Type something to search...

Mahākāśyapa

  • 14 Sep, 2024

Tổ Thứ 01 - Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp

Hành Trạng

  • còn gọi là Đại Ca Diếp (大迦葉), Ca Diếp Ba (迦葉波), Ca Nhiếp Ba (迦攝波); ý dịch là Ẩm Quang (飲光),

  • là một trong 10 vị đại đệ tử của đức Phật,

  • vị tổ được truyền trao pháp tạng đầu tiên từ đức Phật,

  • thường được gọi là Tây Thiên Thủ Truyền Ma Ha Ca Diếp Tôn Giả (西天首傳摩訶迦葉尊者).

  • Tổ truyền pháp thứ nhất của Thiền Tông Ấn Độ.

  • Ngài sanh ra trong một gia đình Bà La Môn, gần ngoại ô Thành Vương Xá (s: Rājagṛha; p: Rājagaha, 王舍城), nước Ma Kiệt Đà.

  • Cha tên Ẩm Trạch, mẹ là Hương Chí.

  • Xưa kia là thợ bạc hàn kim loại, khéo hiểu về tính chất kim loại làm cho nó nhu phục.

  • Phó Pháp Truyện ghi:

    “Từng ở trong kiếp lâu xa, sau khi Phật Tỳ Bà Thi nhập niết bàn. Tứ chúng xây tháp thờ, màu vàng trên mặt tượng trong tháp có hư hao chút ít, bấy giờ có cô gái nghèo đem kim châu đến cửa hiệu Ngài nhờ sơn sửa mặt Phật. Xong rồi nhân đó cùng phát nguyện: “Hai ta kết làm vợ chồng không ân ái”. Do nhân duyên đó mà thân họ có màu vàng 91 kiếp. Về sau sanh lên Phạm Thiên, ở cõi trời mãn tuổi thọ rồi sanh ở nước Ma Kiệt Đà vùng trung Thiên Trúc, thuộc nhà Bà La Môn, tên là Ca Diếp Ba, đó là Ẩm Quang Thắng Tôn, vì căn cứ màu vàng mà đặt danh hiệu. Do đó chí Ngài mong xuất gia cầu độ các cõi.

Sau khi đức Phật thành đạo được 3 năm, ngài theo làm đệ tử. Khi gặp ngài, Phật nói: “Thiện lai, tỳ kheo” thì râu tóc tự rụng mất, ca sa đắp thân thể, rồi 8 ngày sau thì chứng nhập cảnh địa A La Hán. Là người không chấp trước số một trong hàng đệ tử Phật, ngài có nhân cách thanh liêm, ở trong chúng Phật thường khen ngợi là đệ nhất, được Phật rất tin tưởng, từng được Phật chia nữa tòa cho ngồi. Phật nói: “Ta đem thanh tịnh pháp nhãn trao cho ông, ông nên truyền rộng cho mọi người đừng cho đứt mất”. Kinh Niết bàn ghi: Lúc Thế Tôn sắp niết bàn, Ca Diếp không có mặt trong chúng hội. Phật bảo các đại đệ tử: “Khi Ca Diếp tới nên mời tuyên dương chánh pháp nhãn tạng”. Bấy giờ Ca Diếp đang ở núi Kì Xà Quật, trong hang Tân Bát La, thấy quang minh thù thắng liền nhập tam muội, dùng tịnh thiên nhãn xem thấy Thế Tôn nhập bát niết bàn ở bờ sông Hi Liên. Bèn bảo đồ chúng: “Như Lai niết bàn, sao mà nhanh thế!”. Rồi liền đi đến dưới song thọ thương tiếc khóc than, Phật trong kim quan đưa hai bàn chân ra. Sau khi Phật diệt độ, ngài trở thành người lãnh đạo giáo đoàn, tiến hành triệu tập Đại Hội Kết Tập Kinh Điển lần đầu tiên tại Thành Vương Xá. Bấy giờ Ca Diếp bảo các tỳ kheo:

  • Phật đã trà tỳ, xá lợi kim cang chẳng phải việc chúng ta. Chúng ta phải kết tập pháp nhãn không cho đứt mất. Bèn nói kệ rằng:

    Như Lai đệ tử,
    Thả mạc niết bàn.
    Đắc thần thông giả,
    Đương phó kết tập.
    

    Dịch:

    Đệ tử Như Lai,
    Đừng vội niết bàn.
    Ai đắc thần thông,
    Sẽ dự kết tập.
    
  • Do đó những người đắc thần thông đều phải tụ tập ở hang Tân Bát La, núi Kì Xà Quật, thành Vương Xá. Bấy giờ A Nan ((s, p: Ānanda, 阿難) vì lậu hoặc chưa sạch không được nhập hội, về sau chứng quả A-la-hán rồi mới được vào. Ca-diếp bèn thông báo chúng:

    • A Nan đây, là tỳ kheo đa văn tổng trì, có đại trí tuệ, từng thân cận Như Lai phạm hạnh thanh tịnh, nhớ được lời Phật thuyết pháp như nước rót bình không chút bỏ sót, được Phật khen ngợi thông minh mẫn tiệp đệ nhất, nên đáng mời ông ấy kết tập tạng Tu Đa La (tạng Kinh). Đại chúng lặng thinh vâng lời. Ca Diếp bảo A Nan:

    • Ông nay nên tuyên thuyết pháp nhãn. A Nan nghe nói vâng lời, xem xét tâm của chúng rồi nói kệ rằng:

      Tỳ kheo chư quyến thuộc,
      Ly Phật bất trang nghiêm.
      Do như hư không trung,
      Chúng tinh chi vô nguyệt.
      

      Dịch:

      Những quyến thuộc tỳ kheo,
      Xa Phật chẳng trang nghiêm.
      Khác nào trong không trung,
      Nhiều sao mà không trăng.
      

      Nói xong kệ ấy, A Nan lễ chúng tăng rồi lên pháp tòa mà nói thế này: Tôi nghe như vầy, một lúc Phật ở mỗ xứ nói mỗ kinh giáo … cho đến Người trời tất cả đều làm lễ vâng làm theo. Bấy giờ Ngài Ca Diếp hỏi các tỳ kheo:

  • Lời A Nan vừa nói chẳng sai lệch ư? Chúng đồng đáp:

  • Chẳng khác lời Thế Tôn đã nói. Ca Diếp bèn bảo A Nan:

    • Tuổi ta giờ chẳng còn lâu, nay đem chánh pháp phó chúc cho ông. Ông hãy khéo giữ gìn, nghe ta nói kệ:

      Pháp pháp bổn lai pháp,
      Vô pháp vô phi pháp.
      Hà ư nhất pháp trung
      Hữu pháp hữu bất pháp?
      

      Dịch:

      Các pháp pháp xưa nay,
      Không pháp không phi pháp.
      Sao cùng trong một pháp,
      Có pháp có chẳng pháp?
      

      Nói kệ xong, Ngài Ca Diếp cầm y tăng già lê vào núi Kê Túc Sơn (s: Kukkuṭapādagiri, Kurkuṭapādagiri, p: Kukkuṭapadagiri, Kurkuṭapadagiri, 雞足山) chờ Ngài Từ Thị (Di Lặc, s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒)) hạ sanh. Nhằm năm Chu Hiếu Vương thứ 5, năm bính thìn (425 trước công nguyên). (Năm thứ 5 đúng ra là thứ tư, từ đây đến Tổ thứ 13 là Ca-tì-ma-la có sự sai khác về số năm, nay đều y theo lục giáp trong niên biểu sử ký mà cải chánh). Ngoài ra, vị Phật thứ 6 trong 7 vị Phật thời quá khứ cũng có trùng tên là Ca Diếp. Trong số các đệ tử của đức Phật còn có Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp (s: Uruvilvā-kāśyapa, p: Uruvela-kassapa, 優樓頻螺迦葉), Già Da Ca Diếp (s: Gayā-kāśyapa, 伽耶迦葉), v.v., đều có tên trùng Ca Diếp. Vị tổ của Ẩm Quang Bộ (s: Kāśyapīya, 飲光部) thuộc Thượng Tọa Bộ (s: Sthaviravāda, p: Theravāda, 上座部) cũng có tên giống vậy. Thiền Tông xem ngài là người đầu tiên hành trì pháp môn không chấp trước, đặc biệt xem ngài là Đầu Đà Đệ Nhất (Khổ Hạnh Số Một). Câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu (拈華微笑) liên quan đến Tôn Giả Ca Diếp được truyền tụng mãi cho đến ngày nay. Trong Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh (大梵天王問佛決疑經) có thuật lại truyền thuyết rằng xưa kia khi đức Phật Thích Ca đang ở trên Hội Linh Sơn, lúc ấy ngài cầm cành hoa Kim Ba La Hoa (金波羅華) do chư thiên đem dâng cúng, đưa ra trước hội chúng hơn 80.000 người. Đại chúng hết thảy đều ngẩn ngơ im lặng mà không thể nào hiểu được thâm ý của đức Như Lai thế nào. Khi ấy, chỉ có một mình Ma Ha Ca Diếp mĩm cười mà thôi. Thấy vậy đức Phật bèn dạy rằng: “Hữu ngã chánh pháp nhãn tạng Niết Bàn diệu tâm, tức phó chúc vu nhữ, nhữ năng hộ trì, tương tục bất đoạn (有我正法眼藏涅槃妙心、卽付囑于汝、汝能護持、相續不斷, ta có chánh pháp nhãn tạng, Niết Bàn diệu tâm, nay phó chúc cho ngươi; ngươi có thể giữ gìn, làm cho liên tục không dứt đoạn)”, và truyền trao chánh pháp cho vị này. Đây được xem như là khởi nguyên của Thiền Tông.

KỆ TRUYỀN PHÁP

Pháp bổn pháp vô pháp
vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp.

Dịch:

Pháp gốc pháp không pháp
Pháp không pháp cũng pháp
Nay khi trao không pháp
Mỗi pháp đâu từng pháp.
Tags :
Share :

Related Posts