Type something to search...

[Thiền sư] Thanh Nguyên Hành Tư

  • 15 Dec, 2024
Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Thanh Nguyên Hành Tư ở núi Thanh Sơn Cát Châu, vốn người An Thành của châu này, họ lưu. Sư xuất gia từ thuở bé, mỗi khi đông người tụ tập đàm luận đạo Phật, thường lặng thinh chẳng nói lời nào. Về sau, nghe Tào Khê Huệ Năng mở rộng cửa Thiền, pháp tịch khá long thạnh, sư bèn đến tham lễ Tổ.

Hành Tư hỏi Lục Tổ Huệ Năng: Tu hành thế nào thì không bị rơi vào phân biệt ?

Lục Tổ hỏi vặn lại Sư: Ông từng tu hành thế nào ?

Hành Tư đáp: Tuy không theo tục đế, nhưng cũng không cầu tìm Thánh.

Tổ hỏi: Vậy thì ông rơi vào phân biệt gì ?

Hành Tư đáp: Thánh đế còn không tìm cầu thì còn có phân biệt gì ?

Do đó mà Lục Tổ đối với Hành Tư có bề rất kính trọng. Trong hội của Tổ, đồ chúng tuy đông, nhưng sư đứng hàng đầu, chẳng khác nào nhị Tổ Huệ Khả, tuy lặng thinh chẳng nói mà Tổ Đạt Ma ở Thiếu Lâm cho là được phần tủy của ngài.

Một hôm, Tổ nói với Hành Tư:

Từ sơ Tổ Đạt Ma ở Thiếu Lâm cho đến nay, y pháp truyền trao một lượt từ thầy cho trò qua mỗi đời. Y để biểu thị lòng tin, pháp để ấn tâm. Ta nay đã có người thừa truyền, còn lo gì thiếu lòng tin. Ta từ nhận y tới nay gặp rất nhiều nạn tai, huống hồ là đời sau, sự tranh giành càng thêm khốc liệt, cho nên y để dành trấn sơn môn. Ông nên nhận Tông chỉ, phân hóa một nơi, đừng để pháp ta đoạn tuyệt. Sư sau khi đắc pháp, bèn đến trụ chùa Tịnh Cư núi Thanh Nguyên Cát Châu.


Lúc Lục Tổ sắp thị diệt, có sa-di Hy Thiên (tức Hòa thượng Thạch Đầu sau này) hỏi: Sau khi Hòa thượng trăm năm, xin hỏi Hy Thiên này nương tựa vào ai ?

Tổ nói: Tầm tư thôi.

Sau khi Tổ qua đời, Hy Thiên thường ở nơi thanh vắng ngồi nghiêm, tịch lặng như quên đời sống (tầm tư).

Thủ tòa hỏi: Thầy ông đã mất, ngồi luống như thế mà làm gì ?

Hy Thiên đáp: Tôi theo lời thầy dạy mà tầm tư đây.

Thủ tòa nói: Ông có sư huynh là hòa thượng Hành Tư nay đang trụ ở Cát Châu. Ông có nhân duyên với ông ấy. Lời thầy nói thẳng tuột mà tại ông mê thôi.

Hy Thiên nghe lời ấy bèn lễ bái khám thờ Tổ, đến thẳng chùa Tịnh Cư. Sư Hành Tư hỏi: Ông từ đâu đến ?

Hy Thiên đáp: Từ Tào Khê.

Hành Tư hỏi: Từ Tào Khê đến có được vật gì đem theo?

Hy Thiên đáp: Vật mà tôi được từ Tào Khê thì trước khi đến Tào Khê cũng chưa từng thiếu.

Hành Tư nói: Nếu đã chưa từng thiếu thì ông đến Tào Khê mà làm gì ?

Hy Thiên đáp: Nếu không đến Tào Khê thì làm sao biết là chưa từng thiếu.

Hy Thiên lại hỏi: Đại sư Lục Tổ Tào Khê có còn nhận thức Hòa thượng không ?

Hành Tư hỏi lại: Ông nay còn nhận thức ta không?

Hy Thiên: Nhận thức thì như thế nào mà nhận thức được.

Qua đối đáp với Hy Thiên, Hành Tư không khỏi khen ngợi cơ phong mẫn tiệp của Thiên: “Thú có sừng tuy đông, nhưng chỉ một con kỳ lân là đủ!” (Chúng giác tuy nhiều, nhất lân là đủ)

Hy Thiên lại hỏi: Hòa thượng rời xa Tào Khê đã lâu chưa ?

Hành Tư: Ta cũng không biết ông rời Tào Khê từ lúc nào đây.

Hy Thiên nói: Hy Thiên không từ Tào Khê đến.

Hành Tư nói: Ta không những biết ông từ đâu đến mà còn biết cả nơi ông sẽ về.

Đến đây Hy Thiên vội vàng ngăn lại thoại đầu nói: Hòa Thượng đúng là người trưởng thượng, xin đừng khinh suất; để Hành Tư khỏi thuyết phá mình.


Một ngày kia, Hành Tư lại dùng thoại đầu nữa mà hỏi rằng: Ông từ đâu đến ?

Hy Thiên đáp: Tào Khê.

Hành Tư bèn đưa cây xơ quất cầm trong tay lên nói: Tào Khê còn có thứ này sao ?

Hy Thiên nói: Chẳng riêng Tào Khê không có mà cả Tây thiên cũng không có.

Hành Tư nói: Ông phải chẳng đã đến Tây thiên rồi ư ?

Hy Thiên nói: Nếu đến Tây thiên thì tức có rồi vậy.

Hành Tư phê phán: Chẳng thông, xin nói lại đi.

Hy Thiên nói: Hòa thượng cũng nên khai thị đôi điều, đừng cứ ỷ lại vào kẻ học trò này.

Hành Tư nói: Ta không dám thế, ta chỉ sợ về sau không có người thừa nhận.


Hành Tư phái Hy Thiên mang một phong thư đến hòa thượng Nam Nhạc Hoài Nhượng, dặn dò: Ông đem thư trao tận tay Hòa thượng rồi chóng về đây, ta có một cây búa giao cho ông để khai sơn.

Hy Thiên đến chỗ Hoài Nhượng, chưa trao thư mà hỏi Hòa thượng: Không mộ các Thánh mà cũng không trọng linh mẫn của mình thì thế nào ?

Hoài Nhượng nói: Ông hỏi cao sâu quá, sao không hỏi cái gì nông cạn rõ ràng.

Hy Thiên nói: Thà chịu vĩnh kiếp luân hồi trong biển sanh tử chớ không ngưỡng mộ chư Thánh cùng tiên hiền chỉ thu thập được những giải pháp hư ảo.

Hoài Nhượng dừng thôi. Hy Thiên liền trở về chùa Tịnh Cư.

Hành Tư hỏi: Ông mới đi chưa lâu, thư đã trao xong chưa?

Hy Thiên nói: Tín không thông, thư không đạt.

Hành Tư hỏi: Có chuyện gì vậy?

Hy Thiên bèn đem chuyện đối đáp với Hoài Nhượng thuật lại một thôi, thuật xong hỏi Hành Tư: Lúc ra đi Hòa thượng có hứa cho cây búa, giờ xin trao cho vậy.

Hành Tư thòng một chân, Hy Thiên bèn bước đến lễ bái. Sau đó Hy Thiên từ biệt Hành Tư đến Nam Nhạc mở riêng đạo tràng.


Hà Trạch Thần Hội cũng đã từng đến chỗ Hành Tư tham Thiền.

Hành Tư cũng hỏi: Từ nơi nào đến ?

Thần Hội nói: Từ Tào Khê đến.

Hành Tư hỏi: Chỉ ý của Tào Khê như thế nào?

Thần Hội chỉ rương rướn người lên thay lời đáp.

Hành Tư nói: Thân người ông hình như mang đầy gạch ngói vậy.

Thần Hội nói: Hòa thượng nơi đây há có đầy vàng ròng cho con chăng ?

Hành Tư nói: Nếu có thì ông đem đến nơi nào mà cất?


Ngoài ra còn có tăng nhân đến hỏi: Thế nào là đại ý của Phật pháp?

Hành Tư đáp: Gạo ở Lư Lăng giá bao nhiêu vậy cà?

Hành Tư sau khi phó pháp cho Thạch Đầu Hy Thiên, vào ngày 13 tháng 12 năm Canh Thìn, nhằm năm thứ hai mươi tám, đời Đường Khai Nguyên (740) ngồi kiết già mà tịch. Vua Đường Đức Tông thụy ngài là Hoằng Tế Thiền Sư, tháp tên Qui Chân.

Ngữ lục

Cảnh ngữ

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts