Type something to search...

Ngọc Tuyền Thần Tú

  • 17 Sep, 2024

Hành Trạng

I - Thân Thế Và Hành Trạng

  • Tên: Thần Tú, 神秀, Chang Shuo (C), Jinshū (J), Shenxiu (C), Shen-Hsiu (C), 605/606-706)
  • Cũng được gọi là Ngọc Tuyền Thần Tú, vị Thiền tăng sống dưới thời nhà Đường, người vùng Úy Dân (尉民), Biện Châu (汴州, phía Nam Khai Phong, Hà Nam), họ Lý (李), thân cao 8 thước, mắt rộng mày dài, có đức tướng uy nghiêm, lúc nhỏ đã đọc các kinh sử, học rộng nghe nhiều, nhưng chán sớm trần thế.

Sau sư xuống tóc thọ pháp (năm 46 tuổi), tìm thầy học đạo, đến Song Phong Tự (雙 峰 寺) ở Kì Châu (蘄 州) tham yết Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (弘 忍), thề nguyện chịu đựng tất cả khổ nhọc chỉ một lòng cầu đạo mà thôi. Nhờ đức nhẫn thụy ấy (làm tạp dịch 6 năm như bửa củi, gánh nước v. v… ), trong chúng ai cũng kính phục và trở thành đứng đầu trong chúng môn hạ của Ngũ Tổ.

Tổ Hoằng Nhẫn cũng rất coi trọng, thường nói “pháp Đông Sơn đều thuộc về Tú”. Được tôn làm Thượng tọa, giữ chức “Giáo thọ sư”, cho nên có tên gọi Thượng Tọa Thần Tú. Sư cũng có quan hệ thân thiện với Đại Giám Huệ Năng (大鑒慧能).

  1. Ngày nay Huệ Năng là vị thầy Thiền sau cùng được xem là một vị tổ, nhưng danh hiệu này không phải là không bị thách thức tranh cãi. Trong bia văn của Thần Tú, thì sư này cũng được nhận biết như là người kế vị Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và là Lục Tổ. Sau khi ngũ tổ thị tịch, hai trường phái được hai vị thành lập, dòng thiền phương bắc và dòng thiền phương nam. Thần Tú đã truyền bá thiền về phương bắc và được biết đến như Tiệm Giáo (dòng thiền vẫn còn mang đậm sắc thái Ấn Ðộ với bộ kinh) và chủ yếu dựa vào học thuyết của kinh Lăng Già; dù được Hoàng Triều nức lòng bảo trợ vẫn không tồn tại được bao lâu, chẳng bao lâu sau thì dòng thiền phương bắc tàn rụi, và được thay thế bởi dòng thiền của Lục tổ Huệ Năng được biết với tên dòng Thiền Trung Hoa.

Trái lại với Huệ Năng, người được phác họa như là một kẻ tiều phu không biết chữ, Thần Tú là một học giả trước khi bước vào truyền thống Thiền. Mặc dầu Thần Tú thọ giới làm Tăng ở tuổi hai mươi, nhưng mãi đến năm năm mươi tuổi thì Sư mới đến với Hoằng Nhẫn. Thần Tú tự nổi bật nhờ vào kiến thức Khổng Lão cũng như sự hiểu biết rộng rãi về Phật giáo, nên Sư đã nhanh chóng trở thành vị Tăng thủ tòa khi vào với chúng Hoằng Nhẫn.

Theo truyền thuyết, Sư thua cuộc trong việc chọn người nối pháp của Hoằng Nhẫn và Huệ Năng được truyền y bát. Sau khi Ngũ Tổ truyền y bát cho Lục Tổ Tuệ Năng và bảo đi về phương Nam hoằng hóa, thì ngài Thần Tú vẫn ở tại chùa Đông-sơn để hầu cận Ngũ Tổ.

