Type something to search...

[Thiền sư] Đại Châu Huệ Hải

  • 21 Oct, 2024
Thiền sư Đại Châu Huệ Hải - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Đại Châu Huệ Hải (713? - 812?)

Ngữ lục

Sư thượng đường nói:

Chư vị may thay đều là người vô sự. Khổ tử tạo tác để rồi mang gông cùm mà vào địa ngục để làm gì chứ? Mỗi ngày từ sáng sớm đến khuya, chạy đôn chạy đáo bảo rằng: ‘Tôi tham Thiền, học đạo, lãnh hội Phật pháp’. Như thế đó thì hóa ra chẳng ăn nhập gì hết mà thôi. Đó chẳng qua là rượt đuổi thanh sắc mà chạy rong, chẳng có lúc nào ngơi nghỉ. Bần đạo đây nghe Hòa thượng Mã đại sư ở Giang Tây nói: ‘Bảo tàng nhà ông bất cứ món gì cũng đầy đủ sử dụng tự tại, chẳng cần cầu bên ngoài’. Ta đây từ đó nhất thời nghỉ ngơi, tài sản quí báu mang theo mình mà xài, có thể nói rất là vui sướng. Không có pháp nào để nắm. Không có pháp nào để buông. Không thấy tướng sanh diệt của một pháp nào. Không thấy tướng tới lui của bất cứ một pháp nào.

Khắp mười phương giới không có bất cứ một vi trần nào là không phải trân bảo của chính mình. Chỉ cần chính các vị quán sát tự tâm thì nhất thể tam bảo thường hiện tiền, chẳng có chi phải nghi lự. Đừng tìm tòi suy nghĩ, dừng tìm cầu. Ấy là do tâm tánh bổn lai thanh tịnh vậy. Kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Mọi pháp đều không sanh. Mọi pháp đều không diệt. Nếu hay nghĩ như thế, thì chư Phật thường hiện tiền’. Lại kinh Tịnh Danh nói: ‘Quán thật tướng của thân thế nào thì quán Phật cũng thế ấy’. Nếu không theo thanh sắc mà động niệm, nếu không rượt đuổi tướng mạo mà kiến giải, thì sẽ tự nhiên mà vô sự vậy. Xin chớ đứng lâu, tạm biệt nhé!


Hôm đó đại chúng phổ tập không chịu giải tán. Sư nói:

Các vị vì sao mà nán lại không chịu lui về. Bần đạo dùng phép giáp mặt mà trình bày, các vị có chịu thôi nghỉ chăng? Có chuyện gì nghi ngại, đừng dụng lầm tâm, uổng phí khí lực. Nếu có nghi tình gì thì mặc tình quí vị tự ý hỏi ngay.

Lúc đó, có tăng Pháp Uyên hỏi:

  • Thế nào là Phật? Thế nào là pháp? Thế nào là tăng? Thế nào là nhất thể tam bảo? Mong sư thùy thị.

Sư đáp:

Tâm là Phật. Không dùng tâm đem Phật cầu Phật ấy là pháp. Không dùng tâm đem pháp cầu pháp, Phật và pháp không sai biệt mà hòa hiệp ấy là tăng. Đó là nhất thể tam bảo vậy. Kinh nói: ‘Tâm, Phật và chúng sanh là ba thứ không sai biệt’. Nếu thân, miệng, ý thanh tịnh gọi là Phật xuất thế. Tam nghiệp không thanh tịnh gọi là Phật diệt độ. Ví như lúc sân giận thì không vui, lúc vui thì không sân giận, chẳng qua chỉ một tâm, thật không có hai thể. Bổn trí pháp nhĩ. Vô lậu hiện tiền. Như rắn biến thành rồng không thay đổi vảy vậy. Chúng sanh lúc làm Phật không thay đổi mặt mày. Tánh bổn thanh tịnh không đợi đến tu mới thành. Có chứng, có tu tức đồng với kẻ tăng thượng mạn. Chân không chẳng trệ ngại, ứng có vô cùng, vô thỉ vô chung. Kẻ căn khí lanh lợi ngộ ngay, dùng vô đẳng đẳng, tức là A Nậu Bồ-đề. Tâm không hình tướng, đó là Pháp thân vi diệu. Vô tướng tức Pháp thân vô thật tướng. Tánh tướng thể không tức là vô biên thân hư không. Vạn hạnh trang nghiêm, là Pháp thân công đức. Pháp thân đó là gốc của vạn hóa, tùy xứ mà lập tên, trí dùng vô tận, gọi tên là vô tận tạng. Còn hay sanh muôn pháp, gọi là tạng bốn pháp. Gồm đủ mọi trí, gọi là tạng trí tuệ. Muôn pháp quay về như, gọi là tạng Như Lai. Kinh nói: ‘Như Lai là như nghĩa của các pháp’.

Lại nói: ‘Thế gian nhất thiết pháp sanh diệt, chẳng có một pháp nào là chẳng quay về như cả’.

Lúc đó, có người hỏi rằng:

  • Đệ tử chưa biết Luật sư, Pháp sư và Thiền sư, ai là người tài giỏi hơn cả? Xin Hòa thượng từ bi chỉ thị.

Sư đáp:

Này, Luật sư khải pháp tạng Tỳ-ni, truyền di phong của thọ mệnh, trí phạm sâu mà đạt mở rộng hay siết chặt, nắm oai nghi để thi hành pháp tắc. Chép ghi ba phiên Yết-ma, làm bổn quả sơ nhân. Nếu không phải bậc đạo đức già cả trắng mày, há dám hời hợt nhận trách nhiệm ru? Còn Pháp sư ngồi xổm tòa sư tử, biện luận như thác đổ. Đối với đông người tháo gỡ ải huyền, mở rộng cửa diệu, không thí cả ba xe. Nếu không phải bậc chịu nổi tượng nòi giẫm đạp, thì làm sao mà dám đảm đương cương vị đó! Còn Thiền sư là bậc gom tóm cơ quan ách yếu, hiển thẳng nguồn tâm, nổi chìm cuốn mở, dọc ngang ứng vật, hàm quân sự lý, thấy ngay Như Lai, nhổ gốc sâu sanh tử, hoạch kiến tam-muội. Nếu không phải bậc an Thiền, tịnh lự, thì đến lúc đó sẽ mê mờ ngơ ngác. Tùy cơ mà trao pháp, tam học giới, định, tuệ tuy khác nhau, nhưng chỉ được ý quên lời, nhất thừa chẳng có chi khác nhau. Cho nên kinh có nói: ‘Trong mười phương Phật độ, duy chỉ có một thừa pháp không hai mà cũng không ba’. Chỉ trừ Phật phương tiện thuyết pháp, còn lại là giả danh tự để dẫn đạo chúng sanh!

Nói:

  • Hòa thượng đạt sâu chỉ ý của Phật, được trình độ biện thuyết vô ngại.

Tọa chủ Đạo Quang là người giảng duy thức hỏi:

  • Thiền sư dùng tâm gì tu đạo?

Sư đáp:

  • Lão tăng không có tâm khả dụng, không có đạo khả tu.

Hỏi:

  • Nếu đã không tâm khả dụng, không đạo khả tu, thì tại sao mỗi ngày tựu chúng khuyên người học Thiền, tu đạo?

Sư nói:

  • Lão tăng còn không có một miếng đất cắm dùi thì lấy đâu chỗ nơi để mà tựu chúng! Lão tăng không có lưỡi thì có từng khuyên ai bao giờ?.

Quang nói:

  • Thiền sư giáp mặt mà vọng ngữ.

Sư nói:

  • Lão tăng còn không có lưỡi để khuyên người thì làm sao biết vọng ngữ được.

Nói:

  • Mỗ giáp đây không lãnh hội lời lẽ, nghị luận của Thiền sư rồi vậy.

Sư nói:

  • Lão tăng cũng tự mình không lãnh hội.

Tọa chủ Chí là người giảng kinh Hoa Nghiêm hỏi:

  • Thiền sư do đâu mà không đồng ý câu: ‘Xanh xanh trúc biếc đều là Pháp thân. Rờ rờ hoa vàng, chẳng không là Bát-nhã’?.

Sư đáp:

Pháp thân vô hình tượng, tương ưng với trúc biếc mà thành hình. Bát-nhã vô tri giác, đối đãi với hoa vàng mà hiển tướng. Chẳng phải bởi có trúc biếc, hoa vàng kia mà có Bát-nhã cùng Pháp thân vậy. Cho nên kinh nói: ‘Chân Pháp thân của Phật giống như hư không ứng vật hiện hình, như trăng trong nước’. Hoa vàng nếu là Bát-nhã thì Bát-nhã đồng với vô tình ru? Trúc biếc nếu là Pháp thân thì trúc biếc còn có thể ứng dụng. Tọa chủ có lãnh hội không?

Tọa chủ Chí nói:

  • Không liễu ngộ ý ấy.

Sư nói:

Đối với người kiến tánh thì nói đúng cũng được mà nói không đúng cũng được, tùy dụng mà nói thôi chớ chẳng trệ kẹt nơi phải, trái. Còn đối với người không kiến tánh hễ nói trúc biếc là chấp trước trúc biếc, nói hoa vàng thì chấp trước hoa vàng, nói Pháp thân trệ ngại Pháp thân, nói Bát-nhã chẳng liễu thức Bát-nhã, do đó mà đều thành ra tranh luận.

Tọa chủ Chí lễ tạ ra đi.


Có người hỏi:

  • Đem tâm tu hành thì đến bao giờ được giải thoát?

Sư nói:

  • Đem tâm tu hành chẳng khác nào trong bùn lỏng rửa bụi dơ. Huyền diệu của Bát-nhã bổn tự vô sanh. Đại dụng hiện tiền, chẳng kể thời tiết.

Hỏi:

  • Kẻ phàm phu có được như thế không?

Sư đáp:

Người kiến tánh thì không phàm phu, đốn ngộ thượng thừa, siêu phàm, vượt Thánh. Người mê luận phàm, luận Thánh, người ngộ vượt khỏi sanh tử, Niết-bàn. Người mê nói sự, nói lý, người ngộ đại dụng vô phương. Người mê cầu đắc, cầu chứng, kẻ ngộ không đắc, không cầu. Người mê nghĩ đến kiếp xưa đâu đâu, kẻ ngộ thấy ngay trước mặt.


