[Thiền sư] Nam Dương Huệ Trung
- 21 Oct, 2024
Giới thiệu
Thiền sư / Quốc sư Nam Dương Huệ Trung (675 - 755) người Chư Kỵ, Việt Châu, họ Nhiễm. Sau khi được tâm ấn, Sư đến trụ tại cốc Đãng Tử, núi bạch Nhai, Nam Dương, hơn 40 năm chẳng hề xuống núi, đạo hạnh truyền đến cung vua. Thời Đường, vua Túc Tôn, niên hiệu Thượng Nguyên năm thứ hai, sắc lệnh Trung sứ Tôn Triều Tiến mang chiếu vời sư về kinh đãi theo lễ Thầy. Lúc đầu, sư ngụ tại Tây Thiền viện, chùa Thiên Phước. Đến khi Đại Tôn lên ngôi, lại đón sư đến chùa Quang Trạch. Trong 16 năm, sư tùy cơ giảng pháp. Lúc ấy có Đại Nhĩ Tam Tạng từ Tây Thiên đến kinh, cho rằng đã được tha tâm thông. Vua Túc Tông lệnh quốc sư nghiệm thực, Tam Tạng vừa trông thấy sư liền lễ bái, đoạn đứng sang bên. Sư hỏi:
- Ông được tha tâm thông ư ? Đáp nhún nhường:
- Không dám ! Sư nói:
- Ông nói xem lão tăng hiện đang ở đâu ? Đáp:
- Hòa thượng là thầy một nước sao lại bỏ đi Tây Xuyên xem đua thuyền ? Lúc lâu sư lại hỏi:
- Ông nói xem lão tăng hiện đang ở chỗ nào ? Đáp:
- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến trên cầu Thiên Tân xem khỉ đùa ? Lúc lâu, sư lại hỏi:
- Ông nói lão tăng đang ở đâu ? Tạng không biết, sư quát:
- Dã hồ tinh kia, tha tâm thông ở chỗ nào ? Tạng không đáp được. (Tăng hỏi Ngưỡng Sơn: Đại Nhĩ Tam Tạng, lần thứ ba sao chẳng thấy Quốc sư ? Sơn nói:
- Hai lần đầu liên quan đến tâm cảnh, sau đó thì Tam-muội nên không thấy được.
- Lại có ông tăng hỏi Huyền Sa. Sa nói:
- Ông nói hai lần đầu có thấy gì sao ? Huyền Giác nói:
- Hai lần đầu thấy, sau đó chẳng thấy, hãy nói chỗ lợi hại thế nào ?
- Tăng hỏi Triệu Châu:
- Đại Nhĩ Tam Tạng lần thứ ba chẳng thấy Quốc sư, chẳng biết Quốc sư ở chỗ nào ? Châu nói:
- Trên lỗ mũi của Tam Tạng. Sau đó, tăng hỏi Huyền Sa:
- Đã ở trên lỗ mũi tại sao lại không thấy ? Sa đáp:
- Chỉ vì gần quá.)
Ngày nọ, sư gọi thị giả, thị giả ứng dạ. Như vậy, ba lần gọi ba lần dạ. Sư nói:
- Tưởng là ta phụ ông hóa ra là ông phụ ta. (* Tăng hỏi Huyền Sa:
- Quốc sư gọi thị giả là có ý gì ? Sa đáp:
- Tức là thị giả hiểu đấy. Vân Cư Tích nói:
- Hãy nói thị giả hiểu hay không hiểu ? Nếu nói hiểu, Quốc sư lại bảo ông phụ ta; nếu nói không hiểu, Huyền Sa sao lại nói thị giả hiểu. Hãy xét xem thể nào ?
- Huyền Giác trưng hỏi ông tăng:
- Chỗ hiểu của thị giả là hiểu thế nào ? Tăng nói:
- Nếu chẳng hiểu, sao lại ứng dạ ? Huyền Giác nói:
- Ông khá hiểu đấy. Lại nói:
- Ông theo đấy mà suy xét là biết Huyền Sa.
- Tăng hỏi Pháp Nhãn:
- Quốc sư gọi thị giả là có ý gì ? Pháp Nhãn nói:
- Hãy tạm đi đi, khi khác tới. Vân Cư Tích cho rằng:
- Pháp Nhãn sao nói vậy. Ông ta hiểu rõ ý Quốc sư hay không rõ ý Quốc sư ?
- Ông tăng hỏi Triệu Châu:
- Quốc sư gọi thị giả là có ý gì ? Triệu Châu nói:
- Như người trong tối viết chữ, chữ tuy không thành nhưng văn thái đã rõ.)
Nam Tuyền đến tham kiến. Sư hỏi:
- Từ đâu đến ? Đáp:
- Từ Giang Tây đến. Sư hỏi:
- Có đem được chân pháp của Mã sư đến không ? Đáp:
- Chỉ thế đấy. Sư nói:
- Cõng phía sau lưng kìa ! Nam Tuyền liền bỏ đi. (Trường Khánh Lăng nói:
- Giống như chẳng biết. Bảo Phúc Triển cho rằng:
- Như chẳng có đến chỗ Hòa thượng vậy. Vân Cư Tích nói:
- Cả hai vị tôn túc ấy đều cõng phía sau. Còn như Nam Tuyền chịu thôi, là ôm phía trước hay cõng phía sau ?)
Ma Cốc đến tham kiến, đi vòng giường thiền của Sư ba vòng, đoạn chống tích trượng đứng lại. Sư nói:
- Ông đã như thế, ta cũng như thế. Ma Cốc lại chống tích trượng xuống. Sư quát lên:
- Dã hồ tinh kia, ra đi !
Sư thượng đường, nói:
- Người học Thiền tông, nên tôn trọng lời Phật. Liễu nghĩa nhất thừa, ứng hợp với tự bản tâm, còn chẳng liễu nghĩa như loài rận, bọ chét, mãi chẳng được nhìn nhận là được trong thân sư tử. Phàm là thầy người, nếu dấn vào danh lợi, đặt bày dị đoan thì mình với người có ích gì. Như người thợ giỏi trong đời, búa rìu chẳng làm tổn thương tay. Lượng chở của voi nòi, con lừa không kham nổi.
Tăng hỏi:
- Làm thế nào để thành đạt được ? Sư đáp:
- Phật với chúng sanh, bỏ hết ngay đi, ngay đấy được giải thoát. Hỏi:
- Làm sao để được tương ưng ? Sư đáp:
- Thiện ác chẳng nghĩ thì tự thấy Phật tánh. Hỏi:
- Làm sao để chứng được Pháp thân ? Đáp:
- Vượt cảnh giới Tỳ Lô. Hỏi:
- Làm sao được Pháp thân thanh tịnh ? Sư nói:
- Đừng mong cầu Phật. Hỏi:
- Cái gì là Phật ? Sư đáp:
- Tâm ấy là Phật. Hỏi:
- Tâm có phiền não không ? Sư đáp:
- Tánh phiền não tự lìa đi. Hỏi:
- Há chẳng đoạn được sao ? Đáp:
- Đoạn phiền não tức gọi là Nhị thừa. Phiền não không sanh gọi là Đại Niết-bàn. Hỏi:
- Vậy ngồi thiền, khán tịnh chuyện ấy lại là thế nào ? Sư nói:
- Chẳng cấu nhiễm, chẳng thanh tịnh, đâu cần phải dùng khởi tâm mà xét tướng tịnh. Hỏi:
- Thiền sư nhìn mười phương hư không, có phải là Pháp thân không ? Sư nói:
- Dùng tâm suy tưởng là cái thấy điên đảo. Hỏi:
- Tâm ấy đã là Phật, có thể lại tu vạn hạnh không ? Sư đáp:
- Các Thánh đều đủ hai sự trang nghiêm, há lại vất không nhân quả sao. Lại nói:
- Ta nay trả lời ông đến cùng kiếp cũng không dứt. Lời nhiều lìa đạo càng xa, vậy nên nói: Thuyết pháp có sở đắc - ấy là dã can (chồn rừng) kêu, thuyết pháp không sở đắc, ấy gọi là sư tử rống.
Sư thượng đường, nói:
- Dây leo xanh mài miệt bò lên đỉnh tùng lạnh lẽo. Mây trắng lặng lờ ẩn hiện giữa trời không, vạn pháp vốn rỗi nhàn, nhưng tự người làm huyên náo.
Sư hỏi ông tăng:
- Gần đây rời nơi nào ? Đáp:
- Phương nam. Sư hỏi:
- Tri thức phương nam lấy pháp gì dạy người ? Đáp:
- Tri thức phương nam chỉ dạy, một khi lửa gốc tiêu tán thì cũng như rắn, lột da, như rồng đổi cốt. Cái gốc chân tánh ấy y nhiên không bị hoại diệt. Sư nói:
- Khổ thay! Khổ thay! Tri thức phương nam thuyết pháp nửa sanh nửa diệt. Hỏi:
- Tri thức phương nam là như vậy. Xin hỏi Hòa thượng ở đây giảng pháp thế nào ? Sư nói:
- Ta ở đây giảng thân tâm nhất như, ngoài thân không gì khác. Hỏi:
- Hòa thượng sao lại đem thân bọt ảo này coi đồng pháp thể ? Sư nói:
- Ông là ai ở tà đạo vậy ? Hỏi:
- Chỗ nào là chỗ con đây bị sa vào tà đạo ? Sư nói:
- Chẳng thấy kinh giáo (Kim Cang) dạy: “Nếu dùng sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, là người đi trệch đường, không thể thấy Như Lai”. (Đoạn từ “Sư hỏi ông tăng… đến đây là lấy từ sách Ngũ đăng hội nguyên).
Hành giả Trương Phần tại Nam Dương hỏi:
- Được Hòa thượng nói vô tình thuyết pháp, con chưa hiểu sự này, cúi xin Hòa thượng chỉ dạy. Sư nói:
- Nếu ông hỏi vô tình thuyết pháp, hãy giải vô tình kia mới nghe được ta nói pháp. Ông chỉ nghe nắm lấy vô tình thuyết pháp thôi. Phần nói:
- Như nay, chỉ hạn trong phương tiện hữu tình, thế nào là nhân duyên của vô tình ? Sư nói:
- Nay trong tất thảy sự động dụng thì hai dòng phàm Thánh đều không phân biệt chút nào. Sự khởi diệt là ra khởi thức, chẳng thuộc có không. Thấy giác sáng tỏ, chỉ nghe thấy không có tình thức buộc ràng. Do đó, mà Lục Tổ nói: Sáu căn đối cảnh phân biệt, chẳng phải thức.
Có ông tăng đến tham lễ. Sư hỏi:
- Ông súc tích sự nghiệp gì ? Đáp:
- Giảng kinh Kim Cang. Sư nói: Hai chữ đầu kinh là gì ?
- Như thị. Sư:
- Là gì ? Tăng không đáp được.
Có người hỏi:
- Thế nào là giải thoát ? Sư đáp:
- Các pháp không cùng đến, ngay đấy là giải thoát. Hỏi:
- Làm sao để đoạn dứt đi ? Sư nói:
- Vừa mới nói với ông là các pháp không cùng đến, vậy còn đoạn gì ? Sư thấy một ông tăng đến, lấy tay làm hình tròn, trong vẽ chữ nhật. Tăng không đáp được.
Sư hỏi Thiền sư Bản Tịnh:
- Ông sau này thấy lời nói kỳ đặc thì tịnh thế nào ? Đáp:
- Không một niệm ái tâm. Sư nói:
- Ấy là sự trong thất của ông.
Vua Túc Tôn hỏi:
- Sư ở Tào Khê được pháp gì ? Sư đáp:
- Bệ hạ có thấy áng mây giữa trời không ? Đế nói:
- Có thấy. Sư hỏi:
- Nó có đinh đóng hay dây treo ? Đế lại hỏi:
- Thế nào là đấng Điều Ngự mười thân ? Sư liền đứng lên, nói:
- Lãnh hội không ? Đế nói:
- Không lãnh hội. Sư:
- Đem tịnh bình đến đây cho lão tăng. Đế lại hỏi:
- Thế nào là vô tránh Tam-muội ? Sư nói:
- Đàn việt giẫm ngược lên đỉnh Tỳ Lô. Đế hỏi:
- Ý ấy thế nào ? Sư đáp:
- Đừng nhận chính mình là Pháp thân thanh tịnh. Đế lại hỏi nhưng sư đều chẳng nhìn đến. Đế nói:
- Trẫm là Thiên tử Đại Đường, sao sư lại chẳng nhìn tới ? Sư hỏi:
- Có thấy hư không kia chăng ? Đế nói:
- Thấy. Sư:
- Nó có chớp mắt nhìn Bệ hạ không ?
