[Thiền sư] Cao Phong Nguyên Diệu
- 21 Sep, 2024
Giới thiệu
Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295), còn được tôn xưng là Cao Phong Diệu Tổ (高峰妙祖), là một thiền sư Trung Quốc thời Nam Tống.
Sư nguyên họ Từ (徐), tự là Cao Phong (高峰), sinh ngày 23 tháng 3 (âm lịch) năm Mậu Tuất 1238, nhằm niên hiệu Gia Hy thứ 2, đời vua Tống Lý Tông triều Nam Tống, nguyên quán huyện Ngô Giang, phủ Tô Châu (thuộc tỉnh Giang Tô ngày nay).
Năm 15 tuổi, sư phát tâm xuất gia, đến năm 17 tuổi thọ Cụ túc, khi tròn 18 tuổi theo học với Đại sư Pháp Trụ ở chùa Mật Ấn về giáo pháp Thiên Thai và ngộ được ý chỉ. Sau, Sư chuyên tâm tham mộ thiền pháp nên đã đến cầu đạo với Thiền sư Đoạn Kiều Diệu Luân, tuy nhiên chưa tìm được sở đắc.
Sư đến pháp hội của Tổ sư Tuyết Nham Tổ Khâm để nhập chúng tu thiền. Biết Sư là bậc Long tượng sẽ phát dương quang đại cho thiền lâm sau này, nên Tổ sư đặc biệt chú ý giáo hoá. Mấy lần, Sư vừa mở miệng chưa kịp tham vấn đã bị Tổ sư Tuyết Nham đánh một gậy rồi đuổi ra.
Nhân khi đọc được bài “Chơn tán” của Tổ sư đời thứ 10 Tông Lâm Tế là Pháp Diễn, Sư lãnh ngộ được yếu chỉ của việc bị đánh một gậy trên nên càng chú tâm hầu cận với Tổ sư Tuyết Nham.
Một hôm, Tổ sư hỏi: “Đất trời bao la, ông có thể làm chủ được không?“. Sư thưa: “Dạ được! “.
Tổ sư lại hỏi: “Lúc nằm mộng, ông làm chủ được không?“. Sư thưa: “Dạ được! “.
Tổ sư hỏi tiếp: “Vậy chính ngay lúc ngủ say, không mộng, không tưởng, không thấy, không nghe thì chủ nhân ông ở chỗ nào?”
Sư không đáp được, liền xin vào núi Long Tu quán xét suốt 5 năm.
Đến năm Kỷ Tỵ (1269), nhân hôm nọ, người bạn đồng tu bên cạnh làm rơi chiếc gối xuống đất, Sư chợt nghe thấy tiếng động này liền bỗng nhiên triệt ngộ và liền nói kệ:
Chốn cũ người xưa vẫn còn đây
Nào hay diện mục chẳng đổi thay.
Sau đó, sư đến gặp thiền sư Tổ Khâm trình kiến giải và được thầy ấn chứng là sư đã triệt ngộ. Từ đó, sư nối pháp của thiền sư Tuyết Nham Tổ Khâm, trở thành truyền nhân đời thứ 18 của Tông Lâm Tế, phái Hổ Khâu.
Năm Kỷ Mão (1279) nhằm niên hiệu thứ 2, đời Tống đế Bính triều Nam Tống, Sư dựng một thảo am nhỏ ở hang Sư Tử trên núi Thiên Mục và đề hiệu là “Tử Quan”, trong 15 năm không hề bước chân ra khỏi cửa. Thiền phong Sư vang khắp chốn, đồ chúng tìm đến tham học ngày càng đông.
Vào ngày mồng 1 tháng 12(âl) năm Ất Mùi 1295, nhằm niên hiệu Nguyên Trinh năm đầu, đời vua Nguyên Thành Tông, Sư thâu thần thị tịch, trụ thế 58 tuổi. Môn đồ lập tháp thờ Sư ở Tử Quan tại núi Thiên Mục. Vua ban thụy hiệu cho Sư là Phổ Minh Quảng Tế Thiền sư.
Ngữ lục
Cảnh ngữ
Việc này chỉ cần người có tâm tha thiết, vừa phát tâm tha thiết chân nghi liền khởi. Nghi qua, nghi lại, không nghi tự nghi, từ sáng đến chiều vuốt đầu rút đuôi làm thành một khối. Khuấy không động, đuổi không đi, sáng suốt linh diệu, thường hiện ở trước, đây là khi đắc lực.
Lại phải xác định chánh niệm, cẩn thận không khởi nhị tâm, cho đến đi mà không biết mình đi, ngồi không biết mình ngôài, lạnh, nóng, đói, khát, tất cả đều không biết, cảnh giới này hiện tiền tức là tin tức sắp đến nhà.
Nắm thì tới, bắt thì được, chỉ còn đợi thời khắc mà thôi. Lại không nên nghe nói như thế rồi khởi tâm tinh tấn cầu nó, cũng không được đem tâm đợi nó, không được buông, không được bỏ, chỉ cần ngưng đọng chánh niệm, lấy ngộ làm quy tắc.
Chính khi ấy, có tám muôn bốn ngàn quân ma rình rập trước căn môn của ông, tất cả việc kỳ quái, thiện ác… tùy tâm ông mà hiện.
Ông vừa khởi một mảy may tâm nhiễm trước, liền rơi vào rọ của ma, bị chúng làm chủ, chịu chúng chỉ huy, miệng nói lời ma, thân làm việc ma, chánh nhân Bát-nhã từ đây hằng mất, hạt giống Bồ-đề không thể nảy mầm.
Chỉ đừng khởi tâm như quỷ giữ thây ma, giữ qua giữ lại, khối nghi bỗng nhiên nổ một tiếng kinh thiên động địa.
Tôi 15 tuổi xuất gia, hai mươi tuổi được đắp y, đến Tịnh Từ lập nguyện bốn năm liều chết học thiền.
Một hôm vào cửa, ngài hỏi:
“Ai cùng ông kéo tử thi đến?”
Thùy dữ nê đà giá tử thi lai?
Tiếng chưa dứt, ngài liền đi ra. Sau đến Kính Sơn, vừa vào thiền đường, tôi như trong mộng chợt nhớ câu “Muôn pháp về một, một về chỗ nào?” Từ đây nghi tình phát hiện, không còn phân biệt đông tây nam bắc. Ngày thứ 6 ở đây, theo chúng lên gác tụng kinh, vừa ngước đầu nhìn lên chợt thấy bài Chân Tán của Ngũ Tổ Diễn hòa thượng, hai câu sau:
NGHĨA
Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày,
Gắng công suy xét nguyên lai là gì.
ÂM
Bách niên tam vạn lục thiên triêu,
Phản phúc nguyên lai thị giá hán.
Câu “kéo tử thi…” ngày trước, bỗng nhiên thấu triệt, liền hồn phi đảm tán, chặp sau tỉnh lại, khác nào người buông gánh nặng 120 cân. Khi đó tôi được 24 tuổi.
Mãn nguyện 3 năm, sau bị Hòa thượng hỏi: “Những ngày này tu tập đã làm chủ được chưa?” Tôi thưa: “Đã làm chủ”. Ngài lại hỏi: “Trong khi ngủ nằm mộng có làm chủ được không?“. Tôi thưa: “Làm chủ được”. Ngài lại hỏi: “Khi ngủ mê không mộng chủ ở chỗ nào?“. Câu hỏi này không có lời để đáp, không có lý lẽ trình bày.
Hòa thượng dạy:
Từ nay ông không cần học Phật pháp cùng cổ tột kim, chỉ cần đói thì ăn, mệt thì ngủ, ngủ vừa thức dậy chấn chỉnh tinh thần, tự hỏi cái ta thức này CHỦ NHÂN rốt ráo tại chỗ nào? An thân lập mạng, tự thệ một đời ngây ngốc (ngu si), quyết định phải thấy rõ ràng CÁI ẤY.
Trải qua 5 năm, một hôm đang ngủ chợt thức giấc, vẫn ôm lòng hoài nghi việc này, bỗng một đạo hữu cùng ngủ đẩy rớt cái gối xuống đất, động một tiếng, ngẫu nhiên tan vỡ khối nghi, như chim thoát khỏi lưới. Bao nhiêu công án của Phật tổ, những nhân duyên sai biệt nay đều thấu đạt. Từ đây, nhà yên nước thịnh, thiên hạ thái bình, nhất niệm vô vi, 10 phương đều dứt.
Tác phẩm
📖
Thông tin khác