Type something to search...

Tiếng Sáo Thép (81 - 90)

  • 07 Nov, 2024

undefined (81 - 90)

TẮC THỨ 81: CAO ĐÌNH ĐÁNH TĂNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng từ Giáp Sơn đến lễ bái Cao Đình.

Cao Đình liền đánh ông tăng.

Ông tăng nói, “Con đến đây lễ bái hòa thượng. Tại sao hòa thượng đánh con?”

Cao Đình lại đánh ông tăng và đuổi ông ta ra khỏi chùa.

Ông tăng trở về với thầy là Giáp Sơn và kể lại sự tình.

Giáp Sơn hỏi, “Ông hiểu không?”

Ông tăng đáp, “Dạ, con không hiểu.”

Giáp Sơn nói tiếp, “May là ông không hiểu. Nếu ông hiểu, tôi thành người ngu.”

BÌNH

Genro:

Tăng lễ bái thì Cao Đình đánh;

Thật là phép lịch sự mới trong chùa.

Chẳng những Giáp Sơn ngậm miệng,

Mà bánh xe Pháp cũng tiêu điều.

BÌNH

Fugai:

# Ông làm cái gì vậy!

# Công án sống ở chỗ này.

# Ông nói cái gì? Sao không lễ bái nữa đi?

# Vàng ròng có ánh vàng.

# Có người để nói chuyện là tốt rồi.

# Ông có thể làm gì với con rắn chết?

# Lời nói hay nhưng chẳng phải của ông.

# Hay! Chọi lại được việc làm của Cao Đình.

# Ông sẽ làm gì nếu ông tăng

không lễ bái và ông không đánh?

Qui củ độc lập.

Bảo hiểm gấp đôi.

Tỏ lòng biết ơn.

BÌNH

Như Huyễn:

Thiền Mỹ đang chạy trên lề đường: viết sách, diễn thuyết, trích dẫn thần học, tâm lý học, và gì nữa.

Người nào sẽ đứng lên đập nát toàn bộ thì chánh Pháp mới duy trì được trên miền đất tự do và chánh trực này.

⚡️

TẮC THỨ 82: NHAM ĐẦU CÁI BÚA

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Đức Sơn, thầy của Nham Đầu, có lần bảo Nham Đầu, “Trong chùa này có hai ông tăng đã ở với tôi nhiều năm. Hãy đi khám nghiệm xem”.

Nham Đầu vác một chiếc búa đến cái am nhỏ nơi hai ông tăng đang thiền định.

Nham Đầu giơ búa lên nói, “Nếu các ông nói một chữ Thiền, tôi sẽ chém đầu các ông. Nhưng nếu các ông không nói gì cả, tôi sẽ chặt đầu các ông.”

Hai ông tăng tiếp tục thiền định, để mặc Nham Đầu.

Nham Đầu ném búa xuống, nói, “Các ông đúng là người học Thiền.”

Rồi Nham Đầu trở lại, kể sự tình cho Đức Sơn nghe.

Đức Sơn đồng ý, “Tôi thấy rõ phiá ông, còn phiá kia thế nào?”

Nham Đầu đáp, “Động Sơn nhận nhưng Đức Sơn chẳng nhận.”

BÌNH

Genro:

# Tại sao Nham Đầu bảo hai ông tăng nên ở trong tông môn của Động Sơn mà không thích nghi với tông môn của Đức Sơn? Độc giả thực sự của Thiết Địch Đảo Xuy [tức ‘Tiếng Sáo Thép’] nên tham lời đáp này.

# Hai thanh sắt chận cửa,

Một mũi tên xuyên qua.

Chẳng nói pháp Đức Sơn;

Rốt cuộc, sư đã bỏ.

BÌNH

Fugai:

# Tại sao ông không tự mình đi?

# Ông đã lau mắt sạch chưa vậy?

# Không gió mà dậy sóng.

# Mấy ông Phật đá.

# Nham Đầu tự mua tự bán.

# Tướng bại trận chẳng nên bàn chiến lợi phẩm.

# Ai là phía kia?

# Người ta có nên đến xứ muỗi vì chẳng thích xứ bọ chét không?

# Tại sao Genro bảo người đọc nên tham thiền?

# Ông làm sao mở được?

Tên đó không đủ mạnh.

Rất ư là khó thấy.

Chó nhà đôi khi cắn.

BÌNH

Như Huyễn:

# Động Sơn thường thiền định với tăng chúng, thỉnh thoảng dùng công án, còn Đức Sơn dồn họ vào góc tường bằng đe dọa. Tôi nhập bọn với Fugai khi hỏi, “Ông đã lau mắt sạch chưa vậy?” Chỉ vì Thiền chia thành hai tông chính nhưng không có nghĩa là tông này chẳng bao giờ dùng phương pháp của tông kia.

# Thay vì bảo Nham Đầu đi, Đức Sơn nên bằng lòng với hai ông tăng. Nham Đầu luôn luôn gây phiền phức. Theo ý tôi, Đức Sơn bị bại, chẳng phải Nham Đầu. Khi tôi tiếp một vị khách thích tranh luận, tôi đãi trà, không để cho ông ta nói nhiều trong lúc chúng tôi uống trà, và ông ta đã bỏ đi sau tách trà thứ ba.

⚡️

TẮC THỨ 83: NGƯỠNG SƠN VẼ MỘT ĐƯỜNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Qui Sơn nói với đệ tử là Ngưỡng Sơn, “Suốt ngày ông với tôi đều nói chuyện Thiền. Cuối cùng chúng ta đã làm được gì?”

Ngưỡng Sơn dùng ngón tay vẽ một đường trong hư không.

Qui Sơn nói tiếp, “Đối với tôi thì tốt đấy. Ông có thể lừa người khác.”

BÌNH

Genro: # Có hàng trăm hàng ngàn phép định tam muội và vô số đạo lý trong Phật pháp, nhưng tất cả gồm trọn trong đường vẽ của Ngưỡng Sơn. Nếu ai muốn biết cái gì ở bên kia các phép định tam muội hay sàn lọc lấy đạo lý hay nhất, hãy xem những gì tôi đang làm đây.

# Thần thông của hai ông

Hơn cả Mục-kiền-liên.

Suốt ngày mê trận giả;

Rốt cuộc làm được gì?

Một ngón tay xoi lỗ

Ngay vào trong hư không.

BÌNH

Fugai: Cả hai vị đều có lưỡi chứ?

# Lời nói vô hình.

# Sao ông lại mang phiền phức như thế?

# Ông thầy chơi thua rồi.

# Bắt chước dở quá!

# Cả hai đều là ảo tưởng.

Chiến trường ngay tại chỗ.

Không lời, không ý nghĩ

Vụng nhất thiên hạ.

Khi mây tan, bầu trời vô hạn.

BÌNH

Như Huyễn: Một hôm Qui Sơn đang ngủ trưa thì Ngưỡng Sơn đến tham bái.

Qui Sơn còn ngái ngủ quay mặt vào tường.

Ngưỡng Sơn hỏi, “Sao hòa thượng làm vậy?”

Qui Sơn đáp, “Tôi vừa có một giấc mộng, ông có thể giải thích được chăng?”

Ngưỡng Sơn bỏ đi ra khỏi phòng, rồi vài phút sau trở lại với thau nước lạnh cho thầy rửa mặt.

Chẳng bao lâu sau đó Hương Nghiêm cũng đến chào thầy, ngay đó Qui Sơn hỏi, “Sư huynh của ông vừa giải thích giấc mộng của tôi.

Ông giải thích thế nào?” Hương Nghiêm lặng lẽ bỏ đi và trở lại với tách nước trà cho thầy.

Qui Sơn phê bình, “Hai ông tăng các ông đã biểu diễn thần thông giống như Mục-kiền-liên.

Người ta cho rằng Mục-kiền-liên biểu diễn thần thông, nhưng tôi phải mừng Phật Thích Ca Mâu Ni có hai đệ tử giỏi như vậy ở Trung hoa hai ngàn năm sau khi nhập diệt.”

⚡️

TẮC THỨ 84: CÀN PHONG MỘT ĐƯỜNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Càn Phong, “Một đường Niết bàn duy nhất dẫn vào đất Phật mười phương. Đường ấy bắt đầu ở đâu?”

Càn Phong giơ gậy lên vạch một đường trong hư không và nói, “Ở đây”.

Sau đó, ông tăng này đem câu hỏi ấy đến hỏi Vân Môn.

Vân Môn giơ cây quạt lên nói, “Cây quạt này nhảy một cái đến từng trời thứ ba mươi ba, đụng nhằm lỗ mũi Đế Thích, rơi xuống biển Đông đụng phải cá chép hóa rồng làm mưa như trút./”.

BÌNH

Genro:

# Câu đáp của Càn Phong gọi kẻ ngây ngô vô ích; tiếng Vân Môn rột rạt như đậu khô trong hộp. Nếu ai hỏi tôi câu này, tôi sẽ nói, “Ông không thể thấy chăng, hỡi ông mù ngu dốt?”

# Trăm hoa theo hoa đầu

Kết tràng hoa vườn ruộng

Gió đông thổi nhẹ khắp nơi

Mỗi cành sắc xuân tuyệt hảo

BÌNH

Fugai:

Một đám mây trắng làm tối đường.

# Kẻ lắm lời giữa trời xanh gây bão.

# Tôi sẽ nói với ông tăng, “Tôi kính trọng ông vì đã từ xa đến”.

# Cho ai?

# Chúng ta hãy dạo chơi.

# Chớ quên mùa không mùa.

# Tranh đẹp của cảnh tiên.

BÌNH

Như Huyễn:

Càn Phong chỉ con đường Thiền, còn Vân Môn khoa trương hành động. Người Trung hoa đôi khi có khuynh hướng phóng đại. Lãnh vực của kính hiển vi cũng cho thấy đất Phật. Tại sao không bắt đầu với con đường của trùng a-míp? Nếu có ai hỏi tôi một câu ngu như thế, tôi sẽ đáp, “Hãy bước cẩn thận.”

⚡️

TẮC THỨ 85: HUYỀN SA THUYỀN SẮT

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Khi Huyền Sa học Thiền với Tuyết Phong, một ông tăng huynh đệ tên là Quang nói, “Nếu huynh ngộ được Thiền, tôi sẽ làm một cái thuyền sắt dong buồm ra biển khơi”.

Mấy năm sau, Huyền Sa trở thành Thiền sư và ông tăng tên Quang học Thiền với sư với tư cách thị giả. Một hôm Huyền Sa nói, “Ông đóng thuyền sắt xong chưa?”

Quang im lặng.

BÌNH

Genro:

# Nếu tôi là Quang, tôi sẽ nói, “Hòa thượng đã ngộ Thiền chưa?”

# Thuyền sắt đóng băng trên biển.

Đừng nói Quang im lặng;

Chú Huyền Sa ngộ chưa?

BÌNH

Fugai:

# Ông đang cố dìm cái thuyền ấy sao?

# Cái thuyền nổi an toàn.

# Ha! Ha!

# Tôi không thích đi cái thuyền đó# Đừng nhắc lại quá khứ, hãy sống với hiện tại.

# Ông ta có thể làm gì?

BÌNH

Đại Huệ nói, “Sau 18 cái ngộ, tất cả ngộ đua nhau nẩy nở”.

BÌNH

Như Huyễn:

Huyền Sa thọ giới làm tăng khi sư đã 30 tuổi.

Trước đó, sư là một người giản dị làm nghề đánh cá.

Một vài ông tăng khinh thị gọi sư là “Kẻ Bất Khả Đắc.” Lời phê bình của ông tăng tên Quang có giọng điệu này bởi vì vào thời đó tàu làm bằng sắt, nói tóm, là không thể có được.

Có lẽ nhận xét của ông ta đã khuyến khích Huyền Sa trong thiền định, vì vậy Huyền Sa đã nợ Quang về khía cạnh này.

Khi Huyền Sa hoàn tất sự học, Quang nhập vào chùa của sư và phục vụ sư.

Tôi ngưỡng mộ tính khiêm tốn và lòng kiên trì của ông ta và không tin Huyền Sa đã hỏi câu này để trả thù mà dùng những chữ ấy như là những từ đồng nghĩa với sự đạt ngộ.

Ấy chỉ là đàm thoại thân mật trong gia đình.

⚡️

TẮC THỨ 86: NGƯỠNG SƠN NGỒI THIỀN

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Khi Ngưỡng Sơn đang ngồi thiền thì một ông tăng lặng lẽ đến đứng bên cạnh.

Ngưỡng Sơn nhận ra ông tăng, vì vậy sư vẽ một vòng tròn trên mặt đất với chữ “Thủy” bên dưới vòng tròn, rồi nhìn ông tăng.

Ông tăng không đáp được.

BÌNH

Genro:

Ông tăng này mắc tội ăn cắp vặt và không chạy thoát được hành vi của mình.

Ngưỡng Sơn thì lúc nào cũng sẵn sàng thắp lên ngọn nến. Hỡi ôi! Cơ hội qua rồi.

Chữ “nước” không làm đã khát;

Bánh vẽ chẳng làm no bụng.

Ngưỡng Sơn làm việc không công.

Sao không cho ông tăng một gậy?

BÌNH

Fugai:

# Kế ấy không nhằm nhò gì.

# Loại bùa gì đó?

# Người chạy nước rút té rồi.

# Nhưng tôi thấy sóng thần đang dâng.

Đây một mâm đầy bánh.

Đó là Thiền thật.

Vậy thì quá trễ. Gậy đã bị gãy rồi.

BÌNH

Như Huyễn:

Thái độ của Ngưỡng Sơn giống như kẻ ngắm cảnh trên bờ biển lặng lẽ nhìn sóng cuộn và để chân mình bị ướt.

Nếu tôi là ông tăng, tôi sẽ tự mình làm Ngưỡng Sơn, vén áo lên và bước ra khỏi nước; hoặc đẩy Ngưỡng Sơn ra khỏi chỗ ngồi thiền, nói, “Sóng! Sóng!”

⚡️

TẮC THỨ 87: THIỀN NGUYỆT KHẢY MÓNG TAY

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Thiền Nguyệt là một Thiền tăng thi sĩ, viết một bài thơ trong đó có 2 câu như sau:

“Khi Thiền tăng gặp nhau liền khảy móng tay.

Nhưng ít ai biết như vậy có nghĩa gì.”

Đại Huệ nghe bài thơ này, gặp Thiền Nguyệt và hỏi, “Nghĩa là gì?”

Thiền Nguyệt không đáp.

BÌNH

Genro: # Nếu tôi là Thiền Nguyệt, tôi liền khảy móng tay với Đại Huệ.

# Một cái khảy móng tay chẳng dễ phê bình,

Khi chưa qua hết 110 thành trì, chớ khảy.

Tôi phải hỏi bà lão già cụm rụm bán giày,

Sao không đi chân trần đến kinh đô, hả cụ?

BÌNH

Fugai:

# Chớ có xem đại khái nhé.

# Ông biết chăng, nó là kiếm cắt lưỡi người ta.

# Khi thấy thỏ xuất hiện thì ó liền rượt theo.

# Chẳng phải tôi đã nói trước rồi sao, ông ta không biết mà.

# Đến đây vẫn tốt, nhưng thay vì vậy, không ai hiểu được.

# Cắt ngón tay đi.

Ông muốn đợi đến khi gặp Di Lặc ư?

Bà ta không hiểu được cảm giác của bàn chân người khác.

Lưng mình khó rửa.

BÌNH

Như Huyễn:

Trong kinh Hoa Nghiêm chép rằng Thiện Tài Đồng Tử đi qua tất cả 110 thành trì tìm thầy học đạo.

Đồng Tử gặp và lễ bái nhiều người, cuối cùng đến cổng của Di Lặc, Đồng Tử khảy móng tay một cái, cổng liền mở, và ở đó Đồng Tử đã gặp Phổ Hiền, người đã chấm dứt cuộc hành hương cầu đạo.

Tục ngữ Trung hoa có câu, “Bà lão già lụm cụm lúc nào cũng nói dép rơm mình bán êm chân”. Fugai lanh lẹ nhắc đến chuyện lưng mình khó rửa, nhưng sư sẽ nói thế nào đối với phương thức tôi mượn của Woolworth vì mục đích này?

⚡️

TẮC THỨ 88: DƯỢC SƠN CÁI HỒ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Dược Sơn hỏi một ông tăng mới đến, “Từ đâu đến?”

Ông tăng đáp, “Từ Hồ nam.”

Dược Sơn hỏi, “Hồ có đầy không?”

Ông tăng đáp, “Dạ chưa.”

Dược Sơn nói, “Mưa nhiều lắm, sao lại không đầy?”

Ông tăng im lặng.

BÌNH

Genro:

# Nếu tôi là ông tăng, tôi sẽ nói với Dược Sơn, “Con sẽ chờ đến khi hòa thượng sửa xong cái đáy.”

# Chỉ Nghiệp xuyên tất cả;

Nhận thức tạo chướng ngại.

Tăng nghèo hỏi về hồ,

Tưởng ra đường lên trời.

BÌNH

Fugai:

# Ông có thích không khí ở đó không?

# Cho thấy thoáng qua cảnh hồ.

# Ông còn thích hồ chứ?

# Thoáng nhìn hồ.

# Thực tế, Dược Sơn mời ông tăng xem hồ.

# Ông ta hẳn đã chết chìm.

# Bất cứ cái gì cũng có thể dùng làm công án.

Nếu nhìn phía sau thì chẳng có chướng ngại.

Đi! Hãy nhảy xuống bơi.

Ông đang đứng ở chỗ nào?

BÌNH

Như Huyễn:

# Thiền tăng thích sống thân mật với thiên nhiên. Đa số các chùa và tu viện của Trung hoa được xây cất trên núi hay bên cạnh hồ. Thiền ghi lại nhiều cuộc vấn đáp giữa sư và tăng về vẻ đẹp của thiên nhiên, nhưng cũng có nhiều tăng nhân chẳng bao giờ đặt câu hỏi mà chỉ đơn giản hòa mình với thiên nhiên. Họ là những người ủng hộ Thiền chân thực hơn là những kẻ lắm lời, thùng rỗng kêu to.

# Thỉnh thoảng Genro nói nghe đáng nghi vì chẳng cần thiết phải tranh luận.

⚡️

TẮC THỨ 89: TUYẾT PHONG QUẢ CẦU GỖ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm Tuyết Phong bắt đầu nói pháp với tăng chúng tụ tập quanh một cái đàn nhỏ bằng cách lăn một quả cầu bằng gỗ xuống đàn.

Huyền Sa đi theo quả cầu, nhặt nó lên và đặt trên bệ.

BÌNH

Genro:

# Tuyết Phong bắt đầu nhưng không kết thúc; Huyền Sa kết thúc nhưng không bắt đầu. Cả hai đều chẳng đầy đủ. Bây giờ, chư tăng, hãy nói xem cách nào tốt hơn?

# Nắm lại hay buông ra.

Thầy trò trái nghịch nhau.

Thiền tăng của thế gian

Chớ lấy đây làm mẫu.

BÌNH

Fugai:

# Trái dưa leo cong.

# Trái dưa gan tròn.

# Khi nước chảy qua rừng tre thì có màu xanh. Khi nước chảy qua hoa, thì mỗi hơi thở đều thơm.

# Không hơn không kém.

Thực là đồng nhất.

Thiền sinh chân chánh chẳng bao giờ học.

Thí dụ đẹp.

BÌNH

Như Huyễn:

# Khi Viên Ngộ thuyết giảng các công án do Tuyết Đậu tuyển chọn và làm lời tụng, sư phê bình từng câu một rồi xuất bản thành sách nhan đề là Bích Nham Tập.

Sau khi sư tịch, đệ tử của sư là Đại Huệ gom hết tất cả bản in ra trước sân chùa cho một mồi lửa đốt sạch.

Những gì ông thầy dựng thành hình thì học trò phải hủy diệt đi để giữ giáo pháp khỏi trở thành cái kệ trống.

Các triết gia Tây phương tạo ra triết thuyết của họ, rồi những kẻ theo triết lý đó tiếp tục sửa lại cấu trúc bên ngoài cho đến khi nó không còn giống nguyên tác.

Trong Thiền chúng tôi nói, “Giết Phật giết Tổ, là chỉ khi nào quí vị có thể ban cho họ sự sống vĩnh cửu.”

# Chẳng cách nào tốt.

⚡️

TẮC THỨ 90: CÁI MÂM VỠ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Ngày xưa, có một ông tăng sống 30 năm trong một cái am nhỏ gọi là Phì Điền, có nghĩa là “ruộng mầu mỡ”.

Ông ta chỉ có một cái mâm làm bằng đất sét.

Một hôm một ông tăng khác ở học với ông ta, lỡ tay làm bể cái mâm.

Mỗi ngày ông thầy bắt học trò thay cái mâm.

Mỗi khi người đệ tử đem cái mâm mới đến, ông thầy liền ném nó đi và nói, “Cái này chẳng phải. Trả lại cho tôi cái cũ.”

BÌNH

Genro:

# Nếu tôi là người đệ tử, tôi sẽ nói, “Hãy đợi khi nào mặt trời mọc hướng tây”.

# Bể rồi;

Chạy nhanh theo nó đi.

Đệ tử không hiểu nó.

Gọi ấm thiết là chuông.

BÌNH

Fugai:

# Có thể ông ta không biết chỗ nào khác để dọn đi.

# Vật đắt tiền chẳng phải luôn luôn là đồ quí.

# Nhờ bị bể mà kho tàng hiện ra.

# Tại sao ông muốn cái khác.

# Tôi sẽ giơ hai bàn tay ra và cười lớn.

# Tôi sẽ đi tìm nó trước khi tôi sinh ra đời.

Fugai: Cái mâm còn nguyên đó.

Thanh kiếm biến mất trong nước.

Nó đã trở lại với ông ta rồi.

Ông có thể gọi đất là trời có gì là sai?

⚡️

Tags :
Share :

Related Posts