  1. Vào tháng 10 năm thứ 2 (675) niên hiệu Thượng Nguyên (上 元) đời vua Cao Tông nhà Đường, khi Hoằng Nhẫn viên tịch, Thần Tú rời Chùa Hoàng Mai để chu du khắp xứ trong hai chục năm liền, nhiều vị đệ tử của Hoằng Nhẫn đã tìm theo và chấp nhận Thần Tú như là người nối pháp hợp pháp của Ngũ Tổ. Thần Tú đã truyền bá thiền về một vùng rộng lớn ở phương bắc vì hầu hết sư hoạt động ở vùng Lạc Dương và Trường An, Sư chủ trương “Tọa thiền tập định”, “Trụ tâm quán tịnh”. Trong khi dòng Thiền của Huệ Năng được gọi là Nam Tông. Khi sư chuyển đến Đương Dương Sơn (當 陽 山) ở Giang Lăng (江 陵) giáo hóa, chúng đạo tục quy tụ về rất đông, từ đó đạo phong và tiếng tăm của sư càng vang xa. Sau khi Ngũ Tổ thị tịch, chính dòng thiền của Lục Tổ Huệ Năng đã nẩy sanh ra các dòng Lâm Tế,Tào Động, Vân Môn, Quy Ngưỡng, Pháp Nhãn..vv…. Thật tình mà nói, vào lúc sinh thời, có lẽ Thần Tú và Huệ Năng chưa bao giờ xem nhau như là hai đối thủ, mà chỉ coi nhau như hai người bạn đạo.

  2. Sở dĩ thời đó Thần Tú được biết đến như là người kế vị chính thức của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cho đến giữa thế kỷ thứ VIII vì sư có những liên hệ tuyệt vời với triều đình. Lúc tuổi hơn 90, Tắc Thiên Võ Hậu (則天武后) nghe tiếng của sư, cho triệu vào cung nội, Tắc Thiên đích thân đến quỳ lễ đón, cho xây dựng ở Đương Dương Sơn ngôi Độ Môn Tự (度門寺). Đến khi vua Trung Tông lên ngôi, vua lại càng trọng hậu sư, Đại sư được tôn là Pháp chủ lưỡng kinh (Trường An, Lạc Dương), được ban hiệu “Tam Đế Quốc Sư”. Và vị quan Trung Thư Lệnh Trương Thuyết (張 説) cũng lấy lễ bái sư làm thầy. Đại sư Thần Tú rất là khiêm tốn, tâm lượng quảng đại, nói với Tắc Thiên là Huệ Năng ở phương nam là người được truyền y bát, chính sư cũng đã từng tâu lên Võ Hậu cho triệu thỉnh Huệ Năng, nhưng Huệ Năng cố từ, trả lời rằng sư đã có duyên với Lãnh Nam (嶺 南) rồi, nên không đến Đại Dữu Lãnh (大庾 嶺) nữa, từ đó trong Thiền môn có câu “Nam Năng Bắc Tú (南能北秀, phía Nam có Huệ Năng, phía Bắc có Thần Tú)”. Sư thị tịch vào tháng 2 năm thứ 2 niên hiệu Thần Long (神龍) tại Thiên Cung Tự (天宮寺) ở Lạc Dương (洛陽), hưởng thọ 102 tuổi (bảy năm trước Huệ Năng). Sư được ban cho sắc hiệu là Đại Thông Thiền Sư (大通禪師), là người được nhận thụy hiệu Thiền sư sớm nhất (vị thiền sư đầu tiên được triều đình sắc phong). Chính một vị quan lại của triều đình đã khắc bia tại mộ cho Thần Tú. Giáo pháp của sư hưng thạnh một dãy Trường An (長 安), Lạc Dương (洛 陽). Thiền phong của sư chủ yếu là tiệm ngộ, trái ngược với chủ trương đốn ngộ của Huệ Năng bên Nam Tông Thiền. Môn nhân Đạo Tuyền (道璿) của sư là người đến Nhật Bản sớm nhất, cho nên những Thiền tăng thời kỳ đầu của Nhật đều thuộc hệ thống nầy. Pháp tử của sư có Tung Sơn Huệ Tịch (嵩山慧寂), Kinh Triệu Nghĩa Phước (京兆 義福),Nghĩa Phúc, Kính Hiền, Phổ Tịch, Huệ Minh. v. v…Thế nhưng dòng Thiền của Sư chỉ truyền được vài đời rồi suy.

---o0o---

Ngọc Tuyền Tự

Nhất Thống chí ghi: Ngọc Tuyền Tự ở phía tây cách huyện Đương Dương, Kinh Châu 30 dặm, kiến lập vào năm Đại Nghiệp nhà Tùy. Thanh Khê sơn ở huyện Nam Chương, núi này cao vút, phía đông có suối. Tiềm Xác Cư Loại thư ghi: Núi Ngọc Tuyền, tại Đương Dương, suối có sắc trắng lóng lánh như ngọc, lại có tên Châu Tuyền. Phía nam suối có đạo tràng Thiên Thai của Đại sư Trí Giả. Chùa Ngọc Tuyền tại Đương Dương, vị trí tại núi Ngọc Tuyền trong thành phố Đương Dương, Hồ Bắc. Năm Tùy Khai Hoàng thứ ba (593) Đại sư Trí Khải phụng chiếu kiến lập chùa, tại đây tuyên giảng “Pháp Hoa Huyền Nghĩa”. Nhân thấy suối Trân Châu dưới núi nước trong xanh như châu ngọc, nên đổi tên là Ngọc Tuyền, Tấn vương Dương Kiên ban biển ngạch “Ngọc Tuyền Tự”. 594 Đại sư Trí Khải tại đây tuyên giảng “Ma Ha Chỉ Quán”. Đến đời Đường, niên hiệu Nghi Phụng thứ ba (678) Đại sư Thần Tú tại đây hoằng dương pháp thiền, Ngọc Tuyền Tự nổi danh trong thiên hạ. Về sau đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều có trùng tu.

---o0o---

Độ Môn Tự

Độ Môn tự nguyên là một biệt viện của Ngọc Tuyền tự, kiến lập vào thời Nam Bắc triều niên hiệu Đại Thông thứ hai (528), ban đầu tên là Độ Môn am. Lương Vũ Đế niên hiệu Đại Đồng thứ sáu (540) trùng tu, đời Đường Cao Tông khoảng niên hiệu Nghi Phụng (676…) đổi Am thành Chùa. Cổng chùa viện trên sườn núi, là “Cổ Độ Môn Tự”. Nơi đây có bia “Đại Thông Thiền Sư chí bi”. Thời Đại sư Thần Tú, rất đỉnh thạnh.

Bài thơ nói về Đại sư Thần Tú

Chẳng quản Nam Huệ Năng, Bắc Thần Tú ai cao ai thấp,
Chẳng quản lưỡng kinh pháp vương, quốc sư ba triều, công lớn công nhỏ.
Thần Tú lão tăng chỉ quản gương tâm cần phất thức!

Tướng mạo đường đường lão tăng năm mươi, Thần Tú gánh nước chẻ củi, vì pháp quên phiền.
Y bát Ngũ Tổ truyền cho Huệ Năng, chúng tăng chẳng phục, đuổi đến bên sông muốn giành y bát.
Thần Tú xa rời tranh chấp, nơi Ngọc Tuyền Tự ẩn dật khổ tu.
Năm tháng trôi qua, pháp phái Ngũ Tổ thiên cổ lưu danh.

Nhập kinh hoằng pháp, muôn người quy hướng,
Nhậm pháp vương lưỡng kinh, quốc sư ba triều.
Thiền sư bất động bất khởi, khiêm cung như xưa.
Tợ như đầm sâu nước rộng, chẳng sóng cả ba đào.
Nhất niệm tịnh tâm, tự tại giải thoát!

II - Thần Tú Và Thể Tâm

“Thể Tâm” hay cái tâm điểm nội tại nhất của tâm. Trong Thiền, thể của Tâm là cái không như chiếu diệu. Một Thiền gia đã ngộ không những chỉ biết cái phương diện chiếu diệu của ý thức, mà quan trọng hơn hết còn biết cả cái phương diện không của tâm. Chiếu diệu mà còn chấp trước bị Thiền khinh thị là “tử thủy”, còn chiếu diệu mà không chấp trước, hoặc cái Tính Không Chiếu Diệu thì được Thiền ca ngợi là “đại sinh mệnh”. Bài kệ mà Thần Tú viết để bày tỏ kiến thức về Thiền của mình lên cho Ngũ Tổ chứng tỏ Thần Tú chỉ biết cái phương diện chiếu diệu, chứ không biết cái không của tâm.

Khi cái “tâm như đài gương sáng” của sư đứng đối lại với cái “xưa nay không một vật” của Huệ Năng, nó trở nên vô vị một cách thảm thương đến nỗi nó làm sư thua trong cuộc tranh chức “Lục Tổ Thiền.” Câu “xưa nay không một vật” của Huệ Năng biểu thị hiển nhiên cái “Thể của Tâm” cũng như cái cốt tủy thâm sâu nhất của Thiền. Chính nhờ cái kiến thức sâu xa này mà Huệ Năng đã trở thành Lục Tổ Thiền Tông.

Hành giả tu Thiền nên luôn nhớ rằng cái ý thức chiếu diệu là một manh mối của tất cả những thực hiện nội tâm, bản chất và đặc tánh của nó vẫn là chấp trước. Ngộ của Phật giáo không đạt được bằng cách bám lấy hay bành trướng tự thức của chính mình. Trái lại, ngộ đạt được nhờ giết chết hay tiêu diệt bất cứ sự chấp trước nào vào cái ý thức chiếu diệu này; chỉ bằng cách vượt qua nó mà may ra chúng ta mới đạt đến được cái tâm điểm tận cùng của Tâm, cái “Không” hoàn toàn tự do, hoàn toàn vô tướng sáng tỏ. Cái tính Không chiếu diệu này, trống rỗng nhưng năng động, là “Thể” của Tâm. Thông thường, khi chúng ta đề cập đến “Thể”, chúng ta liên tưởng đến cái gì cụ thể có thể chất; và khi đề cập đến chữ “Không”, thì chúng ta lại tự động liên tưởng đến hình ảnh về một thứ “hư không” chết cứng và tĩnh tọa. Cả hai khái niệm này đều không đúng với ý nghĩa của “Thể” và “Không” theo quan điểm nhà Thiền.

III - Sự Khác Biệt Về Giáo Pháp Của Thần Tú Và Huệ Năng

Sự bất đồng giữa giáo thuyết về Thiền của Thần Tú và Huệ Năng ở chỗ Thần Tú chủ trương trước phải tập định rồi sau mới phát huệ (Thời thời thường phất thức, Vật xử nhạ trần ai).

Nhưng theo chủ trương của Huệ Năng thì Định và Huệ có mặt đồng thời. Định và Huệ chỉ là một vì theo kinh Niết Bàn nếu thừa Định mà thiếu Huệ ấy là thêm vô minh, khi thừa Huệ mà thiếu Định ấy là thêm tà kiến. Nhưng khi Định Huệ bằng nhau, người ta có thể nói là thấy trong Phật Tánh.

Chính vì vậy mà trong các bài pháp, Huệ Năng luôn chứng minh quan niệm nhất thể giữa Định và Huệ của mình:

“Này các bạn hữu, cái căn bản trong pháp của tôi là Định và Huệ.
Các bạn chớ để bị mê hoặc mà tin rằng có thể tách rời Định với Huệ.
Chúng chỉ là 1, không phải 2.
Định là Thể của Huệ và Huệ là Dụng của Định. Khi các bạn quán Huệ thì thấy Định ở trong Huệ, khi các bạn quán Định thì thấy Huệ ở trong Định.
Nếu hiểu được như thế, thì Định và Huệ luôn đi đôi trong tu tập.
Này các bạn đang tu tập, chớ nói trước phải có Định rồi Huệ mới phát, vì nói như thế là tách đôi chúng rồi.
Những người thấy như vậy khiến pháp có hai tướng, những người này miệng nói mà tâm không làm. Họ xem Định phân biệt với Huệ.
Như những người miệng và lòng hợp nhau, trong ngoài như một, xem Định và Huệ đồng nhau hay như một, những người này miệng nói tâm làm cùng lúc.”

Huệ Năng còn chứng minh thêm về quan niệm nhất thể này bằng cách nêu lên mối tương quan hiện hữu giữa ngọn đèn và ánh sáng của nó. Ngài nói:

"Giống như cái đèn và ánh sáng của nó. Khi có đèn thì sáng.
Đèn là thể của sáng và sáng là Dụng của đèn. Tên gọi khác nhau nhưng thể chỉ là một.
Nên hiểu mối tương quan giữa Định và Huệ cũng theo cách như vậy."

Chúng ta thấy quan niệm của Thần Hội (một đại đệ tử của Huệ Năng) về nhất thể trong quyển Pháp Ngữ của sư: “Ở đâu niệm chẳng khởi, trống không và vô tướng ngự trị, ở đó là chân Định.

Khi niệm không khởi, trống không, không tướng thích ứng với trần cảnh, khi ấy là chân Huệ. Ở đâu được như thế thì chúng ta thấy rằng Huệ, quán trong chính nó, là Dụng của Định, không có phân biệt, nó chính là Định. Khi người ta cố quán Định thì chẳng có Định.

Khi người ta cố quán Huệ, thì chẳng có Huệ. Tại sao vậy? Bởi vì tự tánh là chơn như, và chính đây là cái mà chúng ta nói Định Huệ nhất thể”.

---o0o---

Thiền Bắc Tông

北 宗 禪; C: běizōng-chán, Thiền Bắc Tông. Cũng gọi Bắc Thiền, Bắc Tông. Đối lại với “Nam Tông Thiền”.

ôn hạ của Ngũ Tổ Thiền Tông Hoằng Nhẫn có nhiều đệ tử ưu tú, nhưng Huệ Năng và Thần Tú vượt hẳn tất cả những đệ tử khác. Đại Thông Thần Tú, truyền pháp Thiền ở miền Bắc, cho nên gọi Bắc Tông. Hiểu được Thần Tú và giáo pháp của sư khiến chúng ta nhận định rõ ràng hơn về giáo pháp của Huệ Năng.

Nhưng không may, chúng ta có rất ít tài liệu và giáo pháp của Thần Tú, vì sự suy tàn của tông phái nầy kéo theo sự thất tán văn học của ngài.

Sau khi Ngũ Tổ nhập tịch, đây chính là thời điểm mà Thiền chia thành hai tông Nam và Bắc. Ngài Thần Tú dời đến núi Đương Dương ở Giang Lăng (Hồ Bắc), hết sức chủ trương thuyết Tiệm Ngộ, giáo thuyết của ngài thịnh hành ở miền bắc, như Trường An, Lạc Dương v.v…

Ngày nay chỉ còn lưu lại thủ bản “Bắc Tông Ngũ Đạo,” không hoàn chỉnh, cũng không phải do chính Thần Tú viết, cốt yếu viết lại những yếu chỉ do môn đệ của Thần Tú nắm được với sự tham khảo ý kiến của thầy họ. Ở đây chữ “Đạo” hay “Đường” hay “Phương tiện” trong tiếng Phạn, không được dùng theo một nghĩa đặc biệt nào, năm đường là năm cách quy kết giáo pháp của Bắc Tông với kinh điển Đại Thừa. Bắc Tông dạy rằng tất cả chúng sanh đều có tính Bồ Đề, giống như bản tánh của cái gương phản chiếu ánh sáng. Khi phiền não dấy lên, gương không thấy được, giống như bị bụi phủ. Theo lời dạy của Thần Tú là phải chế ngự và diệt được vọng niệm thì chúng sẽ ngừng tác động. Khi ấy tâm nhân được sự chiếu sáng của tự tánh không còn bị che mờ nữa. Đây giống như người ta lau cái guơng. Khi không còn bụi, gương chiếu sáng và không còn gì ngoài ánh sáng của nó. Thần Tú đã viết rõ trong bài kệ trình Tổ như sau:

“Thân thị Bồ Đề thọ
Tâm như minh cảnh đài
Thời thời thường phất thức
Vật sử nhạ trần ai.”

(Thân là cây Bồ Đề,
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn siêng lau chùi
Chớ để bụi trần bám).

Thiền Bắc Tông coi việc nghiên cứu và đi sâu về mặt trí tuệ vào các kinh điển thiêng liêng, nhất là kinh Lăng Già có tầm quan trọng rất lớn; nó dạy rằng chỉ có thể đạt tới đại giác ‘một cách tuần tự’ hay tiệm ngộ, sau những bước tiến chậm chạp trên con đường thực hành thiền định. Như những đề nghị trong bài kệ của Thần Tú, Sư thấy sự giác ngộ như là thứ gì đó đạt được một cách từ từ, có thể sánh với tiến trình của việc đánh bóng bề mặt của một miếng kim loại để cho nó từ từ phản chiếu một hình ảnh rõ ràng và sắc xảo hơn. Về mặt khác thì trường phái của Huệ Năng nhấn mạnh rằng sự giác ngộ chân thật cần thiết phải xảy đến một cách bất thần và tức thì. Mặc dầu sinh hoạt có thể dẫn đến kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm đó phải đến ngay tức thì. Trường phái Nam Tông có thể so sánh với tiến trình đập nát bức rào cản bằng đá. Trong khi việc làm này cũng có thể tốn mất một khoảng thời gian dài, nhưng một khi bức cản ấy bị phá vỡ, toàn cảnh phía bên kia có thấy thấy được tức thì. Thiền Nam tông khẳng định tính ‘bất thần’ (đốn ngộ) của thể nghiệm đại giác và tính hơn hẳn của việc hiểu bản tính thật một cách tức thì so với mọi tranh biện trí tuệ bằng những luận cứ duy lý. Thái độ của Thần Tú và các môn đệ của ngài tất nhiên dẫn đến phương pháp tĩnh tọa. Họ dạy cách nhập định qua sự tập trung và làm sạch tâm bằng cách trụ nó trên một ý niệm duy nhất. Họ còn tuyên bố rằng nếu khởi sự niệm quán chiếu ngoại cảnh thì sự diệt niệm sẽ cho phép nhận thức nội giới. Và bởi vì sự nhấn mạnh lên việc “đánh bóng” từ từ, trường phái Bắc Tông của Thần Tú chẳng những cổ võ cho những thời thiền tập kéo dài, mà cũng cổ võ cho những sinh hoạt nghiên cứu cũng như tụng đọc kinh điển, điều mà trường phái Nam Tông không đánh giá cao. Mặc dầu cả Bắc và Nam Tông đều tập trung vào thiền tập, nhưng Nam Tông cũng công nhận rằng kinh nghiệm giác ngộ có thể đạt được trong khi sinh hoạt thường nhật cũng như Huệ Năng đã đạt được như khi đang chẻ củi hay lúc đang đi kéo củi trên rừng.

Còn ở phương nam thì Lục Tổ Tuệ Năng thuyết pháp giáo hóa ở núi Tào Khê thuộc Thiều Châu (Quảng Đông), chủ trương tư tưởng Đốn Ngộ, phát triển thành Thiền nam tông. Từ đó, lịch sử Thiền Tông Trung Quốc mới có tên gọi Nam Tông, Bắc Tông, Nam Đốn, Bắc Tiệm.

Nhưng, tên gọi “Bắc Tông” không phải phái ngài Thần Tú tự xưng, mà là do ngài Thần Hội, đệ tử của Lục Tổ Tuệ Năng, gán cho. Thần Hội tự cho tông mình là pháp hệ chính thống của Thiền Tông, tự gọi tông mình là Nam Tông, coi pháp môn tiệm ngộ lưu truyền ở miền Bắc là thấp kém, mới dùng từ “Bắc Tông” để gọi, hàm ý chê bai, miệt thị.

Những người được ngài Thần Tú phó chúc gồm bốn vị Phổ Tịch, Kính Hiền, Nghĩa Phúc và Ngọc Sơn Huệ Phúc. Dưới các triều Vũ Tắc Thiên, Trung Tông, Duệ Tông, ngài Thần Tú đều được tôn làm Quốc Sư. Ngài Phổ Tịch cũng được gọi là Quốc Sư của ba đời vua. Còn các ngài Nghĩa Phúc, Kính Hiền, Huệ phúc thì lấy Trường An, Lạc Dương làm trung tâm, làm rạng rỡ môn phong Bắc Tông. Đạo Tuyền là đệ tử của ngài Phổ Tịch, nhận lời mời của chư tăng Nhật Bản, sang Nhật hoằng pháp, là nhân vật trọng yếu đem pháp Thiền truyền vào Nhật Bản ở thời kì đầu. Tông này tuy đã từng thịnh hành ở miền Bắc, nhưng vì pháp nạn Hội Xương xẩy ra, Nam Tông hưng thịnh, và bị Thần Hội bài xích, do ba nguyên nhân ấy mà dần dần suy đồi, đến cuối đời Đường thì sự truyền thừa dứt tuyệt. Sách sử liên quan đến sự truyền thừa của tông phái này thì có Lăng Già Sư Tư Kí của Tịnh Giác, Truyền Pháp Bảo Kỉ do Đỗ Quật soạn.

Về giáo chỉ của tông này, Viên Giác Kinh Đại Sớ Sao quyển 3 phần dưới của ngài Tôn Mật nói (Vạn Tục 14, 277 thượng): “Đại sư Thần Tú là tổ khai sáng của tông này, các đệ tử Phổ Tịch v.v… mở rộng thêm. Chữ phất trần (phủi bụi), trong bài kệ chính của Thần Tú là: Thời thời tu phất thức, mạc khiển hữu trần ai (thường phải lau chùi luôn, chớ để nó dính bụi). Ý nói: chúng sinh sẵn có tính giác, cũng như gương có tính sáng; phiền não che lấp nó, như bụi phủ mờ gương. Dứt hết vọng niệm, thì bản tính tròn sáng, cũng như lau hết bụi thì gương sáng tỏ, không vật gì chẳng hiện ra”. Ngài Thần Tú từng soạn Luận Quán Tâm và đề xướng thuyết Ngũ Phương Tiện Môn, lấy đó làm pháp môn tu đạo theo thứ tự từng giai đoạn. Chính luận điểm này đã trở thành mục tiêu cho Thần Hội công kích Bắc Tông. Tuy nhiên, nếu đứng trên quan điểm tư tưởng sử của Thiền Tông mà nói, thì thuyết Quán Tâm của ngài Thần Tú thật đã kế thừa một cách trung thực pháp môn Đông Sơn của Tứ Tổ Đạo Tín và Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. [X. Thiền Môn Sư Tư Thừa Tập Đồ; Đại Thừa Vô Sinh Phương Tiện Môn; Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh; Trung Quốc Thiền Tông sử (Ấn Thuận); Thiền Tông Sử Nghiên Cứu (Vũ Tỉnh Bá Thọ)]. (xt. Thiền Tông).

Tags :
Share :

Related Posts