Type something to search...

Tiếng Sáo Thép (71 - 80)

  • 07 Nov, 2024

undefined (71 - 80)

TẮC THỨ 71: VÂN MÔN NẾP NHÀ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Vân Môn, “Thế nào là nếp nhà của hòa thượng?”

Vân Môn đáp, “Ông chẳng nghe học sinh đến nhà này học đọc học viết sao?"

BÌNH

Như Huyễn:

# Mỗi Thiền sư tiếp người đến học Thiền theo cách riêng của họ. Ở Nhật, những người thừa kế Bạch Ẩn nhận người học từng người một và dùng công án để khảo nghiệm cái hiểu của họ.

Độc Viên thường tiếp tục hút thuốc khi người học vào phòng tham thiền, mỉm cười với người học, không nói một lời hay bỗng nhiên cười lớn khi người học trình cái thấy của mình về công án, rồi rung chuông cho lui trước khi người học có thể lễ bái lần thứ nhì.

Kando thì để cây gậy ngay trước chỗ ngồi và bảo người học, “Hãy đến gần hơn. Tôi già rồi nghe khó lắm”.

Khi người học đến vừa tầm, sư liền lấy gậy đánh.

Tôi đã có lần kinh nghiệm gia phong của sư trong lúc tham thiền, khi sư bảo tôi đến gần hơn, tôi tiến đến vừa đủ để nắm lấy cây gậy của sư khi tôi trình kiến giải của tôi về công án.

Thích Tông Diễn thường thay đổi chỗ ngồi, nhất là vào buổi chiều, vì vậy người học không thể thấy sư ngay.

Vào thời của Vân Môn không có phương pháp ổn định khi nhận tham thiền. Các ông tăng tiến đến gần sư bất cứ khi nào có cơ hội: ngoài vườn, trong hành lang, hay ngay cả lúc sư đang tắm.

Câu chuyện này xảy ra gần cổng ngoài, nơi đây trẻ con đang đi ngang qua trên đường đến trường.

Vân Môn tiếp tất cả người trong thiên hạ như đệ tử của sư, ngay cả trẻ con trong trường học cũng bắt đầu nhận sự hướng dẫn của sư mặc dù chưa từng gặp hay biết sư.

Ở đây sư chỉ bày triết lý Hoa Nghiêm: Một là nhiều và nhiều là một.

Nếu đọc những cuộc đối thoại Thiền thời nhà Đường hay nhà Tống, quí vị sẽ thấy sau khi nói pháp các sư ban sự hướng dẫn cá nhân cho những ai bước lên đặt câu hỏi.

Theo kinh điển thì Phật cũng dạy theo cách này, nhưng khi giáo lý truyền đến Nhật bản, phương pháp này dần dần trở thành một phần của nghi thức hay nghi lễ, tạo nên sự phù phiếm và tham vọng trong giới đệ tử cố đẩy ông thầy vào góc tường, hay dàn cảnh.

Nó giống như một màn biểu diễn rẻ tiền trên đường phố. Để tránh tình trạng này, Bạch Ẩn bắt đầu biện pháp bắt buộc đệ tử đến phòng tham thiền của sư riêng từng người một, buổi sáng và buổi chiều, dù họ có kiến giải hay không.

Tuy nhiên, phương pháp này cuối cùng cũng đến phiên trở thành nghi thức đối với những đệ tử quan tâm đến sự đậu rớt trong các kỳ thi. Thật là lạc xa tư tưởng Thiền.

Vào thời Vân Môn, các nhà Khổng học cống hiến sự giáo dục thông thường, nhấn mạnh luân lý hơn là học thức.

Vân Môn nhấn mạnh một cách có mục đích quan điểm đạo đức khích lệ tăng nhân giữ giới luật hằng ngày trước khi phát biểu triết lý siêu việt.

# Nếu một Thiền tăng không làm gì khác hơn là chiếm chỗ của thầy giáo nhà trường, thì ông ta là một Thiền tăng lý tưởng.

Ông ta không cần che dấu gia phong dể dụ mấy ông tăng hành cước.

BÌNH

Genro:

Vân Môn sẽ không có nhiều đệ tử bằng cách này khi họ đến để lượm lặt các thứ gia phong hấp dẫn.

BÌNH

Fugai:

Có lẽ Vân Môn không làm gì hơn là chiếm lấy chỗ của thầy giáo nhà trường.

⚡️

TẮC THỨ 72: BẢO THỌ QUAY LƯNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Triệu Châu đến viếng Bảo Thọ.

Chợt thấy Triệu Châu, Bảo Thọ liền quay lưng về phiá Triệu Châu.

Triệu Châu trải tọa cụ mang theo xuống lễ bái Bảo Thọ.

Bảo Thọ liền đứng lên quay mặt lại Triệu Châu.

Triệu Châu nhặt tọa cụ lên và bỏ đi.

BÌNH

Như Huyễn:

Ở Ấn độ, một ông tăng có y trong, y ngoài và một tấm nệm làm mền đắp ban đêm hay làm vật để ngồi vào ban ngày.

Mặc dù tấm nệm này đủ cho thời tiết ở Ấn độ và Tích lan, nhưng nó đã trở thành một biểu tượng nghi thức cho tăng nhân ở vùng lạnh phía bắc Trung hoa.

Thiền của Bảo Thọ đã tinh luyện.

Sư đã biến mình thành một viên thủy tinh không có phía trước không có phía sau.

Triệu Châu đã nhận ra điều đó nên chuẩn bị lễ bái, lúc đó Bảo Thọ liền bỏ đi bởi vì không cần thiết phải xem qui ước bên ngoài của cái hiểu tâm với tâm. Lúc ấy Triệu Châu cũng bỏ đi.

Khi Hàn Sơn nhận một ông tăng từ một chùa khác đến, sư hỏi, “Ông từ đâu đến?”

Ông tăng nói tên chùa mình. Hàn Sơn hỏi, “Ở đó ông học được gì?”

Ông tăng đáp, “Thiền định”.

Hàn Sơn bảo, “Chỉ cho tôi cách thiền định”.

Ông tăng đáp bằng cách xếp tréo chân ngồi thẳng như tượng Phật. Hàn Sơn hét ông tăng, “Này! Ông ngốc ơi! Hãy cút đi! Chùa chúng tôi ở đây có đủ Phật đá rồi.”

Ông tăng này có phiá sau và phiá trước rời nhau.

Khi thiền định thì ông ta giống như ông Phật đá, khi ăn cơm thì ông ta giống như quỉ đói, và đôi khi ông ta còn giống như A-tu-la nữa.

Chẳng lạ gì Hàn Sơn không muốn ông ta ở lại chùa.

Tuy nhiên, có thể quí vị hỏi, “Không phải ông thầy đã bảo ông tăng chỉ cách thiền định sao?”

Ông tăng thiền định thật sự sẽ không bao giờ ngồi, không bao giờ đứng, không bao giờ nằm, và không bao giờ nói.

Bây giờ, thế nào là thiền định đúng cách? Nhưng quí vị không được bắt chước Bảo Thọ và Triệu Châu.

⚡️

TẮC THỨ 73: TUYẾT PHONG TỪ CHỐI ÔNG TĂNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng đến Tuyết Phong và lễ bái.

Tuyết Phong đánh ông tăng 5 gậy.

Lúc đó ông tăng hỏi, “Con lỗi ở chỗ nào?”

Sư đánh ông tăng 5 gậy nữa và hét to đuổi ông tăng ra ngoài.

BÌNH

Fugai:

# Ông ta đang dùng bài học đầu tiên cho con nít.

# Công án nháng lửa lên rồi.

# Ông chẳng biết thí chủ của ông.

# Cưng quá khiến con hư.

# Tuyết Phong cố thọc gậy vuông vào lỗ tròn.

BÌNH

Như Huyễn:

# Ông ta muốn gọi ông tăng là người mới bắt đầu hay đang xem cuộc gặp gỡ chính thức bắt đầu?

# Trẻ con Trung hoa đầu tiên được dạy cho một câu chữ Hán đơn giản như vầy,

“Đức thánh Khổng Phu tử ngày xưa có ba ngàn học trò, trong đó có 70 học trò giỏi.

Các con những trẻ em tám 9 tuổi nên biết lễ phép với nhau”. Đây giống như các chữ A, B, C trong tiếng Anh.

