Type something to search...

[Thiền sư] Ngưu Đầu Pháp Dung

  • 10 Oct, 2024
Thiền sư Ngưu Đầu Pháp Dung - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Ngưu Đầu Pháp Dung (594-657) là vị Thiền sư Trung Hoa vào thế kỷ thứ bảy, tổ của Tông Ngưu Đầu Trung Quốc, người vùng Diên Lăng (延陵), Nhuận Châu (潤州), huyện Đan Dương, tỉnh Giang Tô, họ là Vi (韋). Ban đầu sư học về Nho Giáo, nghiên cứu hết thảy các kinh thư, tình cờ xem Kinh Bát Nhã, liền qui tín Phật Pháp.

Một hôm, Sư bỗng nhiên than rằng: “Sách đạo Nho ở đời, chẳng phải là pháp cứu cánh, chánh quán Bát Nhã là thuyền bè xuất thế”. Sau đó sư theo tham học và xuất gia với vị Pháp Sư Quỳnh Tam Luận Tông ở Mao Sơn (茅山, Tỉnh Giang Tô), trở thành Tăng sĩ năm 19 tuổi.

Trong một thời gian rất dài, không biết là bao lâu, sư đã tu học với một vị thầy khá có tiếng tăm thuộc phái Trung Quán và trụ tại Trường An hơn ba năm, cố gắng thuyết phục nhà Đường nới lỏng những hạn chế chống lại Phật giáo. Sư đã từng vào trong núi ngồi an nhiên trong vòng 20 năm, đến năm thứ 17 (643) niên hiệu Trinh Quán (貞觀), sư lập riêng 1 Thiền Thất ở Nham Hạ, phía bắc chùa U Thê (幽棲寺) thuộc Ngưu Đầu Sơn (牛頭山), ẩn tu thiền quán, tăng chúng các nơi đến tham học có hơn trăm người. Ðạo hạnh của Sư cảm hóa được cả thú rừng nên chúng đem hoa quả đến cúng dường.

Tổ Ðạo Tín (ở trên núi Phá Đầu) nhân lúc qua đây xem khí tượng biết trên núi (Ngưu Đầu) có bậc dị nhân, đích thân lên núi tìm Sư.

Tổ đích thân tìm đến hỏi thăm những vị tăng trong chùa (U Thê) rằng:

  • Ở đây có đạo nhơn chăng? Có vị tăng đáp:
  • Phàm là người xuất gia ai chẳng phải đạo nhơn? Tổ hỏi:
  • Cái gì là đạo nhơn? Tăng không đáp được.

Có vị tăng khác thưa:

  • Cách đây chừng mười dặm trong núi, có một vị lười biếng, thấy người chẳng đứng dậy chào, cũng không chấp tay, phải là đạo nhơn chăng?. Tổ liền vào núi, thấy Sư đang ngồi thiền trấn tỉnh tự như, mảy may không trói buộc, chẳng để ý đến ai. Tổ thấy thế bèn hỏi:
  • Ở đây làm gì?. Sư đáp:
  • Quán tâm. Tổ hỏi:
  • Ai quán, tâm là vật gì?. Sư không đáp được, bèn đứng dậy làm lễ thưa:
  • Đại đức an trụ nơi nào? Tổ đáp:
  • Bần tăng không chỗ nhất định, hoặc Đông hoặc Tây. Sư hỏi:
  • Ngài biết thiền sư Đạo Tín chăng? Tổ hỏi:
  • Vì sao hỏi ông ấy? Sư thưa:
  • Vì nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn đến lễ yết. Tổ bảo:
  • Thiền sư Đạo Tín là bần đạo đây. Sư hỏi:
  • Vì sao Ngài quang lâm đến đây? Tổ đáp:
  • Vì tìm đến thăm hỏi ngươi, lại có chỗ nào nghỉ ngơi chăng? Sư chỉ Tổ vào hang phía sau tạm nghỉ. Thấy thú dữ lăng xăng, Tổ ra vẻ sợ, Sư hỏi:
  • Ngài vẫn còn cái đó sao?. Tổ hỏi lại:
  • Cái đó là cái gì?. Sư không đáp được. Một lát sau, Tổ viết lên bàn tọa của Sư chữ “Phật” (佛). Sư trông thấy giật mình, Tổ hỏi:
  • Vẫn còn cái đó sao?. Sư nghe không hội bèn làm lễ cầu xin chỉ dạy. Tổ bèn dạy:
  • Phàm trăm ngàn pháp môn đồng về một tấc vuông. Diệu đức như hà sa thảy ở nơi nguồn tâm. Tất cả môn giới, định, huệ, thần thông biến hóa, cả thảy đều ở tâm ngươi… Không có tam giới có thể ra, không có Bồ-đề có thể cầu… Chỉ tâm ngươi tự tại, chớ khởi tham sân, chớ ôm lòng lo buồn, rỗng rang không ngại, mặc tính tung hoành, chẳng làm việc thiện, chẳng làm việc ác, đi đứng ngồi nằm, mắt thấy gặp duyên thảy đều là diệu dụng của Phật. Vì vui vẻ không lo buồn nên gọi là Phật. Sư hỏi:
  • Tâm đã đầy đủ, cái gì là Phật?. Cái gì là tâm?. Tổ đáp:
  • Chẳng phải tâm thì không hỏi Phật, hỏi Phật thì chính là tâm. Sư hỏi:
  • Ðã không khởi quán hạnh, khi gặp cảnh khởi tâm làm sao đối trị?. Tổ đáp:
  • Cảnh duyên không tốt xấu, tốt xấu khởi nơi tâm, nếu tâm chẳng theo danh, vọng tình từ đâu khởi?. Vọng tình đã chẳng khởi, chân tâm mặc tình biết khắp. Ngươi chỉ tùy tâm tự tại, chẳng cầu đối trị, tức gọi là Pháp thân thường trụ, không đổi thay, ta nhận pháp môn đốn giáo của tổ Tăng Xán, nay trao lại cho ngươi. Nay ngươi nhận kỹ lời ta, chỉ ở núi này, về sau có năm vị thông suốt đến nối tiếp ngươi giáo hóa. Sư nhân đây đốn ngộ. Tổ truyền trao pháp xong, bèn trở lại Song Phong trọn đời. Sư trụ trì tại Ngưu Ðầu sơn, học chúng đến rất đông, sư trình bày cho họ nghe về Phật Pháp theo lối hiểu của mình. Người đời gọi thiền pháp ấy là “Ngưu Đầu Thiền”. Sư dùng núi này làm trung tâm của pháp hệ, gọi là tông Ngưu Đầu, truyền đến ngài Tuệ Trung thì ngưng, được tất cả 6 đời, gọi là Ngưu Đầu Lục Tổ, cực thịnh 1 thời, đến đời Tống về sau thì suy dần. Một nhà sư Nhật Bản tên Saichô đã đưa học thuyết nầy về Nhật, nhưng phái Ngưu Đầu không phát triển cả tại Trung Quốc lẫn Nhật Bản. Sau đó vài thế hệ thì tàn lụi. Pháp Dung là một trong những thiền sư sớm nhất của Trung Quốc. Là đệ tử của Tứ Tổ Đạo Tín; tuy nhiên sư không được kế thừa Pháp. Do đó phái của sư không được thừa nhận. Ngưu Đầu Thiền chịu ảnh hưởng của Tam Luận tông và Thiền Tông, chú ý vào không tịch. Thiền phong chú trọng ở chỗ vô tâm tuyệt quán, hoặc tuyệt quán vong thủ, rất giống với thiền pháp của Đạo Tín. Người đời sau cũng gọi sư là “Ngưu Đầu Sơn Tăng”, “Dung Đại Sư”, “Huệ Dung”. Năm Trinh Quán 21 (647), sư giảng Kinh Pháp Hoa ở Nham Hạ, cảm được trời mưa hoa báu. Khoảng niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (650-656) đồ chúng thiếu lương thực, Sư phải sang Đơn Dương hóa duyên, cách núi Ngưu Đầu đến tám mươi dặm, Sư đích thân mang một thạch tám đấu gạo, sáng đi chiều về để cúng dường ba trăm tăng, hai thời không thiếu. Đến năm thứ 3 (652) niên hiệu Vĩnh Huy (永 徽), có vị Quan Ấp Tể tên Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư đến chùa Kiến Sơ hoằng hóa. Thể theo lời thỉnh cầu, sư đến giảng Đại Phẩm Bát Nhã Kinh tại Kiến Sơ Tự (建初寺) ở Kiến Nghiệp (建業, Tỉnh Giang Tô) và cũng có được sự kỳ ứng,Sư giảng đến phẩm Diệt Tĩnh, mặt đất bỗng nhiên rúng động. Giảng xong, sư trở về núi.

