tột độ, Thượng Thư Mã Vương muốn công khai bàn luận với Thiền sư Chí Nguyên để định đoạt Phật giáo và Đạo giáo ai ưu ai liệt.
Mã Vương mời Thiền sư Chí Nguyên đến Đại Vương Cung gặp gỡ với Đạo Chánh.
Uống trà xong, Thiền sư Chí Nguyên đứng dậy chấp tay chào hỏi Mã Vương, thỉnh cầu mã Vương cho mượn thanh bảo kiếm của ông ta.
Thanh kiếm báu Long Tuyền của Mã Vương này thuộc binh khí rất cổ, gọt sắt như bùn, thổi lông liền đứt! Mã Vương không biết ý Thiền sư Chí Nguyên muốn làm gì, nhưng vẫn lấy thanh kiếm đeo ở đai lưng ra.
Thiền sư Chí Nguyên đứng chính giữa đại điện, dương mày tuốt kiếm ra khỏi bao, soạt một tiếng bảo kiếm sắc lạnh được tuốt ra; đưa cao quá đầu.
Quả là binh thần kiếm sắc, mũi kiếm lộ ra hết, sát khí ghê rợn, khiến cho người ta không dám nhìn thẳng.
Vân Cái Chí Nguyên lấy kiếm sắc chỉ Đạo Chánh, hét lên hỏi: “Tổ sư Đạo Giáo của các ngươi nói: ‘mờ mờ mịt mịt, trong đó có vật’ là vật gì? Lại nói: ‘Tối tăm mờ mịt, trong đó có tinh’ là tinh gì? Nói! Ông nói được thì không chém, nói không được thì chém!”
Đối mặt với kiếm bén có thể nhiếp phục hồn phách, còn có sự cơ phong bức người mạnh mẽ kia trong đầu Đạo Chánh mờ mịt.
Thiền sư Chí Nguyên lại hét lần nữa: “Nói, nói mau!”
Kỳ thật, Thiền sư Chí Nguyên hoàn toàn không phải làm khó cho ông ta, mà là đang dẫn dắt ông ta.
Có rất nhiều người, chính ở ngay trong tình huống bị bức bách đến con đường cùng này, hoát nhiên ngộ đạo!
Nhưng mà, Đạo Chánh chỉ thấy bảo kiếm nguy hiểm sắp đến đầu, không thấy thiền cơ sắp mở, hai chân mềm nhũn, quỳ xuống đất, dập đầu như gà mổ thóc, không ngừng lễ bái sám hối Thiền sư Chí Nguyên.
Thiền sư Chí Nguyên quay qua Mã Vương, nói: “Đại Vương vẫn biết người này chứ?”
Mã Vương nói đương nhiên biết.
Thiền sư Chí Nguyên hỏi: “Ông ta là ai?”
Mã Vương trả lời: “Chánh Đạo.”
Thiền sư Chí Nguyên cười nói: “Ông ta không phải Chánh Đạo. Đạo ông ta nếu chánh thì phải trả lời câu hỏi của sơn tăng. Chẳng qua ông ta chỉ là một cô hồn vất vưởng không biết mặt mũi xưa nay của mình, không hiểu rõ được tự tánh, chưa lãnh hội được đại đạo của nhân sanh vũ trụ mà thôi!”
Ngữ lục
Có Thiền Tăng hỏi: “Thế nào là Phật?”
Thiền sư Chí Nguyên chỉ tượng đúc của Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni trong đại điện nói: “Chính là người mặt vàng này”
Thiền Tăng lại hỏi: “Thế nào là Pháp?”
Thiền sư Chí Nguyên vẫn chỉ tượng Phật nói như cũ: “Chính là cất dấu ở trong này”
Thiền Tăng hỏi câu thứ 3: “Khi Phật Nhiên Đăng xưa chưa ra đời thì như thế nào?”
Phật Nhiên Đăng xưa là Đức Phật đã thọ ký cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nếu như ngài chưa từng xuất thế, Phật Thích Ca Mâu Ni làm sao thành Phật?
Vì thế, Thiền sư Chí Nguyên trả lời: “Mê muội chưa mở (Tối không thế nói được)”
Thiền Tăng lại hỏi: “Thế nào là Tăng?”
Thiền sư Chí Nguyên trả lời thẳng thừng dứt khoát: “Vân du tham thiền, cầu học Phật pháp”
Tăng hỏi: Rắn vì sao lại nuốt người thấy rắn?
Sư nói: Toàn thân sắc không đồng
Tăng hỏi: Thế nào là nạp tăng?
Sư nói: Là người tham tầm, hỏi đạo
Cảnh ngữ
Tác phẩm
📖
Thông tin khác
🧷