Tiếng Sáo Thép (11 - 20)
- 07 Nov, 2024
undefined (11 - 20)
TẮC THỨ 11: TRIỆU CHÂU TRÙM ĐẦU
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Một ông tăng vào phòng của Triệu Châu để tham thiền và thấy sư đang ngồi đầu trùm trong y.
Ông tăng rút lui. Triệu Châu nói, “Huynh đệ, chớ nói là tôi không nhận huynh đệ tham thiền đấy nhé”.
BÌNH
Như Huyễn:
Tham Thiền là hợp nhất với Thiền. Quí vị trở thành Thiền và Thiền trở thành quí vị.
Trong tông Lâm Tế, khi một học nhân vào phòng thầy để nhận sự hướng dẫn riêng thì gọi là tham thiền để phân biệt với tọa thiền tức là ngồi thiền một mình hay với những người khác. Trong tông Tào Động, khi nói tham thiền tức là ngồi thiền, như thế họ hiến mình cho thiền định nhưng hiếm khi được cho hay nhận sự hướng dẫn.
Chỗ này không thuộc Lâm Tế cũng không thuộc Tào Động và ông tăng này không bao giờ nhận mình là sư.
Khi quí vị đến và thành khẩn thiền định, tôi sẽ tham gia với quí vị trong Thiền đường.
Khi có vị nào hỏi một câu về Thiền thì tôi sẽ trả lời bằng Thiền của tôi.
Điều quan trọng nhất là quí vị trở thành Thiền và Thiền trở thành quí vị. Xưa nay tôi không từng là ai cả, nhưng tôi có thể khuyến khích quí vị thiền định hay giải quyết những nghi ngờ của quí vị. Đừng vội vàng tham hết công án này đến công án khác như quí vị giải các bài toán đại số học, cũng đừng tiếp tục sự thiền định trầm trệ không có sự kích thích của hướng dẫn cá nhân.
Có lẽ vào một đêm lạnh lẽo và Triệu Châu đã phủ lên đầu sư chiếc y đã nặng vì mạn vá nhiều.
Vì ông tăng không có quyền vào phòng thầy vì bất cứ điều gì trừ Thiền, tại sao ông ta do dự và rút lui? Fugai nói, “Ông tăng là một gã ngu muội, nghĩ rằng sư đang ngủ như những kẻ đãng trí khác. Nhưng dù con cọp có ngủ cũng có âm ba mạnh mẽ vây quanh. Ông tăng giống như kẻ đi ngang qua mỏ kim cương với hai bàn tay trắng. Xem lòng từ bi sáng ngời của Triệu Châu khi sư nói, ‘Huynh đệ, chớ nói rằng tôi không nhận huynh đệ tham thiền đấy nhé.’ Ông tăng ngay lúc đó nên cúi đầu bái tạ và thọ nhận Pháp. Thương thay, ông ta vừa điếc lại vừa mù.” Trong kinh Kim Cang, Phật nói, “Này Tu-bồ-đề, nếu có người nói rằng Như Lai hoặc đến hoặc đi, hoặc nằm hoặc ngồi, người ấy không hiểu nghĩa lời ta dạy.
Vì sao? Như Lai không từ đâu đến, không đi về đâu; do đó nên gọi là Như Lai.” Ông tăng này ắt đã nhiều lần nghe tụng kinh Kim Cang, nhưng đối với ông ta lời kinh không có nghĩa gì cả.
BÌNH
Genro:
Mây trắng treo trên đỉnh
Núi xanh bên kia hồ
Ai nhìn và ngưỡng mộ
Cảnh đẹp, chẳng phí lời.
⚡️
TẮC THỨ 12: TAM THÁNH GẶP HỌC NHÂN
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Một hôm khi nói chuyện với tăng chúng, Tam Thánh nói, “Khi một học nhân đến, tôi ra ngoài gặp y mà không có mục đích giúp đỡ y.” Sư đệ của sư là Hưng Hóa, nghe được, liền nói, “Khi một học nhân đến, tôi thường không ra gặp y, nhưng nếu tôi ra thì chắc chắn tôi sẽ giúp y.”
BÌNH
Như Huyễn:
Lâm Tế là một Đại Thiền sư đời nhà Đường, tịch ngày mồng 10 tháng giêng, năm 867.
Ngay trước khi tịch, sư nói, “Sau khi ta đi rồi, chớ có diệt mất Thiền của ta. Các ông hãy cùng nhau giữ gìn giáo pháp.” Tam Thánh, là một trong các đệ tử, hỏi “Ai dám diệt Thiền của hòa thượng”.
Lâm Tế hỏi, “Nếu có người hỏi ông Thiền là gì, ông nói thế nào?” Tam Thánh hét, “Kat!” Sư hài lòng với câu đáp này và bình, “Ai nói Thiền của ta sẽ diệt dưới con lừa mù này?” Nói hết câu, sư tịch.
Phật giáo dùng lời nói phủ định để diễn đạt thực tại. Ấy là cách duy nhất tránh được sự vướng kẹt ngôn từ.
Khi Lâm Tế nói không diệt Thiền của ta, sư đang phát biểu Thiền theo cách nhị nguyên, vì thế Tam Thánh cùng tham gia với sư trong cùng một cách diễn đạt.
Lại nữa, khi sư muốn thấy chính xác nó sẽ tồn tại như thế nào thì Tam Thánh biểu lộ một cách sống động.
Và tăng chúng tụ tập ở đó chứng kiến sự bất tử của vị thầy yêu dấu của họ. Lời cuối cùng của Lâm Tế là sự ca ngợi trong thể phủ định.
Thiền không phải là một vật mà thầy có thể đem cho trò.
Ngọn lửa của cây nến có thể ra đi trong cơn gió, nhưng một khi các duyên thuần thục thì nó sẽ cháy trở lại, phát ra ánh sáng như trước.
Cuối cùng nó chẳng phải là ngọn lửa liên tục hay sao? Tam Thánh không phải là người duy nhất đạt được Thiền của Lâm Tế, nhưng sư là người đủ can đảm thực dụng nó trước mắt người thầy đang hấp hối.
Thiền là của sư.
Về công án của câu chuyện, chúng ta biết rằng cách giúp tốt nhất có từ Thiền là không giúp gì cả.
Nhiều tông phái của các tôn giáo khác nhằm giúp đỡ người ta, không nhận thức được rằng chính sự trợ giúp quấy rầy sự tăng trưởng bên trong của những người được giúp cũng như người giúp.
Như mặt trời soi khắp khu vườn, vì vậy Tam Thánh gặp một học nhân không có ý giúp y.
Thật là một tâm thái đáng ngưỡng mộ của từ bi tĩnh lặng!Hưng Hóa biểu hiện Thiền của sư trong thể cách tích cực, không mâu thuẫn với Tam Thánh mà ủng hộ Tam Thánh theo cái nhìn đối nghịch.
Tích cực mà không tiêu cực có thể đối diện với nguy hiểm. Có lẽ Hưng Hóa có ý định giữ sợi dây cương kiểm soát con “lừa mù”.
Tuy nhiên, nếu là tôi thì tôi sẽ nói, “Này sư huynh, hãy cẩn thận. Phía trước có hố đó!”
BÌNH
Genro: Anh nói, “Không,” em nói, “Có.” Như vậy họ thực hiện công việc làm ăn của cha để lại, cải thiện và làm nó phồn thịnh.
Hoàng hà ngàn dặm chảy về phương bắcRồi quay sang đông chảy mãi không ngừngDù cho bao lần quanh co uốn khúcNước đến từ nguồn suối núi Côn lôn.
⚡️
TẮC THỨ 13: TIỆM NGUYÊN RÈM GIẤY
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Tiệm Nguyên ngồi phiá sau một tấm rèm giấy. Một ông tăng đến tham thiền, vén rèm lên, chào sư, “Thật là lạ.” Sư đưa mắt nhìn ông tăng rồi nói, “Ông hiểu không?” Ông tăng đáp, “Dạ, con không hiểu.” Sư nói, “Trước khi 7 Phật ra đời, thì cũng giống y như giây phút này. Tại sao ông không hiểu?” Sau đó ông tăng đem chuyện này kể lại với Thạch Sương, một Thiền sư cùng dòng Pháp.
Thạch Sương ca ngợi Tiệm Nguyên, nói, “Sư huynh Tiệm Nguyên giống như ông thầy bắn cung.
Chẳng bao giờ bắn một mũi tên không trúng đích.”
BÌNH
Như Huyễn:
Ở Nhật bản và Trung hoa, người ta thường dùng rèm giấy ở các cửa trong hay cửa ngoài để ngăn gió lò hay cản côn trùng.
Tiệm Nguyên ắt đã ra lệnh cho tăng nhân đến tham thiền ngay cả khi sư đang dùng rèm.
Khi tôi còn ở chùa, thầy tôi thường thay đổi vị trí trong phòng đến nỗi tôi phải nhìn quanh để tìm ông.
Lúc tâm tôi phù động, tôi thường nhận một gậy của ông.
Tôi không thể trách ông tăng vì ông ta nói, “Kỳ lạ,” nhưng Tiệm Nguyên đã cho ông ta đủ thời gian để thấy rõ ngọn đèn Pháp bên trong bức rèm.
Tiệm Nguyên rất từ bi đã dạy thêm ông tăng.
Trong Trường Bộ kinh, một trong các kinh điển Tiểu thừa, nhắc đến bảy vị Phật ra đời vào những thời kỳ khác nhau, vô số thời đại trước Phật Cồ Đàm.
Tiệm Nguyên đã đi ngược trở lại hàng triệu năm khi sư nói, “Trước khi bảy Phật ra đời, thì cũng giống y như giây phút này.
Tại sao ông không hiểu?" Nếu ông tăng đã thấy được Phật tánh của mình, ông ta đã biết lý do tại sao mình hiện hữu.
Ông ta không đạt ngộ Thiền, dù thầy ông rất từ bi.
Nó chỉ có thể diễn đạt bằng im lặng, nhưng im lặng đây không phải là quá khứ, im lặng đây không phải là hiện tại, im lặng đây không phải là vị lai.”
Như Huyễn:
Tăng nhân luôn luôn là những người không nhà. Chúng ta không nên có gia đình đạo Pháp dù là trong thế giới của giáo pháp.
Thạch Sương ca ngợi Tiệm Nguyên, nhưng cả hai người không ai có thể dạy Thiền cho ông tăng.
BÌNH
Genro:
Tiệm Nguyên đã nói đầy đủ khi sư đưa mắt im lặng nhìn ông tăng.
Thạch Sương nên xóa sạch những gì Tiệm Nguyên đã nói nếu sư muốn giữ thanh danh cho dòng Pháp của sư.
Genro:
Bên song mưa nửa đêm
Tí tách trên tàu chuối
Trên bờ sông xuân muộn
Gió nhẹ vờn liễu xanh
Tin ngàn xưa đến báo
Đây đó, không hơn kém
Nói rằng bảy vị Phật
Đang chuẩn bị dây thừng
Sau khi trộm chạy mất!
⚡️
TẮC THỨ 14: BẠCH VÂN TRẮNG VÀ ĐEN
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Bạch Vân, một Thiền sư đời nhà Tống, đã viết bài thơ sau đây:
Chỗ nào người khác ở
Thì tôi đây chẳng ở.
Chỗ nào người khác đi
Thì tôi đây chẳng đi.
Nói vậy không có nghĩa
Từ chối việc kết giao;
Tôi chỉ muốn nêu rõ
Trắng và đen mà thôi.
BÌNH
Như Huyễn: Các nhà Phật học nói rằng giống mà không có khác là nghĩ sai về giống, và khác mà không có giống là nghĩ sai về khác.