Nhà Đường, niên hiệu Hiển Khánh năm đầu (656), Ấp Tể Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư xuống núi trụ trì chùa Kiến Sơ. Sư hết lời từ chối mà không được. Bất đắc dĩ, Sư gọi đệ tử thượng thủ là Trí Nham truyền trao pháp ấn và dặn dò tiếp nối truyền dạy tại núi này. Sư sắp xuống núi bảo chúng:

  • Ta không còn bước chân lại núi này. Lúc đó chim thú kêu buồn gần suốt tháng không dừng. Trước am có bốn cây ngô đồng, giữa tháng hè bỗng nhiên rụng lá. Sư thị tịch vào ngày 23 tháng giêng năm thứ 2 nhuận niên hiệu Hiển Khánh (顯 慶), hưởng thọ 64 tuổi, 41 tuổi hạ. Ngày 27 an táng ở núi Kê Lung, số người tiễn đưa Sư trên vạn người. Đệ tử nối pháp là sư Trí Nham.

Trước tác của sư để lại có Tuyệt Quán Luận (絶觀論) 1 quyển.

Ngữ lục

Bác Lăng Vương hỏi Sư:

Khi cảnh duyên sắc phát

Không nói duyên sắc khởi

Làm sao biết được duyên

Muốn dứt cái khởi ấy?

Sư đáp:

Cảnh sắc khi mới khởi,

Sắc cảnh tánh vẫn không,

Vốn không người biết duyên,

Tâm lượng cùng tri đồng.

Soi gốc phát chẳng phát,

Khi ấy khởi tự dứt,

Ôm tối sanh hiểu duyên,

Khi tâm duyên chẳng theo.

Chí như trước khi sanh,

Sắc tâm không nuôi dưỡng.

Từ không vốn vô niệm,

Tưởng thọ lời niệm sanh.

Khởi phát chưa từng khởi,

Đâu cầu Phật chỉ dạy.

Hỏi:

Nhắm mắt không thấy sắc

Cảnh lự lại thêm phiền

Sắc đã chẳng quan tâm

Cảnh từ chỗ nào phát?

Sư đáp:

Nhắm mắt không thấy sắc,

Trong tâm động lự nhiều,

Huyễn thức giả thành dụng,

Khởi danh trọn không lỗi.

Biết sắc chẳng liên quan tâm,

Tâm cũng chẳng liên quan người,

Tùy đi có tướng chuyển,

Chim bay thật trong không.

Hỏi:

Cảnh phát không chỗ nơi

Hiểu duyên rõ biết sanh.

Cảnh mất hiểu lại chuyển

Hiểu bèn biến làm cảnh.

Nếu dùng tâm kéo tâm

Lại thành biết bị biết.

Theo đó cùng nhau đi

Chẳng lìa mé sanh diệt?

Sư đáp:

Tâm sắc, trước, sau, giữa,

Thật không cảnh duyên khởi.

