Type something to search...

[Thiền sư] Trường Khánh Huệ Lăng

  • 10 Oct, 2024
Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng (854 - 932) vốn là người Diêm Quan - Hàng Châu (nay là huyện Hải Ninh). Thiếu niên họ Tôn này bẩm tánh thuần phác, đạm bạc tuổi chỉ mới 13 đã đến chùa Thông Huyền ở Tô Châu thế phát xuất gia, làm một tiểu Sa di.

Thọ giới xong, ông bắt đầu cầm gậy vân du, lần lượt tham thiền. Một năm nọ, ông đến hồ Triết Giang, đi thăm trăng ở vùng Mân.

Thời đó, Phúc Châu có hai đỉnh núi Tuyết Phong và Long Vân cao to sừng sững vút tận trời xanh, hai vị đại Tổ sư Nghĩa Tồn và Chí Cẩn ngồi vững vàng trên hai đỉnh núi trơ trọi đó, mỗi vị đều xiển dương tông phong của mình.

Đầu tiên Huệ Lăng đến núi Linh Vân, lễ bái tham yết Đại sư Chí Cần người đã “nhìn hoa đào mà ngộ đạo” .

Huệ Lăng đảnh lễ rồi thưa: “Đại ý của Phật pháp là gì?

Đại sư Linh Vân Chí Cần mắng: “Việc lừa chưa xong, việc ngựa đã đến.

Thật vậy, tâm chúng ta luôn có các thứ phiền não đến tới tấp, chẳng được một phút yên ổn. Mà Huệ Lăng lại tìm cầu những hiểu biết ở bên ngoài, vọng tưởng sẽ tìm được chân đế của thiền trong một câu nữa lời của Tổ sư, không những là buồn trước chưa đi mà thêm buồn sau lại đến. Thế mà ông lại thật thà không hiểu vì sao Đại sư Linh Vân lại trả lời như thế, nên thưa: “Học tăng không hiểu?” Linh Vân Chí Cần nói: khí màu suốt đêm động, tinh linh ngày càng ít (Thái khí dạ trường động, tinh linh nhật thiểu phùng.)

Vốn dĩ Huệ Lăng bị: “Ý của Tổ sư từ Tây Trúc đến” làm cho mê hoặc tới mức mơ mơ hồ hồ, nay lại bị Đại sư Linh Vân ném vào trong một khối sương mù dày đặc, thật đúng là trên tuyết lại thêm sương, oan khuất chồng lên oan khuất! Linh Sơn Chí Cần thấy Huệ Lăng bị mê mờ đoanh vây, liền nói nhân duyên của ông không phải ở đây bảo ông ta đi tham vấn Tuyết Phong Nghĩa Tồn. Lúc sắp đi, Linh Vân bảo: “Ta có một phong thư gửi đến cho Tuyết Phong.”

Huệ Lăng thưa với Thiền sư Linh Vân đem thư ra. Linh Vân cởi ra một chiếc giày, ném tới trước mặt Huệ Lăng.

Huệ Lăng đến Thiền Viện Tuyết Phong. Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn hỏi ông từ đâu đến? Ông thưa từ Linh Vân đến.

Tuyết Phong lại hỏi Linh Vân khỏe không? Huệ Lăng thưa có một bức thư gửi cho ngài. Tuyết Phong hỏi: “Thư đâu?”

Huệ Lăng bắt chước như cách của Linh Vân, cởi một chiếc giày ra, ném đến trước mặt Tuyết Phong.

Đại sư Tuyết Phong hiểu ý mỉm cười, lặng lẽ bỏ đi.

Có tâm nhạy bén tất cả đều thông, tất cả đều nằm trong chỗ vô ngôn, mà người được sai đưa thư như Huệ Lăng lại nhìn không thấy, bởi vì ông ta thực sự không thể khế nhập thiền cơ vi diệu này. Giữa các Tổ sư, thú vui về Thiền là tâm tâm tương ấn, càng làm cho Huệ Lăng vươn xa hơn, ông quyết tâm phá vỡ mối nghi tình lớn lao này, ngộ được áo diệu ở trong đó.

Thế là, ông cứ như vậy đến giữa Tuyết Phong và đệ tử thượng thủ của Tuyết Phong là Huyền Sa Sư Bị, khổ công tham cứu suốt 20 năm, người ta hình dung việc khai ngộ này giống như lọt qua đáy thùng, ngồi xuyên bồ đoàn.

Trong 20 năm Huệ Lăng đã ngồi rách 7 chiếc bồ đoàn! Có thể thấy sự dụng công của ông thâm sâu biết bao, chuyên chú biết bao!

Một hôm, lúc ông đang cuốn tấm rèm cửa lên, bỗng nhiên nhìn thấy bên ngoài là cả một thế giới mới toanh tràn đầy sức sống, trong lòng tự rỗng rang đại ngộ, bốn câu hệ này ào ào tuôn ra:

Rộng lớn thay, rộng lớn thay,

Kéo rèm lên thấy thiên hạ,

Có người hỏi hiểu tông gì?

Đưa phất trần đánh vào miệng.

Kỳ diệu quá, Kỳ diệu quá! Cảnh giới sau khi khai ngộ lại diệu kỳ không thể tả như vậy, cho nên, nếu bạn mở miệng để hỏi, liền đưa phất trần đánh vào miệng bạn!

Việc cuốn rèm mà ngộ đạo của Huệ Lăng và việc nhìn hoa đào mà khai ngộ của Thiền sư Linh Vân năm nọ, có gì tương tợ! Hai mươi năm trước, Đại sư Linh Vân gieo hạt Bồ đề xuống, cuối cùng đã nở hoa kết quả.

Sư Phụ Tuyết Phong đọc bài kệ khai ngộ của Huệ Lăng xong, nói với Huyền Sa: “Huệ Lăng triệt ngộ rồi!”

Huyền Sa Sư Bị lại nói: “Không thể ấn chứng vội vàng như thế, bài kệ này cũng có thể do ông ta dựa vào ý thức mà trước thuật, cho nên, phải khảo nghiệm lại.”

Đến lúc tiểu tham ban tối. Huệ Lăng cũng tham dự như thường lệ, đi theo chúng Tăng lên thưa hỏi sư phụ, Tuyết Phong nói với ông: “Sư huynh Huyền Sa Sư Bị không chấp nhận bài kệ của ngươi, nếu ngươi thực sự đã chứng ngộ, thì ngay trước mặt đại chúng hãy nói ra.” Huệ Lăng lại có bài kệ tụng rằng:

“Trong vạn tượng một mình ta đi,

Chỉ ta thừa nhận ta mới biết.

Ngày xưa lầm lỡ tìm trong đó,

Ngày nay thấy rõ lửa trong băng.”

Vạn tượng chi trung độc lộ thân,

Duy nhân tự khẳng nãi phương thân.

Tích thời mậu hướng đồ trung mích,

Kim nhật khán lai hỏa lí băng.

Sâm la vạn tượng, tự tánh như vậy, chỉ có ta thừa nhận, mới có thể khế nhập đại đạo. Vì thế, ngày xưa cứ đến đi qua lại tìm cầu “Tổ sư Tây lai ý” từ bên ngoài, thậm chí “ngồi rách bảy chiếc bồ đoàn” cũng đều là cành lá trên ngọn mà thôi, chứ chưa đạt đến gốc của nó được; Ngày nay hiểu ra, chữ nghĩa tìm hiểu, thậm chí công phu tọa thiền đều là người đứng giữa đường mà tìm kiếm vườn nhà. Mà sau khi khai ngộ, lại thấy tất cả những điều này giống như băng ở trong lửa, hư huyễn không thật, hoàn toàn không thể có!”

Tuyết Phong quay đầu nhìn Huyền Sa hỏi: “Thế nào!Không thể vẫn còn nói là ý thức trước thuật đấy chứ!”

Huệ Lăng thưa với Đại sư Tuyết Phong: “Từ trên chư Thánh truyền xuống chỉ có một con đường, xin sư phụ chỉ dạy.”

Đại sư Tuyết Phong im lặng, im lặng hồi lâu … Thế mà, chính ngay trong sự im lặng đó, Thiền sư Huệ Lăng cảm nhận được một cách rõ ràng có một thứ từ trong tâm tư sư phụ dâng trào cùng hòa chung với tâm linh của mình…

Như Lai đưa cành hoa lên, Ca Diếp mỉm cười. Tuyết Phong trầm mặc, Huệ Lăng ấn tâm. Thiền, chính là kỳ diệu như vậy.

Ngữ lục

Sau khi Huệ Lăng khai ngộ, hành vi cử chỉ đều rất khác trước.

Ngày hôm sau, sư phụ Tuyết Phong đang khai thị tại pháp đường: “Thường ngày ta nói với đại chúng, Nam Sơn có con rắn mũi rùa, mỗi mỗi các ngươi nhất định phải xem cho kỹ.”

Thiền sư Huệ Lăng lập tức từ trong Tăng chúng đứng dậy, nói: “Hôm nay ở trong pháp đường này người táng thân mất mạng chắc chắn rất nhiều!”

Đúng vậy, đối diện với con rắn kịch độc, do dự bàng hoàng một chút, liền bị vong thân mất mạng; đối diện với ánh chớp, lửa đá mà lơ là một xíu là cơ phong qua đi, nếu suy nghĩ tìm tòi, liền bỏ qua khế cơ trước mắt mất đi huệ mạng của mình.

Đệ tử đầu của Tuyết Phong là Đại sư Vân Môn Văn Yển càng táo bạo hơn, ném thiền trượng của mình đến trước mặt Tuyết Phong rồi làm ra vẻ sợ hãi.

Cao Tăng nói thiền, chính là ý vị tuyệt vời như thế.

Có một lần, Huệ Lăng đến phương trượng tham kiến sư phụ, Tuyết Phong ngớ ngẩn hỏi: “Là cái gì?”

Huệ Lăng trả lời: “Hôm nay trời nắng ráo, vừa vặn để phổ thỉnh (lao động tập thể).

Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn, là một vị đại tông sư nổi tiếng nhất trong chốn thiền lâm thời bấy giờ, có liên quan đến câu nói “Nam Tuyết Phong, Bắc Triệu Châu.” Đương thời, dưới trướng của ngài hội tụ đến 1500 tăng chúng, trong đó các nhân vật được Đại sư khen ngợi đếm hơn 10 vị, rồng bay hổ nhảy, voi gầm hổ rống, thật là náo nhiệt: Vân Môn Văn Yển khai sáng ra tông Vân Môn vang danh thiên cổ, đệ tử của Huyền Sa Sư Bị sáng lập ra phái Pháp Nhãn, Cổ Sơn Thần Yến được xưng là vị thầy trong cả nước, nhà thơ nổi tiếng Trường Sanh Giảo Nhiên đã truyền tụng thiên thu…

Trong số nhiều huynh đệ đầy tài hoa, ngộ đạo sâu xa đó, Huệ Lăng và Bảo Phúc Tùng Triển là đôi bạn thân thiết nhất. Họ thường cùng nhau mài dũa công án, khuyến khích cổ vũ lẫn nhau. Một hôm, hai người cùng đi tản bộ lên núi bỗng nhiên Bảo Phúc chỉ ngọn núi cao chọc trời đằng xa hỏi: “Cổ nhân nói đỉnh núi Diệu Phong, chẳng phải là núi này sao?”

Núi Diệu Phong là một tòa núi cao trên kim luân ở chính giữa Tiểu thiên thế giới. Trong các điển cố thiền tông, thường dùng từ “Diệu Phong” này để hình dung cảnh giới tuyệt đối siêu tuyệt tất cả ngôn ngữ, tư duy, hình thức phân biệt, tức là chỗ căn bản của thiền ngộ.

Đã là cảnh giới tuyệt đối, làm sao mà nói ra được? Từng có một vị Tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu Tùng Thẫm: đỉnh núi Diệu Phong là gì?

Thiền sư Triệu Châu nói: Lão Tăng không trả lời câu hỏi của ngươi.

Vị Tăng kia hỏi dồn: “Vì sao không trả lời?”

Thiền sư Triệu Châu đáp: Nếu ta trả lời ngươi, e rằng ngươi sẽ ngã trên đất.

Cho nên, lúc Bảo Phúc hỏi: Cổ nhân nói, đỉnh núi Diệu Phong, chẳng phải là núi này sao?

Thiền sư Huệ Lăng trả lời rằng: “Phải thì phải, chỉ tiếc rằng, vẫn còn bao nhiêu….

Thiền sư Huệ Lăng muốn nói lại thôi như vậy, ý chỉ của Thiền sư là gì vậy?

Theo ghi chép trong “kinh Hoa Nghiêm”, Thiện Tài Đồng Tử (tức là đồng nam đứng bên cạnh Bồ tát Quan Âm) được Bồ tát Văn Thù điểm hóa, đi tham bái Tỳ kheo Đức Vân. Nghe nói, Tỳ kheo Đức Vân trú trên đỉnh Diệu Phong, trước nay chưa hề xuống núi. Nhưng, Thiện Tài Đồng Tử tìm trên núi suốt bảy ngày, cũng không gặp ngài. Có một hôm, lại gặp ngài trên một ngọn núi khác.

Tỳ Kheo Đức Vân đã chưa từng xuống núi, Thiện Tài Đồng Tử tại sao không tìm ra ngài ở trên núi? Làm sao lại có thể gặp Ngài trên một ngọn núi khác? Nếu nói ngài xuống núi, mà trong “kinh Hoa Nghiêm” rõ ràng nói Tỳ kheo Đức Sơn mãi mãi ở trên đỉnh núi Diệu Phong, thì có mâu thuẫn không? Tổ sư thiền tông bảo: Diệu Phong tuyệt đỉnh không chứa sự so lường; đỉnh núi thứ hai, hơi thông tin tức. Bởi vì Diệu Phong Tuyệt đỉnh là cảnh giới tuyệt đối không có một chút bụi nhỏ, không dính một sợi tơ, cho nên Thiện Tài Đồng Tử không tìm thấy tự tánh mà bản thân đồng tử đã chứng đắc ở nơi đó. Tình cảnh này, cũng như con mắt có thể nhìn thấy đồ vật, nhưng lại không nhìn thấy bản thân là con mắt; cũng giống như ngón tay có thể xúc chạm sờ mó ngoại vật, nhưng lại không thể xúc phạm sờ mó bản thân ngón tay; cũng như nước có thể rửa sạch vạn vật, nhưng lại không thể rửa sạch bản thân… Phàm là người đạt đến cảnh giới này đều rất từ bi, muốn đưa ra một con đường khác để dẫn dắt mọi người, cho nên, Thiện Tài gặp Tỳ kheo Đức Sơn ở một ngọn núi khác. Vì vậy, Thiền sư Huệ Lăng nói: “Đúng thì đúng, chỉ tiếc là, vẫn còn bao nhiêu…”; Cho nên, ngay sau khi sư đệ Cổ Sơn Thần Yến của họ nghe nói công án này, vô cùng cảm khái nói: “Nếu không phải là sư huynh Huệ Lăng, người khác thì nhất định sẽ rơi vào hoàn cảnh cây khô núi lạnh, khắp núi rừng nhìn đâu cũng đều là xương cốt.”

Thiền, tức là trung đạo, nếu thiên lệch một phía, thì chẳng nghi ngờ gì nữa đó chính là ý thức què quặt, cũng chính là xa rời Thiền.

Câu trả lời của Trường Khánh Huệ Lăng: “_Sơn đầu lão Hòa Thượng (chỉ cho Sư Phụ của họ: Thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn) có lẽ sẽ hỏi tin tức sư huynh, tôi nên trả lời như thế nào?”

Thiền sư Huệ Lăng nói: “Không tránh tanh hôi, thì cũng có một ít.

Thiền sư Bảo Phúc hỏi: “Cuối cùng nhắn cái gì?

Bảo ta dặn dò ai?” Thiền sư Huệ Lăng hỏi ngược lại. Thiền sư Bảo Phúc trả lời: “Tùng Triển ta tuy có những lời này, chưa chắc đã có những việc ấy.”

Thiền sư Huệ Lăng cười: “Nếu như vậy, con đường phía trước đều nhờ vào bản thân ngươi thôi.

Thiền sư Huệ Lăng tu hành bên cạnh sư phụ Tuyết Phong đã tròn 29 năm, Năm Thiên Hựu thứ ba (906 Tây lịch), thứ sử Vương Đình Bân (sau đó quan ở Thái Tú Thái Truyền, nên gọi là “Vương Thái Truyền) ở Tuyền Châu mời Ngài trú trì chùa Chiêu Khánh.

Vương Đình Bân này nói chuyện Thiền thật không phải là học đòi phong nhã mà ông thực sự tham cứu thiền, và có được sự lĩnh ngộ, các nhân vật bình thường trong tông môn không qua được ông ta. Có một lần, lúc ông bước vào chùa Chiêu Khánh, vừa vặn gặp Thượng tọa Huệ Lăng và Thiền sư Minh Chiêu đang nấu trà. Huệ Lăng không cẩn thận làm đổ siêu trà (đồ nấu nước sôi, luộc đồ vật). Vương Công hỏi: “Dưới bếp trà là cái gì?” Thượng tọa Huệ Lăng biết ông đang mượn cớ để nói thiền, bèn trả lời đầy ẩn ý rằng: “Nâng lò thần.” Vương Công hỏi dồn: “Đã là nâng lò thần, vì sao lại đổ siêu trà?” Huệ Lăng trả lời: “Việc quan ngàn ngày, đều mất tại triều đình”. Ai ngờ, Vương Công phẩy phẩy tay áo, nghênh ngang mà đi. Vương công dùng cách đó để biểu thị câu trả lời của Huệ Lăng bị lạc tông chỉ, thương nhọn đâm vào tay, cho nên không chấp nhận Thượng tọa. Có lẽ vì như vậy, mắt tuệ của Vương Công biết nhìn nhận ngọc quí, thỉnh Thiền sư Huệ Lăng đến trú trì chùa Chiêu Khánh.

Buổi thuyết pháp đầu tiên, Vương Công trịnh trọng mặc quan phục, đi nhanh lên trước bục, thi lễ thưa rằng: “Cung thỉnh sư phụ thuyết pháp.

Thiền sư Huệ Lăng không nói gì, mà hỏi lại một cách kỳ quái: Nghe thuyết pháp chưa? Vương Công dường như đã hiểu, đại lễ tham bái, Thiền sư Huệ Lăng nói: Tuy là như vậy, nhưng e rằng có người không chấp nhận.

Không như những người không chấp nhận, chắc chắn họ chưa lãnh ngộ được áo diệu ở trong đó, mà Vương Đình Bân là một vị thiền giả tham thiền đã lâu. Cho nên, nhìn thấy cái bóng roi của Huệ Lăng lay động, liền bắt đầu rong ruỗi.

Có một lần, Thiền sư Huệ Lăng nói cho Vương Đình Bân một công án của sư phụ Tuyết Phong: Đại sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn dựng cây phất trần lên cho một vị Tăng xem, vị Tăng kia liền từ pháp đường đi ra. Thiền sư Huệ Lăng nói: “Hành vi của tăng nhân này, thật đáng gọi ông ta lại, đánh một trận nên thân.”

Trong tâm Vương Công sáng suốt linh động, cho nên, ông ta hỏi ngược lại: “Hòa thượng, ông đang an tâm gì vậy?

Thiền sư Huệ Lăng tự có chổ xoay chuyển nói: “Đợi đến lúc thích hợp lại bỏ qua.

Có một vị Tăng hỏi: “Chánh Pháp Nhãn là gì?

Thiền sư Huệ Lăng trả lời: Lão Tăng có một lời phát nguyện, không để cát vào trong mắt

Ý của Thiền sư là: Nếu ta giải thích cho ngươi “Thế nào là Chánh Pháp Nhãn”, thì chính là rải cát vào trong “mắt” - Kỳ thực, ở đây chính là sự giải thích đối với “Chánh Pháp Nhãn” không thể giải thích - giải thích ở một góc độ khác.

Mân Soái ngưỡng mộ đạo đức tu hành của Thiền sư Huệ Lăng, mời Thiền sư đến trú trì chùa Trường Khánh, một ngôi chùa nổi tiếng ở phủ Trường Lạc (nay là Phúc Châu), ban cho hiệu là Đại sư Siêu Giác. Từ đó về sau, trong hơn 20 năm Thiền sư Huệ Lăng truyền thiền hoằng pháp ở đây, thường có đồ đệ và Tăng nhân đi theo lên đến 150 người. Ngài được xưng là “Trường Khánh Huệ Lăng.”

Có một vị Tăng từ Tương Châu (nay là Tương Phàn tỉnh Hồ Bắc) xa xôi mộ danh tiếng ngài mà đến tham bái. Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng hỏi ông ta tên gì?

Ông trả lời: Minh Viễn

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng lại hỏi: “Tình hình ở đó như thế nào?”

Minh Viễn biết điều sư phụ đang hỏi phải chăng là sự khai ngộ, cho nên theo sự thật mà trả lời: “Minh Viễn lùi sau 2 bước.”

Ý của ông ta là: Bản thân còn kém cỏi lắm.

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng đã sai cho sai luôn, nên vặn hỏi: “Ông vô cớ lùi 2 bước làm gì?”

Minh Viễn không thể đối đáp.

Trường Khành Huệ Lăng quán xét căn cơ mà chỉ dạy, ứng cảnh mà khế cơ, dùng tình hình đặc biệt này để gợi ý: “Nếu không lùi 2 bước, làm sao biết được Minh Viễn!”. Minh Viễn lập tức đại ngộ.

Hay thay cho “Minh Viễn” - nếu không lùi lại một cự li nhất định, lấy gì để Minh Viễn (thấy xa)? Làm thế nào để có thể thấy xa?

Thôi Thị, phu nhân của Mân Soái là một thiền giả tại gia, Bà sai đặc sứ đem đến tặng Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng một ít y áo. Đặc sứ thưa: “Phu nhân bảo con xin đặc sứ một bức thư trả lời”.

