Tổ Thứ 10 - Hiếp Tôn Giả
- 14 Sep, 2024
Giới thiệu
Ngữ lục
Tổ truyền pháp thứ 10 của Thiền Tông Ấn Độ. Người miền Trung Ấn độ, tục danh là Nan Sanh. Hiếp là cái hông. Hiếp Tôn Giả có nghĩa là người không nằm sát hông xuống. Là vị luận sư thuộc Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ, từng khuyên vua Ca Nị Sắc Ca tổ chức đại hội kết tập kinh điển kì thứ tư. Tôn giả cũng là vị tổ thứ 10 trong 28 vị tổ Thiền Tông Ấn Độ. Theo Phú Pháp Tạng Truyện, do nghiệp đời trước mà tôn giả phải ở trong thai mẹ 60 năm, Lúc sắp đản sanh, cha Ngài nằm mộng thấy một con bạch tượng, trên lưng có chở một bảo tòa trên đó có để một hạt minh châu, từ ngồi cửa vào nhà chiếu sáng bốn chúng. Thức dậy thì ngài sanh ra đời, khi sinh ra thì râu tóc đã bạc hết. Tôn giả chán ghét ngũ dục, không thích ở nhà, bèn đến đảnh lễ ngài Phật Đà Mật Đa (Buddhamitra - vị tổ thứ 9 Thiền Tông Ấn Độ) để cầu xin học đạo, chuyên tu khổ hạnh, tinh tấn dũng mãnh, chưa từng đặt hông nằm xuống giường. Người đương thời xưng hiệu tôn giả là Hiếp tì kheo. Theo Đại Đường Tây Vực Kí, ban đầu tôn giả là thầy của chúng phạm chí ngoại đạo, đến 80 tuổi thì bỏ nhà xuất gia theo Phật giáo. Đám trai trẻ trong thành chê cười rằng: “Ông già hủ lậu này kém trí làm sao! Người xuất gia thì phải tu định và tụng kinh. Nay đã suy nhược, hết đường tiến thủ, mà nhập vào tăng đoàn thì chắc là vì để được ăn no mà thôi!”. Tôn giả nghe lời ấy bèn tự thề nguyền, nếu không học thông Ba Tạng, không đoạn trừ tham dục ba cõi để chứng được sáu thần thông, đạt đủ tám bước giải thoát, thì trọn đời hông không dính chiếu. Trải qua 3 năm, tôn giả quả nhiên học thông Ba Tạng, đoạn trừ tham dục ba cõi, chứng ba minh. Bấy giờ mọi người hết sức kính ngưỡng, xưng hiệu là Hiếp Tôn Giả. Sau đó tôn giả lại theo học với tôn giả Phật Đà Mật Đa, được truyền cho yếu chỉ thâm diệu của Phật pháp, và chứng quả A La Hán. Ngài Mã Minh buổi đầu theo học Bà La Môn giáo, tài trí tung hoành, biện tài vô ngại, công kích tăng chúng, gây hại cho nền Phật giáo Trung Thiên Trúc không ít. Để cứu vãn cho tình hình Phật giáo ấy, tôn giả Hiếp đã đến thẳng thành Hoa Thị, mời Mã Minh cùng đối luận. Trong cuộc đối luận này Mã Minh bị chiết phục, bèn xin nhập làm môn hạ của tôn giả Hiếp, thọ giới cụ túc, trở thành tì kheo. Sau đó tôn giả trở về Bắc Thiên Trúc, lưu ngài Mã Minh ở lại Trung Thiên Trúc để hoằng dương chánh pháp. Về sau, khi vua Ca Nị Sắc Ca đánh chiếm thành Hoa Thị, lại đem ngài Mã Minh về Bắc Thiên Trúc. Ban đầu Ngài đến nước Hoa Thị, tạm nghỉ dưới một cây đại thọ. Tay phải Ngài chỉ xuống đất, bảo chúng:
- Đất này biến thành màu vàng thì sẽ có một thánh nhân vào pháp hội ta. Ngài nói xong đất biến thành màu vàng. Bây giờ có con nhà trưởng giả tên là Phú Na Dạ Xa đứng chắp tay trước Ngài. Tôn giả hỏi:
- Ông từ đâu đến? Dạ Xa đáp:
- Tâm con chẳng đến. Tôn giả hỏi:
- Ông ở đâu? Đáp:
- Tâm con chẳng ở đâu. Tôn giả hỏi:
- Ông bất định ư? Đáp:
- Chư Phật cũng như thế. Tôn giả nói:
- Ông chẳng phải chư Phật. Đáp:
- Chư Phật cũng chẳng phải Tôn giả. Tôn giả nói kệ: Thử địa biến kim sắc, Dự tri ư thánh chí. Đương tọa bồ đề thọ, Giác hoa nhi thành dĩ. Dịch: Đất này hóa màu vàng, Biết có thánh nhân đến. Ngồi dưới cây bồ đề, Hoa giác đã nở rồi. Dạ Xa đáp kệ lại: Sư tọa kim sắc địa, Thường thuyết chơn thật nghĩa. Hồi quang nhi chiếu ngã, Linh nhập tam ma đề. Dịch: Thầy ngồi đất màu vàng, Thường thuyết nghĩa chơn thật. Xoay ánh sáng chiếu con, Khiến con vào chánh định. Tôn giả biết ý Dạ Xa, liền độ cho xuất gia với đầy đủ giới phẩm. Về sau rồi bảo Dạ Xa:
- Đại pháp nhãn tạng của Như Lai nay trao cho ông, ông hãy giữ gìn đó. Tôn giả nói kệ: Chơn thể tự nhiên chơn, Nhơn chơn thuyết hữu lý. Lĩnh đắc chơn chơn pháp, Vô hành diệc vô chỉ. Dịch: Chơn thể vốn sẵn chơn, Nhơn chơn nói đúng lý. Hội được pháp chơn chơn, Không đi cũng không ở. Tôn giả trao pháp xong liền thị hiện thần biến mà nhập niết bàn, hóa lửa tự thiêu. Tứ chúng dùng vạt áo đựng xá lợi, tùy địa phương xây tháp cúng dường. Nhằm năm Trinh Vương thứ 22, năm kỷ hợi (năm 21 trước công nguyên) (Đúng ra năm Trinh Vương thứ 27). Dưới triều vua Ca Nị Sắc Ca, Hiếp Tôn Giả đã vâng mệnh vua, triệu tập 500 vị thánh tăng nhóm họp tại nước Ca Thấp Di La để kết tập kinh điển (lần thứ tư) cùng biên tập bộ luận Đại Tì Bà Sa, rất được nhà vua sùng kính. Kệ truyền pháp: Chơn thể tự nhiên chơn Nhơn chơn thuyết hữu lý Lãnh đắc chơn chơn pháp Vô hành diệc vô chỉ Dịch : Chơn thể đã sẵn chơn Bởi chơn nói có lý Hội được pháp chơn nhơn Không đi cũng không dừng
KỆ TRUYỀN PHÁP
Pháp bổn pháp vô pháp vô pháp pháp diệc pháp Kim phó vô pháp thời Pháp pháp hà tằng pháp.
Dịch:
Pháp gốc pháp không pháp Pháp không pháp cũng pháp Nay khi trao không pháp Mỗi pháp đâu từng pháp.
Cảnh ngữ
Tác phẩm
Thông tin khác