Type something to search...

[Thiền sư] Phần Châu Vô Nghiệp

  • 21 Oct, 2024
Thiền sư Phần Châu Vô Nghiệp - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Phần Châu Vô Nghiệp (760/761 - 821/823) là pháp tự của Mã Tổ Ðạo Nhất Thiền sư. Sư họ Ðỗ, quê ở Thượng Lạc, Thương Châu, theo học kinh luận lúc lên chín và xuất gia lúc mười hai tuổi. Nghe tiếng Mã Tổ, Sư tìm đến tham học.

Mã Tổ thấy Sư tướng mạo kì đặc, tiếng nói thanh như chuông bèn bảo: Phật đường to lớn mà trong ấy không có Phật.

Sư lễ bái quì thưa: Về kinh điển con hiểu biết đơn sơ, thường nghe Thiền môn “Tức tâm là Phật”, thật chưa hiểu thấu.

Mã Tổ bảo: Chỉ cái tâm chưa hiểu đó là phải, lại không có vật khác.

Sư hỏi: Thế nào là mật truyền tâm ấn của Tổ sư từ Ấn Ðộ sang?

Tổ bảo: Ðại đức chính đang ồn, hãy đi, khi khác lại!

Sư vừa quay đầu đi, Tổ gọi: Ðại đức!

Sư xoay đầu lại, Tổ hỏi: Là cái gì?

Ngay đây Sư lĩnh hội, quỳ lễ bái.

Tổ bảo: Kẻ độn, lễ bái làm gì!

Sau khi ngộ huyền chỉ, Sư diêu du đây đó và sau dừng tại Tinh xá Khai Nguyên, Tây Hà tuỳ duyên hoằng hoá. Khi đáp những câu hỏi của thiền khách, Sư thường nói: Chớ vọng tưởng! (莫妄想; mạc vọng tưởng).

Vua nhiều phen thỉnh Sư nhưng Sư lúc nào cũng từ chối không đến.

Sau có 2 vị quyết tâm thỉnh Sư đi cho bằng được, Sư chúm chím cười đáp: Bần đạo có đức gì làm phiền Thế chủ. Mời các Ngài đi trước, tôi sẽ đi đường riêng. Sau khi sứ giả về, Sư tắm gội, nửa đêm bảo đệ tử vào khuyên. Nói xong Sư ngồi kết già thị tịch, thọ 62 tuổi, 42 tuổi hạ.

Lễ trà tì có mây năm sắc, hương thơm lạ bốn phương. Vua sắc phong là Ðại Ðạt Quốc sư, tháp hiệu Trừng Nguyên___.

Ngữ lục

Sư nửa đêm bảo đệ tử vào khuyên:

Các ngươi! Tính thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sinh chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng. Các ngươi phải biết, tâm tính vốn tự có, chẳng phải do tạo tác, ví như kim cương không thể phá hoại. Tất cả như bóng vang không có thật. Cho nên kinh nói: Chỉ đây một việc thật, ngoài hai thỉ chẳng chân. Thường hiểu tất cả thông, không một vật hợp tình, là chỗ chư Phật dụng tâm. Các ngươi cố gắng thật hành.


Sư thượng đường, có ông tăng hỏi:

Mười hai phần giáo lưu bổ ở xứ này, người đắc đạo quả không chỉ một hai người. Thế tại sao Tổ sư đến Đông độ giáo hóa lại riêng xướng huyền tông (Thiền tông), trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, há phải chăng Thế Tôn thuyết pháp còn có chỗ chưa trọn. Chỉ như cao đức tăng đời trước, đều học thông suốt cửu lưu, hiểu rõ sâu xa ba tạng; Sanh, Triệu, Dung, Duệ đều là bậc thần dị nối tiếp nhau ra đời, há lại không biết Phật pháp gần xa. Mỗ đây dung tục u tối, nguyện sư chỉ thị.

Sư nói:

Chư Phật chưa từng xuất thế, lại cũng chẳng có một pháp nào dạy người, mà chỉ tùy bệnh cho thuốc, do đó có mười hai phần Giáo. Như đem trái ngọt mà đổi với bầu đắng, đào thải nghiệp căn của các ông, đều là chuyện không thật. Thần thông biến hóa cùng trăm ngàn cửa tam-muội, giáo hóa thiên ma, ngoại đạo, phước trí hai nghiêm là phá chấp cái thấy có trệ không. Nếu không lãnh hội đạo cùng chỉ ý Tổ sư từ Tây lại thì luận chi tới Sanh, Triệu, Dung, Duệ. Như nay đây người biết Thiền, biết đạo nhiều như cát sông Hằng. Nói Phật, nói tâm có trăm ngàn, muôn người. Tiêm trần (bụi nhỏ) không bỏ, chưa miễn luân hồi, tư niệm chẳng quên toàn thể đều chìm đắm. Loại người như thế tự mình còn chưa hiểu nghiệp quả, láo nói lợi mình, lợi người, tự cho là bậc thượng lưu, tiên đức nói càng bừa, gặp đâu cũng là Phật sự, cất bước đều là đạo tràng. Vốn tập trước được của họ không bằng phàm phu giữ năm giới, mười thiện.

Xem họ phát ngôn, chê bậc Nhị thừa thập địa Bồ-tát. Vả chăng đề hồ vốn là vị ngon trên đời, nhưng gặp mấy người đó liền biến thành thuốc độc. Nam Sơn còn tự chưa dám cho mình là Đại thừa. Vậy mà đám người mới học nói, tranh nhau khua môi, múa mép, luận chuyện vô hình cùng các tiên đức xưa. Thành ra thật là khổ thay. Chỉ như bậc dã dật cao sĩ, còn biết gối đá, uống khe, buông bỏ lợi lộc. Lại có các bậc biết an nước, trị dân, nhưng vua mời không đến, huống Thiền tông của chúng ta, đường lối khác nhau. Hãy xem bậc cổ đức, đạo nhân sau khi đắc ý, thì chỉ ở mái tranh, nhà đá, dùng nồi sứt chân nấu cơm ăn đôi ba mươi năm. Danh lợi chẳng động tới tấm lòng, tiền tài châu báu không nghĩ tới. Quên hết người đời, giấu tung tích nơi non cao, rừng thẳm. Vua vời chẳng đến, chư hầu thỉnh cũng không đi, há có thể đồng với phường tham danh, hám lợi chúng ta sao. Chìm mất đường đời như kẻ buôn bán nhỏ, có chút hy cầu là quên hết đại quả. Bậc hiền thập địa há không thông Phật lý, lại không bằng như một gã phàm phu ngây ngô, thật không có lý đó. Các ngài nói pháp như mây tuôn, mưa đổ còn bị Phật quở là kiến tánh như qua lớp la hộc (‘sa trun’: một loại vải cực mỏng, biến rộng nghĩa chỉ Bồ-tát thấy Phật tánh như thấy vật qua lớp vải mỏng, tuy là rất mỏng nhưng vẫn là có lớp ngăn cách, ý nói không thể ứng tuyệt đối).

Chỉ vì tình tồn, vọng lượng. Kiến còn ở chỗ quả nhân, chưa thể vượt tới Thánh tình, qua các hình dấu. Các bậc tiên hiền cổ đức, học rộng cao khiết, bác đạt cổ kim, hiểu sâu giáo cương, ấy vì thức học mà thuyên văn, nước sữa khó biện, không minh tự lý, niệm tịnh cầu chân. Than ôi, được làm thân người như đất trong móng tay, không được làm thân người đông như sơn hà, đại địa. Thật đáng thương thay. Giá như có người ngộ lý, có biết, có hiểu, không biết là cửa vào chỗ ngộ, liền mãi mãi ra khỏi chốn danh lợi trần thế, tuần núi, quá khe, nhẹ nhàng, thượng lưu cho đến nỗi tâm lậu không dứt, lý địa không rõ, luống đến già chết không thành được việc gì, phí uổng tháng năm qua đi. Vả thông minh không chống nổi nghiệp. Trí tuệ chưa khỏi xe khổ. Dầu cho tài như ngài Mã Minh, hiểu sánh ngài Long Thọ, thì bất quá không mất thân người trong một hai kiếp. Căn tư túc định, vừa nghe là hiểu, như Sanh công kia, cũng có gì đáng tự hào, cùng đạo toàn xa cả. Cùng anh em luận thật không luận giả.

Chỉ nói miệng ăn, thân mặc là đã dối huyền, lừa Thánh, cầu đắc tha tâm thông, tuệ nhãn xem coi, chẳng khác uống máu mủ một thứ, phải bồi thường mới được. Ai là người có đạo quả tự nhiên vượt khỏi người tín thí chẳng nhận. Học Bồ-tát Bát nhã không được tự dối. Như đi trên băng mỏng. Như chạy trên rừng gươm đao. Lúc lâm chung, một hào tình lượng phàm Thánh đều dứt, một mảy lông tư niệm chưa quên. Tùy niệm thọ sanh. Sau khi bị đốt qua trong chảo dầu sôi thì trí tuệ, kiến giải, hoài tưởng trước đây đều quên mất một lượt, y như trước kia tái làm thân con sâu, cái kiến, rồi lại làm ruồi muỗi. Tuy là nhân lành nhưng lại chịu quả ác, có thể tính toán được gì đâu. Này các anh em, chỉ vì tham dục thành tánh, hai mươi lăm tuổi đã bị trói buộc dưới chân, chưa thành thời kỳ biện biệt mọi sự. Tổ sư thay chúng sanh nơi đất nước này có căn khí Đại thừa, chỉ nên truyền tâm ấn thôi để chỉ thị mê tình.

Kẻ đắc pháp tức không phân biệt phàm với Thánh, ngu với trí. Mà chỉ là nhiều mà hư, không bằng ít mà thật. Kẻ đại trượng phu như nay đây nên dừng nghỉ thôi, chấm dứt muôn duyên, vượt khỏi dòng sanh tử khác hẳn thường cách, linh quang độc chiếu, không câu nệ vật lụy rờ rỡ, Sừng sững, ba giới độc bộ, cần gì thân phải cao trượng sáu ánh sáng kim loại tử ma chiếu ngời, cổ đeo vòng tròn sáng, có tướng lưỡi rộng dài. Nếu lấy sắc thấy ta, là đi đường lệch. Dẫu cho có quyến thuộc rạng rỡ thì chẳng cầu tự đắc, sơn hà đại địa không trở ngại tầm nhìn, được đại tổng trì, một nghe ngàn ngộ, đều chẳng cầu giá trị một bữa ăn.

Bọn người các vị nếu không như thế, thì Tổ sư đến được nước này phi thường có ích và có tổn hại. Có ích là trong trăm ngàn người lặn mò được một người, nửa kẻ, có thể làm pháp khí. Có tổn hại là như phía trước đã nói, theo người khác tu ba thừa giáo pháp, chẳng phương hại đến chuyện tứ quả, tam hiền, có phần tấn tu, do đó mà bậc tiên đức đã nói: Nếu liễu ngộ thì nghiệp chướng vốn là không, không liễu ngộ phải thường nợ kiếp trước.

Cảnh ngữ

Các ngươi! Tính thấy nghe hiểu biết cùng hư không đồng tuổi, chẳng sinh chẳng diệt, tất cả cảnh giới vốn tự không lặng, không một pháp có thật, người mê không hiểu bị cảnh làm lầm, trôi lăn không cùng. Các ngươi phải biết, tâm tính vốn tự có, chẳng phải do tạo tác, ví như kim cương không thể phá hoại. Tất cả như bóng vang không có thật. Cho nên kinh nói: Chỉ đây một việc thật, ngoài hai thỉ chẳng chân. Thường hiểu tất cả thông, không một vật hợp tình, là chỗ chư Phật dụng tâm. Các ngươi cố gắng thật hành.

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts