Type something to search...

Tiếng Sáo Thép (31 - 40)

  • 07 Nov, 2024

undefined (31 - 40)

TẮC THỨ 31: QUI SƠN GỌI HAI TĂNG CHỨC

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Sư Qui Sơn cho người gọi ông tăng thủ kho, nhưng khi ông tăng thủ kho trình diện thì sư bảo, “Tôi gọi tăng thủ kho, không phải ông.”

Ông tăng thủ kho không nói gì được. Kế đó sư cho người gọi ông tăng thủ tọa.

Nhưng khi ông này đến, sư lại bảo, “Tôi cho gọi ông tăng thủ tọa, không phải ông.” Ông tăng thủ tọa không nói gì được.

BÌNH

Như Huyễn:

Một ngôi chùa phải có năm bảy tăng chức.

Thủ kho lo việc ngân sách của chùa, và thủ tọa quản lý tất cả tăng chúng trong Thiền đường.

Các tăng mới vào thì được giữ trong Thiền đường để thiền định, còn những người lâu năm hơn thì chịu trách nhiệm các địa vị khác nhau trong chùa.

Mặc dù hai ông tăng trong câu chuyện không có sự kiêu hãnh về địa vị của họ, song họ vẫn muốn có sự hướng dẫn riêng nên đã trình diện trước thầy.

Qui Sơn khám phá ra cái tâm nhị nguyên này và trách họ.

⚡️

TẮC THỨ 32: PHẦN DƯƠNG TRỪNG PHẠT HƯ KHÔNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Phần Dương, “Nếu hư không trong mười ngàn dặm không một chút mây, thì hòa thượng nói thế nào?”

Phần Dương đáp, “Tôi sẽ trừng phạt hư không bằng cây gậy này.”

Ông tăng khẩn khoản, “Tại sao hòa thượng trách phạt hư không?”

Phần Dương đáp, “Bởi vì sẽ không có mưa khi chúng ta cần và không có thời tiết tốt khi chúng ta muốn.”

BÌNH

Như Huyễn:

Một Thiền tăng sẽ trừng phạt mọi thứ bằng cây gậy bự của ông ta; ngay cả Phật và các Tổ cũng không thể tránh thoát cú đánh ấy của Thiền.

Cây gậy ấy là cái cán cầm mà Thiền tăng có thể làm rung chuyển cả vũ trụ.

Nếu như trong mạn lưới hoàn hảo của vũ trụ có sự quấy nhiễu nào, Phần Dương cũng sẵn sàng thu xếp mọi sự ổn thõa bằng cây gậy của sư.

Ông tăng là kẻ nằm mộng chỉ mong sống trong sự an lạc không bị gián đoạn trong khi ông ta sùng bái một ông Phật ngốc nghếch được tắm rửa trắng tinh.

Câu đáp đầu tiên của Phần Dường đã cảnh cáo ông tăng, nhưng khi thấy ông tăng không hiểu, sư đã biến câu trả lời của mình thành một câu đơn giản như để cho một đứa bé.

⚡️

TẮC THỨ 33: DƯỢC SƠN VẤN ĐỀ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Sau bài Pháp sáng cho tăng chúng, một ông tăng tiến tới nói với Dược Sơn, “Con có một vấn đề, hòa thượng có giải quyết giúp cho không?”

Dược Sơn đáp, “Tôi sẽ giải quyết vào bài Pháp kế tiếp.”

Chiều hôm đó, khi tất cả tăng chúng đã tụ tập trong pháp đường, Dược Sơn gọi lớn, “Ông tăng nào sáng nay bảo là có vấn đề, hãy lên ngay đây.”

Ngay lúc ông tăng vừa bước tới đứng trước thính chúng, sư rời chỗ ngồi nắm đứng ông tăng, nói, “Chư tăng hãy nhìn đây, người này có vấn đề.”

Rồi sư đẩy ông tăng sang một bên trở về phòng, không cho bài Pháp chiều.

BÌNH

Fugai: Này sư huynh thân mến, tại sao sư huynh lại có cả một kho tàng để thiền định như thế.

