Type something to search...

Sanakavasa

  • 14 Sep, 2024

Tổ Thứ 03 - Tôn Giả Thương Na Hòa Tu

Hành Trạng

Tổ truyền pháp thứ ba của Thiền Tông Ấn Độ. Còn gọi là Na Hòa Tu, Thương Nặc Ca, Thương Nặc Ca Phược Sa, Xá Na Ba Tư, người em trai và cũng là đệ tử của ngài A Nan. Ngài dòng Tỳ Xá Đa nước Ma Đột La, cha tên Lâm Thắng, mẹ là Kiều Xa Da. Ngài ở trong thai mẹ sáu năm mới sanh. Tục truyền ở Ấn Độ khi nào cỏ Thương-Nặc-Ca sanh là có một vị thánh nhơn ra đời. Chính khi Ngài lọt lòng mẹ thì thứ cỏ ấy cũng mọc lên, vì thế cha mẹ Ngài đặt tên là Thương Na Hòa Tu. Xưa Đức Như Lai đi giáo hóa đến nước Ma-đột-la thấy một khu rừng xanh tươi cành lá sum sê, Ngài nói với A Nan:

  • Đất rừng này tên Ưu Lưu Trà, ta diệt độ 100 năm sau có tỳ kheo Thương Na Hòa Tu chuyển diệu pháp luân ở đất này. Trăm năm sau quả thật đản sanh Hòa Tu, Hòa Tu xuất gia chứng đạo thọ nhận pháp nhãn của Tôn giả Khánh Hỉ (A Nan), giáo hóa hữu tình và dừng trụ ở rừng này. Lúc đầu, Ngài xuất gia làm đồ đệ vị tiên ở núi Tuyết. Chính Ngài tu theo pháp tiên đã được thần thông, sau gặp Tổ A Nan, Ngài hồi đầu trở về chánh pháp. Theo lịch sử nối pháp của đức Phật Thích Ca, ngài là một thương gia giàu có trong thành Vương Xá, kinh đô của xứ Ma Kiệt Đà. Trong cuộc sống hằng ngày, ngài rất thông minh và gan dạ. Lúc còn là cư sĩ, ngài cúng dường phòng ốc nhà cửa và những vật dụng khác cho Giáo Đoàn. Cuối cùng ngài xuất gia làm Tăng tu tập Phật pháp. Thương Na Hòa Tu trở thành người nối pháp của A Nan Đà và sau đó làm Tổ thứ ba trong truyền thống Thiền ở Ấn Độ. Ngài du hành sang các xứ Ma Thâu Đà và Kế Tân để hoằng pháp. Thương Na Hòa Tu là một vị A La Hán, mà theo Eitel, trong Trung Anh Phật Học Từ Điển, cho là vị tổ thứ ba ở Ấn Độ, người đã chủ trì cuộc kết tập kinh điển lần thứ hai. Theo truyền thống Tây Tạng, ngài được gọi là “Thiết Nặc Ca” vì khi sanh ra ngài đã được trùm bởi áo Thiết Nặc Ca (có thuyết nói Thương Nặc Ca là tên một loại áo. Khi ngài đổi đời mặc áo “thiết nặc ca” nên nhân đó mà gọi áo “thiết nặc ca” là áo gai. Theo Tây Vực Ký, Thương Na Hòa Tu khi còn ở kiếp trước đã lấy cỏ “thiết nặc ca” làm áo, và bố thí cho chúng Tăng vào ngày giải an cư kiết hạ. Ngài thường mặc chiếc áo nầy trong năm trăm thân. Ở đời hậu thân, ngài và chiếc áo cũng theo thai ra đời. Thân thể lớn dần, chiếc áo cũng rộng theo. Khi ngài được A Nan độ cho xuất gia, thì chiếc áo trở thành pháp phục. Khi ngài thọ cụ túc giới thì chiếc áo trở thành chiếc Cà sa 9 mảnh. Khi tịch diệt ngài phát nguyện sẽ để lại chiếc áo cho hết thảy di pháp của Đức Thích Ca, nguyện lưu cái áo lại cho đến