Type something to search...

Tiếng Sáo Thép (51 - 60)

  • 07 Nov, 2024

undefined (51 - 60)

TẮC THỨ 51: BẢO PHÚC CÁI CHÙA

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm Bảo Phúc nói với tăng chúng, “Khi một người đi qua phía sau chùa thì gặp họ Trương và họ Lý, nhưng nếu y đi phiá trước chùa thì chẳng gặp ai. Tại sao vậy? Trong hai đường, đường nào có lợi cho y?” Một ông tăng đáp, “Chắc mắt của y bị gì rồi. Không thấy thì có lợi gì?” Sư mắng ông tăng, “Đồ ngu! Cái chùa lúc nào chẳng như vậy.” Ông tăng nói, “Nếu chẳng phải cái chùa, người ta phải thấy cái gì chứ?” Sư nói, “Tôi đang nói cái chùa, chẳng nói vật gì khác.”

BÌNH

Như Huyễn: Cái chùa là thực tại. Khi một người đối diện với nó, y chẳng thấy bất cứ vật gì. Nó siêu việt tất cả mọi phân biệt. Ví dụ, quí vị có thể cùng đi với một đám đông không nhận ra họ là ai và quên cả mình là ai. Đây là những gì Bảo Phúc muốn nói “phiá trước chùa.” Nhưng lúc quí quí vị thấy một người quen, gật đầu và mỉm cười, hay ngay cả dừng lại để chào, là quí vị đang đi “phiá sau cái chùa.” Nếu trong lúc thiền định quí vị tạo ra hình ảnh một người bạn, là quí vị đang mơ mộng chứ không phải thiền định. Bảo Phúc không mắng quí vị vì chuyện này mà sư đang chỉ cho quí vị cách nhập vào và bỏ đi một cách tự do không bám vào con đường nào cả. Câu hỏi của sư, “Tại sao như vậy?” là câu trả lời. Ông tăng đã không nhập vào thực tại mà chỉ lý giải về thấy và không thấy. Ông tăng ngoan cố bám vào thế giới giới hạn và nói, “Nếu chẳng phải là chùa, người ta phải thấy cái gì chứ?” Ông ta nên bỏ Thiền mà đi học luật.

BÌNH

Thích Tông Diễn nói, “Thế giới được biểu trưng bằng biến đổi và vô thường; những người không vượt lên bên trên tính thế gian sẽ bị tung lên và rớt xuống trong lốc xoáy của phiền não. Nhưng những người biết sự vật được cấu thành như thế nào sẽ thấy vô cùng trong hữu cùng, siêu hiện tượng trong hiện tượng và được an lạc giữa đau khổ và phiền não.”

⚡️

TẮC THỨ 52: HOA NGHIÊM TRỞ LẠI THẾ GIAN MÊ HOẶC

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Hoa Nghiêm, “Người giác ngộ trở lại thế gian mê hoặc như thế nào?” Sư đáp: “Gương vỡ không phản chiếu, Hoa rơi chẳng về cành.”

BÌNH

Như Huyễn:Ông tăng này đã đi quá kinh nghiệm của mình và tưởng tượng ra một người giác ngộ. Tại sao ông ta không tự mình trở thành một người giác ngộ, rồi ông ta sẽ biết câu trả lời. Câu đáp của Hoa Nghiêm có thể dễ bị hiểu lầm. Sư không có ý ám chỉ rằng một người giác ngộ trở lại với mê hoặc thì không còn là một nhân vật cao quí nữa, thay vào đó, minh họa của sư là một hiện tượng thực tế của tâm giác ngộ. Phật (Giác Ngộ) là mục đích của văn hóa, nhưng Bồ-tát là hoạt động của Phật tánh. Dưới mắt ngài, không có hai thế giới mê hoặc và không mê hoặc và ngài sống cuộc sống độ tất cả chúng sinh. Giống như hoa sen, ngài có thể nở hoa trong nước bùn. John Galsworth có lần đã nói, “Một người được yêu cầu định nghĩa đặc trưng của một người hiền - dùng từ ấy theo nghĩa rộng nhất - sẽ trả lời rằng, ‘Ý chí muốn đặt mình vào địa vị của người khác; nỗi kinh hãi phải cưỡng ép người khác vào chỗ mà tự mình sẽ rút lui; quyền lực để làm những gì đối với ông ta dường như là đúng, không quan tâm đến những gì người khác có thể nói hay nghĩ.’”

BÌNH

Genro: Để minh họa câu chuyện này, tôi sẽ dẫn một bài thơ Trung hoa: Kìa! Ánh chiều đang nâng Bức tường đá trên hồ. Đám mây cuộn về rừng Ngôi làng bị nuốt chửng.

⚡️

TẮC THỨ 53: HUỆ TRUNG ĐÁNH ĐUỔI ĐỆ TỬ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Đan Hà đến viếng Huệ Trung nhằm lúc sư đang ngủ trưa. Đan Hà hỏi thị giả, “Quốc sư có ở nhà không?” Thị giả đáp, “Dạ có, nhưng không muốn gặp ai.” Đàn Hà nói, “Lời nói sâu xa thay.” Thị giả nói, “Đừng nói vậy. Dù có Phật đến, hòa thượng cũng chẳng muốn gặp.” “Huynh là đệ tử giỏi. Thầy huynh chắc hãnh diễn lắm,” nói xong câu này, Đan Hà bỏ đi. Khi Huệ Trung thức dậy, Đam Nguyên, tức ông tăng thị giả, thuật lại cuộc đối thoại. Sư lấy gậy đánh và đuổi ông ta ra khỏi chùa.

BÌNH

Như Huyễn: Ông tăng thị giả bày tỏ Thiền mới đạt, nó tự hiện ra vào dịp đầu tiên, thay vì giữ nó không màu sắc. Đan Hà liền nắm lấy tình thế và lời sư nói phải khiến cho ông thị giả im lặng mà hổ thẹn thay vì hãnh diện thuật lại cuộc đối thoại cho thầy nghe để bị thầy đánh đuổi ra khỏi chùa. Thực tế về sau Đam Nguyên đã thừa kế Huệ Trung làm quốc sư, đơn giản chứng tỏ rằng không có trường hợp nào là vô hy vọng, vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Khi một người nghĩ rằng mình có Thiền thì y liền mất nó. Tại sao y không tu tập lời dạy một cách không màu mè, không ồn ào? Sau đó, khi Đan Hà nghe Huệ Trung đối xử thô bạo với đệ tử, sư nói, “Huệ Trung đáng gọi là Quốc sư”.

⚡️

TẮC THỨ 54: NHAM ĐẦU HAI BỮA ĂN

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Khâm Sơn đến viếng Nham Đầu trong lúc Nham Đầu đang an cư. Khâm Sơn hỏi, “Sư huynh, anh ăn ngày hai bữa bình thường chứ?” Nham Đầu nói, “Ông con thứ tư nhà họ Trương chu cấp cho tôi, tôi mang ơn ông ta nhiều lắm.” Khâm Sơn cảnh cáo, “Nếu sư huynh không làm tốt phần mình thì kiếp tới sẽ sanh làm con trâu và phải trả lại y những gì huynh nợ trong kiếp này.” Nham Đầu để hai nắm tay lên trước trán nhưng chẳng nói gì. Khâm Sơn nói, “Nếu sư huynh muốn mọc sừng thì phải giơ hai ngón tay lên đầu chớ.” Khâm Sơn chưa nói dứt câu thì Nham Đầu đã hét, “Hê, Khâm Sơn chẳng hiểu ý ta.” Khâm Sơn hỏi, “Nếu sư huynh biết được điều gì sâu xa hơn, sao không giải thích cho đệ.” Nham Đầu khịt một cái rồi nói, “Sư đệ cũng học Phật pháp ba chục năm như tôi mà vẫn cứ lang thang quanh quẩn. Tôi chẳng có việc gì với sư đệ. Hãy cút đi.” Vừa nói dứt lời, Nham Đầu đóng sầm cửa lại ngay mặt Khâm Sơn. Người con trai thứ tư của nhà họ Trương chợt đi ngang qua đó, động lòng thương hại, đem Khâm Sơn về nhà ông ta ở gần đó. Khâm Sơn buồn bã nói, “Chúng tôi là bạn thân đã ba chục năm, nhưng nay anh ta sở đắc điều gì đó cao hơn tôi, và sẽ không truyền cho tôi.” Đêm đó Khâm Sơn không ngủ được, cuối cùng chổi dậy, đến am của Nham Đầu, nói, “Sư huynh hãy từ bi giảng Pháp ấy cho đệ đi.” Nham Đầu mở cửa và nói cho Khâm Sơn biết. Sáng hôm sau ông khách trở về nhà với hạnh phúc đạt được.

BÌNH

Như Huyễn: Khâm Sơn chưa từng tuyền bố mình là sư, nhưng tăng chúng tụ tập quanh ông để nghe ông nói, và dần dần ông nghĩ rằng mình có khả năng dạy người khác. Khi ông nghe tin người bạn cũ của ông là Nham Đầu đang sống cô tịch ở một miền đất xa xôi trong nước, ông đến thăm Nham Đầu xem Nham Đầu có cần gì không. Ở Trung hoa vào vào thời đó, người con trai trưởng trong gia đình sẽ được nhận phần di sản nhiều nhất và mỗi người con trai kế tiếp lãnh ít dần đi, như vậy người con trai thứ tư này không thể có được nhiều lắm dù cho ông ta có thể biếu Nham Đầu thức ăn và chỗ ở. Một tăng nhân sẽ cảm thấy mang ơn trừ phi ông ta sống cuộc sống Thiền đúng đắn. Nham Đầu đã khiêm tốn nhắc đến ơn huệ này, nhưng thân của sư chính là Pháp thân và sư đang sống với chư Phật và Bồ-tát. Khâm Sơn không thấy điều này, vì vậy ông ta dẫn ra sự mê tín rằng một tăng nhân nhận của bố thí mà không có giác ngộ trong kiếp này thì kiếp sau sẽ sanh làm con trâu để kéo cày trả nợ kiếp trước. Nham Đầu đã cho Khâm Sơn thấy sự sống thực chưa từng sinh và sẽ không bao giờ chết; hai nắm tay và cái trán chẳng dính dáng gì đến thực tướng vô tướng kia; sư chỉ đơn giản dùng chúng để chỉ bày Pháp thân mà thôi. Khâm Sơn đáng thương đã không hiểu mà còn bám vào huyền thoại minh họa luân hồi dù nó hoàn toàn xa lạ với giáo lý của Phật.Sự hối tiếc và lầm lẫn của Khâm Sơn sau đó đã đưa ông ta vào ngõ cụt. Khi ông ta trở lại Nham Đầu với lòng chân thật và hai bàn tay trắng, ông ta đã có thể nhận được Pháp. Đây là cái gì và làm sao được nó, quí vị chỉ có thể tự tìm thấy trong kinh nghiệm riêng của mình.

⚡️

TẮC THỨ 55: MỤC CHÂU KẺ ĐỘN CĂN

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Khi Mục Châu và một ông tăng lạ mặt gặp nhau trên đường, Mục Châu gọi, “Thượng tọa!” Ông tăng quay lại. “Kẻ độn căn,” Mục Châu nhận xét, rồi cả hai lại tiếp tục bước đi. Câu chuyện dật sử này được vài tăng nhân ghi lại và mấy năm sau đó, Tuyết Đậu phê bình, “Mục Châu ngu muội đã sai. Ông tăng ấy không quay lại đó sao? Tại sao gọi ông ta là kẻ độn căn?”Sau này, Hối Đường bình lời của Tuyết Đậu, “Tuyết Đậu ngu muội đã sai. Ông tăng ấy không quay lại đó sao? Tại sao không gọi ông ta là kẻ độn căn?”

BÌNH

Như Huyễn: Ở Trung Hoa, tăng nhân gọi nhau bằng “Huynh đệ” và đối với một người lạ thì gọi là “Thượng tọa.” Nhưng dù là chào hỏi bằng cách nào thì cũng phải được bày tỏ trong Thiền sự sáng lạng của chân tánh riêng của một người. Tăng nhân không chịu lãng phí thì giờ trong việc khen nhau không cần thiết. Khi Mục Châu nói, ý nghĩ là tiếng nói và tiếng nói là ý nghĩ. Nếu một ông tăng khác bám vào tiếng nói, thì hầu như chắc chắn là ông ta là kẻ độn căn.Tuyết Đậu truy dấu vết Thiền của ông tăng nơi hành động quay lại, vì thế sư trách mắng Mục Châu. Nhưng Hối Đường sợ sự chấp nhận của Tuyết Đậu có thể khiến người ta hiểu lầm nên khéo léo xóa đi lời nói ấy trong ngữ lục.Phần quan trọng của công án là mối đe dọa đối với người đọc. Có thể nói rằng im lặng là câu đáp tốt nhất, nhưng đôi khi im lặng là câu đáp quá vụng về đối với một câu hỏi Thiền. Chỉ ngưỡng mộ im lặng thôi thì không đủ, người ta phải sống với nó. Carlyle có lần đã nói, “Nhìn quanh sự trống rỗng ồn ào của thế giới, . . . lời nói với chút ý nghĩa, hành động với chút ít giá trị, . . . người ta yêu thích suy tư về đại Vương Quốc Im Lặng, cao hơn tất cả các vì tinh tú, sâu hơn Vương Quốc của Tử Thần! Một mình nó vĩ đại; tất cả những thứ khác đều nhỏ bé.” Nói đẹp lắm, nhưng ông ta đã nói quá nhiều, phá vỡ im lặng. Ngũ Tổ nói, “Trên đường khi gặp một Thiền sư, không nói cũng không im. Ông làm sao đối đãi?” Quí vị có thể nói với Mục Châu, nếu quí vị không bám vào ngôn ngữ. Quí vị có thể im lặng đối diện với Mục Châu, nếu quí vị không bị im lặng ràng buộc. Nếu quí vị có Thiền thì dù gặp ai và dù thấy gì, thì cũng là đồng đạo của quí vị, không có ngoại lệ.

⚡️

TẮC THỨ 56: LỖ TỔ QUAY MẶT VÀO TƯỜNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Mỗi khi tăng nhân đến xin chỉ dạy Thiền, hay cư sĩ đến hỏi Đạo, Lỗ Tổ liền quay lưng lại mặt nhìn vào tường.

Nam Tuyền, là sư huynh của sư, phê bình phương pháp dạy này, “Tôi bảo tăng chúng tự đặt mình vào thời trước khi Phật ra đời, nhưng chỉ có vài người hiểu được Thiền của tôi.

Chỉ ngồi quay mặt vào tường giống như sư đệ Lỗ Tổ thì chẳng bao giờ làm cho tăng chúng tốt cả”.

BÌNH

Như Huyễn: Thiền tăng là những người kỳ lạ. Nếu một người nói trắng thì người kia nói đen. Họ không có ý mâu thuẫn lẫn nhau.

Mục đích của họ là chỉ ra cái màu sắc không màu sắc.

Lỗ Tổ quay lưng lại với học trò và mặt nhìn vào vách. Thật là một bài pháp đẹp!

Nhưng nếu sư cứ làm như vậy hoài thì một số tăng nhân sẽ bắt chước hành động của sư và lan truyền sự giả mạo trong tăng chúng ở các chùa khác.

Mặc dù Nam Tuyền cảnh cáo tăng chúng tránh phương pháp đơn điệu như thế, nhưng sư cũng ủng hộ Thiền của Lỗ Tổ một cách gián tiếp.

Lỗ Tổ không có đạo lý khác hơn kho báu trong nhà, vậy thì tại sao không cứ đem nó ra trưng bày cùng một kiểu?

Chỉ dạy của Nam Tuyền cũng tốt và có giá trị hơn mấy ngàn bộ kinh, nhưng bám giữ thời gian, cái mà thực ra không hiện hữu, để làm gì?

Tôi nghĩ nếu Lỗ Tổ nghe được những lời này ắt sẽ quay lưng lại Nam Tuyền và mặt nhìn vào vách như thường lệ.

BÌNH

Genro: Ông muốn gặp Lỗ Tổ chăng?

Hãy leo lên ngọn núi cao nhất

Hãy đến chỗ không một người nào có thể đến được

Ông muốn gặp Nam Tuyền chăng?

Hãy nhìn một chiếc lá rơi

Cảm biết mùa thu tới

Thánh địa không xa xôi

Không một đường đi tới

Nếu theo lời chỉ dẫn

Chỉ thấy cầu rêu trơn

⚡️

TẮC THỨ 57: LÂM TẾ NGƯỜI KHÔNG NGÔI VỊ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Lâm Tế có lần đã nói, “Người không ngôi vị sống trên máu thịt các ông, ra vào các cửa trên mặt các ông đấy.

Ai không chứng kiến sự thật này, hãy khám phá nó ngay đi!”.

Một ông tăng đứng lên hỏi, “Ai là người không ngôi vị?” Lâm Tế liền bước xuống tòa, nắm cứng cổ áo ông tăng, hét, “Nói! Nói!”

Ông tăng đứng ngơ ngáo một lúc, vì vậy Lâm Tế đánh ông ta một tát tai, “Người không ngôi vị này thật vô tích sự.

BÌNH

Như Huyễn: Người không ngôi vị ở bên kia tính phái, chẳng phải nam cũng chẳng phải nữ. Chẳng phải có cũng chẳng phải không.

Chẳng trẻ cũng chẳng già. Chẳng phải con của Thượng đế cũng chẳng phải con của Sa-tăng.

Lâm Tế nói rằng người không ngôi vị sống trên máu thịt của các ông, nhưng chẳng bị các ông gạt. Người không ngôi vị này chính là thịt và máu, vì vậy đừng phát biểu gì về y ở bên kia cái đó. Chúng ta có năm cái cửa ở ngay trên mặt: mắt, tai, mũi, miệng, và da. Chúng ta thấy hình và sắc bằng mắt, nghe âm thanh bằng tai, ngửi các mùi bằng mũi, nếm các vị bằng lưỡi, và nhận xúc cảm bằng da.

Chúng ta suy nghĩ có năm giới: nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức và phát ra ấn tượng chúng ta nhận được từ mỗi giới, dùng nhiều tên.

Lâm Tế quan sát những cái phù phiếm này chỉ là những trò xảo thuật của người không ngôi vị này, vì thế nêu ra sự đến hay đi của y qua các cửa. Thiền gặp người không ngôi vị này mặt đối mặt. Những ai gặp y một lần sẽ không bao giờ quên y. Họ chấp nhận lời nói của Lâm Tế không ngần ngại. Lâm Tế tạo ra người không ngôi vị ngay trước mặt ông tăng đặt câu hỏi.

Nhưng Thiền của ông tăng chưa chín muồi. Những ông tăng khác, nhìn ông tăng không danh hiệu của tấn kịck một màn này, mà thâm cảm vậy. Những người thất bại là những kẻ tuẫn đạo trong lịch sử của lời dạy ấy, nhưng chúng ta có thể làm họ phục sinh bất cứ lúc nào. Đèn Pháp cháy mãi trong tất cả mười phương.

⚡️

TẮC THỨ 58: PHO TƯỢNG QUAN THẾ ÂM

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Người Triều tiên đã một lần ủy thác cho một nghệ sĩ ở Triết giang, Trung quốc, tạc một pho tượng gỗ Quan Thế Âm to bằng người thật.

Tác phẩm hoàn thành, pho tượng được mang đến hải cảng Tsien-t’ang để lên tàu, thì bỗng nhiên dường như nó bị kẹt cứng trên bờ biển và sức người không thể nào di chuyển được. Sau khi hai bên Triều tiên và Trung quốc thương lượng với nhau, pho tượng được quyết định giữ lại ở Trung quốc.

Lúc bấy giờ pho tượng trở lại sức nặng bình thường và sau đó được thờ tại một ngôi chùa ở Ming-chou.

Có người đến chiêm bái pho tượng và nói, “Trong kinh nói rằng Quan Thế Âm có sức thần thông, và trong tất cả quốc độ 10 phương không có nơi nào ngài không thị hiện. Thế thì tại sao pho thánh tượng này lại không chịu đi Triều tiên?”

BÌNH

Như Huyễn: Hiển nhiên nghệ sĩ đã sáng tạo được một pho tượng tuyệt hảo như thế nên người Trung quốc không muốn cho đi.

Mê tín và tâm lý quần chúng đã làm tất cả phần việc còn lại. Quan Thế Âm biểu tượng cho từ bi và trí tuệ

Người nghệ sĩ đã thấy được các phẩm cách này và miêu tả chúng nơi pho tượng.

Bất cứ ai cũng có thể biểu hiện chúng nơi bất cứ vật trung gian nào.

Người Triều tiên phải dùng văn hóa riêng của họ để tạo biểu tượng cho chính họ.

Trong Thiền có câu nói, “Ngàn cái hồ thì có ngàn bóng trăng.

Nếu không có mây, trời sẽ tự trải rộng ra vô cùng tận”.

Nhiều người triều tiên đã đắc ngộ Thiền và đã tạo ra nhiều Quan Thế Âm làm biểu tượng riêng của họ.

BÌNH

Genro: Mọi nơi đều là quốc độ thị hiện của ngài, thế thì tại sao ngài phải đặc biệt đi đến Triều tiên?

Một người bịt mắt lại

Chẳng thấy được Quan Âm.

Sao chẳng hỏi ngoại quốc

Tạc cho pho tượng gỗ?

Tượng bất động trên biển

Chẳng phải Quan Âm thật

Tượng thờ trong chùa đó

Chẳng phải thật Quan Âm

Tàu trống về Triều tiên,

Nhưng người mở mắt mình

Chẳng phải Quan Âm ư?

⚡️

TẮC THỨ 59: VÔ NGHIỆP VỌNG TƯỞNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Quốc sư Vô Nghiệp nói, “Nếu một người có vọng tưởng về thánh và phàm, dù cho vọng tưởng đó mỏng manh như chỉ lụa cũng đủ sức lôi y vào thế giới súc sinh.”

BÌNH

Như Huyễn:

Vô Nghiệp, một trong những người thừa kế Mã Tổ, đã một thời là thầy của hoàng đế.

Tên thật của sư là Đại Đạt, nhưng trong các ngữ lục sư được biết đến như là Vô Nghiệp, danh hiệu do hoàng đế ban cho, có nghĩa là “không có nghiệp” (karma).

Lúc nào có người đến tham học, sư đều nói, “Chớ nuôi vọng tưởng, dù tốt hay xấu, dù thánh hay phàm,” hoặc “Khi ông sắp chết mà không thể cắt đứt được những sợi chỉ mềm mại của vọng tưởng về thánh và phàm, thì ông sẽ sinh làm lừa làm ngựa trong kiếp tới.” Genro không thích cách nói liên quan đến luân hồi này nên sư đã đổi thành câu nói chúng ta đọc trên kia. Thiền không có quan niệm về linh hồn cá nhân vạch ra một đường giữa kiếp này và kiếp sau, hay kiếp người và kiếp thú vật. Từ phút giây này đến phút giây kế tiếp quí vị luôn luôn kề cận với cái chết. Khi nào quí vị tạo ra vọng tưởng là quí vị chỉ có đi xuống mà chẳng bao giờ đi lên.Nếu quí vị đánh rơi một đồng xu xuống một hồ nước yên tĩnh, các gợn sóng gia tăng cái này tiếp theo cái kia, dù đồng xu đó bằng vàng hay bằng đồng thì cũng không làm cho các gợn sóng đó khác nhau.

Phút giây biển tâm của chúng ta khởi lên một gợn sóng, thì sự yên tĩnh bị khuấy động và sự bình an bị tan vỡ.

Vô Nghiệp có thể đã có một quan niệm về “không có nghiệp,” nhưng ấy chỉ là một ông Phật đá bất động.

BÌNH

Fugai:

Tại sao ông từ chối quan niệm về thánh và phàm?

Tại sao ông sợ bị lôi xuống các cảnh giới thấp hơn?

Diễn viên giỏi không bao giờ chọn lựa vai trò.

Diễn viên dở luôn luôn than phiền vai mình đóng.

BÌNH

Genro:

Nếu ông muốn tẩy sạch các quan niệm thánh và phàm, thì ông phải tự mình biến thành lừa thành ngựa. Đừng ghét kẻ thù nếu ông muốn chinh phục họ.

Thánh và phàm . . .Lừa và ngựa . . .Tất cả sẽ lôi ông xuốngKhi ông còn giữDù là cái bóng một sợi lông.Này chư tăng, hãy tốt,Hãy sống một đời một lầnKhông ù lì nhị nguyên.Các sư xưa biết bịnh các ôngĐã nhỏ lệ vì các ông đó.

⚡️

TẮC THỨ 60: CÁI GỐI GỖ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm ở chùa Nam Tuyền, ông tăng đầu bếp làm trò vui cho ông tăng làm vườn.

Trong lúc đang ăn, họ nghe tiếng chim hót. Ông tăng làm vườn gõ ngón tay lên cái gối gỗ, thì con chim lại hót.

Ông tăng làm vườn gõ cái gối gỗ trở lại, thì con chim không hót nữa. Ông tăng làm vườn hỏi, “Huynh hiểu không?” Ông tăng đầu bếp đáp, “Không, tôi không hiểu.”

Ông tăng kia đánh vào cái gối gỗ lần thứ ba.

BÌNH

Như Huyễn:

Trong một ngôi chùa thì ông tăng làm vườn trồng rau cho ông tăng đầu bếp nấu, và họ thân mật và thân hữu một cách tự nhiên.

Con chim hót vì thiên nhiên gây hứng thú cho nó hót.

Ông tăng làm vườn biết cách đi vào tâm trạng của những người ở núi này; như vậy cái gõ đầu tiên của ông ta đem lại tiếng hót.

Nhưng khi ông ta gõ lần thứ hai thì con chim đã bay mất rồi.

Ông tăng đầu bếp sống trong dục giới; ông ta phải nghĩ đến miệng và dạ dày của những tăng nhân khác.

Khi ông tăng làm vườn gõ lần thứ ba, là đem tin tức từ thiên nhiên đến, vẫn còn có đôi tai điếc về mặt tâm linh.

BÌNH

Genro:

Chim hót một cách tự nhiên; ông tăng làm vườn gõ cái gối một cách ngây thơ.

Tất cả chỉ thế thôi. Tại sao ông tăng đầu bếp không hiểu? Bởi vì trong tâm ông ta có điều gì đó.

⚡️

Tags :
Share :

Related Posts