Ông tăng bắt đầu rất ư lễ phép nhưng Tuyết Phong xem ông ta như một người mới bắt đầu trong Thiền, như lời bình của Fugai chỉ rõ.

hững ai học sâu cũng sẽ lễ bái thầy như khi gặp lần đầu tiên. Lỗi duy nhất của ông tăng là sự khớp sợ trong phút giây đầu tiên ở trước thầy và đáng nhận một gậy.

Nếu ông ta nhận thức được điều này thì sẽ không hỏi lỗi mình ở chỗ nào. Chắc chắn ông ta không biết người ban lợi ích thực sự cho ông ta đang ở ngay trước mặt. Ông ta nên lễ bái lần nữa trước khi bị Tuyết Phong đuổi ra ngoài.# Tôi không tin Tuyết Phong hét chút nào. Ai tả câu chuyện này đã không biết ngôn ngữ hàng ngày của người Trung hoa.

Trong ngôn ngữ Trung hoa ngày nay, câu cuối cùng của công án này sẽ đọc mà không cho tiếng “Hát!” nghĩa gì cả, mặc dù những người theo Lâm Tế dường như xem đây là một biểu hiện bất ly thân.

# Một hôm một người ngu đánh rơi thanh kiếm của y qua lườn tàu, liền cẩn thận đánh dấu vào hông tàu chỗ kiếm rơi để chỉ chỗ cho viên thuyền trưởng bắt đầu cuộc tìm kiếm mà không ý thức tàu đang giương buồm chạy.

Các giáo sư đại học diễn giảng trong lớp học về các triết lý thời cổ mà không cho loài người tiến bộ qua năm tháng sự thực là đang cố tìm thanh kiếm đã bị mất theo dấu khắc vào mạn tàu.

Lâm Tế hỏi Hoàng Bá thế nào là đại ý Phật pháp, và nhận câu trả lời của Hoàng Bá là một cú đánh bằng gậy.

Lâm Tế đến hỏi Hoàng Bá cùng câu hỏi ấy hai lần nữa và cũng nhận cùng một loại câu trả lời.

Hầu như đã sẵn sàng bỏ cuộc tìm cầu, sư đến Đại Ngu phàn nàn về sự thất bại của mình. Khi nghe câu chuyện, Đại Ngu nói, “Hoàng Bá thật là quá tử tế. Kẻ ngu như ông làm sao thấy được”.

Trước khi Đại Ngu dứt lời, ngộ đến với Lâm Tế như một tia chớp. Lâm Tế liền cho Đại Ngu ba đấm ngay sườn.

Bài thơ này cũng là khắc dấu vào mạn thuyền.

Không lạ gì, sau câu thơ cuối cùng, Fugai nói, “Ông không thể bắt một con thỏ hai lần trong cùng một cái hang.”

BÌNH

Genro: # Tiếng hét sau cùng của Tuyết Phong chẳng có chút giá trị gì.

# Thiền Tuyết Phong như bà nội hiền từ.

Khắc mạn thuyền để tìm thanh kiếm mất.

Giống chuyện xưa khi Lâm Tế được rồi,

Liền cho Đại Ngu ngay hông ba đấm.

⚡️

TẮC THỨ 74: CHỌN NGƯỜI KHAI SÁNG MỘT NGÔI CHÙA

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Khi Qui Sơn học Thiền dưới sự hướng dẫn của Bách Trượng, sư làm việc như một đầu bếp của chùa.

Tư Mã Đầu Đà đến chùa nói với Bách Trượng rằng ông ta đã tìm được một cảnh đất rất tốt để lập một ngôi chùa trên núi Đại Qui và muốn chọn một vị sư mới cho chùa trước khi xây xong.

Bách Trượng hỏi, “Tôi thế nào?”

Tư Mã Đầu Đà đáp, “Núi ấy có số được chùa thịnh đạt. Hòa thượng sinh ra bần hàn, như vậy nếu hòa thượng ở đó thì có thể chỉ có độ 500 tăng”.

Chùa ấy sẽ có hơn 1000 tăng.

Bách Trượng nói, “Trong tăng chúng ở đây ông thấy có người nào thích hợp không?”

Tư Mã Đầu Đà nói tiếp, “Tôi nghĩ điển tọa Qui Sơn sẽ là người đó.”

Lúc ấy Bách Trượng gọi Qui Sơn bảo sư đi lập chùa mới.

Ông tăng thủ tọa chợt nghe chuyện liền đi thẳng đến Bách Trượng, nói, “Không ai có thể bảo điển tọa giỏi hơn thủ tọa”.

Lúc ấy Bách Trượng gọi tăng chúng tụ tập lại, nói cho họ nghe tình hình, và bảo rằng hễ ai trả lời đúng câu hỏi của sư thì được chọn.

Bách Trượng chỉ cái tịnh bình đặt trên sàn nhà và hỏi, “Không được gọi nó là tịnh bình, vậy gọi nó là gì?”

Ông tăng thủ tọa nói, “Không thể gọi nó là chiếc giày gỗ.”

Khi không còn ai khác trả lời, Bách Trượng quay sang Qui Sơn. Qui Sơn bước tới, đá đổ tịnh rồi bỏ đi.

Bách Trượng mỉm cười, “Thủ tọa thua rồi”.

Qui Sơn được cử làm trụ trì ngôi chùa mới và dạy Thiền cho hơn 1000 tăng nhân.

BÌNH

Genro: Chỉ nhặt tịnh bình lên, đo xem dài ngắn,

Như vậy, vượt kích thước,

hiển lộ toàn nội dung.

Hãy xem bàn chân làm được chuyện gì!

Một đá dựng thành chùa Qui Sơn.

BÌNH

Fugai:

# Một gia đình Thiền đang bình yên làm sao!

# Có người không thể ở được sao?

# Chớ có nói đùa.

# Làm sao ông biết được?

# Chỉ có thế à?

# Con mắt chọn tăng của thầy ở đâu?

# Vô lý!

# Đi dễ vậy sao!

# Ông chẳng tự biết mình.

# Phán quyết ngay thẳng!

# Tôi có thể thấy được sư đang nháy mắt.

# Ôi là thủ tọa!

# Chẳng có gì mới mẻ hết.

# Phán quyết ngay thẳng!

# Không những chỉ hơn một mgàn tăng chúng mà còn tất cả chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai và tất cả Bồ-tát mười phương.

# Tôi sẽ đá ông thầy

# Thầy làm gì nó vậy? Nó không có kích thước; làm sao thầy có thể gọi nó là ngắn hay dài?

Đó là những gì tôi nói!

Bàn chân quí vô song!

Bàn chân ấy sẽ nghiền hư không thành bụi

BÌNH

Như Huyễn:

Dù cho tất cả tăng chúng đều ngu không ai nói nó là chiếc “Giày gỗ,” khi chỉ hòn núi Nam.

Khi Fugai nói, “Tôi sẽ đá ông thầy,” có lẽ sư muốn nói cả Bách Trượng lẫn Genro.

Nếu tôi là Genro, tôi sẽ chỉ cây chổi tre để bên ngoài cửa sổ và bảo tăng chúng gọi nó mà không phải bằng tên của nó.

Quí vị không thể gọi nó cái đồ xúc bụi và cũng không thể đá cây chổi.

Nếu tôi là Fugai, tôi sẽ lấy cây chổi, đi quét nhà.

⚡️

TẮC THỨ 75: ÔNG TĂNG NGỒI THIỀN

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Người quản thủ thư viện thấy một ông tăng ngồi thiền trong thư viện một thời gian khá lâu.

Người quản thủ thư viện hỏi, “Tại sao ông không đọc kinh?”

Ông tăng đáp, “Tôi không biết đọc.”

Người quản thủ thư viện gợi ý, “Sao ông không hỏi người nào biết?”

Ông tăng đứng dậy, nhã nhặn hỏi, “Cái gì đây?”

Người quản thủ thư viện im lặng.

BÌNH

Fugai: # Ông ta chẳng phải là tăng ư?

# Tôi muốn nói với ông tăng câu này, “Chẳng phải ông ngồi thiền sai chỗ rồi sao?”.Tôi cũng muốn hỏi ông quản thủ thư viện ông muốn nói loại kinh gì?

# Thật là một người mù chữ dễ thương!

# Kìa, ông bị trượt rồi.

# Cây sồi độc!

# Bắt chước giỏi!

# Cũng may có đủ ánh sáng để soi bóng tối

# Chẳng thể dịch được

# Tại sao phải giữ vật đã có?

# Kinh gì mà không ai đọc được?

Thầy tôi nói câu này chậm mất rồi.

BÌNH

Genro:

Ông tăng đứng và người quản thủ thư viện im lặng.

Đây không phải là những quyển kinh viết rất hay sao?

Đọc kinh đâu cần ánh sáng đặc biệt

Mỗi chữ chiếu rõ ràng.

Đứng không chạm sách,

Năm ngàn bộ kinh đọc trong chớp mắt.

⚡️

TẮC THỨ 76: ĐỊA TẠNG HOA MẪU ĐƠN

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Địa Tạng, Trường Khánh và Bảo Phước, 3 huynh đệ cùng nhau đi xem bức tranh nổi tiếng vẽ hoa mẫu đơn trên tấm bình phong.

Bảo Phúc nói, “Mẫu đơn đẹp!”

Trường Khánh nói, “Chớ quá tin mắt ông”.

Địa Tạng nói, “Bậy quá. Bức tranh hỏng rồi”.

BÌNH

Genro:

Bảo Phúc thích thú khi thấy tranh đẹp.

Trường Khánh mất cơ hội thưởng thức bởi vì ông ta đang chú tâm đến việc khác.

Khi Địa Tạng nói, “Bậy quá, bức tranh hỏng rồi,” là sư nhập bọn với Bảo Phước hay đang kết tội Trường Khánh?

Trường Khánh khéo vẽ tranh vua của loài hoa.

Gấm sặc sỡ mở ra hương ngào ngạt bay lên.

Ong bướm lượn quanh hoa thích thú.

Ba thầy tăng có thật nói chuyện tranh hoa?

BÌNH

Fugai: # Chư tăng, phải quét sạch tranh ảnh ra khỏi mắt nhé.

# Chớ để mắt ông lừa ông.

# Tôi nói, “Chớ tin tai của ông”.

# Miệng gây tất cả phiền não.

# Bức tranh cần đánh bóng

Hương cay nồng thì có gì thích thú

Người cũng dùng hoa dụ côn trùng

Hãy xem bảng hiệu, CẤM SỜ!

BÌNH

Như Huyễn:

Tăng nhân không có chuyện đi xem tranh. Nhưng một khi thấy tranh ảnh, thì họ phải hiểu là vải bố.

Mấy năm trước, một Thiền sư phái Tào Động đến Chicago, nơi đây ông được một người bạn mời tham quan một lò sát sinh.

Ông ta đã ngất xỉu trước khi hoàn tất cuộc tham quan.

Khi trở lại San Francisco, ông ta kể cho tôi nghe chuyện xảy ra, tôi nói với ông ta là tăng nhân không nên đến những nơi như thế, nhưng một khi đã đến, thì phải xem tất cả.

Lời khuyên của tôi không làm ông ta hài lòng lắm bởi vì ông ta tự coi mình rất từ bi, và là trụ trì của một ngôi chùa lớn ở Nhật bản, ông ta không cảm kích những lời này của một ông tăng vô danh ở Mỹ như tôi.

⚡️

TẮC THỨ 77: ĐỘNG SƠN KHUYÊN TĂNG CHÚNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Động Sơn nói với tăng chúng, “Các ông tăng nhân nên biết trong Phật pháp còn có đạo lý cao hơn”.

Một ông tăng bước tới hỏi, “Thế nào là Phật pháp thượng thừa?”

Động Sơn đáp, “Chẳng phải Phật.”

BÌNH

Fugai:

# Khi người ta cố biết cái cao hơn thì liền té xuống thấp.

# Ông tăng đó bị Phật và Tổ lừa.

# Treo đầu heo mà bán thịt chó!

# Khi một người cố trả nợ là chính y gây nên nợ nặng.# Ấy là vô giá

# Ông ấy già quá rồi

# Cũng may biết là bóng

BÌNH

Genro:

# Động Sơn thật là từ bi. Sư giống như ông lão vui tánh quên mất vẻ trang nghiêm, chơi với lũ trẻ mà không để ý đến người xem chế diễu.

Người theo giáo lý của sư phải nhớ điều này và biết ơn để đáp lại lòng từ bi của sư.

# Thiền Động Sơn trang nghiêm đạo hạnh,

Không nhằm đưa lạc đường người.

Cần câu quơ bóng cỏ,

Đánh độc kẻ uống rượu nho.

BÌNH

Như Huyễn:

Một Thiền tăng cố gắng cực nhọc để đạt cái gì đó cao hơn Phật giáo bình thường.

Ông ta giống như một con ngựa phi nước đại để với lấy nắm cỏ khô trên đầu cây sào buộc trước mũi ngựa.

Cách duy nhất cho con ngựa là ngừng chạy để nắm cỏ từ cây sào tuột xuống mà ăn.

Động Sơn chỉ muốn khuyến khích những người mới bắt đầu nhằm mục đích đạt ngộ, nhưng sư phải đáp, “Chẳng phải Phật.

Ở đây Phật tượng trưng cho giác ngộ và không phải cho người đã đạt giác ngộ ở Ấn độ hai mươi lăm thế kỷ qua.

⚡️

TẮC THỨ 78: VÂN CƯ TẶNG Y

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Vân Cư là sư của một ngôi chùa lớn, gửi một chiếc y mặc trong cho ông tăng sống một mình trong cái am gần chùa. Sư nghe nói ông tăng ngồi thiền hằng giờ mà không có gì để che đôi chân.

BÌNH

Genro:

# Tôi sẽ thay ông tăng đáp Vân Cư, “Chẳng ngại trình hòa thượng, chỉ ngại hòa thượng không có chỗ để”.

# Tám mươi bốn thùng xá lợi

Không qua một chữ che trời che đất.

Áo quần của mẹ - Thương thay!

Không che được cái vô hình hiện tại.

BÌNH

Fugai:

# Một món lợi cho người ốm. Cái y mặc trong đó phải là vật truyền xuống từ Bồ-đề-đạt-ma.

# Tăng tốt! “Nếu ông có, tôi sẽ cho ông. Nếu ông không có thì tôi lấy lại”.

# Vân Cư lại gửi áo mới.

# Hai chân ông ở đâu?# Nhà nước cấm tình cảm. Không thể lừa chân sư.

# Nói hay lắm, nhưng chẳng phải ý ông tăng.

# Mùi thối lắm!

Nhà tây gửi nhà đông lời chia buồn

Ông chẳng biết ơn mẹ

Con trai triệu phú chết đói trần truồng

BÌNH

Như Huyễn:

Chùa nào thịnh vượng thì gọi là “mập,” và chùa nào nghèo thì gọi là “ốm”.

Quan niệm này có tính cách vật chất và thiếu tinh thần Thiền. Lần đầu tiên khi tôi trở thành tăng nhân, tôi quyết định không ở trong chùa “mập” mà sống trong một cái am nhỏ giống như ông tăng trong câu chuyện này.

⚡️

TẮC THỨ 79: ĐỨC SƠN GIÁO PHÁP TỘT CÙNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Tuyết Phong hỏi Đức Sơn,”Giáo pháp tột cùng của chư Tổ con cũng có phần chăng?”

Đức Sơn đánh một hèo, hỏi, “Ông nói cái gì?”

Tuyết Phong chẳng hiểu ý Đức Sơn, vì thế hôm sau Tuyết Phong lặp lại câu hỏi.

Đức Sơn đáp,”Thiền không lời, cũng không có gì để cho”.

Nham Đầu nghe chuyện, liền nói, “Đức Sơn có xương sống thép, nhưng lời nói dịu dàng làm hỏng Thiền”.

BÌNH

Genro:

# Đức Sơn ăn trộm cừu có Nham Đầu làm chứng. Cha nào con nấy! Rất hợp nhau.

# Đầu rồng và đuôi rắn!

Đồ chơi dỗ con nít.

Nham Đầu, kẻ ngoài cuộc,

Đổ cả cho Đức Sơn.

BÌNH

Fugai:

# Ông ta vẫn còn tật ăn cắp.

# Sư từ bi như bà nội!

# Một cái đầu chẳng đủ sao?

# Nói nghe nghèo quá.

# Một người thổi sáo, một người múa.

# Ôi là một quái vật!

Đồ chơi có giá trị!

Kẻ ngoài cuộc có thể thấy

Chỉ trả thuế thập phân thôi

BÌNH

Như Huyễn:

Một nhà quí tộc có lần đã kể với Không Tử về một người thuộc hạ lương thiện đã làm chứng trước tòa rằng cha anh ta đã ăn cắp cừu.

Genro đã lấy lời bình này từ sách Luận Ngữ. Một người ở trước pháp luật sẽ thay mặt cho pháp luật mà không quan tâm đến tình cảm.

Thầy giỏi không bao giờ dung thứ trò giỏi.

⚡️

TẮC THỨ 80: BA TIÊU KHÔNG DẠY

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Ba Tiêu, “Nếu có người không tránh sinh tử, không nhận niết bàn, hòa thượng có dạy y chăng?”

Ba Tiêu đáp, “Tôi chẳng dạy y”.

Ông tăng lại hỏi, “Tại sao hòa thượng chẳng dạy?”

Ba Tiêu đáp, “Lão tăng này biết tốt xấu”

Cuộc vấn đáp giữa Ba Tiêu và ông tăng được người ta thuật lại ở các chùa khác.

Một hôm Thiên Đồng nói, “Ba Tiêu có thể biết tốt xấu, nhưng không biết lấy trâu của người cày, lấy cơm của người đói.

Nếu ông tăng ấy hỏi tôi một câu như thế, trước khi y dứt lời tôi đã đánh y một gậy.

Vì sao?

Bởi vì xưa nay tôi chẳng quan tâm tốt xấu.”

BÌNH

Genro:

Ba Tiêu vẫn dùng pháp tiệm, trong khi Thiên Đồng dùng pháp đốn chớp nhoáng. Pháp của Thiên Đồng có thể dễ hiểu, nhưng ít ai thấy rõ việc làm của Ba Tiêu.

Một bịnh nhiều thuốc chữa.

Bắt người không dùng còng;

Phải biết kỹ đạn dược.

Xuân lan và thu cúc.

BÌNH

Fugai:

# Chớ ông đang nói cái gì vậy?

# Thầy giỏi không phí lời.

# Ông đang nói gì vậy?

# Ông lão này mất lưỡi rồi.

# Cái nồi kêu cái ấm đen.

# Tôi sẽ nói gì về việc làm của sư?

# Kẻ cắp trong thời bình!

Anh hùng trong thời chiến!

Thiên đường chẳng cần thuật ấy.

Hoa đẹp quá làm nghẹt vườn.

BÌNH

Như Huyễn:

Ba Tiêu là một Thiền sư Trung hoa, tên là Kế Triệt.

Ông tăng đã phát biểu về một người tự tại không mê không ngộ và muốn biết có giáo lý nào cao hơn để giác ngộ một người như thế.

Fugai thấy giả thuyết này vô lý nên đã cảnh cáo ông tăng.

Ba Tiêu nói, “Tôi chẳng dạy y,” dùng ngay chữ “dạy” của ông tăng, thật chẳng phí lời.

Khi ông tăng không hiểu và hỏi sư tại sao không dạy, lời đáp của Ba Tiêu cho thấy sư có thể nhận biết người nào cần dạy và người nào không cần.

Fugai nói Ba Tiêu mất lưỡi là ca ngợi câu trả lời hồn nhiên này của Ba Tiêu.

Thiên Đồng được nhắc đến ở đây là một nhà thơ, đã căn cứ vào Thung Dung Lục khi sáng tác bài thơ này.

Tên thật của sư là Hoằng Trí. Lời dẫn của sư về trâu và cơm là phương tiện nhanh nhất để lột bỏ mê hoặc cho người học, và đây là lý do tại sao sư nói đánh ông tăng mà không bàn tốt xấu.

Lời bình có vẻ miệt thị của Fugai thật ra là lời ca ngợi Ba Tiêu và Thiên Đồng.

⚡️

Tags :
Share :

Related Posts