Type something to search...
MÃ SƯ BẤT AN

MÃ SƯ BẤT AN

THÙY

Một cơ một cảnh, một lời một câu,phải tìm lối mà vào. Có một vết thương trên thịt, nó có thể thành hang thành động. Đại dụng hiện tiền không còn quy tắc. Phải tìm cho ra cái chỗ hướng thượng. Nó bao trùm trời đất, song không biết chỗ nào mà rờ rẫm. Như vậy cũng được mà không như vậy cũng được, thế thì quá rườm ra. Như vậy cũng không được mà không như vậy cũng không được, thế thì quá đơn độc. Không theo hai con đường này, như thế nào mới đúng? Xin thử nêu ra xem.

CỬ

Mã Đại Sư [11] không khỏe.

Viện chủ hỏi “Gần đây sức khoẻ của hòa thượng như thế nào?"

Đại sư nói, “Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật" [12]

BÌNH

Mã Đại Sư không khỏe. Viện Chủ hỏi, “Gần đây sức khỏe của Thầy ra sao?” Đại Sư nói, “Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật.” Nếu như các bậc Tổ Sư không đương đầu với thiên hạ bằng những vấn đề căn bản nhất, làm thế nào chúng ta có thể có được cái quang huy của Đạo như thế này? Nếu hiểu được cái cốt yếu của công án này, người ta có thể một mình lửng thửng tận trời cao. Nếu không hiểu được cốt yếu của nó thì tựa như lạc bước trước rặng cây khô trên vách đá. Nếu như là người có bản lãnh, đến chỗ này hẳn phải có khả năng để dắt trâu của thợ cầy, đoạt thức ăn của người đói, thì mới có thể thấy được cái chỗ vì người của Mã Đại Sư.

Ngày nay có nhiều người nói rằng Mã Đại Sư tiếp viện chủ. May thay mà lời ấy chẳng có gì nhằm nhò với việc này cả. Ngày nay trong chúng tăng cũng có nhiều người hiểu sai, trợn mắt mà nói, “Ở đây mắt trái là nhật diện, mắt phải là nguyệt diện.” Nói như vậy thì có gì là nhằm nhò? Cho dù đến năm con lừa đi nữa nằm mộng cũng chẳng thấy được. Chỉ để cho ý của cổ nhân lướt qua mà không bắt được.

Còn như Mã Đại Sư nói như thế, ý nghĩa ở chỗ nào? Có người bảo ý Mã Đại Sư muốn nói là, “Pha thuốc đau bụng và mang đến cho tôi một chén.” Như thế thì có gì nhằm nhò? Đã đến chỗ này rồi thì làm sao để được bình an? Cho nên mới có lời nói, “ Một con đường hướng thượng, ngàn thánh không truyền; người học mệt mỏi với hình tướng, giống như con khỉ bắt bóng.”

Chỉ cái “ Nhật diện Phật, nguyệt diện Phật”này cũng hết sức khó thay, ngay cả Tuyết Đậu cũng thấy khó tụng. Song bởi vì thầy ta đã thấy rõ, cho nên mới dùng hết sức bình sinh ra mà chú giải.Các vị có muốn thấy Tuyết Đậu không? Xin đọc đoạn văn dưới đây.’

TỤNG

Nhật diện Phật nguyệt diện Phật
Ngũ đế tam hoàng là cái gì?
Hai mươi năm nay bao tân khổ,
Vì mấy người bận vào hang rồng!
Cái mệt nhọc này đáng nói lại,
Nạp tăng mắt sáng chớ coi thường.

BÌNH TỤNG

Khi Tống Thần Tông còn tại vị (1086-1085) ông ta nghĩ rằng bài tụng này châm biếm quốc gia, cho nên không cho phép ghi vào Đại Tạng. Trước hết Tuyết Đậu nêu ra, “Nhật diện Phật nguyệt diện Phật, Ngũ đế tam hoàng là cái gì?” Thử nói xem, ý của thầy ta nằm ở đâu? Vừa rồi tôi mới giải thích cho quí vị rồi. Tuyết Đậu trực tiếp chú giải ( Mã Tổ).

Cho nên mới có lời nói rằng “Thả câu bốn biển, chỉ câu mãnh long.” Chỉ một câu này đã chấm dứt bài tụng.Sau đó, Tuyết Đậu lại vụng về việc nổ lực tham thiền cả đời của thầy ta. “20 nay bao tân khổ, vì người mấy bận vào hang rồng”. Tuyết Đậu giống cái gì? Giống như một người vào hang rồng để tìm ngọc. Sau đó mới phá tan vô minh. Dù việc này có thể nói là kỳ đặc hết sức, nguyên lai chỉ giống như “ Ngũ đế tam hoàng là cái gì? “

Thử nói xem, cốt yếu của lời nói của Tuyết Đậu nằm ở chổ nào? Cần phải tự mình lui lại mà ngó, sau đó mới thấy được nó nằm ở chỗ nào?

Đa số người ta không hiểu ý của Tuyết Đậu chỉ nói là thầy ta châm biếm quốc gia. Hiểu như thế, chỉ là tình kiến. Đây là trích từ bài “ Công Tử Hành Thi” của Thiền Nguyệt, “Áo gấm thêu, tay cầm chim cắt; lững thững mặt mày đầy khinh hốt. Cấy gặt khó khăn nào hay biết, Ngũ đế tam hoàng là cái gì?”

Tuyết Đậu nói, “Cái mệt nhọc này đáng nói lại, nạp tăng mắt sáng chớ coi thường.” Có bao nhiêu người sinh sống trong hang rồng? Dù cho ông có là ông tăng mắt sáng có mắt trên trán và đạo bùa dưới nách, chiếu sáng khắp tứ phương thiên hạ, đến chỗ này cũng không thể khinh hốt, mà phải cẩn trọng mới được.


[11] Tức Mã Tổ Đạo Nhất, về tiểu sử xin xem Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, cùng một dịch giả, sẽ xuất bản.

[12] Theo Phật danh Kinh thì trong một ngàn vị Phật thuộc hiền kiếp vị Phật thứ hai trăm lẻ hai tên là Nguyệt Diện Phật, còn vị Phật thứ tám trăm năm mươi tám tên là Nhật Diện Phật.
Tags :
Share :

Related Posts