[Thiền sư] Mã Tổ Đạo Nhất
- 21 Oct, 2024
Giới thiệu
Thiền sư _Mã Tổ Đạo Nhất (709 - 788)
Ngữ lục
Sư thị chúng rằng:
Đạo không cần tu, nhưng chớ có làm ô nhiễm. Sao gọi là ô nhiễm? Chỉ cần có tâm sanh tử tạo tác thú hướng thì đó đều là ô nhiễm. Nếu muốn lãnh hội ngay đạo ấy, thì tâm bình thường là đạo. Ấy là tâm bình thường thì không tạo tác, không đúng sai, không nắm buông, không đoạn hay thường, không phàm không Thánh. Kinh chép: Không phải hạnh phàm phu mà cũng không phải hạnh hiền Thánh mà là hạnh Bồ-tát. Chỉ như nay đây, đi, đứng, nằm, ngồi, ứng cơ, tiếp vật đều là đạo.
Đạo là pháp giới. Cho đến hằng hà sa số diệu dụng đều không ngoài pháp giới. Nếu không phải thế thì tại sao nói là tâm địa pháp môn, sao lại nói là vô tận chứng. Tất cả mọi pháp đều là tâm pháp. Tất cả mọi danh đều là tâm danh. Muôn pháp đều từ tâm sanh. Tâm là gốc rễ của muôn pháp. Kinh chép: Hễ thức tâm là đạt nguồn gốc. Do đó mới gọi là Sa-môn. Danh bằng nhau, nghĩa bằng nhau, tất cả mọi pháp đều bằng nhau, thuần nhất không tạp nhạp. Nếu được trong pháp môn tùy thời mà tự tại, kiến lập pháp giới. Nếu lập chân như, đều là chân như. Nếu lập lý thì tất cả mọi pháp đều là lý. Nếu lập sự thì tất cả mọi pháp đều là sự. Đưa lên một thì ngàn cái theo, lý sự không khác, đều là diệu dụng, lại cũng không khác lý, ấy đều là do sự hồi chuyển của tâm. Ví như ánh trăng có như số (nhược can), trăng thật không có như số. Nước các nguồn có như số, tánh của nước không có như số. Tuệ vô ngại không có như số.
Mọi thứ thành lập, đều do một tâm cả. Gầy dựng nên cũng được, mà dẹp bỏ cũng được. Tất cả đều là diệu dụng. Diệu dụng đều là ở chính mình, chẳng phải rời chân thật mà có chỗ thành lập. Tức chỗ chân lập đều là thể của chính mình. Nếu không phải như thế, thì là người nào? Tất cả mọi pháp đều là Phật pháp. Chư pháp thì giải thoát. Giải thoát ấy là chân như. Chư pháp không ngoài chân như. Đi, đứng, nằm, ngồi là dụng không thể nghĩ bàn, không đợi tới thời tiết. Kinh chép: Chốn chốn, nơi nơi tức là có Phật. Phật là đấng năng nhân, có đầy trí tuệ, thiện cơ tình, có thể phá tất cả nghi hoặc của chúng sanh, rời khỏi mọi trói buộc của có và không. Phàm Thánh tình tận, nhân pháp đều không, chuyển vô đẳng luân vượt khỏi số lượng, những điều làm đều không trở ngại, sự lý cùng thông. Như trời kéo mây, bỗng có rồi không, chẳng lưu lại dấu tích ngăn vướng, giống như họa nước thành văn, không sanh không diệt. Đó là đại tịch diệt. Tại ràng rịt gọi là Như Lai tạng.
Ra khỏi ràng rịt là đại Pháp thân. Pháp thân vô cùng, thể không tăng có thể to, có thể nhỏ, có thể vuông, có thể tròn, ứng vật hiện hình như trăng trong nước, vận dụng làu làu, không lập rễ gốc, không trọn hữu vi, mà cũng không trụ vô vi. Hữu vi là gia dụng của vô vi. Vô vi là chỗ gia y của hữu vi. Không trụ nơi nương tựa, nên gọi là như trống trơn không có chi nương tựa. Nghĩa tâm sanh diệt. Nghĩa tâm chân như. Tâm chân như là ví dụ như gương sáng chiếu hình. Kính dụ cho tâm. Hình dụ chư pháp. Nếu tâm thể thủ pháp, tức thiệp nhân duyên ngoài, tức là nghĩa sanh diệt. Nếu tâm không thể thủ chư pháp thì là nghĩa chân như. Bậc Thanh văn nghe thấy Phật tánh. Bậc Bồ-tát mắt thấy Phật tánh, liễu đạt vô nhị, gọi là tánh bình đẳng. Tánh không có sai khác, nhưng dụng thì không giống nhau.
Tại mê gọi là thức. Tại ngộ gọi là trí. Thuận lý là ngộ. Thuận sự là mê. Mê tức là mê bổn tâm của chính mình. Ngộ tức là ngộ bổn tánh của chính mình. Một khi ngộ là ngộ mãi, không mê trở lại. Như mặt trời khi mọc rồi là không hòa hiệp với tối nữa. Mặt trời trí tuệ khi mọc ra là không cùng với cái tối của phiền não cùng chung đụng. Liễu đạt tâm cùng cảnh giới thì vọng tưởng không sanh ra vậy. Vọng tưởng khi đã không sanh tức là nhẫn vô sanh diệt. Vốn có, nay có, không cần tu đạo tọa Thiền. Không tu không tọa, tức là Thiền Như Lai thanh tịnh. Như nay đây mà thấy lý này chân chánh, chẳng tạo chư nghiệp, tùy phận mà sống qua cuộc đời, một y, một bát, ngồi đứng theo mình, giới hạnh tăng trưởng, chứa góp nơi tịnh nghiệp, chỉ cần hay được như thế, lo gì không thông. Đứng lâu rồi, tạm biệt mọi người.
Cảnh ngữ
Tác phẩm
Thông tin khác