Một niệm tự ngừng mất,

Ai hay tính động tịnh,

Đây biết tự không biết.

Biết, biết duyên chẳng hội.

Nên tự kiểm bản hình,

Đâu cần cầu ngoại cảnh.

Cảnh trước không biến mất,

Niệm sau chẳng hiện ra,

Tìm trăng chấp bóng huyền,

Bàn dấu đuổi chim bay.

Muốn biết tâm bản tánh,

Lại như xem trong mộng.

Ví đó băng tháng sáu,

Nơi nơi đều giống nhau.

Trốn không trọn chẳng khỏi,

Tìm không lại chẳng thành.

Thử hỏi bóng trong gương,

Tâm từ chỗ nào sanh?

Hỏi:

Khi đều đặn dụng tâm

Làm sao được an ổn?

Sư đáp:

Khi đều đặn dụng tâm,

Đều đặn không tâm dụng.

Bàn quanh danh tướng nhọc,

Nói thẳng không mệt phiền.

Không tâm đều đặn dụng,

Thường dụng đều đặn không.

Nay nói chỗ không tâm,

Chẳng cùng có tâm khác.

Hỏi:

Người trí dẫn lời diệu

Cùng tâm phù hợp nhau

Lời cùng tâm đường khác

Hiệp thì trái vô cùng?

Sư đáp:

Phương tiện nói lời diệu,

Phá bệnh đạo Đại thừa.

Bàn chẳng quan bản tánh,

Lại từ không hóa tạo.

Vô niệm là chơn thường.

Trọn phải bặt đường tâm.

Lìa niệm tánh chẳng động,

Sanh diệt chẳng trái lầm.

Tiếng vang trong hang đã có tiếng,

Bóng gương hay ngó lại.

Hỏi:

Hành giả xét cảnh có

Vì hiểu biết cảnh mất.

Hiểu trước và hiểu sau

Cùng cảnh tâm có ba?

Sư đáp:

Cảnh dụng chẳng thể hiểu,

Hiểu rồi không nên nghĩ.

Vì hiểu biết cảnh mất,

Khi hiểu cảnh không khởi.

Hiểu trước và hiểu sau,

Cùng cảnh chậm có ba.

Hỏi:

Trụ định đều không chuyển

Sẽ là chánh Tam-muội

Các nghiệp không thể khéo

Chẳng biết vô minh tế Từ từ bước theo sau?

Sư đáp:

Lại nghe có người khác,

Rỗng chấp khởi tâm lượng.

Trong ba việc không thành,

Không chuyển còn hư vọng.

Tâm bị chánh thọ trói,

Vì muốn tịnh nghiệp chướng.

Tâm trần trong muôn một,

Không rõ nói vô minh.

Vi tế tập nhân khởi,

Từ từ danh tướng sanh.

Gió đến sóng mòi chuyển,

Muốn lặng nước lại yên.

Lại muốn nói tương lai,

Sợ rằng tâm sau kinh.

Vô niệm thú lớn rống,

Tánh không mưa đá rơi.

Tan tác cỏ úa diệt,

Ngang dọc chim bay rơi.

Năm đường tạp loạn định,

Bốn ma không tới lui.

Như lửa dữ thiêu đốt,

Tợ như kiếm bén chặt.

Hỏi rằng:

Nhờ hiểu biết vạn pháp

Vạn pháp xưa nay vậy

Nếu mượn tâm chiếu dụng

Chỉ được tâm chiếu dụng

Không phải việc trong tâm?

Sư đáp:

Nhờ hiểu biết vạn pháp,

Vạn pháp trọn không mượn.

Nếu mượn tâm chiếu dụng,

Nên không ở ngoài tâm.

Hỏi rằng:

Đi theo không lựa chọn

Tâm sáng không hiện tiền

Tâm lự lại mờ tối

Tại tâm dụng công hạnh

Trí chướng lại khó trừ?

Sư đáp:

Có đó không thể có,

Tìm đó không thể tìm.