Không có vấn đề gì, làm sao người ta thiền định kịch liệt? Chớ có yêu cầu thầy hay ai khác giúp đỡ.

Thầy đã giải quyết vấn đề cho sư huynh sáng nay rồi, nhưng sư huynh không nhận ra đấy thôi.

Chiều nay ông ta lại cho sư huynh một bài pháp bi tráng nữa, ông ta trút hết gan ruột ra rồi.

BÌNH

Như Huyễn:

Ôi là cái bị gạo! Thật là một bài pháp sáng ngời! Tôi ngờ rằng nhiều ông tăng trong thính chúng có hiểu được hay không?

Một thời gian trước đây, một tu sĩ từ Nhật đến viếng tôi tại Thiền đường này.

Ông ta hỏi, “Thiền là gì?”. Tôi đặt một ngón tay của tôi lên môi và thì thầm, “Chúng tôi không nói trong thiền phòng.”

Ông ta đi theo tôi đến thư viện và sắp lặp lại câu hỏi khi nãy. Vì thế tôi lại đặt ngón tay lên môi và nói, “Chúng tôi đọc sách trong im lặng.”

Khi đến nhà bếp, tôi không cho ông ta cơ hội để nói mà tôi nói trước, “Chúng tôi nấu ở đây mà không nói một chữ, và ăn ở đây mà chẳng nói một lời.”

Khi tôi mở cửa bắt tay tiễn ông ta, ông ta giẫy nẩy lên, “Thiền là gì?” và bỏ đi.

⚡️

TẮC THỨ 34: TUYẾT PHONG THẤY PHẬT TÁNH

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Tuyết Phong, “Con hiểu rằng một người ở trong cảnh giới Thanh văn thấy Phật tánh của mình khi thấy mặt trăng ban đêm, và một người ở trong cảnh giới Bồ-tát thấy Phật tánh của mình khi thấy mặt trời ban ngày.

Xin hòa thượng hãy nói làm sao hòa thượng thấy được Phật tánh của mình.”

Để đáp câu hỏi, Tuyết Phong đánh cho ông tăng ba gậy. Ông tăng đến một sư khác là Nham Đầu và cũng hỏi câu ấy.

Nham Đầu tát cho ông ta 3 cái.

BÌNH

Như Huyễn: Nếu một người học Phật giáo để chạy trốn đau khổ của thế gian, y sẽ thấy rằng tất cả đau khổ là do tham, sân và si của chính mình gây ra.

Khi y tìm cách tránh ba loại độc này và muốn làm sạch tâm mình, y có thể thấy Phật tánh của mình vừa đẹp vừa xa xôi như mảnh trăng non.

Nhưng phần lớn thời gian, y không thấy ngay cả điều này. Y ở trong cảnh giới Thanh văn.

Một người khác học Phật giáo để độ tất cả chúng sinh.

Người này nhận ra chân tánh con người, và thấy Phật tánh nơi mọi người, không có ngoại lệ.

Người này thấy mây, mưa và tuyết với nỗi buồn, nhưng không trách mặt trời và ban đêm thì biết các phần khác của trái đất có ánh sáng ban ngày rực rỡ.

Người này biết rằng loài người hủy diệt sự vật một cách ngu xuẩn mà cũng có thể tạo ra và xây dựng sự vật một cách khôn ngoan. Người này là một Bồ-tát.

Những câu nói đầu tiên của ông tăng chẳng có gì sai, nhưng nếu ông ta hiểu các câu nói đó thì tốt hơn ông ta chẳng nên hỏi Tuyết Phong về Phật tánh của sư.

Tuyết Phong đã cố gắng đem ông tăng từ cõi mộng trở lại trần gian với mấy cú đánh bằng gậy.

Nhưng ông tăng lại đem mộng của mình đến Nham Đầu và ông ta cũng nhận được cách đối xử tương tự.

Tôi có thể tưởng tượng ra bộ mặt ngu xuẩn và ngái ngủ của ông ta!

⚡️

TẮC THỨ 35: LỢI TUNG BÀI THƠ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Lợi Tung sống 30 năm trên núi Tử Hồ, viết một bài thơ:

30 năm núi Tử Hồ ta sống

Ngày hai lần ăn đạm bạc nuôi thân

Leo đồi núi trở về am, thân thể dục

Người cùng thời chẳng nhận ra ta.

BÌNH

Như Huyễn: Như con chim bay tự do mà chẳng để lại dấu vết nơi hư không, cũng vậy Thiền tăng nên sống mà không tạo ấn tượng về sự từng trải của mình.

Phật nói, “Và bởi sa môn bên trong an ổn và thanh bình, người ta kính trọng sa môn. Do đó, sa môn nên tránh tất cả những vướng mắc phiền toái.

Vì giống như cái cây trong sa mạc hoang liêu, là nơi tất cả chim và khỉ cùng nhau tụ tập, cũng như vậy sa môn là nơi nhiều bạn bè và người ngưỡng mộ vây quanh làm trở ngại”.

Lão Tử nói, “Do đó, để tránh những đối nghịch, thánh nhân lo liệu việc của mình mà không làm gì cả, truyền dạy người mà không dùng lời nói.

Thánh nhân khiến cho sự việc xảy ra mà không hành động hay tuyên bố quyền sở hữu, hay mong được báo đền, do vậy năng lực của thánh nhân không bao giờ bị nguy hiểm.”

Vị sư trong câu chuyện của chúng ta muốn sống theo cách này. Bất cứ ai hoàn thành việc lớn cũng có nợ với những người đồng thời vô danh.

Một ông tăng sống trên núi ba chục năm, ăn uống đạm bạc và leo đồi leo núi. Cuộc sống của ông ta không có lỗi lầm; ông ta hài lòng.

Đời sống hằng ngày của ông ta thuyết Pháp không ngừng. Ông ta còn quan tâm đến những người đồng thời để làm gì?

BÌNH

Genro:

Khi hứng thú thì đi leo núi

Khi an nhàn làm bạn với mây

Trong cô liêu hưởng niềm vui vô tận

Thiền tăng nào được thú vui này?

⚡️

TẮC THỨ 36: SAU KHI CHẾT GẶP NHAU Ở ĐÂU

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Đạo Ngô viếng sư đệ bị bịnh là Vân Nham. Người viếng hỏi, “Nếu sư đệ chết và chỉ để lại cái xác ở đây thì tôi có thể gặp sư đệ ở đâu?”

Ông tăng bị bịnh đáp, “Tôi sẽ gặp sư huynh ở chỗ không có gì sinh và không có gì tử”.

Đạo Ngô không hài lòng với câu đáp, nói, “Sư đệ nên nói rằng không có chỗ nào không có gì sinh và không có gì tử, và chúng ta chẳng cần thấy nhau chi hết”.

BÌNH

Như Huyễn: Cả Đạo Ngô lẫn Vân Nham đều đắc Pháp nơi Dược Sơn, về sau họ trở thành những bậc thầy nổi tiếng.

Câu chuyện dật sử này thuộc vào lúc họ còn thanh niên; ít nhất cũng là khi họ còn trẻ trong Thiền.

Đạo Ngô không nên quấy rầy người sư đệ bị bịnh bằng một câu hỏi như thế.

Tất cả chúng ta không lúc nào là không tiến gần đến cái chết trong thế giới vô thường (anikka) này.

Người khỏe cũng như người bệnh mỗi ngày đều giáp mặt với cái chết trong thế giới đau khổ (dukkha) này.

Người tu sĩ Phật giáo nhận ra chân lý vô ngã (anatta), thì y không bao giờ cảm thấy khổ và sống ở bên kia thế giới vô thường.

Phi lý! Tại sao không để cho người bệnh được yên?

Vì chẳng có linh hồn nào “ra đi” vào lúc chết, nếu khách đến thăm không thỏa mãn với cái xác chết, y nên tìm bàn tay ấm áp nơi một ông tăng khác mà bắt tay để được hài lòng.

Câu đáp của ông tăng bị bệnh không tệ, nhưng vẫn còn dấu vết của định đề. Nếu tôi là ông tăng bị bịnh, tôi sẽ đáp, “Đừng lo, sư huynh.

Đệ sẽ cùng huynh thiền định chừng nào huynh còn sống.” Sự sửa sai của Đạo Ngô cho câu đáp của ông tăng bị bịnh chỉ là hí luận.

Vân Nham nên cười và chúc sư huynh ngủ ngon.

BÌNH

Genro:

Đạo Ngô mất hết trơn và Vân Nham được tất cả. Vân Nham nói, “Đệ sẽ gặp huynh,” còn Đạo Ngô thì nói, “Chúng ta chẳng cần thấy nhau chi hết.”

Họ chẳng cần thấy nhau, do đó, họ gặp nhau. Họ gặp nhau bởi vì họ không cần thấy nhau.

Tình bạn vượt thân sơ

Gặp, không gặp chẳng khác.

Mai già nở đầy hoa

Cành nam xuân trọn vẹn

Cành bắc trọn vẹn xuân

⚡️

TẮC THỨ 37: TUYẾT PHONG THÁNH TÍNH

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Tuyết Phong, “Có thể chạm thánh tính được chăng?”.

Tuyết Phong đáp, “Chỉ kẻ khờ chẳng thể chạm được”.

Ông tăng lại hỏi, “Nếu y quên mình thì có thể chạm được chăng?”.

Tuyết Phong đáp, “Nếu y còn quan tâm thì chạm được”.

Ông tăng hỏi tiếp, “Lúc ấy y thế nào?”

Tuyết Phong đáp, “Con ong chẳng bao giờ trở lại cái tổ đã bỏ”.

BÌNH

Như Huyễn: Có một công án minh họa câu chuyện này. Một học nhân hỏi thầy, “Thế nào là Thiền?” Sư đáp, “Thân”. “Thân” là chữ Hán có nghĩa là người thân như “cha, mẹ hay cái ta của một người,” khi dùng như một danh từ; khi được dùng như một tính từ nó có nghĩa là gần gũi nhất hay quen thuộc nhất; và khi dùng như một động từ, nó có nghĩa là thương yêu, luôn thấy nhau, biết rõ ràng, hay hiểu thấu suốt.

Ông tăng trong câu chuyện này nhắm chạm thánh vật như một Sufi* nhìn người yêu dấu của mình.

Ông tăng tiến gần chân lý một cách bình tĩnh với hai bàn tay trắng.

Thái độ của ông tăng đủ ngây thơ, nhưng ông ta phải bước xuống khỏi cái tháp ngà của mình. Nhà tu khổ hạnh Sufi có thể cảm biết người yêu dấu, nhưng người Phật giáo chân chính tự biến mình thành thánh tính.

Tuyết Phong đã chứng minh Thiền của sư bằng cách nói, “Con ong chẳng bao giờ trở lại cái tổ đã bỏ”.

Giống như thái dương hệ xuyên qua bầu trời, tâm của một Thiền tăng cũng đi từ vĩnh cửu này sang vĩnh cửu khác mà không bám vào vật gì.

Tâm lý học quan sát các hiện tượng tâm trí, và nhận thức luận bàn về lý thuyết nhận thức.

Nhưng đây là chỉ là hình bóng của tâm, không phải chính cái tâm. Khi một người thấy chính cái tâm thì sự tìm kiếm của y liền chấm dứt.

Lúc ấy y có thể “chạm thánh tính” mà không bị ràng buộc gì, quên tất cả ngôn từ và ngay cả sự vô ngã của y.

Y trở thành “con ong trong cái tổ mới,” tự do tự tại. Sự sống của y là Thiền hay “Thân”.

⚡️

TẮC THỨ 38: RA ĐI VÀ TRỞ LẠI

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi thầy, “Hòa thượng nghĩ sao về một ông tăng từ chùa ra đi và chẳng bao giờ trở lại?” Sư đáp, “Y là con lừa vô ơn”.