Tọa chủ giảng kinh Duy Ma hỏi:

  • Kinh nói: ‘Nhóm sáu thầy của ngoại đạo là thầy của ngươi. Nhân xuất gia, các thầy kia đều bị đọa, ngươi cũng đọa theo. Cúng thí của họ cho ông không gọi là ruộng phước. Cúng dường cho ông đọa ba đường ác. Báng Phật, hủy pháp, không nhập vào số chúng, rốt cùng không được diệt độ. Ngươi được như thế mới có thể ăn’. Nay thỉnh Thiền sư giải thuyết cho rõ giùm.

Sư nói:

Mê theo lục căn gọi là lục sư. Ngoài tâm cầu Phật gọi là ngoại đạo. Có vật để bố thí không gọi là ruộng phước. Sanh lòng thọ cúng đọa ba đường ác. Ngươi nếu báng Phật thì không trước Phật. Cầu hủy nơi pháp là không trước pháp, cầu không vào trong hàng chúng, là không trước tăng cầu. Rốt lại không được diệt độ. Người trí dụng hiện tiền. Như kẻ nào hiểu biết được như thế thì được ăn cái vui của pháp, cái sướng của Thiền.


Có hành giả hỏi:

  • Có người hỏi Phật đáp Phật, hỏi pháp đáp pháp, gọi là pháp môn một chữ, không biết có phải thế không?

Sư nói:

Như con két học nói tiếng người thì tự nói không được, là bởi không có trí tuệ, chẳng khác nào đem nước rửa nước, đem lửa đốt lửa, đều chẳng có nghĩa lý gì cả!


Có người hỏi: Ngôn và ngữ giống hay là khác nhau?

Sư nói:

Này, một chữ gọi là ngôn, thành câu gọi là ngữ. Còn như người biện luận lanh lợi thao thao ví như dòng chảy của sông to. Tuấn cơ điệp điệp như đồ đựng tròn mà trút ngọc, cho nên Quách Tượng (1) mới hiệu là huyền hà, Xuân Anh gọi là nghĩa hải. Đó là ngữ vậy. Ngôn là một chữ biểu tâm, bên trong trước huyền vi, ngoài hiện diệu tướng vạn cơ, quậy khuấy mà không loạn, trong đục trộn lẫn mà thường phân biệt. Vua Tề đến đó còn thẹn lời của đại phu. Văn Thù đến đó còn khen câu nói của Tịnh Danh. Như người thường đời nay thì làm sao mà hiểu được.

  • (1): Quách Tượng người Hà Nam nước Tấn, say mê Lão, Trang, biện thuyết thao thao như thác đổ.

Luật sư Nguyên hỏi:

  • Thiền sư thường nói tâm ấy là Phật, không có chỗ nào khác. Nhưng Bồ-tát nhất địa phân thân thành trăm thế giới Phật. Hàng Bồ-tát nhị địa tăng lên gấp mười lần. Thiền sư thử hiện thần thông xem nào?

Sư nói:

  • Xà-lê tự mình là phàm hay là Thánh?

Đáp:

  • Là phàm.

Sư nói:

Nếu đã là tăng phàm tục thì sao có thể hỏi tới cảnh giới đó? Kinh nói: ‘Nhân giả trong tâm còn có cao thấp thì không thể y theo Phật huệ được’. Điều này là đúng vậy.

Lại hỏi:

  • Thiền sư thường nói: Nếu ngộ đạo thì thân hiện tiền liền giải thoát, không có nơi nào khác nữa.

Sư nói:

  • Có người một đời làm thiện, bỗng nhiên trộm vật giấu vào tay thì thân có phải là trộm cướp không?

Luật sư nói:

  • Thì biết đó là trộm rồi.

Sư nói:

  • Như nay kiến tánh mồn một tại sao lại không giải thoát chứ?

Luật sư nói:

  • Như nay thì không được mà phải đợi đến ba đại a-tăng-kỳ kiếp mới được.

Sư hỏi:

  • A-tăng-kỳ kiếp có thành số không?

Nguyên lớn tiếng nói:

  • Đem trộm so sánh với giải thoát, đạo lý có thông không vậy?

Sư nói:

  • Xà-lê tự mình không hiểu đạo, không thể ngăn cản người ta hiểu. Tự mắt mình không mở rồi giận hết mọi người nhìn thấy mọi vật!

Nguyên lộ vẻ giận bỏ đi nói:

  • Tuy già lão mà chẳng có đạo lý gì!

Sư nói:

  • Tức ra đi là do ông vậy.

Tọa chủ Tuệ là người giảng về Chỉ quán hỏi:

  • Thiền sư biện thuyết về ma (1) được không?
  • (1): Ma đây là tà ma, thiên ma v.v… theo quan điểm của người Hoa, chứ không phải hồn ma, ma cô theo kiểu nghĩa của người Việt mình.

Sư đáp:

  • Khởi tâm là thiên ma. Không khởi tâm là ấm ma. Hoặc khởi mà không khởi là phiền não ma. Trong chánh pháp của ta không có việc đó.

Nguyên lại hỏi:

  • Nhất tâm tam quán nghĩa ấy thế nào?