Ngư Quân Dung hỏi:
- Sư trụ núi Bạch Nhai, trong mười hai thời tu đạo thể nào ? Sư gọi đồng tử đến, vuốt đầu nó, nói:
- Khôn ngoan cứ nói khôn ngoan, rõ ràng cứ bảo rõ ràng, về sau đừng để bị gạt.
Sư cùng quan Cung Phụng Tử Lân nghị luận. Sư thăng tòa. Cung Phụng nói:
- Mời Sư lập nghĩa, tôi đây sẽ phá giải. Sư nói:
- Lập nghĩa rồi đó ! Phụng hỏi:
- Đó là nghĩa gì ? Sư nói:
- Quả nhiên chẳng thấy, không phải là cảnh giới của ông. Rồi xuống tòa.
Ngày nọ, Sư hỏi quan Cung Phụng Tử Lân:
- Phật là nghĩa gì ? Đáp:
- Là nghĩa Giác. Sư:
- Phật có từng mê không ? Đáp:
- Chẳng từng mê. Sư nói:
- Dùng giác để làm gì ? Cung Phụng không đáp được. Cung Phụng hỏi:
- Thế nào là thực tướng ? Sư đáp:
- Mang đáy hư không đến đây. Đáp:
- Đáy hư không chẳng thể lấy được. Sư bảo:
- Đáy hư không chẳng lấy được, hỏi thực tướng làm gì ?
Ông tăng hỏi:
- Thế nào là đại ý Phật pháp ? Sư đáp:
- Trong điện Văn Thù có vạn Bồ-tát. Tăng nói:
- Học nhân này không lãnh hội. Sư:
- Đại bi, nghìn tay, mắt. Sư thấy hóa duyên sắp mãn, đã đến thời Niết-bàn nên từ vua Đại Tông. Đại Tông hỏi:
- Sau khi Sư diệt độ, đệ tử làm gì để ghi nhớ ? Sư nói:
- Báo đàn việt tạo lấy ngôi tháp không đường ráp. Đế nói:
- Xin sư cho biết hình dạng tháp ? Sư yên lặng hồi lâu, hỏi:
- Lãnh hội không ? Đế đáp:
- Không lãnh hội. Sư bảo:
- Sau khi bần đạo qua đời, có thị giả Ứng Chân sẽ biết được đều này. Xin triệu đến hỏi. Niên hiệu Đại Lịch năm thứ mười, ngày 19 tháng 12, Sư nằm nghiêng bên hữu thị tịch. Tháp lập tại cốc Đãng Tử. Vua ban thụy hiệu Đại Chứng Thiền Sư. Sau đó, vua Đại Tông triệu Ứng Chân hỏi về lời sư lúc trước, Chân yên lặng lúc lâu, hỏi:
- Thánh thượng lãnh hội không ? Đế nói:
- Không lãnh hội. Chân đọc bài kệ: Phiên âm : Tương chi nam Đàm chi bắc Trung hữu hoàng kim sung nhất quốc Vô hình thọ hạ hợp đồng thuyền Lưu ly điện thượng vô tri thức. Tạm dịch: Sông Tương nam Đầm Đàm bắc Giữa có hoàng kim đầy một nước Dưới cội vô hình đồng hợp thuyền Trên điện lưu ly không tri thức. Ứng Chân sau trụ núi Đam Nguyên.
Ngữ lục
Sư hỏi Thiền khách:
- Từ đâu tới?
Đáp rằng:
- Từ phương Nam tới.
Sư hỏi:
- Phương Nam có bậc tri thức gì?
Đáp:
- Tri thức khá nhiều.
Sư nói:
- Dạy người thế nào?
Đáp:
- Các bậc tri thức đó chỉ thẳng kẻ học này: ‘Tâm ấy là Phật. Phật nghĩa là giác. Các ông nay đã có đủ tánh kiến, văn, giác, tri. Tánh ấy khéo nháy mắt, nhướng mày (Nguyên văn: ‘Dương mi thuấn mục’), tơi lui vận dụng, trùm khắp cả thân, ở đầu đầu biết, ở chân chân biết, do đó mới gọi là Chánh biến tri. Rời đó ra không có Phật khác. Thân đó tức có sanh diệt. Tâm tánh từ xưa tới nay chưa từng sanh diệt. Thân sanh diệt đó, như rồng thay xương, như rắn lột da. Người rời khỏi nhà cũ, là thân vô thường, nhưng tánh của thân ấy là thường hằng vậy’. Phương Nam nói dạy, đại khái như thế.
Sư nói:
- Nếu như thế thì đối với Tiên ni ngoại đạo đâu có khác gì! Ngoại đạo nói: ‘Trong thân ta có một thần tánh. Tánh đó có thể biết đau ngứa, khi thân hoại diệt, thần ấy ra khỏi thân, giống như nhà bị cháy thì chủ nhà chạy ra khỏi nhà vậy. Nhà là vô thường, còn chủ nhà là thường vậy’. Nếu thẩm cứu như thế thì tà chánh chẳng biệt biện được ai là chánh tà. Khi xưa ta du phương, nhiều lần thấy loại đó, gần đây càng nhiều thêm. Tụ tập năm ba trăm chúng, mắt nhìn dãy Ngân hà, nói rằng đó là Tông chỉ của phương Nam. Đem Đàn Kinh sửa đi, nói quàng, nói xiên, gọt giũa ý của Thánh, hoặc loạn người đời sau, há thành được ngôn giáo ru! Khổ thay, Tông môn của ta mai một rồi vậy! Nếu cho kiến, văn, giác, tri là Phật tánh thì ngài Tịnh Danh đã không nói: ‘Pháp rời xa kiến văn giác tri. Nếu thi hành kiến văn giác tri, thì đó là kiến văn giác tri chớ không phải cầu pháp vậy’.
Tăng lại hỏi:
- Pháp Hoa liễu nghĩa, khai tri kiến của Phật, cái đó lại là thế nào?
Sư nói:
- Họ nói khai Phật tri kiến, còn chưa nói Bồ-tát Nhị thừa. Há lấy cái si ngốc điên đảo của chúng sanh mà cho là bằng với tri kiến của Phật ru?
Tăng lại hỏi:
- Cái gì là Phật tâm?
Sư đáp:
- Tường vách, ngói gạch là Phật tâm.
Tăng nói:
- Nếu thế thì thật là trái với Kinh đấy! Kinh Niết Bàn nói: ‘Rời khỏi tường vách là vật vô tình, cho nên gọi là Phật tánh’. Nay sư lại nói là Phật tâm. Vậy tâm với tánh là khác hay là không khác?
Sư nói:
- Mê thì là khác, còn ngộ thì không khác.
Tăng nói:
- Kinh chép: ‘Phật tánh hằng thường, tâm là vô thường’. Nay sư nói tâm tánh không khác nhau là thế nào?
Sư nói:
- Ông chỉ y theo lời lẽ mà không theo nghĩa lý, ví như tháng lạnh, nước đông kết lại thành băng. Đến mùa nắng ấm, băng tan thành lại nước. Chúng sanh lúc mê kết tánh thành tâm. Chúng sanh khi ngộ, tan tâm thành tánh. Nếu chấp vật vô tình là không có Phật tánh, thì Kinh đã không nên nói: ‘Ba giới duy tâm’. Đáng quở trách là ở chỗ ông tự hiểu trái ngược Kinh, còn ta thì không hiểu trái lại.
Hỏi:
- Vô tình nếu đã có tâm tánh, vậy chúng có biết thuyết pháp chăng?
Sư nói:
- Chúng đương nhiên thường nói, không có lúc nào ngưng dứt.
Hỏi:
- Thế tại sao mỗ đây không nghe?
Sư nói:
- Tự ông không nghe thôi.
Hỏi:
- Ai là người được nghe?
Sư nói:
- Chư Phật được nghe.
Hỏi:
- Thế thì tất cả chúng sanh đều chẳng có phần được nghe sao?
Sư nói:
- Ta vì chúng sanh nói thôi, chớ chẳng vì Thánh nhân mà nói.
Nói:
- Mỗ giáp đây đui, điếc nên không nghe vô tình thuyết pháp, còn sư thì phải nghe chứ.
Sư nói:
- Ta cũng không nghe.
Hỏi:
- Sư nếu đã không nghe thì cớ gì lại biết vô tình biết thuyết pháp?
Sư nói:
- Ta nếu nghe được, thì đã bằng chư Phật rồi. Ông cũng không nghe những gì ta nói pháp.
Hỏi:
- Chúng sanh rốt lại có được nghe chăng?
Sư nói:
- Chúng sanh nếu nghe được thì đâu phải chúng sanh nữa.
Hỏi:
- Vô tình nói pháp có bằng cớ gì?
Sư đáp:
- Không thấy kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Sát thuyết chúng sanh thuyết tất cả ba giới thuyết’. Chúng sanh há là hữu tình sao?
Hỏi:
- Sư đã nói vô tình có Phật tánh, thế thì hữu tình lại là thế nào?
Sư nói:
- Vô tình còn như thế huống chi là hữu tình.
Hỏi:
- Nếu thế thì hồi nãy mỗ giáp nêu chuyện tri thức phương Nam nói kiến văn là Phật tánh, chẳng nên cho là giống với ngoại đạo.
Sư nói:
- Không nói không Phật tánh, vì ngoại đạo há không có Phật tánh sao? Nhưng do thấy nhầm nơi nhất pháp sanh ra nhị kiến, cho nên là sai trái vậy.
Hỏi:
- Nếu đều là có Phật tánh, thì sát hữu tình tức kết nghiệp hỗ trù, tổn hại vô tình không nghe có báo.
Sư nói:
- Hữu tình là chánh báo. Kế ngã sở của mình mà hoài kết luận, tức có tội báo. Vô tình mới đúng là y báo, chẳng kết lòng hận oán, cho nên mới không nói là có báo.
Hỏi:
- Trong Giáo chỉ thấy nói hữu tình làm Phật mà không thấy thọ ký cho vô tình. Vả lại trong Hiền kiếp có cả ngàn Phật nhưng có thấy ai là Phật vô tình đâu?
Sư nói:
- Như vị Thái tử lúc chưa nhận ngôi thì chỉ là một người, nhưng khi đã lên ngôi rồi thì cả nước đều thuộc về ngài. Há có quốc độ nào không có nhận ngôi chăng? Nay chỉ có hữu tình nhận thọ ký.
Lúc làm Phật, thì mười phương quốc độ đều là thân Giá Na Phật. Há có thể còn có vô tình thọ ký sao?
Hỏi:
- Tất cả mọi chúng sanh đều ở trên thân Phật, dễ dàng làm dơ bẩn thân Phật. Châm chỉa, giẫm đạp thân Phật, há không tội lắm sao?
Sư nói:
- Chúng sanh toàn thể là Phật, thì bắt tội ai đây?
Nói:
- Thân Phật vốn không quái ngại. Nay lấy vật có chất quái ngại làm thân Phật, há chẳng trái ngược với chỉ ý của Thánh rồi chăng?
Sư nói:
- Kinh Đại Phẩm nói: ‘Không thể rời hữu vi để nói vô vi’. Ông có tin sắc là không chăng?
Nói:
- Lời thành của Phật ai dám không tin chứ.
Sư nói:
- Sắc đã là không thì há có quái ngại ru?
Nói:
- Phật tánh của chúng sanh nếu giống nhau, chỉ dụng một Phật mà tu hành, nhất thiết chúng sanh ứng thời mà giải thoát. Nay nếu không như thế, đồng nghĩa làm sao có được?
Sư nói:
- Ông không thấy Lục tướng nghĩa trong kinh Hoa Nghiêm nói: ‘Trong giống có khác, trong khác có giống, thành hoại đều khác nhau, mọi loài đều như thế’. Chúng sanh và Phật tuy đồng một tánh, nhưng không có hại chi mỗi người tự tu, tự đắc. Chưa từng có người khác ăn mà mình no bao giờ.
Nói:
- Có tri thức dạy kẻ học, chỉ cần tự thức tánh lúc liễu ngộ vô thường ném bỏ cái bị da qua một bên, trí tánh linh đài tự nhiên rời khỏi gọi là giải thoát. Điều này lại thế nào?
Sư nói:
- Ở trước đã nói rồi, ấy là do cái lượng của ngoại đạo Nhị thừa. Nhị thừa chán ghét rời sanh tử, ưa vui Niết-bàn. Ngoại đạo cũng nói: ‘Ta có họa lớn là do ta có thân’ (Lão Tử Đạo Đức Kinh) bèn chạy về đế mờ tối. Kẻ đắc Tu-đà-hoàn tám muôn kiếp, người dự tam quả 642 vạn kiếp, Bích-chi Phật một vạn kiếp trụ ở trong định, ngoại đạo cũng 8 vạn kiếp trụ trong phi phi tưởng. Nhị thừa kiếp mãn rồi cũng có thể hồi tâm hướng về Đại thừa. Ngoại đạo vẫn còn luân hồi.
Hỏi:
- Phật tánh một thứ không sai khác?
Sư nói:
- Không thể nói là một thứ.
Hỏi:
- Tại sao vậy?
Sư nói:
- Hoặc có toàn không sanh diệt, hoặc nửa sanh nửa diệt, hoặc nửa không sanh diệt.
Hỏi:
- Ai là người lý giải như thế?
Sư nói:
- Ta nơi đây Phật tánh toàn không sanh diệt. Thân phương Nam của ông là vô thường. Thần tánh là thường, do đó mà nửa sanh nửa diệt, nửa không sanh diệt.
Hỏi:
- Sắc thân Hòa thượng há giống như Pháp thân không sanh diệt chăng?
Sư nói:
- Ông sao lại vào tà đạo?
Nói:
- Học nhân vào tà đạo hồi nào? (Đường lệch).
Sư nói:
- Ông không nghe kinh Kim Cang nói: ‘Sắc kiến, thanh cầu là đi vào đường lệch’. Nay cái thấy của ông, chẳng phải thế sao?
Nói:
- Mỗ giáp từng đọc Đại, Tiểu thừa giáo, lại cũng thấy nói trong bất sanh bất diệt là chỗ chánh tánh. Lại cũng thấy có nói ấm này diệt ấm kia. Sanh thân có lúc tàn tạ, nhưng thần tánh không diệt. Điều này há đều giống đoạn thường hai kiến của ngoại đạo chăng?
Sư nói:
- Ông học đạo xuất thế vô thượng chánh chân, hay học đạo thế gian sanh tử, đoạn thường hai kiến? Ông không nghe Triệu công nói: ‘Đàm luận về chân tức nghịch lại tục. Thuận theo thế tục tức trái với chân’. Trái với chân thì mê tánh mà không quay lại. Nghịch tục thì lời nói lạt lẽo vô vị. Người trung lưu thì giống tồn, như vong. Kẻ hạ sĩ vỗ tay mà không thèm nhìn. Ông nay muốn học hạ sĩ cười đại đạo chăng?
Nói:
- Sư cũng nói tâm ấy là Phật, bậc tri thức phương Nam cũng nói thế, há có giống khác sao? Sư không nên tự cho mình đúng mà chê người khác sai.
Sư nói:
- Hoặc gọi là khác thể mà đồng. Hoặc gọi là đồng thể mà khác. Nhân thái quá mà thôi. Chỉ như Bồ-đề, Niết-bàn, chân như, Phật tánh, tên gọi khác mà thể đồng. Chân tâm, vọng tâm, Phật trí, thế trí, tên gọi đồng mà thể khác. Nhân phương Nam nhầm lẫn đem vọng tâm nói là chân tâm, nhận giặc làm con. Chấp thủ thế trí làm Phật trí, giống như mắt con cá mà nhìn loạn đi thành viên ngọc sáng vậy. Không thể lôi đồng, sự nên chân biệt rõ ràng.
Hỏi:
- Làm sao rời được lỗi ấy?
Sư nói:
- Chỉ cần ông phản quang kỹ lưỡng, thâm nhập giới xứ, nhất nhất suy cho cạn cùng, có chút gì được chưa.
Hỏi:
- Quan sát kỹ lưỡng, không thấy một vật nào khả đắc.
Sư nói:
- Ông hủy hoại tướng của thân tâm chăng?
Nói:
- Thân, tâm, tánh đều rời xa thì còn gì để hoại chớ?
Sư hỏi:
- Ngoài thân tâm còn có vật chăng?
Nói:
- Thân tâm không có ngoài, há có vật sao?
Sư nói:
- Ông hủy hoại tướng thế gian chăng?
Nói:
- Tướng thế gian là vô tướng, há hoại được ru?
Sư nói:
- Nếu mà như thế, thì rời xa lỗi rồi đó.
Thiền khách hân nhiên thọ giáo.
Tăng Linh Giác ở Thường Châu hỏi:
- Phát tâm xuất gia, vốn nghĩ cầu Phật. Xin hỏi dụng tâm như thế nào mới được?
Sư nói:
- Chẳng có tâm để dụng, thì thành được Phật.
Hỏi:
- Không tâm để dụng, ai là người thành Phật?
Sư nói:
- Vô tâm tự thành, Phật cũng vô tâm.
Nói:
- Phật đại bất khả tư nghì là do hay độ chúng sanh. Nếu mà vô tâm thì ai độ chúng sanh?
Sư nói:
- Vô tâm là chân độ chúng sanh. Nếu còn thấy có chúng sanh để độ, tức là hữu tâm, thì đương nhiên phải sanh diệt.
Nói:
- Nay đã vô tâm, đấng Năng Nhân xuất thế, nói rất nhiều giáo tích, há có thể là lời hư dối sao?
Sư nói:
- Phật thuyết giáo cũng vô tâm.
Nói:
- Thuyết pháp mà vô tâm thì thà không thuyết.
Sư nói:
- Thuyết tức không, mà không tức thuyết.
Hỏi:
- Thuyết pháp nếu vô tâm thì tạo nghiệp có tâm chăng?
Sư nói:
- Vô tâm tức vô nghiệp. Nay đã có nghiệp, tâm tức sanh diệt, làm sao vô tâm được.
Hỏi:
- Vô tâm tức thành Phật, vậy Hòa thượng giờ đây đã thành Phật chưa vậy?
Sư nói:
- Tâm tự vô, ai nói thành Phật. Nếu có Phật để thành thì là có tâm. Có tâm tức hữu lậu, nơi nào mà vô tâm được.
Hỏi:
- Nếu đã không có Phật để thành, Hòa thượng còn có Phật dụng không?
Sư nói:
- Tâm còn tự không có thì dụng từ đâu mà có được.
Hỏi:
- Mịt mờ đều không, phải chăng rơi vào đoạn kiến?
Sư nói:
- Bổn lai không kiến thì ai nói đoạn vậy?
Hỏi:
- Bổn lai không, há phải chăng là rơi vào không?
Sư nói:
- Không vốn đã là vô thì đọa từ đâu mà lập chứ?
Nói:
- Năng, Sở đều không, bỗng có người cầm dao tới lấy mạng mình, thì đó là có hay không?
Sư nói:
- Là không.
Hỏi:
- Có đau đớn không?
Sư nói:
- Đau đớn cũng không!
Nói:
- Đau đớn nếu đã không, sau khi chết đầu sanh lại đường nào?
Sư nói:
- Không chết, không sanh, cũng không có đường.
Hỏi:
- Nếu đã vô vật tự tại, bị đói rét bức thân thì làm sao dụng tâm?
Sư nói:
- Đói thì ăn cơm, lạnh thì mặc áo.
Hỏi:
- Biết đói, biết lạnh thì là có tâm rồi.
Sư nói:
- Ta hỏi ông nếu có tâm, tâm làm thể đoạn gì nào?
Đáp:
- Tâm vô thể đoạn.
Sư nói:
- Ông nếu đã biết không thể đoạn, tức là bổn lai không tâm, sao lại nói có được?
Nói:
- Trong núi nếu gặp cọp, sói thì làm sao dụng tâm?
Sư nói:
- Như không thấy đến như không đến. Mình nếu vô tâm thì loài thú dữ không làm hại.
Nói:
- Tịch nhiên vô sự, độc thoát vô tâm, gọi tên là gì?
Sư đáp: Gọi là Đại sĩ Kim Cang.
Nói: Đại sĩ Kim Cang có thể đoạn gì?
Sư đáp: Bổn vô hình đoạn.
Hỏi: Nếu đã không hình đoạn, thì gọi vật gì là Đại sĩ Kim Cang?
Sư đáp: Gọi là Đại sĩ Kim Cang vô hình đoạn.
Hỏi: Kim Cang đại sĩ có công đức gì?
Sư nói: Một niệm cùng với Kim Cang tương ưng. Có thể giảm hà sa kiếp tội nặng sanh tử, có thể thấy vô số chư Phật. Đại sĩ Kim Cang này công đức vô lượng, không phải miệng có thể kể, không phải ý có thể nêu bày. Giả sử trụ thế được vô số kiếp mà nói, cũng không thể nói hết.
Hỏi: Thế nào là một niệm tương ưng?
Sư nói: Nhớ và trí đều quên mất, đó tức là tương ưng.
Hỏi: Ký ức và trí lự đều quên hết thì ai là người thấy Phật?
Sư nói: Quên mất là vô, mà vô tức Phật.
Hỏi: Không thì nói là không, sao gọi được là Phật?
Sư nói: Vô cũng là không. Phật cũng không, cho nên mới nói vô là Phật, Phật tức vô.
Hỏi: Nếu đã không có một chút gì có thể đắc, thì gọi là vật gì?
Sư đáp: Vốn vô danh tự
Hỏi: Có gì tương tự không?
Sư đáp: Không có gì tương tự cả, cho nên đời mới gọi là độc tôn không gì so sánh được. Ông nỗ lực y theo đó mà tu hành, thì chẳng có ai có thể phá hoại được vậy. Mà cũng chẳng cần phải hỏi han, nhiệm ý du hành, độc thoát không sợ hãi, thường có hà sa Hiền Thánh che chở, ủng hộ. Chỗ nơi mình đang ở có hà sa Thiên Long Bát Bộ cung kính, hà sa thiện thần đến che chở, mãi mãi không gặp chướng nạn, nơi đâu mà chẳng được tiêu diêu.
Lại hỏi: Lúc Ca Diếp tại bên Phật nghe, tức nghe cái không nghe?
Sư nói: Nghe cái không nghe.
Hỏi: Vì sao lại nghe cái không nghe?
Sư nói: Nghe cái không nghe.
Hỏi: Như Lai có nói nghe cái không nghe, hay không nói cái nghe cái không nghe?
Sư nói: Như Lai không nói.
Hỏi: Vì sao nói cái không nói?
Sư nói: Nói khắp thiên hạ, mà chẳng mở miệng.
Sư thượng đường nói: Này các ông, lão tăng hồi 18 tuổi đã biết hoạt kế. Có ai liễu giải hoạt kế xin hãy bước ra, lão tăng cùng vị ấy thương lượng. Phải là người trụ trên núi mới được.
Sư nín lặng hồi lâu nhìn khắp đại chúng, chấp tay nói: Tạm biệt, không có chuyện gì, mỗi người tự lo tu hành.
Đại chúng không chịu rời pháp đường.
Sư nói:
Như Thánh quả thật đáng sợ. Đừng có nghĩ đại nhân còn chẳng biết thế nào. Ta không phải hắn, hắn cũng không phải ta. Hắn làm gì được ta nào. Các nhà kinh luận cho Pháp thân là cứu cánh, gọi là lý tận tam-muội. Tự lão tăng hồi trước bị người dạy phản bổn hoàn nguyên, gặp biết bao họa sự. Này các anh em, gần đây Thiền sư nhiều lắm, tìm một gã si độn mà không gặp. Không thể nói là toàn không, trong đó có ít đỉnh. Nếu có hãy bước ra cùng thương lương. Như thuở không kiếp có người tu hành không? Có không, tại sao lại không nói. Ai là người trong các ông bình thường môi khéo, lưỡi mỏng, vậy mà khi hỏi đến toàn là không chịu nói. Sao không bước ra đi, chứ đừng có bàn luận chuyện Phật ra đời. Này các anh em, người thời nay vác Phật trên vai mà đi, nghe lão tăng nói tâm không phải Phật, trí không phải là đạo, liền chụm đầu lại mà suy nghĩ. Lão tăng không có chỗ cho các vị suy nghĩ. Các vị dù có bó được hư không lại để làm gậy đánh được lão tăng thì cứ suy nghĩ.
Lúc đó, có ông tăng hỏi: Từ các Tổ sư thời trước cho đến đại sư Mã Tổ ở Giang Tây đều nói ‘Tâm ấy là Phật. Tâm bình thường là đạo’. Nay Hòa thượng lại nói: ‘Tâm ấy không phải là Phật, trí chẳng phải là đạo’. Kẻ học này tất phải sanh ra nghi hoặc. Thỉnh Hòa thượng từ bi chỉ thị.
Sư bèn nghiêm giọng nói: Ông nếu là Phật thì chớ có nghi làm chi mà hãy hỏi lão tăng đây. Nơi nào mà có chuyện đi từng nhà mà nghi Phật. Lão tăng thì không phải Phật, lại cũng chưa từng thấy Tổ sư. Ông nói như thế thì hãy tự tìm Tổ sư đi.
Tăng nói: Hòa thượng nói như thế thì dạy kẻ học này làm sao mà phù trì được.
Sư nói: Ông hãy mau dùng tay mà nâng hư không lên đi.
Tăng nói: Hư không đâu có động tướng, làm sao nâng được?!
Sư nói: Ông nói không động tướng thì đã sớm động rồi vậy. Hư không nào có biết nói: ‘Tôi vô động tướng’. Đó đều do ông tình kiến.
Tăng nói: Nói hư không không động tướng là đã phạm tình kiến, vậy trước đó Hòa thượng bảo mỗ đây nâng vật gì?
Sư nới: Ông đã biết là không nên nói ‘nâng lên’, thì nghĩ phù trì hư không chỗ nào?
Tăng nói: Nếu tâm là Phật đã không được, thì tâm làm Phật được không?
Sư nói:
Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Phật. Tình kiến sở hữu đều là tưởng thành. Phật là người trí, tâm là chủ thái tập, đều diệu dụng lúc đối với vật. Đại đức đừng nhận tâm, nhận Phật. Dù có nhận được đó đều là cảnh. Bị người gọi là sở tri ngu. Cho nên đại sư ở Giang Tây nói: ‘Không phải tâm, không phải Phật, không phải vật’. Vả lại dạy người đời sau các ông hành động như thế nào? Kẻ học đời nay mặc áo đạo rồi đi từng nhà mà nghi chuyện bá láp đâu đâu. Như vậy có được không vậy?
Tăng nói: Nếu đã không là tâm, không là Phật, không là vật, mà Hòa thượng nay lại nói: ‘Tâm không phải Phật, trí không phải đạo’. Xin hỏi thế là thế nào?
Sư nói: Ông không nhận tâm không phải Phật, trí không phải đạo, lão tăng nếu bỗng đắc tâm lại, thì trước chỗ nào?
Tăng nói: Tất cả nếu đều không được thì có khác gì thái hư?
Sư nói: Nếu đã không phải là vật, thì còn so sánh gì với thái hư. Lại dạy ai khác hay không khác.
Tăng nói: Không thể không có cái không phải tâm, không phải Phật, không phải vật.
Sư nói: Nếu ông nhận điều đó thì đã thành tâm, Phật rồi còn gì.
Tăng nói: Thỉnh Hòa thượng nói.
Sư nói: Lão tăng tự không biết.
Hỏi: Vì sao mà không biết?
Sư nói: Bảo ta nói cái gì?
Tăng nói: Thế là không cho kẻ học lãnh hội đạo.
Sư nói: Lãnh hội đạo gì đấy? Mà làm sao lãnh hội được?
Đáp: Mỗ đây không biết.
Sư nói:
- Không biết lại là tốt đấy. Nếu nắm lời của lão tăng, gọi là y thông nhân. Nếu gặp Di Lặc xuống thế sẽ bị ngài luộc chín cả đầu lẫn đuôi.
Hỏi:
- Khiến người đời sau thế nào?
Sư nói:
- Ông hãy tự xét xem, đừng làm phiền người đời sau.
Tăng nói:
- Ban đầu không cho mỗ đây lãnh hội đạo, nay bảo kẻ học này tự xét xem. Xin hỏi thế là thế nào?
Sư nói:
- Đồng ý cho ông diệu lãnh hội, thì ông làm sao lãnh hội đây?
Hỏi:
- Thế nào là diệu lãnh hội?
Sư nói:
- Có muốn học lời của lão tăng không? Cho dù nói đó là do lão tăng nói thì đại đức ra sao?
Tăng nói:
- Mỗ đây nếu tự lãnh hội, thì phiền chi đến Hòa thượng chứ? Xin từ bi chỉ thị.
Sư nói:
- Không thể chỉ này, chỉ nọ mà lừa gạt người. Trong lúc ông đang tụng kinh ê a sao không lại hỏi lão tăng. Người thời nay khôn lanh mới nói tôi không lãnh hội. Mưu tính chuyện gì. Ông đời này nếu xuất đầu nói tôi xuất gia làm Thiền sư thì khi chưa xuất gia từng làm cái gì? Hãy thử nói xem, sẽ cùng ông thương lượng.
Tăng nói:
- Hồi nào thì mỗ đầy không biết,
Sư nói:
- Nếu đã không biết thì nay nhận đắc khả liệu có được chăng?
Tăng nói:
- Nhận đắc nếu đã không được, vậy không nhận có được không?
Sư nói:
- Nhận hay không nhận là lời lẽ gì?
Tăng nói:
- Đến chỗ này thì mỗ đây lại trở thành không lãnh hội.
Sư nói:
- Ông nếu không lãnh hội thì ta cũng chẳng lãnh hội.
Tăng nói:
- Mỗ đây là người học thì chẳng lãnh hội đã đành, còn Hòa thượng là bậc đại thiện tri thức thì phải lãnh hội chứ.
Sư nói:
- Cái gã này nói với ngươi không lãnh hội, ai ở đó mà luận chuyện thiện tri thức. Đừng có lanh lợi quá. Nhớ lại lão sư Giang Tây lúc còn tại thế, có một học sĩ (là Bàng uẩn) hỏi: ‘Nước không có gân xương làm sao lại nâng nổi chiếc thuyền muôn hộc? Lý ấy thế nào? Mã lão túc đáp: ‘Nơi đây không có nước mà cũng không có thuyền, luận cái gì là gân với xương’. Này các anh em, vị học sĩ đó đành thôi, mà không có biện luận nữa. Do đó mà hỏi lu bù, Phật không lãnh hội đạo. Ta tự tu hành thôi, dùng hiểu biết để mà làm gì?
Hỏi:
- Tu hành như thế nào?
Sư nói:
- Không thể tư lượng được. Hướng về người nói tu thế nào, hành làm sao thật là khó.
Tăng hỏi:
- Có đồng ý cho kẻ học này tu hành không?
Sư nói:
- Lão tăng không thể ngăn chặn được ổng.
Hỏi:
- Mỗ đây tu hành thế nào?
Sư nói:
- Cần hành thì hành, không nên tìm sau lưng.