Ông tăng lại hỏi, “Hòa thượng nghĩ sao về một ông tăng từ chùa ra đi nhưng lại trở lại?” Sư đáp, “Y nhớ đến lợi ích.”

BÌNH

Như Huyễn:

Khi một tăng nhân bước vào một ngôi chùa, ông ta phát nguyện sẽ ở lại chùa cho đến khi đạt ngộ.

Nếu ông ta bỏ chùa đi ra thì đã tự mình hoàn thành rồi, trong trương hợp này, ông ta không còn việc gì để ở lại chùa.

Tuy nhiên, Thiền không có những người tốt nghiệp [như ở trường học!].

Nếu một Thiền tăng nghĩ rằng mình đạt một cái gì đó thì y đã đánh mất Thiền của mình, và y cần phải ở lại chùa.

Sau nhiều năm ở đó, nếu y được một chùa nào khác mời dạy thì y có thể đi, nhưng y phải trở lại, như một luật lệ qui định.

Những tăng nhân trẻ tuổi không chịu nổi sự nghiêm khắc của một Thiền sư, họ rời bỏ chùa.

Họ là những con lừa vong ân, vì vậy mà không bao giờ trở lại với thầy cũ.

Nếu một người nhận Pháp ở một ngôi chùa thì ông thầy trở thành người cha và ngôi chùa là nhà của y.

Làm sao y có thể quên mọi sự vật chung quanh đã từng khởi hứng sự giác ngộ?

Y luôn luôn nhớ đến ích lợi và trở về nhà ngay khi có cơ hội đầu tiên.

BÌNH

Genro:

Nếu có ai hỏi tôi, “Ông nghĩ thế nào về một ông tăng từ chùa ra đi mà không bao giờ trở lại?”

Tôi sẽ nói, “Y là một thằng ngu.” Và câu hỏi, “Ông nghĩ gì về một ông tăng từ chùa ra đi và chỉ trở về?”

Tôi sẽ đáp, “Y là một con cáo đang chạy trốn”.

BÌNH

Như Huyễn:

Genro cho các tăng nhân tự do đến hay đi như ý họ muốn.

Không một Thiền sư nào ép buộc các tăng nhân phải ở lại chùa mình, nhưng một ông tăng bỏ thầy này đến thầy khác thì thường là một kẻ ngu bởi vì y chìm ngập trong sự phán đoán thô bạo không công bình cho cả ông thầy và chính y.Trong Thiền đường này, tôi không bao giờ quan tâm sự đến và đi của bất cứ người nào.

Một người khách thường xuyên có thể nghĩ rằng y thuộc về chỗ này. Y nghĩ đúng, nhưng nếu y không đến nữa, tôi không nhớ nhung y.

Một người lạ đến viếng ngôi nhà khiêm tốn này có thể cảm thấy nhờm tởm sự kỳ quái của sự vật chung quanh và không trở lại nữa.

Tôi tôn trọng quan niệm của y, như y không thể bỏ tôi đi bởi vì lời nguyện của tôi là độ tất cả chúng sanh, kể cả y.

Nếu có ai hỏi, “Ông nghĩ thế nào về một người bạn không đến đây nữa?” Tôi sẽ trả lời, “Tôi sẽ gặp anh ta trên đường phố”.

Và đối với câu hỏi, “Ông nghĩ thế nào về một người bạn trở lại chỗ này?” Tôi đáp, “Tôi sẽ nói, ‘Anh mạnh giỏi không? Gặp anh tôi vui lắm.”

⚡️

TẮC THỨ 39: BA LẦN GỌI

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Quốc sư Huệ Trung, là thầy của hoàng đế Trung hoa, gọi thị giả, “Ứng Chơn!”

Ứng Chơn đáp, “Dạ”.

Để trắc nghiệm đệ tử, Quốc sư lại gọi, “Ứng Chơn!”

Ứng Chơn đáp, “Dạ”.

Rồi Quốc sư gọi lần thứ ba, “Ứng Chơn!”.

Ứng Chơn lại, “Dạ”.

Quốc sư nói, “Ta nên xin lỗi con về chuyện gọi con, nhưng thực ra con nên xin lỗi ta”.

BÌNH

Như Huyễn: Quốc sư Huệ Trung đã ở ẩn trên núi 40 năm, dấu mình khỏi thế gian, nhưng cuối cùng bị hoàng đế khám phá và bắt phải có học trò đội mũ vua.

Vào lúc câu chuyện dật sử này xảy ra, sư đã hơn trăm tuổi và đồ đệ, Ứng Chơn, là một Thiền tăng đã được rèn luyện kỹ lưỡng, vẫn còn trẻ, nhưng có thể thọ nhận đèn Pháp từ thầy.

Khi sư gọi, “Ứng Chơn!” và Ứng Chơn đáp, “Dạ,” thì cuộc đối thoại Thiền đã xong.

Quốc sư Huệ Trung là một lão nhân và muốn biết chắc sự thành tựu của đệ tử.

Ứng Chơn hiểu điều này đã kiên nhẫn trả lời.

Ông ta đang mong lời bình phẩm của thầy và sung sướng được nghe.

Thật là một bức tranh đẹp của hiểu biết và hài hòa.

Khi một Thiền sư gọi tên đệ tử, có nghĩa là ông ta muốn gõ cánh cửa bên trong Phật tánh của người đệ tử.

Nếu ông thầy có chuyện trao đổi với người đệ tử, thì ông ta sẽ chẳng gọi lần thứ nhì.

Trong Thiền, thầy cũng như trò chẳng ai lãng phí thì giờ, vật liệu, lời nói, ý nghĩ hay năng lực.

BÌNH

Genro: Ông thầy già đủ từ tâm và chú học trò trẻ cũng vô ngã mà phục vụ.

Tại sao phải xin lỗi? Bởi vì nhân sự chẳng có gì chắc chắn.

Người ta không nên đặt mình vào một khuôn mẫu đời sống nào cả nếu như muốn sống tự do.

⚡️

TẮC THỨ 40: KHE SUỐI KHÔ

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Thuyết Phong, “Khi khe nước Thiền xưa khô không còn giọt nào thì con có thể thấy cái gì ở đó?”

Tuyết Phong đáp, “Có nước không đáy ông không thể thấy được”.

Ông tăng lại hỏi, “Làm sao có thể uống được nước đó?” Tuyết Phong đáp, “Y sẽ không dùng miệng mà uống”.

Sau đó, ông tăng đến Triệu Châu và kể lại cuộc đối thoại trên.

Triệu Châu nói, “Nếu y chẳng uống được bằng miệng thì cũng chẳng uống được bằng mũi”.

Lúc ấy ông tăng lặp lại câu hỏi đầu tiên, “Khi khe nước Thiền xưa khô không còn giọt nào thì con có thể thấy cái gì ở đó?

Triệu Châu đáp, “Nước ấy đắng như khổ qua”.

Ông tăng hỏi, “Nhỡ có người uống phải thì sao?”

Triệu Châu nói, “Y tất mất mạng”.

Khi Tuyết Phong nghe được cuộc đối thoại này liền hướng về Triệu Châu lễ bái và nói, “Triệu Châu là ông Phật sống, từ đây tôi không thể đáp các câu hỏi trong thiên hạ được nữa”.

Từ đó về sau, hễ có người mới đến Tuyết Phong liền gửi đến Triệu Châu.

BÌNH

Như Huyễn: Bao lâu còn có chút dấu vết Thiền, thì khe suối ấy chưa thật khô.

Mỗi người đến đây mang theo chút màu sắc đặc biệt của mình thêm vào dòng suối.

Khi Triệu Châu dùng chữ “mất mạng”, sư muốn nói là mất cái ta và nhập Niết bàn.

Một người cố gắng trở thành thánh nhân phải vượt qua nhiều gian khó, và ngay đến lúc cuối cùng y cũng phải làm dịu nỗi khát của mình bằng cay đắng.

Nếu quí vị không quan tâm đến những chướng ngại này, tôi nói, “Hãy đến với nó.”

⚡️

Tags :
Share :

Related Posts