[Thiền sư] Dược Sơn Duy Nghiễm
- 21 Oct, 2024
Giới thiệu
Thiền sư Dược Sơn Duy Nghiễm (745 - 828 hoặc 750 - 834) ở Lễ Châu (nay là Lễ huyện Hồ Nam) là người Giáng Châu (nay là Sơn Tây), họ Hàn.
Năm 17 tuổi sư theo Thiền sư Tuệ Chiêu ở Triều Dương Tây Sơn xuất gia.
Năm thứ 8 đời Đường Đại Lịch (713), sư thọ giới cụ túc nơi luật sư Hy Tháo ở Hành Nhạc.
Sư nói: Đại trượng phu nên rời xa sự trói buộc của thanh qui giới luật mà tự mình thanh tịnh thân tâm, há lại giống như tục sĩ, mỗi mỗi đều phải bo bo theo giới cấm.
Thế là sư đến yết kiến Hòa thượng Thạch Đầu, mật thụ tâm ấn, đốn ngộ huyền chỉ.
Một hôm, sư đang tọa Thiền, Hòa thượng Thạch Đầu nhìn thấy hỏi: Ông đang làm gì nơi đó?
Sư đáp: Cái gì cũng không làm.
Thạch Đầu nói: Nếu nói như thế thì ông đang ngồi chơi?
Sư đáp: Nếu ngồi chơi thì cũng là một việc làm đấy!
Thạch Đầu nói: Ông nói ông không làm bất cứ việc gì, nhưng rốt lại thì không làm việc gì?
Sư nói: Ngàn Thánh từ xưa cũng không biết.
Thạch Đầu làm kệ tán thán rằng:
Nguvên văn:
從 來 共 住 不 知 名
任 運 相 將 只 麼 行
自 古 上 賢 猶 不 識
糙 次 凡 流 豈 敢 明
Phiên âm:
Tùng lai cộng trụ bất tri danh
Nhiệm vận tương tương chỉ ma hành
Tự cổ thượng hiền do bất thức
Tháo thứ phàm lưu khởi cảm minh.
Tạm dịch:
Bấy lâu cùng ở chẳng biết tên
Phó mặc cùng nhau theo các hành
Từ xưa Thánh hiền còn chẳng biết
Người phàm hời hợt há rõ rành.
Có lúc Hòa thượng Thạch Đầu nói với sư: Nếu muốn ngộ Thiền thì không nên đeo theo lời lẽ chữ nghĩa mà giao thiệp.
Sư nói: Đối với con, ngay tư tưởng không đeo theo lời lẽ, chữ nghĩa cũng không giao thiệp.
Thạch Đầu nói: Ông trong đó thành ‘Kim đâm cũng không thấu’ (‘Châm trác bất tấn’).
Sư nói: Trong đó như Trên đá trồng hoa (‘Thạch thượng tài hoa’).
Thạch Đầu rất đồng ý.
Sau sư đến trụ ở Dược Sơn Lễ Châu, Thiền chúng bốn biển tụ tập dưới hội như mây đùn.
Sư sai tăng phụ trách hóa duyên đến nhà hành giả họ Cam mộ hóa.
Cam hành giả hỏi: Sư từ đâu đến?
Tăng đáp từ Dược Sơn lại, Cam hỏi: Đến đây làm gì?
Tăng đáp: Mộ hóa.
Cam hỏi: Sư có mang thuốc theo không?
Tăng hỏi: Hành giả có bịnh gì?
Cam hành giả bèn thí cúng 2 định bạc nói: Có người thì đưa đến, không người thì thôi.
Tăng phụ trách hóa duyên bèn quay về.
Sư ngạc nhiên sao ông ta quay về mau thế, thì tăng nói: Cam hành giả hỏi con Phật pháp, con đối đáp vi diệu nên quyên được 2 đĩnh bạc.
Sư hỏi tăng đối đáp cụ thể thế nào, đoạn bảo hãy mau quay lại gia chủ.
Hành giả thấy tăng quay lại nói: Quả nhiên là ông phải quay lại thôi!
Bèn đưa thêm bạc cúng dường cho tăng.
Có một đêm, sư lên núi dạo chơi, bỗng thấy mây đen tan hết, trăng sao sáng vằng vặc, bèn cao hứng cười to.
Tiếng cười này vang dội đến tận phía Đông Lễ Dương, cách xa ngoài 90 dặm, cư dân nơi đó đều cho là tiếng cười từ nhà bên cạnh.
Hôm sau, cư dân một dãy địa phương đó thức dậy đều hỏi nhau tiếng cười ấy từ đâu tới.
Câu hỏi này lan dần đến Dược Sơn, đồ chúng mới nói với họ: Đó là do hôm qua Hòa thượng cười to trên đỉnh núi!
Lý Cao nghe việc đó, mới làm thêm một bài thơ:
Nguyên văn
選 得 幽 居 愜 野 情
終 年 無 送 亦 無 迎
有 时 直 入 孤 峯 頂
月 下 披 雲 笑 一 聲
Hán
Tuyển đắc u cư khiếp (thiếp) dã tình
Chung niên vô tống diệc vô nghinh
Hữu thời trực nhập cô phong đính (đỉnh)
Nguyệt hạ phi vân tiếu nhất thinh
Việt
Chọn chỗ u thâm thỏa dã tình
Quanh năm không tiễn cũng không nghinh
Có hôm lên tận cô phong đỉnh
Dưới trăng mây vẹt cười nhất thinh.
Tháng 2, năm thứ tám niêu hiệu Đại Hòa (834), sư sắp nhập diệt kêu to: Pháp đường sập! Pháp đường sập!
Đồ chúng nghe sư phụ kêu toáng lên, đều vội chạy đến lấy cây trụ chống đỡ pháp đường.
Sư quơ tay nói: Các ông không hiểu ý ta.
Nói đoạn viên tịch, thọ 84 tuổi, tăng lạp 60. Đệ tử ruột Xung Hư lập tháp tại góc Đông viện. Vua thụy phong Hoằng Đạo Đại Sư, tháp tên Hóa Thành.
Ngữ lục
Một ngày kia, sư đang xem kinh. Bách Nham nói: Hòa thượng đừng làm khỉ khọt với người nữa!
Sư xếp quyển kinh lại nói: Mặt trời sớm trưa rồi?
Bách Nham đáp: Đúng ngọ rồi đây!
Sư nói: Cũng còn cái mửng màu mè đó!
Bách Nham nói: Mỗ giáp đây không cũng không.
Sư nói: Ông thông minh quá chừng!
Bách Nham nói: Mỗ giáp đây chỉ như thế, còn Hòa thượng tôn ý thế nào?
Sư nói: Ta què què, quặc quặc, xâu xa muôn ngàn. Nhưng cũng qua ngày như thế.
Sư nói cùng Đạo Ngô, Minh khê thượng thế làm tiết sát.
Đạo Ngô nói: Còn Hòa thượng thượng thế làm cái gì?
Sư nói: Ta tê tê, liệt liệt, nhưng cũng như thế mà qua ngày.
Ngô nói: Bằng vào đâu mà như thế?
Sư nói: Ta chưa từng triển khai sách vở của người khác.
Viện chủ đến báo với sư: Đã dộng chuông rồi, thỉnh Hòa thượng thượng dường!
Sư nói: Ông cầm cái bát đưa ta.
Viện chủ nói: Hòa thượng cụt tay hồi nào vậy?
Sư nói: Ông tại tăng môn là chiếc áo cà-sa rách.
Viện chủ nói: Con thì như vậy, còn Hòa thượng thì thế nào?
Sư nói: Ta không là quyến thuộc của ông.
Sư thấy tăng làm vườn trồng cải nói: Cải thì không cấm ông trồng, nhưng không cho mọc rễ.
Tăng làm vườn nói: Nếu không cho mọc rễ thì cải làm sao lớn? Đại chúng lấy gì mà ăn?
Sư nói: Ông còn có miệng không?
Tăng làm vườn không lời đối đáp.
Có ông tăng đến hỏi: Tu hành thế nào thì mới không bị chư cảnh mê hoặc?
Sư nói: Mặc kệ nó, có gì phương hại ông đâu?
Tăng nói: Con không lãnh hội.
Sư nói: Cảnh tướng nào mê hoặc ông?
Ông tăng không đối đáp được.
Tăng hỏi: Trong đạo tu hành cái gì là trân quý nhất?
Sư nói: Không làm trái bản tâm.
Tăng hỏi: Đã đạt tới điểm đó rồi thế nào?
Sư nói: Trân quý cả nước cho ông, ông cũng không đổi.
Một hôm, viện chủ thỉnh sư thượng đường. Đại chúng vừa tụ tập đầy đủ thì chỉ lát sau đó sư quay về phương trượng đóng cửa lại.
Viện chủ lẽo đẽo theo sau hỏi: Hòa thượng đáp ứng lời mời thỉnh của con thượng đường, nhưng sao lại mau quay về phương trượng thế?
Sư đáp: Này viện chủ, kinh có kinh sư, luật có luật sư, luận có luận sư, để ý đến lão tăng này làm gì?
Sư hỏi Vân Nham: Ông đang làm gì thế?
Vân Nham đáp: Gánh phân.
Sư nói: Cái kia còn sao?
Vân Nham đáp: Còn.
Sư hỏi: *Ông lui lui, tới tđi như thế là vì ai?
Vân Nham đáp: Tại vì cái kia mà chộn rộn.
Sư nói: **Sao không bảo cùng đi một lượt?
Vân Nham nói: Hòa thượng đừng hủy báng họ chứ!
Sư nói: Vừa rồi ta không nói như thế.
Vân Nham hỏi: Vậy đã nói thế nào?
Sư hỏi: Ông còn gánh phân không?
Sư đang tĩnh tọa trầm tư thì có ông tăng đến hỏi: Ngồi im ỉm thế đang tư lượng gì?
Sư đáp: Tư lượng cái không tư lượng.
Tăng hỏi: Cái không tư lượng thì làm thế nào mà tư lượng?
Sư nói: Phi tư lượng.
Tăng hỏi: Học nhân nghĩ định về quê hương thì thế nào?
Sư nói: Cha mẹ của ông toàn thân cháy đỏ đang ở trong gai bụi trong rừng, thì ông về nơi nào đây?
Tăng nói: Nếu thế thì không về vậy.
Sư nói: Ông nên quay về đấy. Ông mà về, ta chỉ cho ông phương cách không dùng lương thực.
Tăng nói: Thỉnh sư chỉ cho!
Sư nói: Hai thời thượng đường, chó có cắn bể một hột gạo.
Tăng hỏi: Thế nào là Niết-bàn?
Sư nói: Lúc ông chưa mở miệng gọi là gì?
Sư thấy Tuân Bố Nạp tắm Phật, bèn hỏi: Cái này tùy ông tắm, nhưng có tắm được cái kia không?
Tuân nói: Hãy đem cái kia lại!
Sư liền thôi.
Tăng nói: Kẻ học này có nghi ngờ, thỉnh sư quyết định!
Sư nói: Hãy đợi lúc thượng đường sẽ cùng xà-lê quyết nghi!
Đến buổi tối thượng đường, đại chúng tựu tập đâu đó xong rồi, sư nói: Ông thượng tọa ngày hôm nay thỉnh quyết nghi đâu?
Ông tăng ấy bước ra khỏi chúng mà đứng, sư bước xuống giường thiền nắm lấy ông ta nói: Này đại chúng, ông tăng này có nghi!
Nói xong xô ông tăng ấy ra rồi quay về phương trượng.
Sư hỏi tăng nhân phụ trách phòng ăn cơm: Ông ở đây bao lâu rồi?
Tăng đáp: Thưa ba năm rồi.
Sư nói: Sao ta không nhận ra ông?
Ông tăng ngơ ngác không hiểu thâm ý của sư nên buồn lòng ra đi.
Tăng hỏi: Lúc thân mệnh nguy cấp thì xử trí cách nào?
Sư đáp: Đừng trồng tạp chủng!
Tăng hỏi: Lấy cái gì mà cúng dường?
Sư nói: Vô vật.
Sư viết một chữ Phật hỏi Đạo Ngộ: Đây là chữ gì?
Đạo Ngộ nói: Chữ Phật.
Sư nói: Đúng là ông sư lắm mồm!
Tăng hỏi: Chuyện chính mình chưa hiểu rõ, thỉnh cầu sư chỉ thị!
Sư im lặng hồi lâu nói:
Ta nay vì ông mà nói một câu cũng chẳng khó chi, chỉ là nếu ông vừa nghe đã ngộ thì cũng tạm được, còn nếu rơi vào tư lượng nghĩ ngợi, khởi tâm ngoại cầu, thì đó là tội lỗi của ta. Nếu thế, tốt hơn là hiện tại không mở mồm nói gì để khỏi hại ông.
Đến tối, mọi người đều đến tham Thiền, trong Thiền đường lại chẳng có đèn đóm gì, sư nói:
Ta có một câu nói, đợi chừng nào con trâu đực sanh nghé, sẽ nói cho các ông nghe!
Lúc đó, có ông tăng bước ra nói: Trâu đực đã sanh nghé, sư phụ sao còn chưa nói?
Sư nói: Thị giả đem đèn lại đây!
Ông tăng bèn rụt thân, lủi vào tăng chúng.
Tăng hỏi: Khi Tổ sư Đạt Ma chưa đến Trung thổ thì xứ này có chỉ ý của Tổ sư không?
Sư đáp: Có đấy.
Tăng hỏi: Nếu đã có chỉ ý của Tổ sư rồi thì ngài còn đến làm chi?
Sư nói: Chỉ vì có mới phải đến.
Sư đang xem kinh, có ông tăng hỏi: Bình thường Hòa thượng không cho người xem kinh, giờ sao lại tự mình xem?
Sư nói: Ta chỉ dụi mắt thôi.
Tăng hỏi: Con đây bắt chước Hòa thượng được không?
Sư nói: Nếu là ông thì ngay da bò cũng xem thấu.
Quan thứ sử Lãng Châu là Lý Cao hâm mộ trình độ huyền hóa của sư, nhiều lần mời mà sư không đến, bèn đích thân vào núi yết kiến.
Sư cầm quyển kinh không đoái tới, thị giả bèn bạch: Thái thú trước mặt kìa!
Lý Cao tánh nóng nảy, quay bước nói: Thấy mặt không bằng nghe tên.
Sư gọi: *Thái thú!
Lý Cao lên tiếng, sư nói: Sao mà lại quý tai hơn mắt?!
Thái thú chấp tay tạ lỗi, hỏi: Thế nào là đạo?
Sư lấy tay chỉ trên dưới nói: Lãnh hội không?
Cao nói: Không lãnh hội.
Sư nói: Vân tại thiên, thủy tại bình.
Lý Cao bèn lẵnh hội lễ tạ và làm một bài kệ rằng:
NGUYÊN VĂN:
練 得 身 形 似 鶴 形
千 株 松 下 兩 函 經
我 問 道 無 餘 說
雲 在 青 天 水 在 鉼
HÁN:
Luyện đắc thân hình tự hạc hình
Thiên châu tùng hạ lưỡng hàm kinh
Ngã lai vấn đạo vô dư thuyết
Vân tại thanh thiên thủy tại bình.
VIỆT:
Luyện đến thân hình giống hạc hình
Dưới gốc ngàn tùng hai tráp kinh
Hỏi đạo là gì không rảnh nói
Mây tại trời xanh nước tại bình.
Lý Cao lại hỏi: Thế nào là Giới, Định, Tuệ?
Sư nói: Bần đạo nơi đây không có thứ đồ dùng bỏ xó đó.
Lý Cao không đo lường nổi huyền chỉ, sư nói:
Thái thú nếu muốn tu hành Phật pháp, nên lên đỉnh núi cao mà ngồi, xuống đáy biển sâu mà đi. Nếu như vật chốn phòng khoa mà bỏ không nổi thì đừng nói gì đến chuyện tiêu trừ phiền não, tĩnh tâm tham Thiền.
PHẦN PHỤ LỤC:
Sư hỏi tăng: Từ đâu tới?
Tăng đáp: Từ Hồ Nam đến.
Sư hỏi: Nước Hồ Động Đình đầy chưa?
Tăng đáp: Chưa.
Sư nói: Mưa biết bao lâu rồi mà sao nước hồ chưa đầy vậy cà?
Tăng không lời đối đáp.
Đạo Ngô đáp thay: Đầy rồi.
Vân Cư đáp thay: Trong vắt.
Động Sơn đáp thay: Đã một kiếp không từng đầy vơi.
Vân Môn đáp thay: Ở tại trong đó.
Sư hỏi ông tăng: Từ đâu tới?
Tăng đáp: Từ Giang Tây đến.
Sư dùng gậy gõ Thiền tòa 3 cái, tăng nói: Con đại khái đã hiểu được con đường thể nhập.
Sư quăng gậy xuống, tăng không lời đối đáp.
Sư gọi thị giả nói: Cho ông tăng này chén trà vì ông đi con đường thể nhập mệt mỏi.
Lý Cao thứ sử Lãng Châu hỏi: Sư họ gì?
Sư đáp: Chính đúng thời tiết.
Lý Cao không hiểu, hỏi viện chủ: Vừa rồi tôi hỏi họ của Hòa thượng, Hòa thượng lại nói ‘Chính đúng thời tiết’. Không biết vậy là họ gì?
Viện chủ nói: Hiện là mùa đông, cho nên nếu trả lời kiểu ấy chắc là họ Hàn (Chũ Hàn (寒)là lạnh và Hàn (輯) là họ Hàn đồng âm).
Sư nghe nói thế bảo: Sao mà không biết xấu tốt gì hết vậy? Nếu như trả lời nhằm vào mùa hè thì chắc cho ta họ Nhiệt (nóng).
Đạo Ngô và Vân Nham đứng hầu. Sư chỉ 2 cây, 1 khô 1 tươi hỏi Đạo Ngô: Khô là phải, tươi là phải?
Đạo Ngô đáp: Tươi là phải.
Sư nói: Rõ ràng tất cả, rực rỡ chói lọi đi!
Sư lại hỏi Vân Nham: Khô là phải, tươi là phải?
Vân Nham đáp: Khô là phải.
Sư nói: Rõ ràng tất cả, buông bỏ khô héo đi!
Bỗng sa-di Cao đến, sư hỏi: Khô là phải hay tươi là phải?
Sa-di Cao đáp: Khô là từ nơi khác mà khô, tươi là từ nơi khác mà tươi.
Sư quay lại nhìn Đạo Ngô và Vân Nham nói: Chẳng phải! Chẳng phải!
Lúc đó có ông tăng hỏi: Sao lại có 6 đường?
Sư đáp: Cái mà ta cần luận bàn tuy nằm trong đó, nhưng nguyên lai không nhiễm.
Có ông tăng hỏi: Không liễu ngộ phiền não trong thân thì thế nào?
Thiền sư Dược Sơn nói:
Phiền não có tướng trạng gì đâu. Ta cần ông xét xem. Vả lại, có một số người hướng trên mặt tờ giấy mà ký trì lời lẽ. Phần lớn bọn họ đều bị kinh luận mê hoặc. Ta chưa từng xem kinh luận, sách vở. Ông chỉ vì mê sự mà làm mất đi tự gia bất định. Do đó, mà có tâm sanh tử, chưa học được một lời, nửa câu, một kinh, một luận là liền nói nào là Bồ-đề, Niết-bàn thể nhiếp, không nhiếp. Nếu hiểu như thế, tức là sanh tử. Nếu chẳng bị được mất kia trói buộc, liền không còn sanh tử. Ông thấy Luật sư nói nào là Ni Tát Kì (bỏ cả tài sản để bố thí) Đột Cát La vốn là gốc sanh tử. Tuy nhiên dù là như thế, cùng sanh tử cũng không thể được. Trên từ chư Phật, dưới đến loài sâu kiến đều có dài ngắn, tốt xấu, lớn nhỏ không giống nhau. Nếu mà không từ bên ngoài tới thì nơi nào có ngươi rảnh rỗi đào địa ngục mà chờ ông. Nếu ông muốn biết con đường địa ngục, thì giờ đây chảo dầu sôi nung nóng là địa ngục đấy. Còn nếu muốn biết con đường quỷ đói thì nay hư nhiều thật ít không khiến người ta tin tưởng là đường quỷ đói đây. Muốn biết con đường súc sanh thì hãy xem nay không biết nhân nghĩa, không biết thân sơ gì cả là đường súc sanh đấy. Há cần mang lông, đội sừng, bị mổ cắt treo ngược.
Cảnh ngữ
Trong lúc Thiền sư Đạo Ngô Viên Trí và Vân Nham Đàm Thạnh đang đứng hầu một bên, Thiền sư Dược Sơn nói:
Lý trí không đạt tới chỗ, kỵ giảng nói. Giảng nói rồi liền đọa nhập loài súc sanh.
Thiền sư Dược Sơn thượng đường nói:
Muốn biết trời, người, là hiện nay đang thanh tịnh uy nghi trì bát là trời người đấy. Bảo nhậm thì không đọa các con đường, thì thứ nhất không được bỏ cái này, vì cái này không phải dễ được. Nên hướng trên đỉnh núi cao cao mà đứng, dưới biển sâu sâu mà đi. Các nơi đó không dễ thực hành, cần phải có tương ưng. Như nay đây xuất đầu ra đều là người lắm chuyện, tìm một gã si độn còn chưa thể được. Đừng chỉ ghi nhớ vào lời lẽ trong sách vở mà cho đó là kiến tri của mình. Thấy kẻ không hiểu biết là sanh lòng khinh mạn. Những người như thế đều là bọn xiển đề ngoại đạo. Tâm này không như thế, phải nên xem xét kỹ. Nói như thế là chuyện bên lề của ba giới, không phải chuyện dưới nạp y luống để qua. Đến chỗ đó phải nên vi tế, không nên cho đó là chuyện tầm thường. Nên biết thế. Tạm biệt!
Thiền sư Dược Sơn nói:
Tổ sư chỉ dạy bảo hộ. Nếu tham sân dậy lên, phải nên phòng ngự. Không dạy đụng độ. Nếu các vị muốn biết, cây khô trên đá cũng phải gánh vác. Thật chẳng có nhành lá để được. Tuy là như vậy, nhưng cũng nên tự xét xem không được dứt bặt lời lẽ. Hôm nay ta nói cho các ông lời nói để hiển thị vô ngữ. Cái kia vốn không tai, mắt, diện mạo.
Tác phẩm
Thông tin khác