Sư đáp:

  • Tâm quá khứ đã là quá khứ, tâm vị lai chưa đến, tâm hiện tại vô trụ. Như vậy thì trong khoảng đó dùng tâm gì để mà khởi quán?

Nguyên nói:

  • Thiền sư không biết chỉ quán rồi.

Sư nói:

  • Vậy tọa chủ có biết không?

Nguyên nói:

  • Biết chớ.

Sư nói:

Như ngài đại sư Trí Giả thuyết chỉ phá chỉ, thuyết quán phá quán. Trụ chỉ chìm mất trong sanh tử, trụ quán tâm thần loạn. Vậy nên đem tâm quán tâm hay khởi tâm quán quán? Nếu có tâm để quán đó là pháp thường kiến. Nếu vô tâm quán đó là pháp đoạn kiến. Cũng có mà cũng không, thành ra pháp nhị kiến. Xin tọa chủ hãy cẩn thận mà nói xem.

Nguyên nói:

  • Nếu hỏi như thế thì không được đâu.

Sư nói:

  • Nếu vậy thì có Chỉ quán bao giờ.

Có người hỏi:

  • Bát-nhã lớn không?

Sư đáp:

  • Lớn.

Hỏi:

  • Lớn tới bao nhiêu lận?

Sư nói:

  • Lớn chẳng có ngằn mé.

Hỏi:

  • Bát-nhã nhỏ không?

Sư nói:

  • Nhỏ.

Hỏi:

  • Nhỏ tới cỡ nào?

Sư nói:

  • Nhỏ tới nhìn không thấy.

Hỏi:

  • Chỗ nào là Bát-nhã?

Sư đáp:

  • Chỗ nào mà không là Bát-nhã?

Tọa chủ giảng kinh Duy Ma hỏi:

  • Kinh nói: ‘Chư Bồ-tát đều vào pháp môn bất nhị. Ngài Duy Ma nín lặng’, đó có phải là cứu cánh không?

Sư đáp:

  • Đó không phải là Thánh ý rốt ráo. Nếu hết quyển thứ ba thì là nói cái gì?

Tọa chủ lặng yên hồi lâu nói:

  • Thỉnh Thiền sư nói cho ý chưa rốt ráo.

Sư nói:

Như quyển thứ nhất của kinh là dẫn chúng mười người đệ tử trụ tâm. Quyển thứ hai dẫn chư Bồ-tát đều nhập vào bất nhị pháp môn. Lấy lời mà hiển thị không lời. Văn Thù lấy không lời hiển thị nơi không lời. Duy Ma không dùng lời hay không lời, cho nên nín lặng thu lời lẽ lúc trước. Do đó mà quyển thứ ba từ nín lặng mà khởi lên nói năng. Lại hiển thị tác dụng của thần thông. Tọa chủ có lãnh hội không vậy?

Tọa chủ nói:

  • Sao kỳ quái như thế?

Sư nói:

  • Lại cũng chẳng phải như thế.

Hỏi:

  • Vì sao mà lại không như thế?

Sư nói:

Nên phá bỏ chấp tình mà nói như thế. Nếu theo ý kinh thì chỉ nói sắc, tâm không tịch, khiến thấy bổn tánh, dạy bỏ ngụy hạnh mà vào chân hạnh. Không nên hướng về lời lẽ giấy mực mà thảo ý độ, mà chỉ cần lãnh hội hai chữ Tịnh Danh là đủ. Tịnh ấy là bản thể vậy. Còn Danh là tích dụng vậy. Từ bản thể mà khởi tích dụng, từ tích dụng mà qui bản thể. Thể dụng không hai; bản, tích không khác, do đó mà người xưa mới nói: Bản, tích tuy khác nhau mà tính chất bất tư nghi là một vậy. Mà một cũng không phải là một. Nếu biết hai tiếng Tịnh Danh là giả hiệu, thì còn nói gì đến rốt ráo hay không rốt ráo. Không trước, không sau. Chẳng gốc chẳng ngọn. Không tịch tịnh mà cũng chẳng có tên gọi, mà chỉ là giải thuyết bản tánh bất tư nghì của chúng sanh. Nếu người không kiến tánh thì cho hết đời cũng không thể thấy lý đó.


Tăng hỏi:

  • Muôn pháp đều không, thức tánh cũng thế. Ví như bọt nước một khi đã vỡ rồi thì không tái hợp được. Thân chết rồi không thể sống lại, tức đều là không vô chẳng có gì cả, thì nơi nào mà có thức tánh chứ?

Sư đáp:

  • Bọt do nước mà có. Bọt vỡ rồi là không có nước nữa. Thân nhân tánh mà khởi. Thân chết há có thể nói tánh diệt?!

Hỏi:

  • Nếu nói có tánh thì hãy đưa ra coi nào.

Sư nói:

  • Ông tin có sáng sớm không?

Đáp:

  • Tin có.

Sư nói:

  • Thử đem buổi sáng sớm ra xem nào.

Nói:

  • Sáng sớm là thật có, nhưng nay thì không thể được.

Sư nói:

Sáng sớm không thể đem ra được nhưng không vì thế mà nói không có sáng sớm. Ông tự mình không kiến tánh, nhưng không thể bảo là không có tánh. Nay thấy mặc áo, ăn cơm, đi đứng nằm ngồi giáp mặt mà không biết, có thể nói đó là u mê. Ông muốn thấy sáng sớm, thì hôm nay đây không có chi khác. Đem tánh mà tìm tánh thì muôn kiếp rốt lại cũng chẳng thấy. Lại cũng như người mù không nhìn thấy mặt trời chứ không phải chẳng có mặt trời.


Tọa chủ giảng Thanh Long sớ sao hỏi:

  • Kinh nói: ‘Không pháp nào nói được, ấy là nói pháp’. Thiền sư thể hội như thế nào?

Sư nói:

Như thể của Bát-nhã, rốt cùng thanh tịnh, không có lấy một vật có thể đắc, gọi là vô pháp. Tức nơi thể không tịch của Bát-nhã cụ túc hà sa vận dụng, tức chẳng có việc gì mà không biết, gọi là nói pháp. Vì đó mới nói không một pháp nào có thể nói gọi là nói pháp.


Tọa chủ giảng kinh Hoa Nghiêm hỏi:

  • Thiền sư có tin vô tình là Phật chăng?

Sư đáp:

Không tin. Nếu vô tình là Phật thì người sống không bằng người chết, lừa chết, chó chết đều hơn người sống. Kinh nói: ‘Phật thân ấy là Pháp thân. Theo giới định tuệ mà sanh, theo ba minh, 6 thông mà sanh, theo tất cả thiện pháp mà sanh’. Nếu nói vô tình mà là Phật thì đại đức nay đây cũng nên chết thôi để mà làm Phật.


Có vị pháp sư hỏi:

  • Trì kinh Bát Nhã công đức tối đa, sư có tin không vậy?

Sư đáp:

  • Không tin.

Pháp sư nói:

  • Nếu thế thì hơn mười quyển kinh để lại chẳng đáng tin sao?

Sư nói:

Người sống giữ đạo hiếu, tự có cảm ứng chớ chẳng phải xương trắng có thể cảm ứng. Kinh là chữ Phạn, giấy mực tánh không, nơi nào mà có linh ứng! Linh nghiệm là ở chỗ người trì kinh dụng tâm, do đó mà có thần thông cảm vật. Hãy thử đem một quyển kinh để trên bàn mà chẳng ai thọ trì thì xem có linh nghiệm hay không?


Có ông tăng hỏi:

  • Xin hỏi đối với nhất thiết danh tướng và pháp tướng thì nói và nín nên thông hội thế nào để được không trước sau?

Sư đáp:

Lúc một niệm vừa khởi vốn không tướng không danh thì làm sao mà nói được có trước sau. Do không hiểu danh tướng vốn thanh tịnh, vọng tưởng thấy có trước sau. Ôi, cửa quan danh tướng khóa rất chặt, ngoài chiếc chìa trí tuệ thì chẳng thể mở ra được. Kẻ trung đạo bệnh tại trung đạo, người nhị biên bệnh tại nhị biên, không biết hiện dụng vô số Pháp thân. Mê ngộ, đắc thất là pháp của người thường, tự khởi sanh diệt, chọn lấy chánh trí. Hoặc dứt phiền não, hoặc cầu Bồ-đề, làm trái lại Bát-nhã Ba-la-mật.


Có người hỏi:

  • Luật sư vì sao chẳng tin ở Thiền?

Sư đáp:

Lý thâm u khó hiển lộ, danh tướng dễ trì. Do đó mà kẻ chẳng thấy tánh không tin. Người kiến tánh gọi là Phật. Người tin Phật mới có thể tin nhập. Phật không xa người nhưng người thì xa Phật. Phật là tâm làm ra, người mê hướng về chỗ lời lẽ, chữ nghĩa mà cầu. Người ngộ hướng về tâm mà giác. Người mê tu nhân đợi quả. Người ngộ hiểu tâm vô tướng. Người mê chấp vật, giữ cái ngã cho là mình. Người ngộ ứng dụng Bát-nhã hiện tiền. Kẻ ngu chấp không chấp có thành trệ ngại. Người trí kiến tánh liễu tướng linh thông. Kẻ giỏi biện thuyết miệng mỏi. Người đại trí thể liễu tâm thanh thản. Bồ-tát chạm vật tự chiếu. Thanh văn sợ cảnh muội tâm. Người ngộ nhật dụng vô sanh. Kẻ mê trước mặt mà xa cách Phật.


Có người hỏi:

  • Làm thế nào để được thần thông?

Sư đáp:

Thần tánh linh thông, trùm khắp sa giới. Núi sông vách đá tới lui vô ngại. Trong một tít tắc, đi về không để lại dấu vết. Lửa không thể đốt, nước không thể nhận chìm. Người ngu tự vô tâm trí, muốn thân tứ đại bay trên không. Kinh nói: Thủ tướng phàm phu, tùy nghi mà nói. Tâm không hình tướng tức là Pháp thân vi diệu. Vô tướng tức là thật tướng. Vô tướng thể không gọi là thân hư không vô biên. Muôn hạnh trang nghiêm nên gọi là Pháp thân công đức. Tức Pháp thân này là gốc của muôn hạnh, tùy dụng mà lập danh, thật ra mà nói, chỉ là Pháp thân thanh tịnh.


Có người hỏi:

  • Dốc một lòng tu đạo thì nghiệp chướng trong quá khứ có tiêu trừ được không?

Sư nói:

Người không kiến tánh thì không thể tiêu trừ. Nếu là người kiến tánh thì như mặt trời rọi sương tuyết sẽ tan. Lại người kiến tánh như cỏ chất đống cao bằng núi Tu-di, nhưng chỉ cần một mồi lửa là đốt sạch. Nghiệp chướng như đống cỏ kia, trí tuệ như mồi lửa.

Hỏi:

  • Làm thế nào thì biết được là nghiệp chướng đã dứt?

Sư nói:

Thấy tiền tâm thông, tiền hậu sanh sự do như đối kiến. Phật trước, Phật sau, muôn pháp cùng lúc. Kinh nói: Một niệm biết hết tất cả pháp thì đó là đạo tràng, do thành tựu tất cả trí.


Có hành giả hỏi:

  • Làm thế nào trụ được Chánh pháp?

Sư nói:

  • Cần trụ Chánh pháp ấy là tà. Tại sao vậy? Vì pháp không tà chánh gì cả.

Hỏi:

  • Làm thế nào thì thành Phật?

Sư đáp:

Không cần rời bỏ tâm chúng sanh mà chỉ cần đừng làm dơ bẩn tự tánh, thì đó là tu hành. Đừng tự dối trá chính mình thì đó là tu hành. Đại dụng hiện tiền thì đó là vô số Pháp thân.

Tăng lại hỏi:

  • Trong tánh đó có ác không?

Sư nói:

  • Trong đó thiện cũng không lập nên.

Hỏi:

  • Thiền ác đều không lập thì đem tâm nơi nào để mà dụng?

Sư nói:

  • Đem tâm dụng tâm là đại điên đảo.

Hỏi:

  • Vậy làm thế nào mới là đúng?

Sư nói:

  • Vô tác, vô sanh, mà cũng vô khả thị.

Có người hỏi:

  • Có người đi thuyền, đáy thuyền cạ chết sò ốc, vậy người đi thuyền có tội hay chính chiếc thuyền có lỗi?

Sư nói:

Cả người và thuyền đều vô tâm, tội chính ở ông đấy! Ví như giông gió làm tróc gãy cây, mất mạng người, nhưng đó là không tác giả mà cũng không thọ giả. Trong thế giới này không nơi nào là không phải chúng sanh thọ khổ.


Tăng hỏi:

  • Xin hỏi thác tình thế, chỉ cảnh thế, ngữ mặc thế, cho đến cả nhướng mày chớp mắt thế, thế nào là thông hội trong khoản một niệm?

Sư đáp:

Không có sự dụng ngoài tánh. Hễ diệu thì động hay tịch lặng đều diệu. Nếu tâm chân thật thì nói nín đều là chân. Nếu đã lãnh hội đạo pháp thì đi, đứng, nằm, ngồi gì đều là đạo pháp. Vì mê tự tánh nên hoặc sanh ra đầy dãy.

Lại hỏi:

  • Thế nào là pháp có tông chỉ?

Sư đáp:

  • Tùy theo sở lập của pháp mà có nhiều nghĩa. Văn Thù vốn vô trụ lập ra tất cả mọi pháp.

Hỏi:

  • Vậy há phải chăng đồng với thái hư?

Sư nói:

  • Ông có sợ đồng với thái hư không?

Đáp:

  • Sợ chớ!

Sư nói:

  • Phá bỏ sợ thì không đồng với thái hư.

Có người hỏi:

  • Lời lẽ không kịp nơi chốn, làm thế nào giải được?

Sư nói:

  • Ông nay đang lúc nói, nghi ngờ nào không kịp?

Có hơn mười bậc tôn túc đạo đức cùng hỏi:

  • Kinh nói: ‘Phá diệt Phật pháp’. Xin hỏi Phật pháp có thể phá diệt không?

Sư đáp:

Kẻ phàm phu ngoại đạo cho là Phật pháp có thể phá diệt. Kẻ theo Nhị thừa lại nói Phật pháp không thể phá diệt. Trong Chánh pháp của ta không có hai thứ kiến giải đó. Nếu luận về Chánh pháp thì chẳng những phàm phu ngoại đạo mà ngay cả Nhị thừa Phật địa cũng là người xấu ác.

Lại hỏi:

  • Chân pháp, ảo pháp, phi pháp, phi phi pháp, mỗi thứ đều có chủng tánh không?

Sư đáp:

Ôi, pháp tuy không có chủng tánh nhưng ứng vật đều hiện hình. Tâm ảo thì nhất thiết đều ảo. Nếu có một pháp nào không ảo thì tuy ảo mà có định. Tâm không thì tất cả đều không. Nếu có một pháp nào chẳng không, không nghĩa chẳng lập. Lúc mê người rượt đuổi pháp, lúc ngộ pháp do người. Như sum la vạn tượng kia tới không là cùng. Trăm sông cùng mọi dòng chảy tới biển là cùng. Tất cả mọi hiền Thánh đến Phật là cùng. Mười hai phần giáo, năm bộ Tỳ-ni, ngũ Vi Đà luận, tới tâm là cùng. Tâm ấy là gốc diệu của tổng trì, là nguồn lớn của vạn pháp, cũng gọi là Đại Trí Tuệ Tạng, Niết-bàn vô trụ… có trăm ngàn tên gọi, đều là tên gọi khác của tâm.