khi đạo pháp của Đức Thích Ca truyền tận áo mới bị mục nát). Tuy nhiên, theo truyền thuyết Phật giáo, Mạc Điền cũng là một người nối pháp khác của Tổ A Nan Đà. Mặc dầu Mạc Điền cũng hoằng pháp trong vùng Kế Tân, nhưng không có dòng truyền thừa nào đặc biệt hay những cố gắng của chính ngài cho sự nối pháp mà ngài đã được truyền thụ từ Tổ A Nan Đà. Tuy vậy, thỉnh thoảng Mạc Điền được bao gồm trong số những vị Tổ nối pháp đức Phật, đưa con số lên thành 29 thay vì chỉ có 28, Thương Na Hòa Tu theo truyền thống được coi như là tổ thứ tư, và Mạc Điền là tổ thứ ba. Tôn giả hóa duyên đã lâu muốn trao truyền chánh pháp, tìm đến nước Trá lợi gặp Ưu Ba Cúc Đa chọn làm thị giả. Nhân gặp Ngài hỏi Cúc Đa:
  • Tuổi ông bao nhiêu? Đáp:
  • Tuổi con mười bảy. Sư hỏi:
  • Thân ông mười bảy hay tánh ông mười bảy? Hỏi lại:
  • Tóc thầy đã bạc, là tóc bạc hay tâm bạc? Sư đáp:
  • Ta chỉ bạc tóc, chẳng phải bạc tâm đâu. Cúc-đa nói:
  • Thân con mười bảy, chẳng phải tánh mười bảy. Hòa Tu biết đây là pháp khí. Ba năm sau cho xuống tóc và thọ cụ túc giới. Rồi báo cho chúng biết:
  • Xưa Như Lai đem vô thượng pháp nhãn tạng trao cho Ca Diếp, lần lượt truyền nhau rồi tới ta, nay ta truyền cho ông chớ để đứt mất. Ông nhận ta dạy, hãy nghe ta nói kệ: Phi pháp diệc phi tâm, (Bản cựu chép là Phi pháp diệc phi pháp, nay y cứ Bảo Lâm Truyện Chánh Tông Ký sửa là phi pháp diệc phi tâm). Vô tâm diệc vô pháp. Thuyết thị tâm pháp thời, Thị pháp phi tâm pháp. Dịch: Phi pháp cũng phi tâm, Không tâm cũng không pháp. Khi nói tâm pháp ấy, Pháp ấy phi tâm pháp. Nói kệ xong Tôn giả đi ẩn ở trong núi Tượng Bạch, thuộc miền Nam nước Kế Tân. Về sau trong tam muội Tôn giả thấy năm trăm đồ chúng đệ tử của Cúc Đa giải đãi ngã mạn. Tôn giả bèn đến đó, hiện long phấn tấn tam muội để điều phục họ và nói kệ: Thông đạt phi bỉ thử, Chí thánh vô trường đoản. Nhữ trừ khinh mạn ý, Tật đắc A La Hán. Dịch: Thông đạt chẳng đây kia, Chí thánh không hay dở. Các ông trừ khinh mạn, Mau đắc A La Hán. Năm trăm tỳ kheo nghe kệ xong, y theo lời dạy vâng làm đều được vô lậu. Rồi Tôn giả thi triển 18 phép biến hóa hỏa quang tam muội để tự thiêu thân. Cúc Đa thâu xá lợi đem táng trong núi Phạm Ca La, năm trăm tỳ kheo người cầm một cây phướn đưa đến đó xây tháp cúng dường. Nhằm năm Tuyên Vương thứ 23 năm ất mùi (325 trước công nguyên) (Đúng là năm Tuyên Vương thứ 22).

KỆ TRUYỀN PHÁP

Bổn lai truyền hữu pháp,
Truyền liễu ngôn vô pháp
Các các tu tự ngộ
Ngộ liễu vô vô pháp.

Dịch:

Xưa nay truyền có pháp
Truyền rồi nói không pháp.
Mỗi mỗi cần tự ngộ
Ngộ rồi không không pháp.
Tags :
Share :

Related Posts