Type something to search...

[Thiền sư] Phật Ấn Liễu Nguyên

  • 10 Oct, 2024
Thiền sư Phật Ấn Liễu Nguyên - Tổ Sư Thiền - Patriarchal Zen

Giới thiệu

Thiền sư Phật Ấn Liễu Nguyên (1032 - 1098) là thiền sư Trung Quốc thuộc đời thứ 5 Vân Môn Tông. Sư là đệ tử đắc pháp của thiền sư Khai Tiên Thiện Tiêm (Kaixian Shanxian). Đời sau vẫn còn nhớ đến sư qua những câu chuyện đối đáp thấm đẫm tinh thần Thiền tông với thi sĩ Trung Quốc nổi tiếng là Tô Đông Pha.

Sư họ Lâm, tự Giác Lão, là người Phù Lương, huyện Nhiên Châu, tỉnh Giang Nam. Lúc mẹ sinh sư ra, có truyền thuyết kể rằng hào quang xông lên khắp nhà, tóc móng tay đều đầy đủ.

Từ năm 2 tuổi, sư bắt đầu học Luận Ngữ, tài năng hùng biện và trí tuệ của sư vượt trội hơn người. Mỗi khi lời nói xuất ra ra đều phù hợp với kinh sử, mọi người gọi sư là thần đồng. Khi lớn lên, sư thông suốt các kinh sử dù không cần đọc.

Nhờ có ý chí siêu phàm, muốn vượt khỏi sinh diệt thường tình. Sư đến yết kiến và xuất gia với đại sư Nhật Dụng tại chùa Bảo Tích và sau đó thọ giới cụ túc.

Đầu tiên, sư đến yết kiến thiền sư Khai Tiên Thiện Tiêm tham vấn. Sư đối đáp nhanh nhẹn, về sau sư kiến tính nên được thiền sư Khai Tiên Thiện Tiêm ấn khả và nhận làm pháp tử.

Sau đó sư đến tham vấn ở các tôn túc khác như là Thiền sư Viên Thông Nột, tại pháp hội này sư giữ chức thư ký. Hòa thượng Viên Thông khen sư có cốt cách giống Thiền sư Tuyết Đậu, là bậc tài giỏi của đời sau.

Sư đến trụ trì và khai đường thuyết pháp tại chùa Thừa Thiên ở Giang Nam, nay là Giang Tây, Trung Quốc..

Sau sư chuyên đến trụ trì nhiều nơi như là chùa Đầu Phương ở Thôi Sơn, chùa Khai Thiên và chùa Quy Tông ở Lô Sơn, chùa Kim Sơn ở tỉnh Giang Tô và tại núi Đại Quy ở tỉnh Giang Tây.

Cuối cùng, sư đến giáo hóa tại núi Vân Cư cho đến khi mất.

Sư từng làm xã chủ của Thanh Tùng Xã là chi nhánh kế thừa của Bạch Liên Xã ở Lô Sơn, đạo tràng của Tông Tịnh Độ. Cho nên ngoài thâm nhập hoằng hóa Thiền tông, sư còn lưu tâm đến Tịnh Độ tông.

Sư và thi sĩ Tô Đông Pha là hai người bạn thâm giao với nhau, thường hay đàm đạo, gửi thư, uống trà với nhau và tương truyền dưới sự dẫn dắt của sư, thi sĩ Tô Đông Pha đã ngộ thiền

Vào ngày mồng 4 tháng 1 năm đầu niên hiệu Nguyên Phù (元符) thứ nhất(1908), sư sau khi nghe khách kể chuyện có người ngộ được yếu chỉ, sư cười rồi an nhiên thị tịch.

Các giai thoại giữa sư với Thi sĩ Tô Đông Pha được người đời lưu truyền tới ngày nay. Các câu chuyện này thường mang âm điệu dí dỏm, hài hước nhưng ẩn sau đó là những thiền vị sâu xa. Câu chuyện sau là một ví dụ minh chứng:

Khi Tô Đông Pha làm được một bài thơ hay rất tự mãn, bèn viết thư đưa người gửi đến thiền sư Phật Ấn khi ấy đang trụ trì tại chùa Kim Sơn. Bài thơ ấy nội dung như sau:

Đảnh lễ bậc Giác Ngộ

Hào quang chiếu vũ trụ

Tám gió thổi chẳng động

Ngồi vững tòa sen vàng

Thiền sư sau khi xem thư xong, chỉ lấy bút phê 2 chữ: Phóng thí (tức là đánh rắm). Tô Đông Pha xem thư xong rất tức giận, nên đi thuyền đến tận chùa để hỏi cho rõ nguyên nhân.

Khi thấy thiền sư, Tô Đông Pha lớn tiếng nói: Bài thơ của tôi sai chổ nào mà sư viết như vậy?

Sư cười đáp: Ông nói bát phong bất động nhưng mà chỉ 2 chữ này đã phải bay qua sông rồi.

Qua đó chúng ta thấy tinh thần của tu tập là trong mọi cảnh đều an nhiên bất động, trước trần không vướng mắc, vậy mới thật là tự tại.

Ngữ lục

Có lúc lên giảng đường, Sư bảo:

Lạnh lạnh gió lay trúc tiếng khô, nước đóng cá boi lội rít rưới, rừng thưa chim khó nghỉ đêm, sáng sớm sương dày nhiều lớp, nào kham hành khách mặc áo đơn, tốt lành nghĩ ngợi bờ núi sắc tía ngàn đóa, tạm nâng một lò lửa hồng buông xuống thù du cọc tre giữa khoảng không, ngã ngay cán sát trước cửa Ca-diếp. Ngay đó lại bảo chẳng hiểu tính lại rất không manh mối. Tham!

Cảnh ngữ

Một niệm tịnh tâm cuối cùng thành Chánh giác. Từng bước chẳng nghỉ, 🐢 ba-ba què đi xa ngàn dặm 🐢. Căn khí tuy có lợi độn cạn sâu, song sự thành công chỉ ở tại chỗ phát phẫn lập chí. Tôi nay thống thiết dạy đạo tục nên biết 4 điều DỄ4 điều KHÓ.

Cái gì là 4 điều DỄ?

  1. Chính mình là Phật, chẳng cần cầu thầy khác. Nếu muốn cúng dường Phật, chỉ cúng dường chính mình, là điều DỄ thứ nhất.
  2. Vô-vi (vô tác) là Phật, chẳng cần xem Kinh, lễ Phật, hành đạo, tọa thiền. Đói ăn mệt ngủ, tùy duyên nhậm vận, là điều DỄ thứ hai.
  3. Vô-trước là Phật, chẳng cần hủy bỏ hình thể, xa lìa quyến thuộc, núi rừng, chợ búa, nơi nào cũng tự tại, là điều DỄ thứ ba.
  4. Vô-cầu là Phật, chẳng cần lập công bồi đức, siêng tu khổ hạnh, hai thứ phước huệ trang nghiêm đều không dính dáng, là điều DỄ thứ tư.

Cái gì là 4 điều KHÓ?

  1. Tin được là điều KHÓ thứ nhất,
  2. Niệm được là điều KHÓ thứ hai,
  3. Ngộ được là điều KHÓ thứ ba,
  4. Tu được là điều KHÓ thứ tư.

Tin nhân quả có thể nói là niềm tin nhỏ, chẳng thể cho là niềm tin lớn. Vậy mà người nghi vẫn nhiều, người tin lại ít. Người tin mà chẳng nghi, trong trăm ngàn người chỉ có một hai người. Huống chi chóng thấy tự-tánh, nhất siêu trực nhập vào việc Như-Lai. Ngàn kinh muôn luận, các thứ tông tích dị kỳ để lại ở thế gian chỉ vì người không có lòng tin. Chư Thánh từ bi rộng lập phương tiện mở sáng bọn mê khiến họ từ cửa tín mà vào. Bởi vì người có niềm tin mới lập hạnh, do đó niềm tin là một điều KHÓ.

Trong suốt ngày đêm chỉ muốn niệm niệm chẳng quên, lúc đi thì đi niệm, lúc ngồi thì ngồi niệm, lúc cử động, nói nín, nằm xuống, đứng dậy đều niệm, lúc làm việc, tiếp vật cho đến khốn khổ hoạn nạn hiểm nguy cũng đều niệm. Thân như cây khô, như tảng đá, như thây chết, như tượng đất, chỉ tâm tâm ở tại đạo; ứng đáp với người như si, như say; nghe tiếng thấy sắc như điếc như đui. Vì thế dụ như mèo rình bắt chuột, tâm và mắt chăm chú nhìn vào một chỗ, lơ đễnh một chút ắt chuột chạy mất; như gà ấp trứng, hơi ấm cần phải liên tục, gián đoạn một chút là không thể thành gà con được. Vì thế niệm nầy là một điều KHÓ.

Niệm đạo (tức ngày nay nói tham, nói khán) vốn phải gìn giữ lâu ngày, còn ngộ đạo ở tại khoảnh khắc. Lúc nhân duyên chưa chín mùi thời tiết chưa đến cơ hội sẵn sàng nên không thấy được. Nhân duyên đã chín mùi, thời tiết đã đến, tuy hình dáng chẳng tiếp xúc mà bỗng nhiên hiện tiền. KHÓ nói cái thấy của người đã ngộ cho người chưa ngộ nghe, như người mù từ thuở sơ sanh nói cho họ nghe về ánh sáng mặt trời, họ tuy nghe nhưng chẳng thể biết. Người ngộ không còn đạp dấu của lúc chưa ngộ như người ngủ thức dậy, bảo người ấy làm lại việc trong mộng, tuy người ấy nhớ mà chẳng tìm lại được. Người tham học phải lấy ngộ làm tiêu chuẩn,vì thế cái ngộ nầy lại là một điều KHÓ.

Chưa ngộ phải thường lo niệm, đã ngộ càng phải giữ gìn như bưng dĩa nước, như cầm vật báu, như giữ tròng con mắt, như đi chỗ nguy hiểm, như đối trước vua, trước thầy. Đây là giữ gìn đạo vậy. Giữ gìn tức là tu vậy. Thấy đạo mới tu đạo, chẳng thấy làm sao tu.

Có người hỏi: Đã ngộ rồi đâu cần tu. Đáp rằng: Tập khí do nhiều kiếp huân tập không thể nhất thời sạch hết, nên cần phải tu. Tu đến vô-tu sau đó mới đồng với Chư Phật. Vì thế cái tu nầy lại là một điều KHÓ.

Cho nên người chẳng biết 4 điều DỄ thì có thể làm lành, mà chẳng thể nhập đạo. Người chẳng biết 4 điều KHÓ thì có thể nói về đạo, mà chẳng thể tiến trên đường đạo”.

Trong 4 điều KHÓ, đầu tiên nói niềm tin là KHÓ. Nói tin là muốn người học đạo tin 4 điều DỄ ở trước và 4 điều KHÓ ở sau.

Vì niềm tin nầy chẳng phải DỄ được:

Thứ nhất là nhờ sức Bát-Nhã sâu dày nhiều đời của chính mình, kế đến là nhờ chánh niệm hằng ngày luôn luôn thống thiết vì việc lớn sanh tử thâm nhập vào xương tủy không có khoảnh khắc gián đoạn. Lòng tin đã như vậy thì câu thoại đầu sở tham như người đói được thức ăn, người rét được áo mặc, dẫu ép buộc buông bỏ trọn chẳng thể được.

Tâm tham cứu đạo miên mật thì không có lẽ nào không ngộ, ví như đi đường miệt mài đi mãi ngày đêm có lý nào chẳng đến. Ngộ đó là ngộ 4 điều dễ ở trước. 4 điều dễ này nếu chẳng phải ngộ nhập thì đều gọi là vọng giải. Người đời nay có chút tư chất thông minh chẳng đợi ngộ nhập, cứ đem tình thức lãnh hội 4 điều dễ nầy rồi tự cho là thật chứng, bèn bỏ 2 thứ phước huệ trang nghiêm, vì cho rằng không dính dáng. Luận đàm lý tột chưa từng chẳng đúng, song chẳng dè chưa từng ngộ nhập nên rơi ở trong tình thức phân biệt, suốt ngày nói ăn mà không no bụng. Vả lại, ngộ đã chẳng chân như người chưa đến nhà, muốn ở giữa đường cất nhà để ở, thì nên hay chẳng nên?

Do đó nên biết, đạo đã chẳng ngộ thì tu rất KHÓ vậy.

Tác phẩm

Thông tin khác

Tags :
Share :

Related Posts