Lại hỏi:

  • Thế nào là ảo?

Sư nói:

Ảo không có định tướng. Như bánh xe lửa quay tròn, như thành lũy của Càn Thát Bà, như người gỗ của cơ quan, như ánh nước ảo ở sa mạc, như hoa đốm trong không, đều không phải là pháp thật.

Lại hỏi:

  • Thế nào gọi là đại ảo sư?

Sư đáp:

Tâm gọi là đại ảo sư, thân là đại ảo thành. Danh tướng gọi là đại ảo y thực. Hà sa thế giới không có gì là ngoài ảo. Phàm phu không hiểu ảo, nơi nơi mê nghiệp ảo. Thanh văn sợ cảnh ảo, muội tâm nhập tịch lặng. Bồ-tát hiểu pháp ảo đạt thể ảo, không câu nệ mọi danh tướng. Phật chính là đại ảo sư chuyển xe pháp đại ảo thành Niết-bàn đại ảo. Chuyển sanh diệt ảo đắc bất sanh bất diệt, chuyển hà sa đất dơ bẩn thành pháp giới thanh tịnh.


Tăng hỏi:

  • Vì cớ gì không cho tụng kinh, gọi đó là khách ngữ?

Sư nói:

Như con chim két chỉ biết học nói theo tiếng người, nhưng không hiểu ý người. Kinh truyền lại ý của Phật. Không hiểu ý của Phật mà chỉ tụng suông thì chỉ là người học nói, vì đó mà không cho tụng.

Hỏi:

  • Không thể rời lời lẽ, chữ nghĩa có ý không?

Sư nói:

  • Ông nói như thế cũng là học nói đấy.

Hỏi:

  • Cũng là lời lẽ, sao lại không cho?

Sư nói:

Ông nay nghe cho rõ, kinh có văn lý rõ ràng. Cái mà ta nói là nghĩa ngữ không phải đa văn. Cái mà chúng sanh nói là văn ngữ chứ không phải nghĩa. Đạt được ý vượt khỏi lời nói phù phiếm, còn ngộ lý vượt khỏi văn tự. Pháp vượt khỏi ngôn ngữ văn tự, há hướng nơi văn cú mà tìm cầu sao? Do đó mà kẻ phát tâm Bồ-đề được ý mà quên lời, ngộ lý mà bỏ giáo nghĩa, giống như được cá phải quên nơm, được thỏ phải quên rượt sảy vậy.


Có vị Pháp sư hỏi:

  • Niệm Phật có tướng Đại thừa, ý Thiền sư thế nào?

Sư nói:

  • Vô tướng chẳng phải Đại thừa, huống hồ là hữu tướng. Kinh nói: Thủ tướng phàm phu tùy nghi mà nói.

Lại hỏi:

  • Nguyện sanh Tịnh độ. Thật sự có Tịnh độ không?

Sư nói:

Kinh nói: Muốn đến được Tịnh độ thì phải tịnh cái tâm, tùy theo tâm tịnh mà Phật độ tịnh. Nếu mà tâm tịnh thì chỗ mình đang ở là Tịnh độ vậy. Ví như sanh vào nhà quốc vương thì chắc chắn sẽ thiệu long vương nghiệp. Phát tâm hướng Phật đạo thì sẽ sanh Tịnh Phật quốc. Nếu tâm không tịnh, thì nơi mình sanh ra đều là chốn dơ bẩn. Dơ sạch tại tâm, không tại quốc độ.

Lại hỏi:

  • Luôn nghe nói đạo, vậy ai là người có thể thấy đạo?

Sư đáp:

  • Người có con mắt huệ sẽ thấy được.

Lại hỏi:

  • Đại thừa thật vui làm sao học được?

Sư đáp:

  • Ngộ thì được, còn không ngộ thì không được.

Hỏi:

  • Nhưng làm thế nào để được ngộ chứ?

Sư nói:

  • Chỉ nên đế quán.

Hỏi:

  • Giống như cái gì?

Sư nói:

  • Không có vật nào giống cả.

Hỏi:

  • Nếu thế thì rốt lại là không.

Sư nói:

  • Không chẳng có rốt ráo.

Hỏi:

  • Nếu thế thì làm sao mà có?

Sư nới:

  • Có mà không chấp tướng.

Hỏi:

  • Nếu chẳng ngộ thì thế nào?

Sư nói:

  • Đại đức chẳng tự mình ngộ, mà cũng không ai ngăn cản.

Có người hỏi: Phật pháp có ở cả tam tế chăng?

Sư nói: Thấy ở vô tướng, không tại bên ngoài, ứng dụng vô cùng, chẳng tại bên trong. Khoảng giữa không có chỗ trụ, vậy nên tam tế không thể đắc.

Nói: Lời nói đó hỗn độn quá

Sư nói: Khi ông nói một tiếng ‘Hỗn’, thì tại bên trong, bên ngoài chăng?

Đáp: Đệ tử nghiên cứu kiểm soát trong ngoài không dấu vết

Sư nói: Nếu không dấu vết thì biết rõ lời nói hồi nãy không hỗn độn vậy

Lại hỏi: Làm thế nào để thành Phật?

Sư nói: Tâm ấy là Phật, tâm ấy làm Phật

Hỏi: Chúng sanh vào địa ngục, Phật tánh có vào theo không?

Sư nói: Như nay đây lúc làm ác, thì có còn thiện chăng?

Đáp: Không

Sư nói: Chúng sanh vào địa ngục, Phật tánh cũng như thế.


Hỏi: Nói tất cả chúng sanh đều có Phật tánh là thế nào?

Sư nói:

Làm Phật thì dùng Phật tánh, làm đạo tặc thì dùng dạo tặc tánh. Làm chúng sanh thì dùng chúng sanh tánh. Tánh không hình tướng, tùy dụng mà lập tên gọi. Kinh nói: Tất cả hiền Thánh đều lấy pháp vô vi mà có sai biệt.


Tăng hỏi: Thế nào là Phật?

Sư đáp: Rời ra ngoài tâm thì không có Phật

Hỏi: Thế nào là Pháp thân?

Sư đáp:

Tâm là Pháp thân. Vì có thể sanh ra vạn pháp nên gọi là thân pháp giới. Khởi Tín Luận chép: ‘Cái gọi là pháp cho rằng tâm chúng sanh y theo tâm này mà hiển thị nghĩa Ma Ha Diễn’.


Lại hỏi: Thế nào là đại kinh quyển đều ở tại một hạt bụi nhỏ?

Sư đáp:

Trí tuệ là kinh quyển. Kinh nói: ‘Số lượng đại kinh quyển bằng tam thiên đại thiên thế giới ở trong một hạt bụi nhỏ. Mỗi hạt bụi là một niệm tâm trần’. Cho nên mới nói trong một niệm trần diễn xuất hà sa kệ tụng. Do người đời không biết mà thôi.

Lại hỏi: Sao lại gọi là thành Đại Nghĩa? Sao gọi là vua Đại Nghĩa?

Sư đáp:

Thân là thành Đại Nghĩa. Tâm là vua Đại Nghĩa. Kinh nói: Kẻ đa văn giỏi ở nghĩa, không giỏi ở lời lẽ. Lời lẽ là nghĩa sanh diệt. Bất sanh diệt nghĩa không hình tướng, ở ngoài lời lẽ. Tâm là đại kinh quyển. Tâm là vua Đại Nghĩa. Nếu kẻ nào không hiểu rõ ràng tâm thì không gọi là giỏi nghĩa mà chỉ là người học nói thôi.

Lại hỏi: Kinh Bát Nhã nói: ‘Độ chín loài chúng sanh đều được vào Niết-bàn vô dư’ rồi lại nói: ‘Mà thật ra không một chúng sanh nào được độ’. Hai đoạn kinh văn trên nên thông hội thế nào?

Sư nói: Người nói trước sau đều cho rằng: Thật độ chúng sanh mà không chấp thủ tướng chúng sanh.

Hỏi: Chỗ này thường nghi chưa xác quyết, thỉnh sư giảng cho?

Sư nói:

9 loài chúng sanh một thân đầy đủ. Tùy tạo, tùy thành. Vì thế vô minh thì trứng sanh. Phiền não bao trong ấy là thai sanh. Ưa thích chỗ nước ẩm ướt là thấp sanh. Dậy lên phiền não ấy là hóa sanh. Ngộ thì là Phật, mê gọi là chúng sanh. Bồ-tát chỉ lấy niệm niệm tâm làm chúng sanh. Nếu hiểu niệm niệm là không, gọi là độ chúng sanh vậy. Người trí nơi bổn tế mà độ chưa hình thành. Chưa hình thành nếu đã là không thì biết thật không có chúng sanh nào được diệt độ cả.


Tăng hỏi: Lời lẽ là tâm chăng?

Sư nói: Lời lẽ là duyên chứ không phải tâm.

Hỏi: Rời duyên ra thì cái gì là tâm?

Sư đáp: Rời lời lẽ không là tâm.

Hỏi: Rời lời lẽ nếu đã không phải là tâm thì cái gì là tâm?

Sư nói:

Tâm không hình tướng, chẳng phải rời lời lẽ, chẳng phải chẳng rời lời lẽ. Tâm thường trạm nhiên ứng dụng tự tại. Tổ sư nói: Nếu rõ tâm không phải là tâm thì mới hiểu rõ tâm pháp của tâm.


Tăng hỏi: Thế nào là các môn học định, tuệ?

Sư đáp:

Định là thể, tuệ là dụng. Theo định khởi tuệ, theo tuệ quay về định, như nước và sóng cùng một thể vậy, lại cũng không sau trước, gọi là các môn học định, tuệ. Này, phàm là người xuất gia thì không nên tầm ngôn, trục cú. Đi đứng, nằm ngồi đều là tánh dụng của các vị, nơi nào mà cùng với đạo không tương ưng. Hãy nhất thời mà ngơi nghĩ đi. Nếu không theo ngoại cảnh thì gió tâm, nước tánh luôn trong lành. Không có chuyện chi nữa, tạm biệt!

Cảnh ngữ

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts