[Thiền sư] Hòa Sơn Vô Ân
- 10 Oct, 2024
Giới thiệu
Thiền sư Hòa Sơn Vô Ân (884 - 960) họ Ngô, cũng người Phúc Châu, xuất thân huyện Liên Giang (連江), Phúc Châu (福州, tỉnh Phúc Kiến), họ là Ngô (呉).
Năm lên 7 tuổi, ông đến xuất gia với Tuyết Phong Nghĩa Tồn (雪峰義存).
Sau khi thọ Cụ Túc giới xong, ông lên đường vân du đó đây, đến tham yết Cửu Phong Đạo Kiền (九峰道虔) ở Quân Dương (筠陽, Tỉnh Giang Tây), một câu khế cơ, những chướng ngại trong tâm, tiêu tan sạch không, thấy rõ bản lai diện mục của mình và kế thừa dòng pháp của vị này.
Sau ông được cung thỉnh đến trú trì Đại Trí Viện (大智院), Hòa Sơn, thuộc Cát Châu (吉州, Tỉnh Giang Tây) và bắt đầu cử xướng Thiền phong của mình.
Ông đã từng quy y cho nhà họ Lý ở Giang Nam, rồi đến sống tại Tường Quang Viện (祥光院) ở Dương Châu (楊州, Tỉnh Giang Tô), Thúy Nham Viện (翠巖院) ở Giang Tây (江西).
Đến năm đầu (951) niên hiệu Quảng Thuận (廣順), ông lại chuyển đến sống ở Hộ Quốc Tự (護國寺) thuộc Hồng Châu (洪州, Tỉnh Giang Tây) và được ban cho hiệu là Trừng Nguyên Thiền Sư (澄源禪師).
Ông thị tịch vào ngày mồng 2 tháng 3 năm đầu (960) niên hiệu Kiến Long (建隆), hưởng thọ 77 tuổi, và được ban cho thụy hiệu là Pháp Tánh Thiền Sư (法性禪師).
Ngữ lục
Thiền sư Hòa Sơn lúc thuyết pháp tại pháp đường, thường trích dẫn một đoạn phẩm Quảng Chiếu Không Hữu trong Bảo Tạng Luận:
“Học tập là một giai đoạn nghe, tuyệt học là một giai đoạn gần đến gần, vượt lên trên cả hai thứ đó là giai đoạn đạt đến chân lý.”
Một thiền tăng phản ứng rất nhanh, từ trong đại chúng đứng dậy nêu lên một câu hỏi: “Giai đoạn đạt đến chân lý là gì?”
Hòa Sơn không trả lời theo câu hỏi: “Ta chỉ biết đánh trống”.
Một thiền tăng khác từ trong câu trả lời kỳ quái của sư phụ đã thể ngộ được sự nhạy bén của thiền cơ đến nhanh như chớp rồi đi, lập tức truy hỏi: “Chân đế là gì?”
Chân đế chính là cảnh giới tuyệt đối của thiền, hoàn toàn không dính bụi trần, tục đế tương ứng với nó tức là vạn sự vạn vật đều đầy đủ. Chân đế và tục đế không khác tức là Thánh đệ nhất nghĩa đế.
Hòa Sơn làm sao mà trả lời được? Ngài nói: “Ta chỉ biết đánh trống”.
Tiếng trống lần thứ hai, thức tỉnh người đệ tử thứ ba, người đệ tử thay đổi câu hỏi một cách mới mẽ hơn: “Tức tâm tức Phật, con không còn phải hỏi nữa, xin sư phụ nói cho con biết thế nào là “chẳng phải tâm chẳng phải Phật?”
Tức tâm tức Phật, chẳng phải tâm chẳng phải Phật, đều là thiền ngữ do Mã Tổ Đạo Nhất đề xướng rộng rãi, trong tòng lâm không ai không biết, không ai không hiểu. Tức tâm tức Phật còn dễ lý giải; chẳng phải tâm chẳng phải Phật thì rất ít người có thể đạt đến giai đoạn này.
“Ta chỉ biết đánh trống”. Thiền sư Hòa Sơn lại trả lời như vậy, khác nào trên băng lại đổ thêm dầu, thử hỏi ai có thể đi trên đó được.
Chớ nói đường băng trơn, mà có người trượt băng. Thiền tăng thứ tư lên pháp đường hỏi rằng: “Nếu như một người đã tu chứng, đã giải thoát, chứng đắc huệ quả vô thượng đi đến, thì nên hướng dẫn ông ta như thế nào?”
Thiền sư Hòa Sơn vẫn trả lời như thế: “Ta chỉ biết đánh trống”.
Cảnh ngữ
Tác phẩm
Thông tin khác