[Thiền sư] Quy Tông Trí Thường
- 09 Dec, 2024
Giới thiệu
Thiền sư Quy Tông Trí Thường quê ở Giang Linh (nay thuộc tỉnh Hồ Bắc), sống dưới thời nhà Đường, Sư theo tham học với Mã Tổ Đạo Nhất (馬祖道一) và kế thừa dòng pháp của vị này. Lúc Sư ra đi đồng thời với Sư Phổ Nguyện, Trí Kiên… Sau đó đến trú tại Quy Tông Tự (歸宗寺) trên Lô Sơn (廬山) và chuyên tâm giáo hóa chúng đạo tục. Sau khi diệt, sắc thụy là Chí Chơn Thiền Sư (至眞禪師).
Ngữ lục
Tăng nhân hỏi:
- Thế nào là chỉ ý huyền diệu ? Sư đáp:
- Không người lãnh hội. Hỏi:
- Người hướng về chỉ ý thì thế nào ? Sư nói:
- Hướng về trái ngược, cách xa. Hỏi:
- Không hướng về thì thế nào ? Sư nói:
- Ai là người tìm cầu huyền chỉ ? Lại nói:
- Không có chỗ cho ông dụng tâm đâu. Tăng nói:
- Há không có cửa phương tiện khiến kẻ học này được vào sao ? Sư nói:
- Quán Âm trí lực diệu, hay cứu khổ thế gian. Tăng hỏi:
- Thế nào là Quán Âm trí lực diệu ? Sư gõ nắp đĩnh ba cái, hỏi:
- Ông có nghe không ? Tăng đáp:
- Nghe. Sư nói:
- Sao ta lại không nghe. Tăng không lời đối đáp. Sư cầm gậy đuổi ra.
Đại Ngu đến từ biệt Sư. Sư hỏi:- Đi đâu?
- Đi các nơi học ngũ vị thiền.
- Các nơi có ngũ vị thiền, ta trong ấy chỉ có nhất vị thiền.
- Thế nào là nhất vị thiền? Sư liền đánh. Đại Ngu bỗng nhiên đại ngộ, thưa:
- Ngưng, con hội rồi.
- Nói! nói! Đại Ngu vừa nghĩ trả lời. Sư lại đánh đuổi ra.
Sau, Đại Ngu đến Hoàng Bá đem việc này thuật lại, Hoàng Bá thượng đường dạy chúng:
- Mã đại sư sanh ra tám mươi bốn vị thiện tri thức, hỏi đến cái tiêu chảy, tiêu chảy đầy đất chỉ có Quy Tông.
Có lần cùng Nam Tuyền hành cước. Ngày nọ cùng nhau chia tay, trong lúc nấu trà, Nam Tuyền hỏi:
- Từ trước giờ cùng sư huynh thương lượng, lời lẽ, câu cú bỉ thử đều đã hiểu biết. Từ nay về sau, lỡ gặp người hỏi về việc lớn ngộ đạo, thì hồi đáp thế nào ? Sư đáp:
- Cuộc đất này cất am rất tốt. Nam Tuyền nói:
- Việc cất am xin bỏ qua một bên không nói tới, ngộ đạo đại sự thì thế nào ? Sư đập bể ấm trà, Nam Tuyền nói:
- Sư huynh đã uống trà rồi, còn đệ thì chưa. Sư nói:
- Nói kiểu đó thì một giọt nước cũng không hưởng dụng được.
Tăng hỏi:
- Chuyện ấy xa xưa rồi làm sao dụng tâm ? Sư đáp: Da bò bịt lộ trụ Lộ trụ khóc hu hu Tai phàm nghe không được Chư Thánh cười khù khù.
Sư nhân Tục quan đến bèn đưa cái mão lên nói:
- Có lãnh hội không ? Tục quan đáp:
- Không lãnh hội. Sư nói:
- Đừng ngạc nhiên lão tăng đầu trúng gió mà không đội mão.
Sư đang tại vườn nhổ cải, vẽ một vòng tròn quanh bụi cải nói với đại chúng:
- Nhất thiết không được động đến cái này. Đại chúng không dám động đến. Lúc sau sư quay lại, thấy bụi cải còn y nguyên, bèn dừng gậy quơ đuổi chúng tăng nói:
- Cái đám khờ khạo này, chẳng ai có trí tuệ cả !
Sư hỏi tăng mới đến:
- Từ đâu tới ? Đáp:
- Từ Phong Tường (Nay nằm trong tỉnh Thiểm Tây) đến. Hỏi:
- Có đem cái đó không ? Đáp:
- Mang tới rồi. Sư hỏi:
- Để ở đâu ? Tăng đưa hai tay lên khỏi trán ra bộ đưa trình. Sư đưa tay ra dáng tiếp nhận, rồi ra dáng quăng ra sau lưng. Tăng không lời đối đáp. Sư nói:
- Thứ chồn rừng này.
Sư đang cắt cỏ thì có vị tòa chủ đến tham vấn. Đến khi sư bừa cỏ bỗng thấy một con rắn. Sư dùng bừa bừa qua luôn. Tòa chủ nói:
- Từ lâu ngưỡng mộ Quy Tông, tới nơi té ra chỉ là một sa môn thô hạnh. Sư nói:
- Là ông thô hay là ta thô ? Tòa chủ hỏi:
- Thế nào là thô ? Sư dựng đứng cán bừa. Tòa chủ hỏi:
- Thế nào là tế ? Sư làm ra dáng chém rắn. Tòa chủ nói:
- Nếu thế thì y cứ mà phụng hành vậy. Sư nói:
- Y cứ mà phụng hành hãy tạm gác qua một bên, ông nơi đâu thấy ta chém rắn ? Tòa chủ không lời đối đáp.
Vân Nham đến tham kiến, sư làm tư thế giương cung. Vân Nham lặng thinh hồi lâu mới làm tư thế rút kiếm. Sư nói:
- Chậm quá thôi.
Có ông tăng từ giã ra đi, sư gọi:
- Hãy đến gần đây ta sẽ nói Phật pháp cho nghe. Tăng bước lại gần, sư nói:
- Các ngươi trọn còn việc, ngươi khi khác lại đến, trong ấy không người biết ngươi. Trời lạnh trên đường khéo mà đi.
Sư thượng đường nói:
- Ta nay muốn nói Thiền, mọi người hãy bước tới gần đây. Đại chúng bước tới gần, Sư nói:
- Các vị nghe Quán Âm hành, ứng hóa khắp các nơi. Tăng hỏi:
- Thế nào là Quán Âm hành ? Sư liền bún ngón tay nói:
- Mọi người có nghe không ? Tăng đáp:
- Nghe. Sư nói:
- Cả đám người đến đây tìm cái gì ? Nói đoạn dùng gậy đuổi hết ra khỏi pháp đường, rồi cả cười quay về phương trượng.
Tăng hỏi:
- Kẻ mới học Thiền, làm sao tìm lối ngộ nhập ? Sư gõ nắp đỉnh ba cái hỏi:
- Có nghe không ? Tăng đáp:
- Đã nghe. Sư nói:
- Sao ta lại không nghe ? Lại gõ ba cái nữa hỏi:
- Có nghe không ? Tăng đáp:
- Không nghe. Sư nói:
- Sao ta lại nghe. Tăng không lời đối đáp, sư nói:
- Sức trí tuệ huyền diệu của Bồ-tát Quán Âm có thể giải cứu nổi thống khổ của thế gian.
Thứ sử Giang Châu là Lý Bột hỏi Sư:
- Phật giáo nói: “Núi Tu-di dung nạp hột cải” thì bản chức không hoài nghi, còn đến như nói “Hột cải dung nạp núi Tu-di” thì phải chăng đó là lời hư dối ? Sư hỏi vặn lại:
- Người ta đồn rằng Thứ sử đọc đến hằng muôn quyển sách phải không ? Lý Bột đáp:
- Đúng vậy. Sư nói:
- Từ đầu đến chân Thứ sử bất quá lớn bằng thân cây dừa, vậy muôn quyển sách để vào đâu được vậy ? Lý Bột chỉ còn cúi đầu thán phục mà thôi. Qua ít ngày sau, Lý Bột lại hỏi:
- Thuyết giáo của kinh điển Đại Tạng khiến người ta rành rõ được điều gì ? Sư đưa nắm đấm lên hỏi Lý Bột:
- Lãnh hội không ? Lý Bột đáp:
- Không lãnh hội. Sư nói:
- Cái anh chàng mọt sách hủ Nho này, ngay cả cái nắm đấm mà cũng không biết. Lý Bột nói:
- Thỉnh lão sư chỉ thị cho. Đáp:
- Nếu gặp người thích hợp thì ngay trên đường đi cũng truyền thụ cho , còn gặp kẻ không thích hợp thì dùng đạo lý thế tục mà truyền bố. Sư nhân hai mắt có vảy cá bèn lấy tay cầm thuốc mà chà cho đến nỗi tròng mắt đều đỏ, nên đời mới gọi là Xích Nhãn Quy Tông1.
Sư có làm bài tụng: Quy Tông sự lý tuyệt Nhật luân chánh đương ngọ Tự tại như sư tử Bất dữ vật y cổ Độc bộ tứ sơn đảnh Ưu du tam đại lộ Khiếm khư phi cầm trụy Tần thân chúng tà bố Cơ thụ tiễn dị cập Ảnh một thủ nan phú Thi trương nhược công kỹ Tài tiễn như xích độ Xảo lũ vạn ban danh Quy Tông hườn tợ thổ Ngữ mặc âm thanh tuyệt Chỉ diệu tình nan thố Khí cá nhãn hườn huy Thủ cá nhĩ hườn cổ Nhất thốc phá tam quan Phân minh tiền hậu lộ Khả lân đại trượng phu Tiên thiên vi tâm tổ.
DỊCH
Quy Tông sự lý bặt Mặt trời đứng giữa trưa Tự tại như sư tử Chẳng tựa nương nơi vật. Riêng lên chót bốn núi Dạo chơi ba đường lớn Tiếng gầm chim thú rớt Hầm hừ bọn tà kinh. Máy dựng tên dễ đến Bóng lặn tay khó che Bày ra dường thợ khéo Cắt xén tợ thước đo. Chạm khéo muôn thứ tên Quy Tông lại giống đất Nói nín tiếng tâm dứt Diệu chỉ tình khó dò. Bỏ mắt kia thành điếc Lấy tai nọ thành mù Một dùi phủng ba cổng Rõ ràng đường tên sau. Đáng thương đại trượng phu! Tiên thiên là tâm tổ.
Cảnh ngữ
Cao tăng đời trước không phải là không có tri thức kiến giải chẳng qua họ là bậc cao thượng không giống với người thường. Người đời nay không thể tự mình thành lập, luống phí thời gian. Chư vị đừng có thác dụng tâm, chẳng ai có thể thế mình, mà cũng không có chỗ để quí vị dụng tâm. Không nên tìm cầu ở người khác. Trước đây các vị đều nương cậy vào kiến giải của người khác cho nên lời lẽ nói ra đều bị vướng kẹt chẳng thông. Linh quang không thấu triệt là bởi trước mắt có vật che lấp.
Tác phẩm
Thông tin khác