Tăng nói:
- Nếu không nhờ bậc thiện tri thức chỉ thị thì làm sao lãnh hội được. Như Hòa thượng thường nói: ‘Tu hành phải hiểu mới được. Nếu không hiểu thì sẽ rơi vào nhân quả, không có phần tự do’. Xin hỏi nên tu hành thế nào, để khỏi rơi vào nhân quả?
Sư đáp:
- Cũng chẳng cần thương lượng. Nếu luận về tu hành thì có chỗ nào mà không được.
Hỏi:
- Làm sao để được?
Sư đáp:
- Ông không nên rượt đuổi sau lưng mà tìm.
Tăng nói:
- Hòa thượng chưa nói làm cách nào dạy mỗ đây tìm.
Sư nói:
- Nếu có nói đi nữa, thì tìm nơi nào mà được. Như ông từ sáng sớm đến ban đêm, chạy đông chạy tây, ông cũng chẳng thương lượng nói được hay là không được. Người ngoài không biết được ông.
Tăng hỏi:
- Ngay khi chạy đông chạy tây, tất cả đều không thương lượng phải không?
Sư nói:
- Vào lúc ấy ai là người nói đúng hay không đúng.
Tăng nói:
- Hòa thượng luôn dạy mỗ đây nên ở mọi nơi mà không hành gì cả. Hắn câu mình không được, gọi là biến hạnh tam-muội, phổ hiện sắc thân, há phải chăng là lý này vậy?
Sư nói:
- Nếu luận về tu hành thì nơi nào mà không được. Không nên nói là câu nệ hay không câu nệ, mà cũng không nói tới tam-muội.
Tăng nói:
- Khác gì có pháp đắc đạo Bồ-đề.
Sư nói:
- Chẳng luận khác hay không khác.
Tăng nói:
- Cách tu hành mà Hòa thượng nói, đương nhiên khác xa pháp Đại thừa, xin hỏi là như thế nào?
Sư nói:
- Chẳng kể là khác hay không khác, kể cả chưa từng học tới nếu luận về khán giáo, tự có tọa chủ kinh luận. Các nhà dạy dỗ ấy thật đáng sợ, các ông đừng nghe là tốt hơn.
Hỏi:
- Thế thì rốt lại dạy kẻ học này phải lãnh hội như thế nào?
Sư nói:
- Như điều ông hỏi chỉ ở bên lề nhân duyên. Xem ông chẳng ra làm sao. Duyên là nhận được chuyện đầu sáu cửa. Ông chỉ cần lãnh hội Phật bên kia thì đến bên này ta cùng ông thương lượng. Này các anh em, đừng rượt tìm như thế mà chẳng trụ. Sao lại không thể thủ. Người xưa nói: Hành hạnh Bồ-tát chỉ có một người hành. Thiên Ma Ba Tuần dẫn quyến thuộc của hắn theo sau Bồ-tát, rình tìm chỗ khởi của tâm mà vồ ngã. Như vậy dù có trải vô lượng kiếp, tìm một niệm dị xứ cũng không được, đành cùng quyến thuộc lễ bái tạ từ cúng dường. Như vậy chuyện tấn tu đối với người căn cơ trung hạ, chẳng ra làm sao cả, huống hồ tuyệt chỗ công dụng. Như Văn Thù và Phổ Hiền chẳng có nói gì khác. Này anh em, làm thế nào nói hành là không, tìm một người hành trong ngày không thể được. Người đời nay chỉ đi từng nhà từ năm này đến năm khác lo tìm cứu cánh, luống lộng môi lưỡi để kiến giải.
Hỏi:
- Chính ngay lúc đó thì không có tên Phật, không có tên chúng sanh, khiến mỗ đây làm sao mà đồ độ được.
Sư nói:
- Ông nói không tên Phật, không tên chúng sanh, thì đã sớm đồ độ rồi vậy, lại cũng là ghi nhớ lời lẽ người khác.
Hỏi:
- Nếu như thế thì chuyện lúc Phật xuất thế rồi, không thể không nói.
Sư nói:
- Ông nói thế nào đây?
Tăng nói:
- Cho dù có nói cũng không đến chốn đến nơi.
Sư nói:
- Nếu nói rằng nói không tới, là không đến lời lẽ. Ông hư luống tìm cầu rượt đuổi như thế, ai cùng ông làm cảnh?
Nói:
- Nếu không có người làm cảnh thì ai là người bên kia?
Sư nói:
- Ông nếu không dẫn giáo tới, thì nơi đâu mà luận Phật? Nếu không luận Phật thì lão tăng cùng ai luận bên này, bên kia.
Tăng nói:
- Quả tuy không trụ đạo, nhưng đạo có thế làm nhân thế nào?
Sư nói:
- Đó là người xưa. Như nay đây không thể phụng giới. Ta không phải là hắn, hắn không phải là ta. Làm được y như hành động của ly nô, bò trắng, mà lại khái hoạt. Ông nếu một niệm khác đi là khó thể tu hành.
Hỏi:
- Vì sao mà một khác lại khó tu hành?
Sư nói:
- Vừa mới một niệm khác, liền khởi hai căn thắng, thua. Không phải tình kiến tùy nhân quả khác. Rốt lại có phần tự do gì đâu.
Nói:
- Thường nghe Hòa thượng nói Báo, Hóa thân không phải chân Phật, cũng không phải người nói pháp, xin hỏi chuyện đó thế nào?
Sư nói:
- Duyên sanh thì không thật.
Nói:
- Báo, Hóa nếu đã là không phải chân Phật vậy Pháp thân có phải chân Phật không?
Sư nói:
- Đã sớm là Ứng thân rồi.
Hỏi:
- Nếu như thế thì Pháp thân cũng không phải là chân Phật?
Sư nói:
- Cái gã này gom tám, chín mươi lão túc lại mà chưởi. Đã nói cho ông nghe rồi, lại hỏi cái gì rời, không rời, định đóng cọc hư không chắc?
Tăng nói:
- Phụng thừa kinh Hoa Nghiêm, chính Pháp thân Phật nói thì thế nào?
Sư nói:
- Ông mới rồi nói cái gì?
Tăng ấy lặp lại câu hỏi, sư nhìn ông ta than rằng:
- Nếu là Pháp thân nói, ông hướng về nơi đâu mà nghe chứ?
Nói:
- Mỗ đây không biết.
Sư nói:
- Khó quá, khó quá! Đi khỏi thôi! Tạm biệt!
Cảnh ngữ
Tác phẩm
Thông tin khác