Type something to search...

Tiếng Sáo Thép (21 - 30)

  • 07 Nov, 2024

undefined (21 - 30)

TẮC THỨ 21: PHẦN DƯƠNG CÂY GẬY

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Phần Dương giơ cây gậy lên và nói với tăng chúng, “Ai thấu suốt được cây gậy này thì việc hành cước cầu Thiền đã xong.”

BÌNH

Như Huyễn: Thiền tăng thường du hành bằng chân, đôi khi phải leo những ngọn núi không có lối mòn và vượt qua những dòng sông không biết tên, họ đem theo cây gậy dài cao hơn họ. Phần Dương đã hành cước nhiều năm khi sư còn trẻ, viếng hơn bảy mươi bậc thầy, vì vậy đã giữ cây gậy của mình làm vật kỷ niệm. Trong câu chuyện sư dùng cây gậy bày tỏ Thiền của sư với tăng chúng. Nó chẳng phải là vật kỷ niệm. Nó chẳng phải là một biểu tượng. Nó là cái gì? Quí vị không thể thấy nó bằng mắt. Quí vị không thể nắm nó bằng tay. Quí vị không thể ngửi nó bằng mũi. Quí vị không thể nghe nó bằng tai. Quí vị không thể nếm nó bằng lưỡi. Quí vị không thể hình thành nó bằng ý nghĩ. Đây, nó đây!

BÌNH

Genro: Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai nhập vào Phật giới khi các ngài hiểu cây gậy này. Tất cả chư Tổ đời này sang đời khác thành tựu qua cây gậy này. Lời Phần Dương nói đúng; không ai phủ nhận được. Tuy nhiên, tôi phải nói rằng ai hiểu được cây gậy sẽ bắt đầu hành cước thay vì chấm dứt hành cước.

Tích trượng dài bảy thước!/ Bất cứ ai hiểu được/ Có thể nuốt đất trời./ Kẻ đi nam hay bắc

Đều ở trong cửa ta

Trước khi rời cửa này,

Thì phải dứt hành cước

Cao Đình bên kia sông

Lễ Đức Sơn vẫy quạt

Ngay đó Cao Đình ngộ

Huyền Sa ráng leo núi

Để gặp thầy của mình,

Bị té chân chảy máu

Ngay lúc đó liền ngộ,

Và nói rằng “Đạt Ma

Chẳng có đến Trung hoa

Và kẻ thừa kế Tổ

Chưa từng đến Ấn độ.”

⚡️

TẮC THỨ 22: BA LĂNG MẬT TRUYỀN

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Ba Lăng, “Câu mật truyền đông tây có nghĩa là gì?” Ba Lăng vặn hỏi, “Đâu chẳng phải là lời dẫn từ thơ của Tam Tổ?” Ông tăng đáp, “Dạ, không phải. Đó là lời của Thạch Đầu.” Ba Lăng nhận lỗi, “Ấy là lỗi của tôi. Tôi già nua lẩm cẩm vậy.”

BÌNH

Ba Lăng là người thừa kế Vân Môn, tổ thứ mười ba sau Bồ-đề Đạt-ma. Thạch Đầu là tổ thứ tám và bài thơ Tham Đồng Khế * của sư cũng nổi tiếng trong giới tăng nhân như bài Tín Tâm Minh* của tổ thứ ba vậy. Không một ông tăng hay sư nào có thể nhầm lẫn bài này với bài kia, nhưng Ba Lăng muốn nghe lời riêng của ông tăng, là người có thể nhận truyền ngay lúc ấy, chẳng phải đông tây gì cả mà là ngay lúc đó.

Tìm kiếm câu nói quí vị đã nghe trích dẫn từ sách nào để làm gì? Khi câu hỏi là của quí vị thì quí vị cũng sẽ tìm ra câu trả lời.

⚡️

TẮC THỨ 23: TUYẾT PHONG CHẶT CÂY

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Tuyết Phong và đệ tử là Trường Sinh cùng vào rừng chặt cây. Sư cảnh giác, “Búa chưa tới lõi thì chớ ngừng.” Đệ tử đáp, “Nhưng con đã chặt đứt mất rồi.” Tuyết Phong nói tiếp, “Các sư ngày trước truyền pháp cho đệ tử bằng tâm truyền tâm. Còn ông thì thế nào?” Trường Sinh ném búa xuống đất, nói, “Đã truyền xong.” Tuyết Phong nhặt gậy lên đánh Trường Sinh, đệ tử quí của sư.

BÌNH

Như Huyễn: Tăng nhân là những người hợp tác đích thực, dù thiền định trong thiền đường hay cùng nhau làm các công việc hằng ngày. Chắc chắn hai người này đang mang ngọn đèn Pháp. Nhiều người Tây phương tìm chân lý, đến viếng hết các lớp học triết rồi lại đến học thiền định dưới sự hướng đẫn của các ông thầy Đông phương, nhưng có được bao nhiêu người trong bọn họ chặt cây đến lõi? Họ thường chỉ cào tróc lớp vỏ ngoài và đợi người khác chẻ thân cây cho họ. Thực là con nít nhỏng nhẻo!

Trường Sinh đã đạt Thiền trước khi thầy của sư dứt lời. Tuyết Phong rất hài lòng. Nhưng sau khi ông tăng ném cái búa xuống đất, tại sao lại nói, “Đã truyền xong”? Ông ta thiệt là đáng đòn.

BÌNH

Genro:

Trường Sinh có búa tốt

Đủ bén để bửa đôi

Thân cây chỉ một nhát

Tuyết Phong dùng tích trượng

Làm cho lưỡi thêm bén

⚡️

TẮC THỨ 24: NAM TUYỀN TUỔI PHẬT

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm Nam Tuyền trì hoãn ngồi vào chỗ của sư trong phòng ăn. Hoàng Bá, là đệ tử thủ tọa, ngồi vào chỗ của thầy thay vì ngồi vào chỗ của mình. Nam Tuyền bước vào, nói, “Chỗ đó thuộc về ông tăng già nhất trong chùa này. Theo Phật giáo thì ông bao nhiêu tuổi?” Hoàng Bá đáp, “Bằng tuổi Phật Tì-bà-thi.” Nam Tuyền nói, “Vậy thì ông là cháu nội tôi. Xuống đi.” Hoàng Bá trả lại chỗ cho thầy, mà ngồi vào chỗ kế chỗ dành cho ông.

BÌNH

Như Huyễn:

Có lẽ tăng chúng trong chùa bám vào tư cách của thầy và vị tăng thủ tọa. Mỗi tăng nhân phải giữ chỗ ngồi của mình và là thầy của tình thế bất chấp tuổi tác hay địa vị, vì vậy Hoàng Bá muốn phá vỡ sự ràng buộc này của tăng chúng. Một Phật tử tính tuổi của mình từ ngày thọ giới qui y và một số tăng nhân rất hãnh diện về tuổi đạo của họ. Bất kể tuổi của Phật Tì-bà-thi là bao nhiêu, thời gian vẫn là có giới hạn và hữu cùng. Nam Tuyền sống trong thường hằng vô thủy vô chung, vì vậy sư bảo Hoàng Bá xuống đi. Nếu Hoàng Bá trở lại chỗ dành cho mình, tức là tự mâu thuẫn. Hoàng Bá ngồi vào một chỗ khác, như vậy sư đã nắm lại tình thế.

⚡️

TẮC THỨ 25: NHAM ĐẦU THÙNG NƯỚC

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Ba ông tăng Tuyết Phong, Khâm Sơn và Nham Đầu gặp nhau trong vườn chùa.

Tuyết Phong thấy một thùng nước liền chỉ.

Khâm Sơn nói, “Nước trong, trăng soi bóng”

Tuyết Phong nói, “Chẳng phải nước, chẳng phải trăng”

Nham Đầu lật nhào thùng nước.

BÌNH

Như Huyễn: Khi Tuyết Phong chỉ thùng nước, sư ám chỉ Phật thân nhuần khắp thế giới và Khâm Sơn cũng ở trong cùng một tâm thái như trong bài kệ xưa:

Trăng Bồ-tát

Trong và mát

Trôi bồng bềnh

Trong hư không

Tâm chúng sinh

Nếu tự tĩnh

Như hồ yên

Thì ảnh đẹp

Của Bồ-đề

Sẽ hiện ra

Ngay ở đó

Không thời gian

Tuyết Phong nhấn mạnh vào thể tánh hơn là hiện tượng, khi sư nói, “Chẳng phải nước, chẳng phải trăng.” Nham Đầu lật nhào thùng nước xóa bỏ tất cả ngay cả sự phủ định của Tuyết Phong. Thiền chẳng phải triết học cũng chẳng phải tôn giáo.

BÌNH

Genro: Trong vườn liễu và hoa

Bên cạnh tháp nhạc đẹp

Hai khách thưởng thức rượu

Tay nâng chiếc tách vàng

Dưới ánh trăng nhợt nhạt

Họa mi bỗng cất cánh

Từ trên một cành cây

Rung sương rơi từ lá

BÌNH

Fugai: Họa mi? Không! Phượng hoàng!

⚡️

TẮC THỨ 26: TUYẾT PHONG CHÍNH XÁC

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Tuyết Phong làm đầu bếp trong chùa của Động Sơn. Sư ngày nào cũng chuẩn bị bữa ăn sáng rất đúng giờ. Một hôm Động Sơn hỏi, “Cái gì khiến ông giữ giờ giấc chính xác như vậy?”

Tuyết Phong đáp, “Con nhìn trăng sao.” Động Sơn hỏi vặn, “Nếu trời mưa hay sương mù thì ông làm thế nào?” Tuyết Phong im lặng.

BÌNH

Như Huyễn:

Vào thời của Tuyết Phong không có đồng hồ báo giờ, nhưng tăng chúng thức dậy vào lúc bốn giờ sáng để thiền định khoảng một tiếng đồng hồ trước bữa ăn.

Mặc dù Tuyết Phong chuẩn bị bữa điểm tâm trước khi có ánh nắng ban ngày, tiếng bảng báo giờ của Tuyết Phong luôn luôn không trễ không sớm. Khi Động Sơn hỏi câu hỏi ấy là sư ca ngợi ông tăng đầu bếp, và câu trả lời của Tuyết Phong rất trơn tru không có dấu vết của kiêu hãnh. E rằng các tăng nhân khác hiểu lầm, Động Sơn lại hỏi, “Nếu trời mưa hay sương mù thì sao?” Có thể tăng chúng đang suy nghĩ rằng Tuyết Phong nhờ vào trăng sao mà giữ đúng giờ giấc. Ngày nay chúng ta có đồng hồ báo giờ và các thiết bị khác nhắc giờ giấc cho chúng ta, nhưng chúng ta không làm việc đúng giờ, trừ phi chúng ta trau dồi Thiền của mình và làm chủ tình thế. Chúng ta phải lái thời gian mà không để thời gian lái chúng ta. Động Sơn muốn Tuyết Phong chia xẻ bí mật của mình với các tăng nhân khác. Quí vị có nghĩ rằng họ hiểu không?

BÌNH

Genro: Nếu Động Sơn hỏi tôi sẽ làm gì nếu trời mưa hay sương mù, thì tôi sẽ trả lời rằng tôi nhìn trời mưa và thưởng thức sương mù

BÌNH

Fugai: Xin lỗi thầy nhé, nhưng tôi cảm thấy thích dùng kéo cắt lưỡi thầy. Tuyết Phong đã trả lời rồi.

⚡️

TẮC THỨ 27: NGƯỠNG SƠN NGÀN MUÔN CẢNH

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Ngưỡng Sơn hỏi Qui Sơn, “Khi ngàn muôn cảnh đến thì hòa thượng làm thế nào?” Qui Sơn đáp, “Vật xanh thì chẳng vàng. Vật dài thì chẳng ngắn.

Mỗi vật tự có chỗ riêng. Can hệ gì đến ta chứ?” Ngưỡng Sơn cúi đầu bái tạ.

BÌNH

Như Huyễn: Ngưỡng Sơn học Thiền dưới sự hướng dẫn của Qui Sơn, về sau nhận Pháp và trở thành người thừa kế.

Đây là một trong hằng trăm câu chuyện xảy ra trong những năm tu tập đó.

Khi một người qui định và thọ nhận một hình ảnh của tâm trí, nó trở thành một cảnh (hay vật) đối với y.

