Type something to search...

Upagupta

  • 14 Sep, 2024

Tổ Thứ 04 - Tôn Giả Ưu Ba Cúc Đa

Hành Trạng

Tổ truyền pháp thứ tư của Thiền Tông Ấn Độ.

Cũng gọi là Ưu Bà Cúc Đa, Ổ Ba Cúc Đa. Ngài người nước Ma Đột La (Mathura) ở miền Trung Ấn-độ, là vị quốc sư của vua A Dục (thế kỉ thứ 3 tr. TL). Người sanh ra trong giai cấp Thủ Đà La (giai cấp hạ tiện nhất trong xã hội Ấn Độ), cha tên là Thiện Ý, gia nhập Tăng đoàn lúc 17 tuổi, hai mươi tuổi chứng quả. Ngài nổi tiếng như một vị Phật, dưới triều vua A Dục, và là thầy của vua A Dục, ngài đã trở thành vị tổ thứ tư của Ấn Độ, 100 năm sau ngày Phật nhập Niết Bàn. Theo bộ Đại Sử và bộ Văn Thù Căn Kiếp, ngài A Nan bảo đệ tử của mình là Thương Na Hòa Tu hãy bảo hộ Phật giáo và truyền pháp lại cho Ưu Ba Cúc Đa, người xứ Ma Thâu La, làm tổ thứ tư của Thiền Tông Ấn Độ. Chính ngài A Nan đã nói lại theo lời thọ ký của Đức Phật thì Ưu Ba Cúc Đa sẽ trở thành một vị Phật, nhưng không phải là một vị Đẳng Giác Phật. Vì không thấy tên Ưu Ba Cúc Đa xuất hiện trong văn học Phật giáo Nguyên Thủy, nên người ta cho rằng ông là một vị Tăng thuộc phái Thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ (Thuyết Nhất Thuyết Hữu Bộ, gọi tắt là Hữu Bộ, một trong 20 bộ phái Tiểu Thừa, là trường phái dạy về sự hiện hữu hay thực hữu của chư pháp hữu vi và vô vi, trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Trường phái nầy đã phát triển bên Ấn Độ trong nhiều thế kỷ, sau lan truyền rộng rãi qua Trung Hoa và Nhật Bản) Ngài bẩm chất thông tuệ, tâm tính từ bi. Tổ thứ ba của dòng Phú Pháp Tạng là Thương Na Hòa Tu biết ngài là pháp khí, bèn dạy cho pháp chánh niệm: Nếu mỗi lần khởi tâm ác thì bỏ một cục đá đen ở bên tay trái; nếu mỗi lần khởi tâm thiện thì bỏ một cục đá trắng ở bên tay phải. Ngài y theo lời dạy ấy mà tu tập. Ban đầu thì đá đen nhiều, dần dần thì đá đen đá trắng bằng nhau, cho đến khi hết 7 ngày thì chỉ thấy toàn đá trắng. Tôn giả Thương Na Hòa Tu biết đã đúng lúc, bèn nói pháp Tứ Đế, ngài nghe xong liền chứng quả Tu Đà Hoàn. Ngài lại quán chiếu về tính khổ, không, vô thường của các pháp, liền chứng quả A Na Hàm. Ngài xin xuất gia, và sau khi thọ cụ túc giới thì chứng quả A La Hán. Ngài tùy duyên đi giáo hóa, đến nước Ma Đột La thì số người được Ngài độ rất đông do đó cung ma chấn động. Ma Ba Tuần lo sợ bèn dùng hết ma lực để phá chánh pháp. Tôn giả liền nhập tam muội để xem biết lý do đó. Ba Tuần lợi dụng cơ hội lén lấy xâu anh lạc quàng vào cổ Ngài, kịp Tôn giả xuất định làm cho ba thây chết – người, chó, rắn – hóa thành hoa man (tràng hoa). Ngài dùng lời êm dịu vỗ về Ba Tuần:

  • Ông cho ta xâu anh lạc thật là quý báu, ta có tràng hoa đẹp để dâng đáp lại. Ba Tuần rất mừng đưa cổ đeo vào, tràng hoa liền biến thành ba loại thây thúi đang phân rã với giòi tửa. Ba Tuần ghê tởm rất đổi âu sầu, dùng hết thần lực mình mà chuyển đổi không được, bèn lên trời lục dục báo với các thiên vương, lại đến chỗ Phạm vương cầu giúp cho thốt khỏi. Các vua trời đều nói:
  • Thần biến ấy do đệ tử của Đấng thập lực (Phật) làm ra, chúng tôi phàm lậu sao trừ được? Ba Tuần hỏi:
  • Thế thì làm sao bây giờ? Phạm vương nói:
  • Ông nên quy phục Tôn giả mới trừ hết được. Rồi nói kệ khiến cho Ba Tuần hồi tâm hướng về: Nhược nhân địa đảo, Hồn nhân địa khởi. Ly địa cầu khởi, Chung vô kỳ lý. Dịch: Nếu nhân đất té, Phải nhờ đất dậy. Lìa đất muốn dậy, Trọn không lý ấy. Ma Ba Tuần nghe dạy xong liền rời thiên cung đến lễ Tôn giả chí thành phát lồ sám hối. Cúc Đa hỏi:
  • Từ nay trở đi, đối với chánh pháp của Như Lai ông không làm quấy hại nữa chăng? Ba Tuần thưa:
  • Con thề hồi tâm hướng về Phật đạo, lìa hẳn việc bất thiện. Cúc Đa bảo:
  • Nếu như thế ông nên tự miệng xướng ngôn quy y tam bảo đi. Ma vương chắp tay xướng lên ba lần. Tràng thây thúi hết sạch, Ba Tuần vui mừng nhảy nhót, làm lễ Tôn giả và nói kệ: Khể thủ tam muội tôn, Thập lực thánh đệ tử. Ngã kim nguyện hồi hướng, Vật linh hữu liệt nhược. Dịch: Cúi lạy Đấng tam muội, Đệ tử Thánh thập lực. Con nguyện hồi hướng tâm, Đừng giữ cái yếu hèn. Lúc bấy giờ vua A Dục (vua nước Ma Kiệt Đà) nghe danh ngài đang giáo hóa đồ chúng trong khu rừng núi u tĩnh ở nước Ma Đột La, muốn đến đó quan sát. Ngài nghĩ, nơi ấy chỉ là chốn núi rừng chật hẹp, nên đã dẫn một vạn tám ngàn đồ chúng đi về thành Hoa Thị (kinh đô nước Ma Kiệt Đà), vì vua A Dục mà thuyết pháp. Ngài cũng chỉ cho nhà vua biết các di tích của đức Phật và dạy nhà vua xây tháp cúng dường. Ngài cũng dạy nhà vua xây tháp các vị tôn giả đệ tử lớn của Phật như Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Nan, v.v… để cúng dường; tương truyền, nhà vua đã xây cả thảy tám vạn bốn ngàn ngôi bảo tháp. Công hoằng hóa của ngài rất lớn, độ người nhiều vô số. Tôn giả ở tại thế hóa đạo, người chứng được quả rất đông. Khi một người được độ, Tôn giả lấy một thẻ tre bỏ trong thạch thất, thất ấy cao 18 khuỷu tay rộng 12 khuỷu tay (trửu), đến đầy không gian ấy. Sau cùng có người tên Hương Chúng, con trai của một trưởng giả, đến lễ Tôn giả chí thành cầu xuất gia. Tôn giả hỏi:
  • Thân ông xuất gia hay tâm ông xuất gia? Đáp:
  • Con đến xuất gia, chẳng phải là thân hay tâm. Tôn giả hỏi:
  • Chẳng phải là thân tâm thì còn ai nữa xuất gia? Đáp:
  • Kẻ xuất gia không có ngã và ngã cố1không có ngã và ngã cố thì tâm chẳng sanh diệt, tâm chẳng sanh diệt tức là đạo thường hằng. Chư Phật cũng thường hằng, tâm không hình tướng thể nó cũng vậy. Tôn giả nói:
  • Ông đang đại ngộ, tâm tự thông đạt, nên quy y Phật pháp tăng để tiếp nối và làm hưng thạnh dòng giống Thánh. Liền xuống tóc cho thọ giới cụ túc. Tôn giả lại bảo:
  • Cha ông từng mộng thấy mặt trời vàng mà sanh ông nên đặt tên là Đề Đa Ca (Thông Chơn Lượng). Lại nói:
  • Như Lai đem đại pháp nhãn tạng lần lượt truyền trao đến ta, nay lại trao cho ông. Hãy nghe ta nói kệ: Tự tâm bổn lai tâm, Bổn tâm phi hữu pháp. Hữu pháp hữu bổn tâm, Phi tâm phi bổn pháp. Dịch: Tâm vốn tâm xưa nay, Bổn tâm chẳng có pháp. Có pháp có bổn tâm, Chẳng tâm chẳng bổn pháp2. Truyền pháp xong, Tôn giả bèn vọt lên hư không trình hiện 18 phép biến hóa, xong trở lại tòa cũ ngồi kiết già mà tịch. Đề Đa Ca lấy thẻ tre trong thất để đốt thân Ngài, thu xá lợi xây tháp cúng dường. Nhằm năm Bình Vương thứ 31, năm canh tý (320 trước công nguyên) (Đúng là năm Bình Vương thứ 30). Kệ truyền pháp: Phi pháp diệc phi tâm, Vô tâm diệc vô pháp. Thuyết thị tâm pháp thời, Thị pháp phi tâm pháp Dịch : Phi pháp cũng phi tâm, không tâm cũng không pháp , Khi nói tâm pháp ấy, Pháp ấy phi tâm pháp.

KỆ TRUYỀN PHÁP

Pháp pháp bổn lai pháp,
Vô pháp vô phi pháp.
Hà ư nhất pháp trung,
Hữu pháp hữu phi pháp

Dịch:

Các pháp, pháp xưa nay,
Không pháp, không phi pháp .
Tại sao trong một pháp,
Có pháp, có phi pháp.
Tags :
Share :

Related Posts