Thầy tôi, Thích Tông Diễn, thường minh họa điểm này thật đẹp và Tiến sĩ D. T. Suzuki viết bằng tiếng Anh đại ý như vầy: “Sóng lớn, sóng nhỏ và sóng gợn lăn tăn tất cả đang dâng lên, trào lên và rút xuống, nhưng có phải chúng là nhiều cái động khác nhau của cùng một tự thể vĩnh cửu của nước.
Trăng lặng lẽ chiếu sáng bầu trời, đơn độc trong tất cả các từng trời và trái đất; nhưng khi trăng tự soi mình trong màu trắng óng ánh của sương chiều, lấp lánh như những viên ngọc ươm trên mặt đất - hình ảnh của trăng thật kỳ diệu làm sao! Không phải mỗi hình ảnh của chúng cũng đầy đủ theo cách riêng ấy sao?”
Thiền không ở trong xác nhận hay phủ nhận. Nó giống như cái bánh lái quay sang trái hay quay sang phải đưa chiếc xe tiến tới.
Ông thầy trong câu chuyện này không khăng khăng theo hướng của mình mà cảnh cáo người học đừng bám vào bên này hay bên kia.
Ông chỉ tìm chơi cái trò đời một cách công bằng, mặc dù ông đã biết sự kiện bất nhị.
Có nhiều chỗ hội họp, câu lạc bộ và giảng đường, nơi mà mọi loại thuyết giảng diễn ra, mỗi người nói đều có thông điệp khẩn cấp cho người nghe.
Quí vị có thể theo dự những cuộc hội họp này và thưởng thức những ý kiến và tranh luận khác nhau, nhưng tôi khuyên quí vị có dịp hãynhớ lại, “Chỗ nào người khác ở, thì tôi đây chẳng ở.
Chỗ nào người khác đi, thì tôi đây chẳng đi.” Nó có thể cứu được quí vị khỏi bị căng thẳng đầu óc.
Công án cũng nói, “Nói vậy không có nghĩa, Từ chối việc kết giao.” Chúng ta có thể đồng cảm với các phong trào vận động khác nhau trên thế giới mà không thuộc về bất cứ một phong trào nào.
Chúng ta có thể chào đón khách đến từ bất cứ một đoàn nhóm nào và đãi họ trà, đầy tách Thiền. Mỗi người trong quí vị đây có thể đến và đi tùy ý.
Công án kết thúc, “Tôi chỉ muốn nêu rõ, Trắng và đen mà thôi.” Nghĩa là, chúng ta không có màu sắc.
⚡️
TẮC THỨ 15: ĐẠI TÙY TU BÊN TRONG
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Đại Tùy nói với tăng chúng, “Này các anh em, thà đào bên trong một tấc còn hơn là thuyết Pháp bên ngoài một thước. Thà tu bên trong một phân còn hơn là giảng bên ngoài một tấc.” Để cân bằng và làm sáng tỏ câu nói này, Động Sơn nói, “Tôi giảng cái gì tôi không thể thiền định, và tôi thiền định cái gì tôi không thể giảng.”
BÌNH
Như Huyễn: Đại Từ, hay Thiền sư Khoan Trung, sống trong một ngôi chùa trên núi Đại Từ. Động Sơn là người đồng thời nhưng trẻ hơn hăm bảy tuổi. Trước khi học câu nói của Động Sơn, quí vị cần phải hiểu cặn kẽ lời của Đại Từ. Người Phật giáo Đại thừa muốn giác ngộ tất cả chúng sinh đau khổ vì vô minh. Động cơ thì vĩ đại, nhưng y không nên quên tự tu từng giây từng phút. Y nhập vào đoàn quân viễn chinh chinh phục vô minh và giác ngộ mọi người. Chư Phật và Tổ trong quá khứ và hiện tại cùng làm việc với y và sẽ tiếp tục công việc của họ trong vị lai. Nếu nhầm một bước là y bị lùi lại phiá sau.
Nếu một người lặp lại cái gì y nghe từ người khác hay đọc trong sách, thì chẳng phải y đang truyền bá Pháp mà chỉ là giả mạo mà thôi. Ở Đông phương chúng tôi gọi người như thế là “học giả ba tấc.” Y chỉ đọc sách hay nghe người ta rồi nói, và khoảng cách giữa mắt hay miệng hay giữa tai và miệng cũng chỉ khoản ba tấc [Tàu]. Những ai diễn thuyết hay viết sách về Phật giáo mà bản thân họ không đạt được ánh sáng bên trong thì họ đang làm việc vô ích.
Một thanh niên Hy lạp ngày xưa có lần hỏi một đồng đội trên chiến trường anh ta có thể làm gì với thanh kiếm quá ngắn của mình. Đồng đội đáp, “Tôi sẽ tiến một bước nhanh hơn những người khác.” Tất cả những gì anh ta có trên thế gian này là cây kiếm duy nhất đó; dù dài hay ngắn, anh ta cũng phải chiến đấu với nó. Cũng giống như chiến sĩ kia, người học Thiền không có ý nghĩ thứ nhì, do đó, y giảng trong lúc thiền định và thiền định trong lúc giảng. Muốn đạt đến cảnh giới Động Sơn nói, người ta phải đi từng bước một theo con đường Đại Từ dạy tăng chúng.
⚡️
TẮC THỨ 16: QUI SƠN THỜI GIAN
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Qui Sơn nói với tăng chúng, “Mùa đông, những ngày lạnh trở lại mỗi năm.
Năm ngoái cũng lạnh như năm nay, và năm tới cũng sẽ lạnh y như vậy.
Các ông hãy nói tôi biết những ngày nào trong năm đang tái diễn”.
Ngưỡng Sơn, một đệ tử lâu năm, bước đến đứng bên thầy với bàn tay phải úp lên nắm tay trái đặt trước ngực.
Qui Sơn bình, “Tôi biết ông không thể trả lời câu hỏi của tôi”.
Rồi sư quay sang Hương Nghiêm, một đệ tử ít năm hơn, “Ông nói thế nào?”
“Con tin chắc là con có thể trả lời câu hỏi của hòa thượng,” Hương Nghiêm đáp và bước đến đứng bên thầy với bàn tay phải úp lên nắm tay trái đặt trước ngực như vị tăng thâm niên kia đã làm.
Nhưng Qui Sơn làm ngơ và nhận xét, “Tôi vui vì ông sư huynh đã không thể đáp được câu hỏi của tôi”.
BÌNH
Như Huyễn: Chùa của Qui Sơn trên núi là nơi tăng chúng cảm thấy cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông.
Một vài tăng nhân đã ở lại trong chùa trải qua những ngày tháng vô ích. Nhớ đến những ngày lạnh mùa đông, trẻ con nghĩ đến lễ Giáng Sinh.
Qui Sơn đang cảnh cáo tăng chúng chớ lãng phí qua ngày mà chẳng ngộ đạt Thiền.
Thời gian là gì và nó bắt đầu khi nào? Khi nào nó chấm dứt? Quí vị học Thiền như thế nào? Thiền hằng ngày của quí vị trong thế giới thực tiễn như thế nào?
Không gian và thời gian là những đề tài biện luận của triết học qua các thời đại. Einstein đã đưa chúng vào lãnh vực toán học và khoa học.
Thời gian, do cá nhân kinh nghiệm ở nhiều thời kỳ trong cuộc đời y, thì khác với thời gian vật lý học, phát minh của con người dùng để ghi dấu các ngày.
Khi Ngưỡng Sơn đứng trước thầy với bàn tay trái úp lên nắm tay phải đặt trên ngực, sư đang làm dấu hiệu chào để bày tỏ Thiền của sư.
Đây là những gì các ngày của năm lặp đi lặp lại; sư đã nói lên triết lý của sư trong im lặng.
Đối với nhà vật lý học, quá khứ và vị lai giống nhau, chỉ khác nhau về chiều hướng như các chiều hướng trên cái la bàn, nhưng đối với một người đang sống thì chúng khác nhau.
Một người cuộn tròn quá khứ của mình và mang nó theo bất cứ chỗ nào y đi.
Khi Qui Sơn nói, “Tôi biết ông không thể trả lời câu hỏi của tôi,” sư chỉ muốn thăm dò Ngưỡng Sơn có biếng nhác không.
Sư chấp nhận kinh nghiệm của cả hai đệ tử, nhưng cũng bày tỏ Thiền của mình, phi thời gian và vô hình thể khi nó chớp lên.
⚡️
TẮC THỨ 17: ĐẠI TÙY CON RÙA
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Một ông tăng thấy một con rùa trong vườn chùa của Đại Tùy, hỏi sư, “Tất cả chúng sinh đều có da thịt bọc xương.
Tại sao chúng sinh này lại có xương bọc da thịt?”
Hòa thượng Đại Tùy đáp bằng cách lấy đôi dép của mình che lên con rùa.
BÌNH
Như Huyễn:.
Ông tăng này có thói quen xấu là nhảy ngay vào kết luận. Ông ta nghĩ nếu một điều đã đúng vào lúc này thì cũng phải đúng vào mọi lúc và mọi nơi.
Đại Tùy tìm cách cứu ông tăng ra khỏi loại phân biệt này và giúp ông tăng nhận ra nhất thể.
Khi quí vị thấy những điều bất thường, không nên kinh động.
Trước hết hãy tẩy sạch những nhận thức sai, tự giới hạn của mình về sự vật và đối diện trọn vẹn với thực tại.
Tử là gì? Sanh là gì? Phật là gì? Ngộ là gì?
BÌNH
Genro dẫn một bài thơ xưa ở cuối lời bình của sư; tôi sẽ dịch toàn bộ bài thơ để làm kết luận cho câu chuyện này:
Bạn bè thời thơ ấu,
Giờ đây biết rõ ràng.
Họ luận bàn triết lý,
Viết luận văn, phê bình.
Tôi trở thành kẻ già,
Trở thành vô tích sự.
Chiều nay mưa là bạn.
Tôi thắp lên nén nhang,
Nằm dài trong hương ngát,
Tôi nghe tiếng gió thổi,
Cạnh cửa sổ rèm tre.
⚡️
TẮC THỨ 18: LÂM TẾ TRỒNG TÙNG
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Một hôm khi Lâm Tế đang trồng một cây tùng trong vườn chùa, thầy của sư là Hoàng Bá chợt đến chỗ sư. Hoàng Bá hỏi, “Chúng ta có cây tốt quanh chùa. Sao ông còn trồng thêm cây này?” Lâm Tế đáp, “Thứ nhất, giống trường xuân này sẽ làm đẹp cảnh chùa; thứ hai, làm chỗ trú cho tăng nhân thế hệ sau.” Lâm Tế nói xong liền dộng cuốc xuống đất ba lần để làm cho cây mới trồng thêm vững. Hoàng Bá nói, “Ông tự khẳng định không hợp ý tôi.” Lâm Tế làm ngơ lời thầy, và thì thầm, “Xong rồi,” và dộng cuốc xuống đất ba lần như trước. Hoàng Bá nói, “Ông sẽ làm cho giáo pháp của ta tồn tại trên thế gian này.”
BÌNH
Như Huyễn: Lâm Tế đang tạo biểu tượng cho Thiền của sư khi sư trồng cây ấy bên ngôi chùa, nơi sư đã thọ nhận Pháp, nhưng không muốn ai để ý đến nó cho đến khi nó già. Thầy của sư biết rất rõ sư nghĩ gì, nhưng muốn khám phá một cách trọn vẹn, vì thế đã nói làm như mình đang quan sát vườn chùa. Lâm Tế đã đáp theo cách không ám chỉ gì đến Thiền. Thiền nên được giữ gìn theo cách này. Ông thầy còn nói gì được nữa trừ lời khen ngợi.
