[Thiền sư] Nhuận Châu Hạc Lâm Huyền Tố
- 10 Oct, 2024
Giới thiệu
Thiền sư Nhuận Châu Hạc Lâm Huyền Tố 鶴林玄素, Gakurin Genso, 668-752): Vị tăng của Ngưu Đầu Tông, pháp từ của Trí Oai (智威), vị tổ đời thứ 5 của Ngưu Đầu Tông, tự là Đạo Thanh (道 清), họ Mã (馬), cho nên sư thường được gọi là Mã Tố (馬素), xuất thân Diên Lăng (延陵), Nhuận Châu (潤州, Tỉnh Giang Tô). Tiểu sử của Hạc Lâm Huyền Tố được biết đến chủ yếu là nhờ một văn bia bởi một nhà sư tên Lý Hoa, một nhân vật có tầm quan trọng không nhỏ trong sự phát triển của Thiền sơ kỳ ở Trung Hoa.
Giống như luật sư Ấn Tông và Thiền sư Mã Tổ Đạo Nhất, Huyền Tố thường được đề cập đến như là Mã Tổ, hoặc thậm chí bằng tên hỗn hợp của gia đình và tôn giáo của sư, Mã Tố. Như chúng ta có thể nghĩ rằng, cách sử dụng tên như vậy đã đưa đến sự lẫn lộn giữa Huyền Tố và Mã Tổ Đạo Nhất, người được đề cập đến thường xuyên hơn trong các nguồn tài liệu đương thời bởi tước hiệu Đại Tịch. Dầu sao đi nữa thì vào năm Như Ý nhà Đường (692 - Đường Vũ Hậu) , Huyền Tố xuất gia ở Trường Thọ Tự (長壽寺) vùng Giang Ninh (江寧, Tỉnh Giang Tô) và sau khi thọ cụ túc giới xong, sư sống ẩn cư. Đến cuối đời, sư theo hầu hạ Trí Oai ở U Thê Tự (幽棲寺) trên núi Ngưu Đầu, Thanh Sơn (青山), và thọ nhận giáo pháp từ Thiền sư Trí Oai, sư có thân hình khắc khổ.
Có một giả thuyết cho rằng Trí Oai và Huyền Tố đã rời khỏi núi Ngưu Đầu vào năm 713 hoặc một thời gian ngắn sau đó. Theo giả thuyết này thì trung tâm được thiết lập và tương đối ổn định ở Ngưu Đầu Sơn được để lại cho người có thiên tài nhưng tương đối vẫn còn thiếu kinh nghiệm là Huệ Trung, trong khi đó Huyền Tố, người lớn tuổi hơn Huệ Trung nhiều nhưng vẫn chưa hoàn tất sự tu tập của mình, nên cùng thầy mình là Trí Oai đi tiếp đến chùa Duyên Tộ ở Kim Lăng, chính ở chùa này mà Huyền Tố mới nhận được sự truyền pháp sau cùng từ Trí Oai.
Trong khoảng thời gian niên hiệu Khai Nguyên (開 元, 713-742), thể theo lời thỉnh cầu của vị tăng Uông Mật (汪密), sư đến Kinh Khẩu (京口) và đáp ứng sự khẩn thỉnh của vị quan trong quận Vi Tiển (微 銑), sư đến nhậm chức trụ trì Hạc Lâm Tự (鶴 林 寺) thuộc Hoàng Hạc Sơn (黄 鶴 山), Nhuận Châu (潤 州).
Về sau này, trong những năm sau 742, sư tạm dời đến Quảng Lăng hay Dương Châu, huyện Giang Đô, cũng thuộc tỉnh Giang Tô, nhưng dân chúng Kinh Khẩu kiến nghị mạnh mẽ thỉnh sư trở về, việc này đưa đến sự đấu tranh cay cú giữa hai cộng đồng dân chúng. Trên thực tế, văn bia mô tả lễ tiếp đón Huyền Tố từ nơi dân chúng trong những vùng khác nhau tất cả đều xoay quanh Dương Châu dạt dào tình cảm đến độ chúng ta có thể nghĩ rằng tầm cỡ của Huyền Tố thật là vĩ đại. Cuối cùng, sư trở về Hạc Lâm và ở đó cho tới khi thị tịch vào năm 752.
Vào ngày 11 tháng 11 năm thứ 11 (752 - Đường Huyền Tông) niên hiệu Thiên Bảo (天 寳), nửa đêm Sư không bệnh mà an nhiên thị tịch, hưởng thọ 85 tuổi. Tháp sư được dựng ở Tây Hoàng Hạc Sơn. Sư được ban cho thụy hiệu là Đại Luật Thiền Sư (大律禪師), tháp hiệu Đại Hòa Bảo Hàng. Môn nhân của sư có Pháp Hải (法 海), người biên tập bộ phận tối cổ của Lục Tổ Đàn Kinh Bản Đôn Hoàng. Lý Hoa (李華) soạn bia văn cho tháp của sư.
Ngữ lục
Một hôm, Đại sư Trí Oai xoa đầu Huyền Tố và nói: “Chân pháp của Đông Nam trông chờ vào sự truyền bá của con. Ta muốn con dạy dỗ các đệ tử tìm đến con trong một tình huống riêng biệt”. Điều này được ghi lại trong văn bia của sư. Đây là sự tiên đoán hay thọ ký của Trí Oai vào dịp hội ngộ lần đầu tiên với Huyền Tố. Trí Oai nói đến “Chân Pháp Đông Nam” như là một sự đề cập đến địa vị độc lập của Ngưu Đầu tông đối với Thiền phái Bắc tông của Thần Tú và Thiền phái Nam tông của Huệ Năng.
Từng có lần đồ tể lễ yết kiến Sư, muốn thỉnh Sư đến nhà để lo liệu cúng dường. Sư vui vẻ mà đi, chúng đều ngạc nhiên. Sư nói:
- Phật tánh bình đẳng, trí ngu có một. Chỉ cần người độ được ta liền độ cho, lại có gì là khác biệt đâu?
Một hôm, có một vị Tăng đến hỏi Sư về ý chỉ của Đạt Ma Đông du, Sư đáp:
- Hiểu tức chẳng hiểu. Nghi tức chẳng nghi. Lúc khác câu trả lời của ngài lại là:
- Chẳng hiểu chẳng nghi, chẳng nghi chẳng hiểu.
Lại có tăng gõ cửa, Sư hỏi:
- Ai đó? Đáp:
- Tăng Sư nói:
- Không những là tăng, Phật đến cũng chẳng được.
Hỏi:
- Phật đến tại sao chẳng được? Sư đáp:
- Không có chỗ cho ông dừng đậu.
Cảnh ngữ
Tác phẩm
Thông tin khác