Không lựa tức chơn chọn,

Được khỏi tối tâm sáng.

Lự là tâm mờ tối,

Còn tâm mượn công hạnh,

Sao luận trí chướng khó,

Phật phương tiện vì bệnh.

Hỏi rằng:

Chiết trung trong tin tức

Thật cũng khó an định.

Chẳng phải tự dụng hạnh

Khó này trọn khó thấy.

Sư đáp:

Vừa hợp (chiết trung) muốn tin tức,

Tin tức chẳng khó dễ.

Trước quán tâm ở tâm,

Kế tìm trí trong trí,

Thứ ba soi người tìm,

Thứ tư thông vô ký,

Thứ năm giải thoát danh,

Thứ sáu chơn ngụy bằng,

Thứ bảy biết gốc pháp,

Thứ tám từ vô vi,

Thứ chín mát mẻ khắp,

Thứ mười mây mưa phủ.

Tận cùng không hiểu kia,

Vô minh sanh bổn trí.

Bóng gương hiện ba nghiệp,

Người huyễn hóa bốn đường.

Chẳng trụ tận bờ không,

Nên trong không soi có,

Trong có chẳng ngoài không,

Chưa đi cùng có không.

Gọi đó là vừa hợp (chiết trung),

Vừa hợp chẳng có lời.

An định không chỗ an,

Dụng hạnh đâu thể quyết.

Hỏi rằng:

Riêng có một loại người

Khéo giải không vô tướng.

Nói định loạn đồng nhất

Lại trong không nói có.

Đồng chứng dụng thường lặng

Hiểu biết lặng thường dụng.

Dùng tâm hiểu chân lý

Lại nói dụng không dụng.

Trí tuệ nhiều phương tiện

Nói loạn cùng lý hợp.

Như như lễ tự như

Không do thức tâm hiểu.

Đã biết tâm hiểu sai

Tâm tâm lại mất hết.

Như vậy khó biết pháp

Kiếp kiếp không thể biết.

Cùng người dụng tâm này

Không thể giáo hóa pháp.

Sư đáp:

Riêng có người chứng không,

Lại như luận kệ trước,

Hành không giữ tịch diệt,

Kiến giải tạm thời đổi.

Hiểu chơn là tâm lượng,

Cuối cùng chưa rõ nguồn,

Lại nói dứt dụng tâm,

Nhiều trí nghi tương tợ.

Bởi do tánh không sáng,

Cầu không lại nhọc thôi,

Kiếp kiếp trụ thức tối,

Chấp tướng đều không biết.

Phóng quang liền động đất,

Ở đó mong làm gì?

Hỏi rằng:

Việc trước người khán tâm

Lại còn phiền não tế?

Sư đáp:

Khán tâm còn phiền tế,

Tâm huyễn đâu đợi khán,

Huống người không tâm huyễn,

Thong dong ở ngay miệng.

Hỏi rằng:

Xưa có cơ nghiệp lớn

Đường tâm trong sai lầm.

Hiểu được chướng vi tế

Tức rõ được mé chơn.

Tự chẳng phải thầy khéo

Không thể quyết lý này.

Con ngưỡng mong Đại sư,

Nay vì mở yếu môn (pháp môn tinh yếu).

Dẫn đường người dụng tâm,

Khiến không mất chánh đạo.

Sư đáp:

Pháp tánh cơ nghiệp xưa,

Mộng cảnh thành sai lầm,

Thật tướng thân vi tế,

Sắc tâm thường chẳng ngộ.

Chợt gặp kẻ hỗn độn,

Bi ai thương quần sanh,

Tạm bày hỏi nghi lớn,

Giữ lý trong thường sáng.

Đường sanh tử thấu suốt,

Tâm khen chê chẳng sợ,

Lão quê đáp rõ ràng,

Pháp tướng thẹn người xưa.

Nhờ phát thuốc quần sanh,

Lại như sắc tánh làm.

Cảnh ngữ

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts