Type something to search...

[Thiền sư] Bảo Phúc Thanh Khoát

  • 27 Sep, 2024
Thiền sư Bảo Phúc Thanh Khoát - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Bảo Phúc Thanh Khoát vốn là người Phúc Châu, nhỏ nhưng thông minh. Một hôm ngài cùng cha mẹ đến chùa Cổ Sơn Dũng Tuyền ở phía đông thành Phúc Châu thắp hương. Bấy giờ, trụ trì chùa Dũng Tuyền chính là Quốc sư Cổ Sơn Thần Yến. Vị lão Hòa thượng pháp tướng uy nghiêm, mọi người vốn không dám nhìn thẳng vào mặt ngài. Ngược lại, Thanh Khoát nhỏ mà cảm thấy thân thiện kì lạ, giống như trước đây đã từng nhiều năm theo hầu bên cạnh vị Hòa thượng này vậy. Thế là, ông ở lại Cổ Sơn, xuống tóc làm tăng.

Thiền tâm như đất trời nhàn nhã, năm tháng đạm bạc mà chân thật. Trong tiếng mõ vang vang, tiếng chuông nhẹ nhàng, Thanh Khoát đã trở thành một tỳ kheo trẻ tuổi. Sau khi thọ giới, ông đã có thể ra ngoài tham học rồi. Ông nghe nói dưới trướng của Đại sư bá Huyền Sa Sư Bị có một vị tăng kì lạ- Khế Như Am Chủ. Cảnh giới chứng ngộ của Khế Như rất sâu xa rộng lớn, cơ phong sắc sảo, nhưng không thâu nhận đồ chúng mở đạo tràng giảng pháp, thậm chí ngay cả một tiểu đồng làm thị giả cũng không giữ lại. Một người ẩn cư trên núi Tiểu Giới, đói ăn quả rừng, khát uống nước khe, lấy cỏ làm áo. Nơi ở của Khế Như càng đặc biệt lạ kì – một gốc cây sam lớn trong núi, năm tháng dài lâu, thân cây mục nát, lộ ra một lỗ hỏng lớn, Khế Như khoét cây mục làm cái hang vừa đủ để dung thân tạo thành cái am nhỏ ngồi thiền tu hành.

Thiền sư Thanh Khoát rủ một người bạn tốt - thượng tọa Xung Húc, cùng nhau vào trong núi Tiểu Giới, tham vấn Khế Như Am chủ.

Hai người họ, trước đây chưa từng gặp Khế Như, lại không biết ông ta đang ở đỉnh núi, khe rãnh hay trong gốc cây nào, liền tìm kiếm khắp trong núi vắng mênh mông hoang dã.

Họ gặp một người đang hái dẻ trong thung lũng, Thiền sư Thanh Khoát đến hỏi thăm người đó: “Xin hỏi, ông có biết am chủ Khế Như ở đâu không?”

Người hái dẻ không đáp mà hỏi lại: “Từ đâu đến?”

Thiền sư Thanh Khoát là người tham cứu tu thiền đã lâu, biết rõ đây là một câu hỏi dường như nhạt nhẽo, nhưng hàm chứa thiền cơ khôn cùng.

Vì Tổ sư thiền tông dẫn dắt thiền tăng, từng câu từng câu không xa rời điểm căn bản của tự tánh, cho nên, đây cũng là hỏi bạn sanh từ đâu đến, chết đi về đâu?

Ông muốn hỏi là chỗ “đến” đó, thế là, ông ta liền nhạy bén đáp: “Dưới núi đến”.

Câu này trả lời không nói rõ chỗ nào, mà nói dưới núi, cũng rất có ý nghĩa- cũng giống như đang dò xét người chủ phải chăng có đạo nhãn sáng suốt. Nếu không phải là hành giả hiểu thiền thì thật khó mà đối đáp cho xuôi. Thế nhưng người hái dẻ dường như là một người có kĩ năng xuất chúng: ngươi không thông báo nơi đến, liền tiếp tục khảo nghiệm: “Tại sao đến nơi này?”

Dưới sự khiêu khích của người hái dẻ, Thanh Khoát phát khởi cảm hứng thiền, tiếp tục đối đáp cơ phong với ông ta, hỏi lại đầy thiền ý: “Đây là đâu?”

Nghe lời này, người hái dẻ liền cười, chắp tay nói: “Thế còn không uống trà đi!”

Thanh Khoát và Xung Húc, hai vị thiền tăng mới tỉnh ngộ, người hái dẻ trước mắt đây chính là am chủ Khế Như. Ba người đi đến hang cây, uống trà, đàm luận thiền.

Trà núi thanh khiết, uống vào hơi say, cảm thấy như nước suối, như mây trắng, yên tĩnh chảy, nhẹ nhàng trôi; cao tăng luận đạo như tiên, hạc hót trên tầng mây, như bảy sắc cầu vòng nhảy múa trên nền trời, khiến người ngây ngất, như mê như say. Thiền sư Thanh Khoát và thượng tọa Xung Húc ngồi hai bên trái phải, không hay không biết đã đến đầu đêm. Trong lúc vô ý Thanh Khoát nháy mắt nhìn ra bên ngoài, trời ạ, chỉ thấy bên ngoài sài, lang, hổ, báo lũ lượt đi đến trước am, hoặc nhẹ nhàng đi quanh cây lớn một vòng, hoặc tự tại nằm trên đất, tự nhiên mà thuần phục. Nên Thiền sư Thanh Khoát làm một bài thơ phú khen rằng:

Làm không bằng không làm, ai biết sự ở đi.

Bữa ăn như chưa no, nhà nhà không nhờ vả.

Không đạo nên khó phục, tay không chớ tranh giành,

Rồng hét mây nổi dậy, hai ba tiếng tiêu nhàn.

Hành bất đẳng nhàn hành, thùy tri khứ trú tình.

Nhất xan do vị bảo, vạn hộ vật liêu sinh.

Phi đạo ưng nan phục, không quyền mạc dự tranh.

Long ngâm vân khởi xứ, nhàn tiêu lưỡng tam thanh.)

Thanh Khoát và Xung Húc hai người cảm thấy hang cây của am chủ Khế Như cũng rất nhỏ bé chật hẹp liền làm một ngôi am cỏ tại núi Đại Chương, mời Ngài đến ở. Dưới sự chỉ giáo của Khế Như, mặc dầu thiền sư Thanh Khoát có chỗ sở đắc nhưng trong lòng luôn cảm thấy có sự ngưng trệ, giống như xem hoa trong sương, ngắm trăng trong nước, mơ mơ hồ hồ, mông lung mờ mịt,không rõ ràng xác thực; lại thấy toàn thân như bôi một lớp keo, dính chặt như hồ, không nhanh nhẹn, không thoải mái, thật khiến cho người ta phiền muộn.

Thế là, ông ta chạy đến núi Thụy Long ở Chương Châu tham bái thiền sư Đạo Phổ.

Thụy Long Đạo Phổ là học trò giỏi của Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn, đạo nhãn sáng suốt, thấu suốt trời đất.

Ông hỏi Thanh Khoát: “Người đã từng bái kiến cao tăng nơi nào? Đã khai ngộ chưa?”

Thiền sư Thanh Khoát nói: “Tôi đã từng tham vấn với am chủ Khế NhưĐại Chương, được một chỗ tin tưởng”.

Thiền sư Thụy Long cười ha hả, ông cười gì vậy? Đại Chương Khế Như là cháu của ông, năm đó, vị tăng kì dị này sau khi ngộ đạo dưới trướng của sư huynh ông – Huyền Sa Sư Bị, đi đến một mình.

Huyền Sa Sư Bị đã huyền kí rằng: “Sự giác ngộ về thiền của ngươi đặc biệt hơn người, cơ phong của ngươi huyền diệu tuyệt vời, nhưng ngươi ngay cả một người kế thừa cũng không có.

Sở dĩ sư huynh Huyền Sa nói như vậy chính là vì Đại Chương Khế Như không khéo dạy dỗ thu nhận đệ tử”.

Không phải sao, ngay cả Thanh Khoát là một thiền tăng lanh lợi hiếm thấy như vậy, mà theo ông cả thời gian dài, ông cũng không có cách gì dẫn dắt người ta chứng ngô đạo thiền.

Thế thì, thiền sư Thụy Long lại có bí quyết cao minh gì chứ?

Thụy Long vâng lệnh duy na thỉnh hồng chung, triệu tập đại chúng vân tập tại pháp đường. Thiền sư Thụy Long như một con sư tử uy nghi ngồi lên pháp tòa rất cao, im lặng rất lâu, hàng trăm thiền tăng không dám cử động, lặng lẽ không một tiếng động. Nhưng mà, trong lòng họ lại đang hồi hộp: Lão hòa thượng muốn làm gì vậy?

Im lặng, im lặng rất lâu, không khí pháp đường giống như đang dần dần ngưng đọng, như kết thành một lớp băng trong suốt, mỗi một người dường như đều cảm thấy hơi thở càng lúc càng khó khăn…..

Bỗng nhiên, Thiền sư Thụy Long hét một tiếng lớn như long trời lở đất: “Thanh khoát, ra đây! bây giờ ngươi quay về đại chúng đốt hương nói chỗ ngộ của ngươi, lão tăng sẽ ấn chứng cho ngươi!”

Thiền sư Thanh Khoát đáng thương, thình lình bị điểm danh trong chúng, đồng thời còn phải đứng trước mặt hàng trăm thiền tăng giảng nói cảnh giới ngộ thiền, ông ngơ ngẩn một lúc, hoảng sợ đến ngây ngô, mờ mịt không biết gì! Chúng ta nên biết, ông hoàn toàn không hề chuẩn bị về tư tưởng! Nên hiểu, ông chưa từng được triệt ngộ! Nên rõ ràng rằng, hiện tại ông không có lời nào đáng nói!

“Thanh Khoát, ra đây!”

Đây không phải là thúc giục sao? Trong tâm Thanh Khoát trống rỗng, cảm thấy như mình bị lột hết quần áo, trần trụi , sạch sành sanh, không còn một mảnh vải che thân, bị phơi bày trước mặt đại chúng!

“Thanh Khoát, nói!”

Ông muốn tôi nói gì? Thanh Khoát giống như con chó bị dồn vào góc tường, đi đến ngõ cụt, kỳ diệu thay, lúc ông bị bức ép ngẩng đầu trước đại chúng, ông ta thật giống con chó vội vã nhảy qua bức tường, bỗng nhiên nhảy qua được chướng ngại, hoát nhiên triệt ngộ!

Thiền sư Chương Châu Thụy Long rất vui mừng, gật gật đầu, khẳng định, khen ngợi!

Đây là chỗ cao minh của Tổ sư thiền tông: không khởi, không phát, không bức bách thì không ngộ; chó chạy vào tường, con người trong lúc cấp bách phát sanh trí tuệ, người bị ép vào cảnh cùng tuyệt thì sẽ mở ra con đường mới, có chết mới có sanh ra! Mỗi người chúng ta, hầu như đều trải qua cảnh cấp bách sanh trí tuệ này, trong khó khăn liền đốn ngộ. Chẳng qua cái hành giả phát sanh đó là trí bồ đề, điều chứng ngộ là chân đế của vũ trụ nhân sanh.

Ngữ lục

Cảnh ngữ

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts