[Thiền sư] Đại Điên Bảo Thông
- 15 Oct, 2024
Giới thiệu
Thiền sư Đại Điên Bảo Thông (732 - 824) là Thiền sư Trung Quốc đời Đường, người Dĩnh xuyên, họ Trần (có thuyết nói họ Dương), tháp hiệu Bảo thông, tự hiệu Đại Điên hòa thượng.
Sư sống tại Linh Sơn (靈山) vùng Triều Châu (潮州, Quảng Đông), là đệ tử nối pháp của Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên.
Cứ theo Triều châu phủ chí chép, thì trong năm Đại lịch, sư và Dược Sơn Duy Nghiễm cùng thờ ngài Huệ Chiếu ở Sơn Tây làm thầy.
Sau, 2 người cùng đi đến Nam Nhạc tham vấn ngài Thạch Đầu Hi Thiên, sư đại ngộ tông chỉ.
Về sau, sư sáng lập Thiền viện Linh sơn ở dưới núi Tây U tại Triều châu, mỗi khi sư ra vào có con hổ dữ đi theo.
Học trò được truyền pháp có tới hơn nghìn.
Sư có pháp tử là Thiền sư Tam Bình Nghĩa Trung và Thiền sư Oanh.
Không biết quê quán và tên tộc của Sư, chỉ biết buổi đầu Sư đến tham vấn Thạch Đầu, Ngài hỏi: Cái gì là tâm ngươi?
Sư thưa: Nói năng là tâm.
Sư bị Thạch Đầu nạt đuổi ra.
Hơn 1 tuần, Sư lại đến hỏi: Trước đó đã chẳng phải, ngoại trừ cái này, gì là tâm?
Thạch Đầu bảo: Trừ bỏ nhướng mày chớp mắt, hãy đem tâm lại!
– Không tâm có thể đem lại
– Nguyên lai có tâm sao nói không tâm? Không tâm trọn đồng với không / phỉ báng.
Nghe câu nói ấy, Sư đại ngộ.
Sư có giao thiệp với Hàn Dũ (韓愈), người trình tấu tờ biểu Luận Phật Cốt (論佛骨) vào năm thứ 14 (819) niên hiệu Nguyên Hòa (元和), nhân vật bài xích Phật Giáo mà bị vua Hiến Tông (憲宗) lưu đày đến địa phương Triều Châu.
Khi Hàn dũ bị đày đến Triều châu, nghe danh sư nên mời đến, giữ sư lại hơn 10 ngày, thấy phong độ của sư thanh thoát, tự tại, do đó, kết bạn tương giao, qua lại rất thân mật.
Sư thị tịch vào năm thứ 4 (824) niên hiệu Trường Khánh (長慶), hưởng thọ 93 tuổi. Tháp của sư được xây cất bên cạnh chùa.
Cuối đời Đường, giặc đến mở tháp, xương cốt tan hết, chỉ có cái lưỡi còn nguyên như sống nên đem chôn lại, gọi là Ế thiệt trủng (Mộ chôn lưỡi).
Trong năm Chí đạo đời Tống, người làng lại đào lên xem, chỉ thấy cái gương lưỡi, bèn lấy đá chồng lên để cất giấu, gọi là Thiệt kính tháp (Tháp gương lưỡi).
Ngữ lục
Một hôm Sư đứng hầu, Thạch Đầu hỏi:
– Ngươi là Tăng tham thiền hay là Tăng châu huyện?
Sư thưa: Tăng tham thiền.
– Sao là thiền?
– Nhướng mày chớp mắt.
– Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, đem “bản lai diện mục” (bộ mặt thật xưa nay) của ngươi ra trình xem?
– Trừ ngoài nhướng mày chớp mắt, thỉnh Hòa thượng xem con!
– Ta trừ xong.
– Con trình Hòa thượng rồi.
– Ngươi đã đem trình, tâm ta thế nào?
– Chẳng khác Hòa thượng.
– Không quan hệ việc ngươi.
– Vốn không vật.
– Ngươi cũng không vật.
– Đã không vật tức vật thật.
– Vật thật không thể được. Tâm ngươi thấy lượng ý chỉ như vậy phải khéo hộ trì.
Sau, Sư từ biệt Thạch Đầu đến Linh Sơn, Triều Châu, ở ẩn. Học chúng bốn phương qui tụ về khá đông.
Sư thượng đường dạy chúng:
Phàm người học đạo phải biết bản tâm nhà mình, đem tâm chỉ nhau mới có thể thấy đạo. Thấy nhóm người hiện thời phần nhiều chỉ nhận nhướng mày chớp mắt, một nói một nín, chợt nhận ấn khả cho là tâm yếu, đây thật là chưa rõ. Nay ta vì các ngươi nói trắng ra, mỗi người phải lắng nghe nhận lấy: “Chỉ trừ bỏ tất cả vọng động tưởng niệm xét lường, tức chân tâm của ngươi”. Tâm này cùng trần cảnh và khi kềm giữ lặng lẽ hoàn toàn không dính dấp. Tức tâm là Phật không đợi tu sửa. Vì cớ sao? Vì hợp cơ tùy chiếu, lặng lẽ tự dùng, tột chỗ dùng kia trọn không thể được. Bảo là diệu dụng chính là bản tâm, cần yếu hộ trì chớ nên dễ ngươi.
Có vị Tăng hỏi: Trong kia, khi người thấy nhau thì thế nào?
Sư đáp: Trước chẳng có trong kia.
– Trong kia thế nào?
– Chẳng hỏi câu ấy.
Hàn Văn Công hỏi Sư: Hòa thượng tuổi được bao nhiêu?
Sư cầm xâu chuỗi giở lên bảo:- Hội chăng?
Văn Công thưa:- Chẳng hội.
Sư bảo: Ngày đêm trăm lẻ tám.
Văn Công không hiểu trở về.
Hôm sau, Văn Công lại đến, vừa tới cửa gặp Thủ tọa, Văn Công thuật câu nói hôm qua của Sư, hỏi ý kiến thế nào? Thủ tọa vỗ răng ba cái. Văn Công vào trong gặp Sư, hỏi lại ý kiến hôm qua. Sư cũng vỗ răng ba cái.
Văn Công thưa: Nguyên lai Phật pháp không hai thứ.
Sư hỏi: Là đạo lý gì?
Văn Công thưa: Vừa đến hỏi Thủ tọa cũng như thế.
Sư gọi Thủ tọa hỏi: Phải ngươi đáp như thế chăng?
Thủ tọa thưa: Phải.
Sư đánh đuổi ra.
Lại một hôm Văn Công đến bạch Sư:
– Đệ tử ở quận châu nhiều việc, xin Thầy cho một câu tóm tắt hết Phật pháp.
Sư lặng thinh. Văn Công mờ mịt.
Lúc ấy Tam Bình làm thị giả đứng hầu, bèn gõ giường thiền ba cái.
Sư hỏi: Làm gì?
Tam Bình thưa: Trước lấy định động, sau lấy trí nhổ.
Văn Công thưa: Môn phong Hòa thượng cao vót, đệ tử từ bên thị giả được chỗ vào.
Có vị Tăng hỏi: Biển khổ sóng to lấy gì làm thuyền bè?
Sư bảo: Lấy cây làm thuyền bè.
Tăng thưa: Thế nào được qua?
Sư bảo: Người mù nương kẻ mù trước, người câm nương kẻ câm trước.
Một hôm Sư cầm cây như ý đi dưới hiên, gặp một vị tăng chào hỏi, Sư dùng cây như ý đánh vào miệng nói: Hiểu không?
Tăng thưa: Không hiểu!
Sư bảo: Chồn hoang già Đại Điên, không hề cô phụ người.
Cảnh ngữ
Sư thượng đường thị chúng rằng:
Này, người học đạo nên ý thức tâm của chính mình. Đem tâm tương thị mới có thể thấy được đạo. Thấy phần lớn người đời nay chỉ suy nghĩ so lường một lời, một điểm vừa được ấn khả đã cho là tâm yếu. Điều đó thật ra là chưa hiểu hết. Ta hôm nay vì các ông nói ra rành rẽ, mọi người nên nghe nhận. Nhưng mà phải nên trừ bỏ tất cả mọi vọng vận tưởng niệm, kiến giải, suy lường, đó chính là chân tâm của các ông đó. Tâm này lúc trần cảnh và thủ nhận tịnh mặc đều không dính dáng gì, tức tâm ấy là Phật, chẳng cần đợi tu trị. Tại sao vậy? Chính là vì ứng cơ, tùy chiếu, veo veo tự dụng, tận cùng chỗ dụng, liễu chẳng thể đắc, gọi là diệu dụng, đó là bản tâm, phải hết sức hộ trì, chẳng nên coi thường hời hợt.
Tác phẩm
Sư có trứ tác: Bát nhã ba la mật đa tâm kinh và Kim cương kinh thích nghĩa. Sư còn tự chép kinh Kim cương 1500 biến, kinh Pháp hoa và kinh Duy ma mỗi kinh 30 bộ.
Thông tin khác