⚡️
TẮC THỨ 19: TRIỆU CHÂU VIẾNG CHÙA
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Triệu Châu định đi viếng một ngôi chùa trên núi, khi ấy một ông tăng trưởng lão viết một bài thơ cho sư:
Núi xanh nào chẳng là thánh địa
Sao còn vác gậy viếng Tịnh Lương?
Nếu trong mây hiện sư tử lông vàng
Ấy chẳng phải là điềm lành chi hết
Sau khi đọc bài thơ, Triệu Châu hỏi, “Mắt nào là mắt chánh?”
Ông tăng không đáp.
BÌNH
Như Huyễn:
Một bài thơ Đường nói:
Tất cả núi là chùa của Văn Thù
Núi xanh xa và núi lục gần
Mỗi mỗi đều có thờ Bồ Tát
Nhọc công chi leo núi Tịnh Lương?
Kinh nói Văn Thù cưỡi sư tử lông vàng
Ảo ảnh ấy thấy trong mây trên núi
Chẳng phải thật với mắt Thiền tăng
Cũng chẳng phải hạnh phúc y tìm
BÌNH
Genro ca ngợi bài thơ của ông tăng cũng như câu hỏi sắc bén của Triệu Châu. Có một công án: Quan Âm ngàn mắt. Mắt nào là mắt chánh?
Ông tăng có thể đã trả lời bằng im lặng, nhưng nếu ông ta thích im lặng lắm thì tại sao ông ta không im lặng ngay từ đầu thay vì làm thơ?
Nếu Triệu Châu đã có mắt chánh thì sư còn hỏi làm gì? Bây giờ, hãy nói tôi nghe thế nào là mắt chánh?
⚡️
TẮC THỨ 20: ĐỨC SƠN HIỀN ĐỨC NGÀY XƯA
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Quách thị giả hầu thầy là Đức Sơn. Một hôm Quách thị giả hỏi, “Con cho rằng các bậc hiền đức ngày xưa đã đi đến một nơi nào đó. Hoà thượng có vui lòng nói cho con biết là các ngài đã trở thành gì không?” Đức Sơn đáp, “Tôi không biết họ ở chỗ nào.” Quách thị giả thất vọng, “Con đang mong câu trả lời giống ngựa phi, nhưng chỉ được câu giống rùa bò.” Đức Sơn im lặng tựa như người bị bại trận tranh luận. Hôm sau Đức Sơn đi tắm rồi đến phòng khách, Quách thị giả mời sư uống trà. Sư vỗ nhẹ lên lưng thị giả và hỏi, “Công án hôm qua thế nào rồi?” Thị giả đáp, “Thiền của hòa thượng khá hơn hôm qua.” Nhưng Đức Sơn chẳng nói gì, lại giống như kẻ bị bại trong cuộc tranh luận.
BÌNH
Như Huyễn: Quách thị giả hỏi về các sư ngày xưa như một số người nghĩ thiên đường như là một thế giới vinh quang. Nơi đó những người đã chết trên mặt đất tiếp tục việc làm của họ. Bao lâu ông thị giả còn trung thành phục vụ thầy, tại sao lại phải tự mình phiền nhiễu với những vấn đề như thế? Dù một đệ tử có thể nghĩ rằng thầy mình là “sư,” ông thầy không chấp nhận một danh hiệu như thế bởi vì Thiền của ông không tách lìa với Thiền của họ, và Pháp của ông là một thành phần tạo thành Pháp của họ. Đức Sơn rất tử tế với ông tăng, người có Thiền không khác hơn giấc mộng hôm qua. Có thể Đức Sơn đã nghĩ, “Dùng để làm gì,” nhưng sư vẫn im lặng.
BÌNH
Genro:
Tim cổ đức lạnh như sắt thép,
Mà phàm tình không thể xử phân.
Họ tới lui nhanh như ánh chớp,
Vào và ra giống như huyễn thuật.
Ai phê bình cũng chẳng động tâm.
Đỉnh núi cao còn có thể leo,
Đáy biển sâu không sao dò được.
Dưới chân sư phải nên ra sức, Đức Sơn, thị giả ăn chẳng chung bàn.
⚡️