Năm đó, Thiền sư Linh Vân lấy một chiếc giày làm thư, mà nay Thiền sư Huệ Lăng lại càng rút gọn hơn, chỉ nói:” Ngươi nhắn lại với phu nhân: thu nhận hồi âm”.

Đặc sứ sững sờ trong giây lát, rồi lập tức hiểu ra câu nói: “thu nhận hồi âm” này chính là thư hồi âm, ông ta vâng lời, trở về thưa lại với phu nhân. Ngày hôm sau, Thiền sư đến phủ đại soái, phu nhân thưa: “Cám ơn thư hồi âm của Đặc sứ ngày hôm qua”. Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng tự nhiên nổi phong ba, đột nhiên đưa cánh tay ra, nói:” Xin đem thư hồi âm ngày hôm qua của lão tăng ra đây xem xem”.

Phu nhân là người rất cừ, xòe hai bàn tay ra, đại soái thấy tình cảnh đó, phát khởi thiền hứng, hỏi: “Phu nhân vừa trình thư, có vừa ý Đại sư không? Trường Khánh Huệ Lăng trả lời: “Vẫn tàm tạm”

Mân Soái hỏi dồn: “Không biết ý chỉ của Đại sư như thế nào?”

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng im lặng khá lâu, nhưng mà sự im lặng ấy như tiếng sét kinh thiên động địa, lúc này, vô thanh hơn có thanh. Đại soái rỗng rang tỉnh ngộ, cảm kích nói: “Thật là không thể nghĩ bàn được? Phật pháp của Đại sư vô cùng sâu xa!”

Tháng 5 năm thứ ba niên hiệu Trường Hưng đời Hậu Đường (932 Tây lịch), Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng an nhiên quy tịch, hưởng thọ 79 tuổi.

Liên quan đến thiền cơ : Mài Dao Không Bỏ Công Chặt Củi.

Thiền sư Trường Khánh Huệ Lăng hao phí hai năm ngồi rách bảy cái bồ đoàn mới đạt được khai ngộ, dường như ngốc nghếch quá. Nhưng, trên toàn bộ lịch sử Thiền tông, có một hiện tượng thú vị như thế này: Có một vài người “ngốc nghếch” giống như Trường Khánh Huệ Lăng vậy, sau đó phần nhiều lại đều trở thành những nhân vật quan trọng lưu danh thiên cổ, mà những thiền nhân lanh lợi một nghe ngàn ngộ kia thường thường bị chôn vùi vào con dòng sông dài của lịch sử một cách nhanh chóng. Tìm hiểu kỹ về nguyên nhân của nó, những vị này bắt đầu biểu hiện rất là vụng về, đều hạ thủ công phu rất lớn tu hành trong thời gian lâu dài, trải qua quá trình long đong lận đận, cực kỳ gian khổ, giống như rèn luyện trong ngục vậy, cho nên công hạnh của họ vô cùng thâm hậu. Tích tụ nhiều mà bọc phát ra ít, đương nhiên đưa lên nặng mà như nhẹ.

Vì thế, lúc họ xuống núi hoằng pháp, mắt tuệ thông khắp trời đất, khéo tay vẽ cầu vòng; dương mi liếc mắt đều là đạo; nói, im, động, tĩnh tất cả đều là thiền. Trong tay họ, một cây thiền trượng cũng đủ để có thể trùm khắp núi sông đại địa; mà chân đế của nhân sanh vũ trụ, cũng có thể khiến cho nó hiển hiện trên cây gậy không mảy may có đầu mối này…

Thiền ngộ, có nhiều loại khế cơ: có người ngộ từ ngay trong lời nói, có người đọc kinh mà ngộ, cũng có người ngộ được nhờ nhân duyên… từ duyên mà ngộ, thì sức lực phải rất lớn, bởi vì nó lấy việc trường kỳ khổ công tu tập thực sự rèn luyện làm cơ sở, lấy sự tích lũy thay đổi về lượng mà đạt đến đốn ngộ, ngộ đắc công triệt để, ngộ đắc càng sâu sắc, mà luôn luôn không bị thối lui.

Chư vị Tổ sư gọi nó là “Dùi một mũi phá ba cửa” (3 cửa của thiền đó là: Sơ quan - Trùng quan - Mạt Hậu Lao quan).

Nhà nông nói: “Mài dao không bỏ công chặt củi”.

Cảnh ngữ

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts