Type something to search...

Tiếng Sáo Thép (41 - 50)

  • 07 Nov, 2024

undefined (41 - 50)

TẮC THỨ 41: ĐỘNG SƠN BA TẠNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Thiền sư Động Sơn nói, “Toàn bộ Ba Tạng kinh điển của Phật giáo có thể diễn tả bằng một chữ này”.

Bạch Vân, một Thiền sư khác, minh họa câu nói của Động Sơn bằng một bài thơ:

Chữ này nét nét rõ

Nhưng chẳng có lý do

Bao lần Phật cố gắng

Viết nó mà chẳng thành

Cứ trao cho ông Vương

Là người viết chữ đẹp

Với bàn tay khéo léo

Mong muốn ắt hoàn thành.

BÌNH

Như Huyễn:

Ba tạng có nghĩa là “Ba cái giỏ”, tiếng Phạn là Tripitaka, gồm có Tạng Kinh (Sutra-pitaka), hay các kinh điển, Tạng Luật (Vinaya-pitaka) gồm các giới luật và sự điều hành tăng già, và Tạng Luận (Abhidharma-pitaka), những luận giải về các giáo lý.

Vào thời của công án này có năm ngàn bốn mươi tám (5048) quyển gồm tất cả các bản văn mà Động Sơn nói có thể diễn tả trong một chữ. Chữ này là chữ gì?

Đừng để ý đến bài thơ của Bạch Vân. Nếu sư có ý chế nhạo thì đó chỉ là một chuyện khôi hài dở ẹt về chính sư.

⚡️

TẮC THỨ 42: THẠCH SƯƠNG NÚI NAM

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Thạch Sương sống trên núi Nam và Quán Khê sống trên núi Bắc.

Một hôm một ông tăng từ chùa Bắc đến chùa Nam, và Thạch Sương bảo ông, “Chùa Nam của tôi không phải là thượng đẳng so với chùa ở phương bắc”.

Ông tăng không biết nói gì, vì thế im lặng.

Khi ông ta trở về với Quán Khê và kể lại những gì Thạch Sương đã nói.

Quán Khê nói, “Ông nên nói với ông ấy rằng bất cứ ngày nào tôi cũng sẵn sàng nhập niết bàn.”

BÌNH

Như Huyễn: Ông tăng này mang ý nghĩ so sánh khi ông đi viếng hết chùa này đến chùa khác.

Thạch Sương đọc được điều này trên mặt ông ta nên cố gắng điều chỉnh ý nghĩ đó, nhưng ông tăng bối rối và im lặng - một sự im lặng không dính dáng gì đến Thiền.

Trở về chùa cũ, ông thầy hiền từ đã không trách mắng ông ta, thay vào đó, cố gắng chỉ cái nhất thể không có sự so sánh.

Con người tham cầu sinh ra đau khổ và đau khổ sinh ra tham cầu một cái gì khác nữa; như thế y không bao giờ thoát khỏi sanh tử, sự bất an của cuộc sống thế gian

Niết bàn diệt đau khổ bằng các tiêu diệt tham cầu. Cả hai ông thầy đều biểu hiện sự tịch tĩnh.

Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác đối những người mang ý nghĩ so sánh và lang thang từ cuộc hội họp này sang cuộc hội họp khác.

Ở đấy chẳng có lợi ích gì cho bất cứ ai.

⚡️

TẮC THỨ 43: ĐẠO LÝ TỐI HẬU CỦA THIỀN

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Huyền Sa, “Khi các sư xưa giảng Pháp không lời bằng cái chùy hay cây phất tử, thì các ngài có chỉ bày đạo lý tối hậu của Thiền không?”

Huyền Sa đáp, “Không.” Ông tăng hỏi tiếp, “Vậy lúc ấy các ngài chỉ bày cái gì?”

Huyền Sa giơ cây phất tử lên. Ông tăng hỏi, “Thế nào là đạo lý tối hậu của Thiền?”

Huyền Sa đáp, “Đợi đến khi ông ngộ đã.”

BÌNH

Như Huyễn: Ông tăng này giống như những người khác, bám vào thành kiến của mình như là giải pháp khả hữu duy nhất.

Huyền Sa đã tìm cách thay đổi ý nghĩ này khi sư nói, “Không”.

Ông tăng vẫn không thể giải thoát mình khỏi quan niệm cứng ngắt này dù với lời chỉ dạy sống động ở ngay trước mặt.

Khi hỏi về đạo lý tối hậu của Thiền, ông ta giống như người đang đứng trước tòa thị sảnh mà hỏi thành phố ở chỗ nào.

Huyền Sa bỏ cuộc và nói, “Đợi đến khi ông ngộ đã.”

BÌNH

Genro:

Nếu tôi là Huyền Sa, tôi đã ném cây phất tử đi thay vì nói một câu nhạt nhẽo như vậy.

BÌNH

Fugai:

Lời của thầy tôi [Genro] có thể giúp Huyền Sa, nhưng tiếc thay ông đã dùng dao mổ trâu để chặt gà.

⚡️

TẮC THỨ 44: NAM TUYỀN CHẲNG NHẬN CẢ TĂNG LẪN TỤC

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng đến Nam Tuyền, đứng ngay trước sư, với hai tay trước ngực.

Nam Tuyền nói, “Ông cư sĩ quá.” Rồi ông tăng chắp hai tay lại.

Nam tuyền nói, “Ông tăng nhân quá”.

Ông tăng không nói được tiếng nào.

Một sư khác nghe được chuyện này, nói với tăng chúng của mình, “Nếu tôi là ông tăng, tôi sẽ buông hai tay tự do và bước lùi đi ra”.

BÌNH

Như Huyễn:

Khi ông tăng đến để tham thiền, có nghĩa là ông ta muốn bày tỏ sự tự do tự tại của mình bằng cách không thích hợp với các qui củ vào ra Thiền đường, nhưng câu nói đầu tiên của Nam Tuyền làm ông ta nao núng và ông ta đã thay đổi thái độ.

Như vậy, ông ta tự do ở chỗ nào? Thế gian đầy những người “thái quá” loại này hay loại kia, và có những người nghĩ rằng bằng cách đập phá ngẫu tượng là họ biểu hiện sự tự do.

Tất cả những người ấy đều bị trói buộc. Một người tự do không phô bày sự tự do của mình.

Người ấy tự do, vì vậy mà vượt qua hầu hết không bị chú ý. Vì y không bám vào cái gì cả, qui củ và sự điều hành không bao giờ làm phiền y.

Y có thể cúi đầu lễ bái hay bước lùi ra sau, chẳng gì khác biệt.

Silas Hubbard có lần đã nói, “Khi tôi trở thành người già, tôi đơn giản hóa cả khoa học và tôn giáo của tôi.

Đối với tôi sách trở nên ít ý nghĩa hơn; cầu nguyện trở nên ít ý nghiã hơn; thuốc nước, thuốc viên và cần sa ma túy trở nên ít ý nghiã hơn; nhưng sự bình yên, tình bạn, tình thương và một đời sống hữu dụng có ý nghĩa hơn... hơn một cách vô cùng”.

Ở đây chúng ta thấy một người Mỹ học Thiền một cách tự nhiên vào tuổi già.

Nhưng tại sao người ta phải chờ đến khi già? Nhiều người không biết cách nào làm cho mình tự do với khoa học và tôn giáo.

Họ càng học khoa học thì họ càng chế tạo năng lực hủy diệt. Tôn giáo của họ chỉ là chiếc áo khoác bên ngoài quá nặng nề khi họ bước đi trong gió xuân êm nhẹ.

Sách là gánh nặng đối với họ và cầu nguyện chỉ là lời xin tha thứ đẹp đẽ. Họ tiêu thụ thuốc nước, thuốc viên, cần sa ma túy, nhưng họ không làm giảm được sự bịnh hoạn thể xác và tâm trí.

Nếu thực sự họ muốn bình yên, tình bạn, tình thương và một đời sống hữu dụng thì họ phải làm trống tất cả những cái túi quí hóa chứa bụi và ảo tưởng để nhận ra tinh thần tự do, lý tưởng của đất nước này.

BÌNH

Genro: Nếu tôi là Nam Tuyền, tôi sẽ nói với ông tăng, “Ông kẻ ngốc quá,” và với ông thầy nói rằng buông thả hai tay bước lùi ra, tôi sẽ nói “Hòa thượng người điên qúa”.

Chân giải thoát chẳng có vật để nắm giữ, chẳng có màu sắc để thấy, chẳng có âm thanh để nghe.

Kẻ thực sự tự do

Trong tay không một vật,

Chẳng có kế hoạch gì,

Chỉ phản ứng tùy theo

Hành động của kẻ khác.

Tài thay sư Nam Tuyền

Làm lỏng được cái nút

Dây thừng của ông tăng

⚡️

TẮC THỨ 45: VU ĐỊCH HỎI PHẬT

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Tể tướng Vu Địch hỏi sư Đạo Thông, “Thế nào là Phật?”

Sư gọi đột ngột, “Đại nhân!”

“Dạ,” vị tể tướng đáp một cách ngây thơ.

Rồi sư nói, “Ngài còn tìm gì khác?”

BÌNH

Như Huyễn: Vu Địch góp nhặt những câu trả lời của các Thiền sư mà ông ta đến viếng với câu hỏi này như một người sưu tập tiền xu hay tem thư không còn dùng nữa. Kiến thức về Thiền của ông ta đủ để đánh giá vài câu trả lời, nhưng ông ta hoàn toàn không sẵn sàng cho câu đáp này, nó quá nhiều đến độ làm ông ta quên cả tại sao mình đối diện với ông thầy này. Tiếng “Dạ” của ông ta cũng đơn giản và tự nhiên như lời đáp tiếng mẹ gọi của đứa con.

BÌNH

Genro: Hai tiếng “Đại nhân!” đã dội đầu ông ta vào một cái gì đó, nhưng tôi không chắc đó có phải là một ông Phật thật hay không.

Chớ nhằm ngọn cây tìm cá

Khi về nhà chớ nấu tre cây

Phật-đà, Phật-đà, Phật-đà

Kẻ ngu giữ lấy dây xâu tiền

BÌNH

Như Huyễn:

Một người Trung hoa có lần thưởng thức một đĩa măng tre và được bảo rằng đó là tre nấu chín. Về nhà y cắt một khúc tre cây và nấu hằng giờ nhưng vô ích.

Ở Trung hoa và Nhật bản, người ta dùng sợi dây xỏ qua cái lỗ giữa các đồng xu thành một xâu để dễ mang đi.

Một người ngu có lần đã nắm chặc lấy sợi dây xâu sau khi các đồng xu đã tuột mất khỏi sợi dây.

Nhiều người vẫn bám vào sợi dây trống này mà tin rằng họ đang mang theo mình kho tàng thực sự.

⚡️

TẮC THỨ 46: CHỮ TÂM

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng già viết chữ “Tâm”, kiểu chữ Hán, tượng hình cho trái tim, lên cổng, cửa sổ và tường của ngôi nhà nhỏ của ông ta.

Pháp Nhãn nghĩ như vậy là sai và muốn sửa lại cho đúng, nói, “Cổng phải có chữ cổng, cửa sổ và tường mỗi cái phải có chữ riêng của nó.”

Huyền Giác nói, “Cổng tự nó hiện bày chẳng cần có chữ, cửa sổ và tường cũng vậy, chẳng cần bản hiệu gì cả”.

BÌNH

Như Huyễn: Ông tăng già thừa nhận rằng cổng, cửa sổ và tường là hiện thân của tâm.

Ông ta giống như Hegel, thấy thế giới như là quá trình tư tưởng, cái khác nhau là Hegel tự nhốt mình trong suy lý còn ông tăng thì đã làm mình tự do với suy lý.

Vả lại, chủ nghĩa lý tưởng có tính chất tuyệt đối của Hegel bám víu vào cái gì đó để thành hình trong thực tế, ông tăng thì đã vượt qua bên kia danh và tướng để ở trong ngôi nhà vô hình mà cổng, cửa sổ và tường của nó không là gì cả mà chỉ là tâm.

Pháp Nhãn ủng hộ ông tăng một phần, tự mình tỏ ra có khác. Có thể sư đã nói, “Tôi hài lòng với cổng, cửa sổ và tường.

Tại sao ông còn dán nhãn hiệu cho chúng nữa?”

Huyền Giác cảm thấy rằng sự vật tự chúng bày tỏ chẳng cần tên gì cả.

BÌNH

Genro:

Tôi sẽ viết chữ “cửa sổ” lên cổng, chữ “tường” lên cửa sổ, và chữ “cổng” lên tường.

BÌNH

Như Huyễn:

Tôi hiểu câu nói của Genro, nhưng quí vị không những chỉ vào nhà của ông tăng già đã sống mà còn để cho cái nhà ấy nhập vào quí vị.

⚡️

TẮC THỨ 47: TRIỆU CHÂU ĐO NƯỚC

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm Triệu Châu viếng pháp đường của sư đệ là Thù Du.

Sư bước lên đàn, vẫn mang theo gậy, nhìn từ đông sang tây rồi từ tây sang đông.

Vị sư đệ hỏi, “Sư huynh làm gì vậy?”.

Triệu Châu đáp, “Tôi đang đo nước”.

Vị sư đệ hỏi, “Ở đây không có nước. Một giọt cũng không. Sư huynh đo thế nào?”.

Triệu Chân dựa cây gậy vào tường và bỏ đi.

BÌNH

Như Huyễn: Một Thiền Tăng khi đi hành cước mang theo cây gậy dài, dùng để dò chỗ sâu cạn nếu phải đi qua sông.

Thù Du là sư đệ của Triệu Châu, vừa mở pháp đường cho thính chúng, Triệu Châu nóng lòng muốn biết Thù Du đã ngộ đạt Thiền thực hay chưa.

Sư mang cây gậy theo để nhắc nhớ lại những ngày trước kia họ đã cùng nhau. Sư không cảm thấy có bầu không khí đạt ngộ khi sư quay đầu từ đông sang tây và sẽ để cây gậy lại làm vật ghi nhớ nếu như Thù Du không hỏi sư đang làm gì.

Trong Kinh Kim Cang quí vị đọc sẽ thấy,

“Này Tu-bồ-đề, ông nghĩ thế nào? Một vị Tu-đa-hoàn có nghĩ như vầy: Ta đã đạt quả Tu-đa-hoàn không?

Tu-bồ-đề nói: ‘Dạ không, bạch Thế Tôn, ông ta không nghĩ như vậy. Vì sao? Bởi vì Tu-đa-hoàn có nghĩa là vào dòng, mà ở đây không có vào. Ông ta không vào thế giới của sắc, thanh, hương, vị, xúc hay phân biệt thì gọi là Tu-đa-hoàn’”.

Thù Du đã đắc cái vô đắc nên nói, “Ở đây không có nước. Một giọt cũng không.” Triệu Châu sung sướng, dựa cây gậy vào tường và bỏ đi.

Thiền không thể thêm gì cho văn hóa Tây phương, nhưng người học Thiền sẽ được cái không được và theo dòng thời gian, một vài người khiêm tốn với sức ảnh hưởng không màu sắc, không âm thanh của họ sẽ sản sinh ra những người nam và nữ của các tiêu chuẩn cao hơn.

⚡️

TẮC THỨ 48: ĐỊA TẠNG PHẬT PHÁP

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm Địa Tạng tiếp một đệ tử của Bảo Phước như một vị khách và hỏi ông ta, “Thầy ông chỉ dạy ông như thế nào trong Phật pháp?” Ông tăng đáp, “Thầy chúng con bảo chúng con nhắm mắt lại, chớ thấy điều ác; bịt tai lại, chớ nghe tiếng ác; dừng tâm suy nghĩ lại, chớ tạo ý nghĩ sai lầm.” Địa Tạng nói, “Tôi không đòi hỏi ông bịt mắt lại, mà không thấy điều ác. Tôi không đòi hỏi ông bịt tai lại, mà không nghe tiếng ác. Tôi không đòi hỏi ông dừng tâm suy nghĩ, mà không tạo ý nghĩ sai lầm nào cả.”

BÌNH

Như Huyễn: Có lẽ ông tăng này còn rất trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi đạo. Tâm của ông ta lúc nào cũng vươn tới, bám vào những điều chẳng tốt và vô ích. Bổn sư của ông thương xót và dạy cho ông bài học Phật giáo vỡ lòng, nhưng vì những chỉ dạy Thiền luôn luôn là cho cá nhân, ông ta nên nói như vầy, “Thầy con bảo con . . .” Những lời chỉ dạy của Địa Tạng chắc chắn quá khó đối với người trẻ tuổi này. Nếu quí vị không vướng mắt vào cái gì mình thấy, thì nó sẽ chỉ phản chiếu nơi mắt quí vị và biến mất không lưu lại vết tích trên tâm gương quí vị. Nếu quí vị không chú ý đến cái gì mình nghe, sẽ không có âm thanh nào ở lại với quí vị. Hôm qua quí vị có thể nghĩ rằng cái này đúng và cái kia sai, nhưng hôm nay quí vị không còn mang cùng cái tâm ảnh trong quá khứ ấy vào hiện tại. Không có gì để thấy, trừ phi quí vị tạo ra hình ảnh riêng của mình. Không có âm thanh nào để nghe, trừ phi quí vị tự ghi âm thanh riêng của mình.

BÌNH

Genro: Tôi không đòi hỏi ông nhắm mắt. Tôi không đòi hỏi ông không nhắm mắt. Chỉ cần cho tôi biết cái gì là mắt ông. Tôi không đòi hỏi ông bịt tai. Chỉ cần cho tôi biết cái gì là tai ông. Tôi không đòi hỏi ông dừng tâm suy nghĩ. Chỉ cần cho tôi biết cái gì là tâm.

BÌNH

Như Huyễn: Một số quí vị đây nhắm mắt khi thiền định. Tại sao quí vị không “nhắm” luôn lỗ tai? Tại sao quí vị không dừng luôn tâm suy nghĩ? Một số quí vị không nhắm mắt trong khi thiền định. Tại sao quí vị không nghe âm-thanh-không-âm thanh? Tại sao quí vị không hình thành ý nghĩ không hình tướng?

⚡️

TẮC THỨ 49: HUYỀN SA GIẤY TRẮNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Huyền Sa bảo một ông tăng mang một lá thư đến thầy cũ của sư là Tuyết Phong. Tuyết Phong tập họp tăng chúng lại và mở lá thư ra trước mặt họ. Trong phong bì không chứa gì khác hơn là ba tờ giấy trắng. Tuyết Phong giơ ba tờ giấy lên và nói với tăng chúng, “Các ông hiểu không?” Không ai trả lời. Tuyết Phong nói tiếp, “Đứa con đi hoang của tôi viết đúng y như tôi nghĩ.” Khi ông tăng đưa thư trở về với Huyền Sa, kể sư nghe chuyện xảy ra tại chùa của Tuyết Phong, Huyền Sa nói, “Ông già tôi lẩm cẩm rồi.”

BÌNH

Như Huyễn:

Huyền Sa là một người làm nghề đánh cá không biết chữ trước khi trở thành tăng nhân và đạt ngộ Thiền dưới sự hướng dẫn của Tuyết Phong. Sư là một bậc thầy nổi tiếng vào thời xảy ra câu chuyện này. Tuyết Phong hãnh diện vì sư, giơ lá thư cho tăng chúng xem. Tăng chúng mong là sẽ được xem một kiểu viết chữ đẹp, vì vậy khi Tuyết Phong hỏi họ hiểu không, không ai trả lời được. Là một Thiền sư, Tuyết Phong đã nói quá nhiều khi ca ngợi một người học trò cũ của mình.

Thiền giống như ánh chớp. Mắt người không thể thấy được đấu vết của nó. Khi tăng chúng thoáng thấy tờ giấy trắng, thi bài học cho họ hôm đó đã xong, như vậy họ nên cúi đầu lễ bái và lui về thiền đường trước khi ông thầy có cơ hội khoe đứa con đi hoang của mình. Ông tăng đưa thư là một tên ngốc. Ông ta phải hỏi thư trả lời, thay vào đó ông ta tường trình cảnh Thiền vô vị kia với Huyền Sa để sư phải ra tay cứu giúp tình cảnh gia đình bằng câu nói, “Ông già của tôi lẩm cẩm rồi.” Toàn bộ dấu vết của suy nghĩ đã được quét sạch với tờ giấy trắng lãng quên.

Ngày nay con người dùng đài phát thanh và vô tuyến truyền hình để gửi thông điệp đi khắp thế giới, nhưng vì con người không có Thiền nên dùng cách tuyên truyền vì những mục đích vị kỷ, gieo rắc thù hận và sợ hãi, vì thế nhân loại bất an cả ngày lẫn đêm. Có phải con người vẫn còn là đứa con đi hoang của trời hay không? Có phải nó đang đi vào sự già nua lẩm cẩm của văn minh hay không? Không. Nó chỉ uống thuốc ngủ quá liều và đang bị ác mộng khuấy động.

⚡️

TẮC THỨ 50: NGHĨA TRUNG THUYẾT PHÁP

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Khi sư Nghĩa Trung lên tòa thuyết Pháp, một cư sĩ từ thính chúng bước ra và đi từ đông sang tây trước pháp tòa.

Rồi một ông tăng chứng minh Thiền của mình bằng cách đi từ tây sang đông. Nhgĩa Trung nói, “Cư sĩ hiểu Thiền nhưng tăng nhân chẳng hiểu”.

Cư sĩ liền tiến đến gần Nghĩa Trung và nói, “Cảm ơn hòa thượng ấn chứng.” Nhưng trước khi ông ta nói dứt câu đã bị Nghĩa Trung đánh một gậy.

Ông tăng bèn tiến đến Nghĩa Trung và nói, “Xin hòa thượng chỉ dạy,” và cũng bị gậy đánh.

Rồi Nghĩa Trung nói, “Ai sẽ kết thúc công án này?” Không ai trả lời.

Câu hỏi được lặp lại hai lần, nhưng thính chúng chẳng ai đáp.

Sư nói, “Thế thì tôi kết thúc vậy.” Sư ném gậy xuống đất và trở về phòng.

BÌNH

Như Huyễn:

Thiền tăng thuyết Pháp khẩn trương. Càng ít lời càng tốt. Đôi khi một người trong thính chúng hỏi một câu và sư trả lời, những lúc khác có người tiến đến sư và biểu hiện sự đạt ngộ của mình. Sư ấn chứng hay không và bài học chấm dứt.

Sư là người nghe và người nghe là sư. Toàn thể việc làm quan hệ tất cả mọi người có mặt, và không ai được miễn trừ trách nhiệm.

Cả cư sĩ và ông tăng đều chứng minh sự tự do tự tại của mình và phải bảo vệ kho tàng của mình một cách không sợ hãi bất chấp lời thầy. Về cư sĩ, Fugai nói, “Mây sáng viếng hang núi.” Và về ông tăng, thì, “Mưa chiều gõ cửa am.”

Không có sự giả vờ, nhân tạo gì cả, vì vậy có tự do tự tại. Đối với một Thiền sư, cảnh giới của cư sĩ là “cho đến hiện tại vẫn tốt,” nhưng tăng nhân không bao giờ hoàn hảo.

Nghĩa Trung có thể đã nói, “Đường ngọt, tiêu nồng.” Cư sĩ đáng ăn gậy bởi vì ông ta bám vào sự ấn chứng, và ông tăng đáng đòn vì vội vàng muốn đạt ngộ. Chẳng ích dụng gì mà làm lớn chuyện ra nên thính chúng giữ im lặng.

⚡️

Tags :
Share :

Related Posts