Phật giáo xếp loại các tâm cảnh chung với trần cảnh của thế giới năm giác quan nhận biết. Nếu vui và buồn đến cùng một lúc, nếu sướng và khổ tụ tập quanh mình thì làm thế nào điều khiển chúng.

Nếu một người phán xét được và mất, thích và không thích cùng một lúc thì thực ra y nên làm gì?

Người học Thiền nên cố gắng mỗi lúc chỉ làm một việc thôi. Nếu quí vị có ai lục tìm một bài xã luận trong bàn giấy của mình, thì nên đóng cái ngăn kéo đã lục rồi mới mở ngăn kéo kế tiếp.

Mỗi ngăn kéo chứa một cái gì đó quan trọng, nếu bài xã luận không có ở đó thì những thứ khác chẳng liên quan gì đến mình vào lúc đó.

Quý vị có để mở tất cả các ngăn kéo hay đổ tất cả các thứ xuống sàn nhà không? Nhưng đó chính là điều nhiều người làm với tâm cảnh của họ.

Những người ăn kẹo trong khi đọc hay nghe đài phát thanh trong lúc viết, theo tinh thần Thiền, chắc chắn là họ đã lạc bước.

⚡️

TẮC THỨ 28: LONG NHA CẢNH GIỚI VÔ THƯỢNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một ông tăng hỏi Long Nha, “Các sư ngày xưa đạt được gì khi các ngài nhập vào cảnh giới vô thượng?”

Long Nha đáp, “Họ giống như kẻ trộm lẻn vào một căn nhà trống.”

BÌNH

Như Huyễn:

Có lẽ ông tăng này nghĩ các sư có một cái gì đó mà những người khác không có. Thực ra họ không có cái gì mà người khác không có.

Câu trả lời của Long Nha có vẻ kỳ quặc, nhưng đó là cách để cư xử ông tăng này.

Ông ta tham hết công án này đến công án khác, cố trở thành một bậc sư và hỏi về công án tối hậu như là một cuộc khảo hạch cuối cùng.

Ông ta đã không kiên nhẫn, thay vì phải đi từng bước.

Với tâm bị quấy nhiễu thì dù ông có muốn nằm mộng đến cảnh giới vô thượng cũng không thể được, mà chỉ tham lam chụp lấy bất cứ thứ gì chợt thấy, vì thế Long Nha đã bỏ ông ta vào một căn nhà trống.

Một người khỏe mạnh không bao giờ nghĩ đến bệnh tật, và một người bị bệnh phải tranh đấu để được khỏe mạnh.

Một người có lần được hỏi bên trong có cái gì, người ấy nhìn tỏ ra rất trầm tĩnh và hài lòng.

Đến phiên anh ta hỏi lại người hỏi kia thì y nhìn tỏ ra rất bất an và không hài lòng.

Một người bên trong không có gì thì luôn luôn hạnh phúc, nhưng một người có nhiều dục vọng thì không bao giờ thoát được cảnh khốn đốn.

BÌNH

Genro:

Y đi trên kiếm bén

Lòng ăn cắp chẳng còn

Trên dòng sông đóng băng

Y vào căn nhà trống

Y trở về quê cũ

Thấy nắng đẹp ban mai

Nhìn trăng sao gần gũi

Y thong dong bước đi trên đường phố

Đón gió hiền dịu nhẹ mơn man

Cuối cùng y mở cửa kho tàng

Đến khi ấy, y chẳng còn mộng nữa

Xưa nay y vẫn có kho tàng này

⚡️

TẮC THỨ 29: NGƯỠNG SƠN CHÀO THẦY

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Lúc hết thời gian an cư 100 ngày mùa hạ, Ngưỡng Sơn đón chào thầy là Qui Sơn, “Con chẳng thấy hòa thượng quanh đây suốt cả mùa hè.”

Qui Sơn hỏi, “Ông đã làm gì?”

Ngưỡng Sơn đáp, “Con đã chăm sóc một miếng đất và sản xuất được một giỏ đầy hạt kê.”

Qui Sơn phê bình, “Ông đã không lãng phí mùa hè này.”

Ngưỡng Sơn hỏi lại, “Hòa thượng đã làm gì mùa hè này?” Vị tăng già đáp, “Ta đã ăn mỗi ngày một bữa trưa và ngủ vài giờ sau lúc nửa đêm.” “Vậy thì hòa thượng đã không lãng phí mùa hè này”. Ngưỡng Sơn nói xong liền thè lưỡi ra.

