Type something to search...

A Nan Đà

  • 14 Sep, 2024

Tổ Thứ 02 - Tôn Giả A Nan

Hành Trạng

Từ gọi tắt của âm dịch A Nan Đà (阿難陀), ý dịch là Khánh Hỷ (慶喜), Vô Nhiễm (無染)

Ngài:

  • Là con trai của vương tộc Sĩ Cam Lộ Phạn (s: Amṛtodana, 士甘露飯, còn gọi là Bạch Phạn Vương [白飯王])
  • Thuộc dòng họ Thích Ca (s: Śākya, p: Sakya, 釋 迦)
  • Là anh em với Đề Bà Đạt Đa (s, p: Devadatta, 提 婆 達 多)
  • Là sanh sau Phật 30 năm
  • Sanh vào đêm Như Lai thành đạo nhân đó đặt tên
  • Là 1 trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật

Sau khi thành đạo, lần đầu tiên đức thế tôn trở về thành Ca Tỳ La Vệ (s: Kapilavastu, p: Kapilavatthu, 迦 毘 羅 衛), khi ngài trú tại Vườn Xoài (s: Āmrapāli-vana, p: Ambapāli-vana, 菴婆波梨園, tức Am Bà Ba Lợi Viên), Tôn giả A Nan đã cùng với các vương tử thuộc dòng họ Thích Ca và người thợ hớt tóc Ưu Ba Ly (s, p: Upāli, 優 波離) đã xin xuất gia theo Phật. Hơn nữa đời quá khứ ngài có đại công đức thọ trì tạng kinh không sót như nước rót bình, Phật bèn cho làm thị giả. Từ đó trở đi, Tôn giả thường hầu hạ bên đức Thích Tôn, phần nhiều nghe được những lời dạy của Ngài (Ngài có trí nhớ lạ lùng, nhớ hết kinh giáo của chư Phật nên gọi Đa Văn đệ nhất ( 多聞第一, nghe nhiều số 1 ). Khi dưỡng mẫu là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề (s: Mahāprajāpatī Gautamī, s: Mahāpajāpatī Gotamī, 摩 訶 波 闍 波 提) cầu xin xuất gia nhưng không được phép, chính ngài đã đích thân xin Phật và sau khi được phép thì ngài là người đã tận lực sáng lập giáo đoàn Tỳ Kheo Ni đầu tiên.

Ngài A Nan dung mạo đẹp đẽ, mặt như trăng tròn, mắt như hoa sen xanh, thân hình sáng rỡ như gương, vì thế, tuy đã xuất gia, nhưng thường bị phụ nữ cám dỗ, tuy nhiên, nhờ chí khí kiên cố, cuối cùng A Nan đã bảo toàn được phạm hạnh. Khi Đức Phật còn sinh tiền, ngài A Nan vẫn chưa khai ngộ, khi Phật nhập diệt, buồn rầu mà khóc; sau nhờ Tôn giả Ma Ha Ca Diếp dạy bảo, cố sức dụng công mới khai ngộ.

Vào tháng thứ 2 sau khi Phật diệt độ, khi cuộc kết tập lần đầu tiên được tiến hành tại Hang Thất Diệp (s: Sapta-parṇa-guhā, 七 葉窟) ngoài Thành Vương Xá (s: Rājagṛha, p: Rājagaha, 王舍城), ngài đã cùng tham dự với 499 vị đệ tử của đức Phật mà chứng quả A La Hán.

Trong đại hội kết tập Kinh điển lần đầu tiên, ngài A Nan được chọn là người thuật lại Kinh, đối với sự nghiệp truyền trì Kinh pháp, tôn giả A Nan đã có công lao rất lớn. Lúc đầu đã không được xếp vào thành viên Hội Nghị. Theo Kinh Tiểu Phẩm, sau đó vì có sự phản đối của các Tỳ Kheo quyết liệt bênh vực cho A Nan, mặc dù ngài chưa đắc quả A La Hán, bởi vì ngài có phẩm chất đạo đức cao và cũng vì ngài đã được học kinh tạng và luật tạng từ chính Đức Bổn Sư. Sau cùng A Nan đã được Đại Ca Diếp chấp nhận vào Hội Nghị. A Nan đã trùng tụng lại tất cả những gì mà Đức Phật nói. Tuy nhiên, tại Hội Nghị nầy, A Nan đã bị các Tỳ Kheo trách cứ nhiều tội mà ngài đã giải thích như sau:

a) Ngài không thể kể lại được hết các giới luật nhỏ nhặt mà Đức Phật nói là có thể bỏ bớt sau khi Ngài nhập diệt, bởi vì ngài quá đau buồn trước sự nhập diệt sắp xảy ra của Đức Bổn Sư.
b) Ngài phải đạp chân lên áo của Đức Phật lúc vá áo vì không có ai cầm giúp ngài.
c) Ngài đã cho phép nữ giới lễ xá lợi Đức Phật trước những người khác vì ngài không muốn giữ họ lại lâu. Ngài làm như thế cũng là để khai trí cho họ, giúp họ mong muốn được cải thân người nam ở kiếp sau.
d) Vì bị quỷ ma che mờ tâm trí nên ngài đã quên không cầu xin Đức Bổn sư cho ngài có thể tiếp tục học đạo cho đến suốt đời.
e) Ngài đã xin cho nữ giới là bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề gia nhập Tăng đoàn trái với luật lệ, bởi vì bà ta đã nuôi dưỡng Đức Bổn sư khi Ngài còn bé.
f) Tuy nhiên, theo bộ Dulva thì ngài A Nan còn bị gán thêm hai tội nữa.
g) Ngài đã không lấy nước uống cho Đức Phật mặc dù ngài đã ba lần đòi uống. Ngài làm như thế vì bấy giờ nước sông đang đục không thể lấy cho Đức Phật uống được
h) Ngài đã để cho nam và nữ giới thuộc hàng hạ phẩm được xem âm tàng của Đức Phật. Ngài nói sự để lộ âm tàng của Đức Thế Tôn nhằm giải thoát cho những kẻ còn bận tâm về chuyện ái dục.
Lại cứ theo Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện quyển 2 chép, thì Đức Phật truyền pháp cho tôn giả Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Diếp truyền pháp cho ngài A Nan, như vậy, A Nan là tổ thứ hai trong Phó Pháp Tạng. Sau Đức Phật nhập diệt khoảng từ hai mươi đến hai mươi lăm năm, ngài A Nan thị tịch tại miền trung du sông Hằng, trước khi nhập tịch, vua A-xà-thế thưa:
  • “Nhân giả! Hai vị thầy tôn kính là Như Lai và Ca Diếp đều đã niết bàn mà con vì nhiều việc không được gặp thầy. Thưa nhân giả, khi Ngài bát niết bàn mong rủ lòng báo con biết.”

A Nan hứa nhận. Sau tự nghĩ: - “Thân ta giòn bở như bọt tụ, hơn nữa tuổi già suy đâu còn dài lâu”.

Lại nghĩ:

  • “Ta có hứa với vua A Xà Thế”.

Rồi Ngài đến cung vua báo:

  • “Ta sắp nhập niết bàn đến để từ giã.”.

Người giữ cửa nói:

  • “Vua đang ngủ không thể truyền đạt”.

A Nan nói:

  • “Chờ khi vua thức dậy ngươi sẽ nói giúp ta”.

Bấy giờ vua A Xà Thế đang mộng thấy một cái lộng báu trang sức bằng bảy báu, có ngàn vạn ức chúng vây quanh chiêm ngưỡng, chốc lát bỗng có mưa to gió mạnh thổi gãy cán, trân bảo anh lạc đều rơi xuống đất, lòng vua rất hoang mang kinh sợ.

Rồi thức dậy, người giữ cửa tâu đầy đủ việc trước, vua nghe nói gào khóc thất thanh cảm động đến đất trời. Vua liền đến thành Tỳ Xá Ly, thấy A Nan ngồi kết già trên thuyền thả trôi giữa dòng sông Hằng. Vua bèn làm lễ và nói kệ:

  Khể thủ tam giới tôn,
  Khí ngã nhi chí thử.
  Tạm bằng bi nguyện lực,
  Thả mạc bát niết bàn.

Dịch:

  Lạy đấng tam giới tôn,
  Bỏ con mà đến đây.
  Tạm xin sức bi nguyện,
  Chớ vội bát niết bàn.

Bấy giờ vua Tỳ Xá Ly cũng có mặt ở bờ sông, lại nói kệ:

  Tôn giả nhất hà tốc,
  Nhi quy tịch diệt trường?
  Nguyện trụ tu du gian,
  Nhi thọ ư cúng dường.

Dịch:

  Tôn giả sao quá vội,
  Mà vào nơi tịch diệt?
  Xin dừng trong chốc lát,
  Để con được cúng dường.

Bấy giờ A Nan thấy 2 quốc vương đều đến mời thỉnh, bèn nói kệ:

  Nhị vương thiện nghiêm trụ,
  Vật vị khổ bi luyến.
  Niết bàn đương ngã tịnh (tĩnh),
  Nhi vô chư hữu cố.

Dịch:

  Hai vua khéo điềm tĩnh,
  Chớ vì khổ mến thương.
  Niết bàn ta nên tịnh,
  Vì không còn các hữu (nghiệp).

A Nan lại nghĩ nếu ta đến riêng một nước mà bát niết bàn thì các nước sẽ tranh giành. Không nên có việc đó mà lấy bình đẳng độ các hữu tình, bèn trên giữa dòng sông Hằng sắp vào tịch diệt.

Bấy giờ sơn hà đại địa phát sáu loại rung động, có 500 tiên nhân trong núi Tuyết thấy điềm lành ấy nên bay trong không trung mà đến, lễ dưới chân A Nan quỳ xuống bạch:

  • “Chúng con đến trưởng lão, sẽ chứng Phật pháp, nguyện Ngài rủ lòng đại từ độ thốt chúng con”.

A Nan lặng thinh nhận lời, liền biến hết sông Hằng thành đất vàng và vì tiên chúng đó thuyết đại pháp. A Nan lại nghĩ: “Những đệ tử ta độ thốt trước đây cần phải đến có mặt”.

Chốc lát có 500 la hán từ trên không trung xuống vì những tiên nhân cho họ xuất gia thọ giới cụ túc. Ở trong tiên chúng đó có 2 vị La hán: một là Thương Na Hòa Tu, 2 là Mạt Điền Để Ca.

A Nan biết hai người này là pháp khí, bảo họ:

  • Trước kia Như Lai đem đại pháp nhãn giao cho Đại Ca Diếp, Ca Diếp giao cho ta rồi vào định. Nay ta sắp nhập diệt nên truyền cho hai ông, hai ông nhận ta dạy hãy nghe ta nói kệ:

Kệ:

  Bổn lai phó hữu pháp,
  Phó liễu ngôn vô pháp.
  Các các tu tự ngộ,
  Ngộ liễu vô vô pháp.

Dịch:

  Xưa nay truyền có pháp,
  Truyền rồi nói không pháp.
  Mỗi người nên tự ngộ,
  Ngộ rồi không không pháp.

A Nan truyền pháp nhãn tạng xong, thân vọt lên không trung làm 18 phép biến hóa, nhập vào phong phấn tấn tam muội phân thân làm 4 phần:

    - 1 phần cho Trời Đao Lợi, 
    - 1 phần cho long cung Sa Kiệt La, 
    - 1 phần cho vua Tỳ Xá Ly (Bản cựu chép Tỳ Xá Ly Long vương, nay y cứ Bảo Lâm Truyện Chánh Tông Ký bỏ chữ long), 
    - 1 phần cho vua A Xà Thế. Mỗi chỗ xây bảo tháp cúng dường, nhằm năm Lệ Vương thứ 12, năm Quý Tỵ (388 trước công nguyên) (Đúng là năm Lệ Vương thứ 10, 390 trước công nguyên).

Ngài sống đến 120 tuổi. Phật thọ ký cho ngài sau nầy thành Phật hiệu là Sơn Hải Tự Tại Thông Vương Phật [X. Kinh Tạp A Hàm Q.44; Trung A Hàm Q.33, Kinh Thị Giả; Kinh Tăng Nhất A Hàm Q.4 Phẩm Đệ Tử; Kinh A Nan Đồng Học; Kinh Phật Bản Hạnh Tập Q.11; Luật Ngũ Phần Q.3, Q.29; Luận Đại Trí Độ Q.3; Đại Đường Tây Vực Kí Q.6, Q.7].

KỆ TRUYỀN PHÁP

    Pháp pháp bổn lai pháp,
    Vô pháp vô phi pháp.
    Hà ư nhất pháp trung,
    Hữu pháp hữu phi pháp

Dịch:

    Các pháp, pháp xưa nay,
    Không pháp, không phi pháp .
    Tại sao trong một pháp,
    Có pháp, có phi pháp.
Tags :
Share :

Related Posts