Qui Sơn nhận xét, “Ông nên tự trọng một chút”.

BÌNH

Như Huyễn: Chùa của Qui Sơn có khoảng một ngàn năm trăm tăng chúng, đa số họ ở trong thiền đường ngày đêm ngồi thiền, trong khi một số chịu trách nhiệm lo việc nhà bếp và một số khác làm việc đồng áng.

Mỗi người làm phần việc của mình để làm vinh quang Phật-Pháp.

Phần của Ngưỡng Sơn là chăm sóc miếng đất để sản xuất một giỏ đầy hạt kê, và Qui Sơn sống cuộc sống của một tăng nhân lý tưởng.

Trong toàn thể gia đình Thiền, không ai lãng phí mùa hè của mình.

Theo cái nhìn thế gian thì đây là một cảnh chào mừng giữa thầy và trò với sự đánh giá lẫn nhau, nhưng trong Thiền người học trò vẫn còn cho thấy dấu vết của sự chứng đạt.

Anh ta còn lảng vảng với cái bóng của được và mất.

Anh ta đã nhận ra lời nói sai của mình trước khi chấm dứt, ông thầy, vì nhận thấy những gì đang diễn ra trong tâm người học trò, nên đã trách mắng y.

BÌNH

Genro:

Trong chùa Qui Sơn xưa

Không ai phí thì giờ

Mỗi tăng tôn vinh Pháp

Làm việc trong im lặng

Không kể được hay mất

Các chim chân sợi đỏ

Các sợi ấy vẫn còn

Dù bao nhiêu hấp dẫn

Các tăng không được bám

Ngay cả sự tự do

Một anh thè luỡi ra

Để khỏi bị một gậy

Được từ bi ban cho

Dứt thân tâm các sợi

⚡️

TẮC THỨ 30: THÁI TÔNG NẰM MỘNG

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Hoàng đế Thái Tông đời nhà Tống một đêm nằm mộng thấy một vị thần hiện ra khuyên vua phát tâm cầu giác ngộ vô thượng.

Sáng hôm sau Hoàng đế hỏi vị Tăng lục, “Làm sao trẫm có thể phát khởi tâm cầu giác ngộ vô thượng?”

Vị Tăng lục không lời để đáp.

BÌNH

Như Huyễn:

Hoàng đế phải phát tâm cầu đạt điều đã mộng thấy.

Vị tăng lục biết có trả lời nhà vua cũng vô ích, chừng nào nhà vua còn chưa biết cái gì ở bên kia nhị nguyên, nhưng sự im lặng của ông ta không đủ sức sáng đi vào tâm người mộng.

Giác ngộ vô thượng là gì? Làm sao người ta biết rằng mình đang phát tâm cầu giác ngộ vô thượng?

Khi Phật giác ngộ, ngài quan tâm đến tất cả chúng sanh với tâm bi sâu xa, ngài đã tìm phúc lợi và giải thoát.

Phật đã thành tấm gương chơn tánh của giác ngộ vô thượng.

4 lời nguyện vĩ đại phát khởi tâm cầu và chứng thực sự giác ngộ ấy.

BÌNH

Genro: Nếu tôi là vị tăng lục thì tôi sẽ đáp, “Tâu hoàng thượng, hoàng thượng nên hỏi vị thần trong mộng của hoàng thượng ấy.”

BÌNH

Fugai:

# Hoàng đế vẫn còn trong mộng khi hỏi vị tăng lục.

Bầy tôi nên chuẩn bị một cái thau rửa mặt bằng ngọc màu lục, một tấm vải trắng như tuyết và nước có chút đá lạnh để rửa mặt cho nhà vua.

Phải bãi chức vị tăng lục vì đã không giúp được nhà vua lúc nào cũng tỉnh táo.

Khi nhà vua hỏi, ông ta đã không nói được một tiếng, bê trễ bổn phận, và vô tích sự.

# Tôi không biết thầy tôi [Genro] có từng quen với vị thần mà hoàng đế nói hay không. Dù có quen thì lời khuyên của ông cũng đã muộn quá rồi.

⚡️

Tags :
Share :

Related Posts