Type something to search...

Vô Môn Quan (25 - 36)

  • 08 Nov, 2024

undefined (25 - 36)

TẮC THỨ 25: Ngưỡng Sơn thuyết pháp tam tòa (Tam tòa thuyết pháp)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Hòa Thượng Ngưỡng Sơn lúc đang nằm mộng thấy mình bay lên tới cõi trời Đâu Suất, đến chỗ Bồ Tát Di Dặc. Lúc đó, nơi ấy đầy ắp người, bèn ngồi xuống chỗ còn trống ở đệ tam tòa. Xong có một vị tôn giả cầm chùy nhỏ gõ một tiếng (kêu gọi mọi người chú ý) rồi bá cáo: Hôm nay đúng phiên đệ tam tòa thuyết pháp. Ngưỡng Sơn bèn đứng dậy, gõ một tiếng chùy và nói: Phật Pháp Đại Thừa vốn hoàn toàn vượt qua ngôn ngữ. Xin quí vị nghe theo, nghe theo!

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Nói nghe thử xem, Hòa Thượng Ngưỡng Sơn (theo Eshin, chứ Ryômin dịch là “vị tôn giả này”) đã thuyết pháp hay chưa thuyết pháp? Mở miệng nói ra đã phạm phải sai lầm, còn như im lặng thì chả thành thuyết pháp (Ryômin dịch: “cả hai trường hợp đều đánh mất chân lý”). Nói vậy chứ, mở miệng hay khép miệng đều làm cho mình rời ra xa lắc con đường của Phật mà thôi


HÁN TỤNG

Bạch nhật thanh thiên

Mộng trung thuyết mộng

Niết quái niết không

Cuống hô nhất chúng


VIỆT TỤNG

Giữa ban ngày ban mặt

Trong mộng đem kể mộng

Chuyện kỳ quái hỡi ơi

Định đánh lừa cả đống

⚡️

TẮC THỨ 26: Hai tăng cuốn rèm (Nhị tăng quyển liêm)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Hòa Thượng Đại Pháp Nhãn ở Thanh Lương Viện, nhân lúc chúng tăng nhân tham thiền trước giờ thu trai đến phòng, không nói không rằng, trỏ tay ra chỗ rèm cửa. Lúc đó, hai tăng sĩ đồng thời bước về phía rèm và cuộn lên. Thấy vậy, Hòa Thượng Pháp Nhãn mới nói: “Một người được, một người mất!”

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Nói nghe xem, người nào được, người nào mất đây? Nếu lúc ấy mà có con mắt thứ ba nhìn thấu suốt sự vật (nhất chích nhãn hay tâm nhãn) thì có thể hiểu được chỗ thất bại (bại khuyết xứ) của ông hòa thượng Pháp Nhãn tôn quí (Thanh Lương Quốc Sư) này trong sự phán đoán. Xin bỏ khuynh hướng tìm hiểu ai được, ai không (ai đúng, ai sai, ai hơn ai kém) như thế cho tôi nhờ


HÁN TỤNG

Quyển khởi minh minh triệt thái không

Thái không do vị hợp ngô tông

Tranh tự tùng không đô phóng hạ

Miên miên mật mật bất thông phong


VIỆT TỤNG

Nếu cuốn rèm lên sẽ thấy trời

Trời Thiền chưa chắc hợp tông tôi

Nhìn cao chi mãi, thôi, buông xuống

Buồng kín như bưng, sướng mớ đời!

⚡️

TẮC THỨ 27: Không phải tâm chẳng phải Phật (Bất thị tâm Phật)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Hòa thượng Nam Tuyền nhân có tăng đến hỏi: Thầy còn pháp nào chưa truyền cho người đời không? Bèn trả lời: Có chứ! Lúc đó, tăng lại tiếp: Dám hỏi pháp đó là pháp nào? Nam Tuyền đáp: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Việc làm của Hòa Thượng Nam Tuyền giống như người bị hành hung phải dốc tuốt tuột gia tư điền sản mà đưa cho. Khổ thân (mệt nhọc) như thế (ích gì)?


HÁN TỤNG

Đinh ninh tổn quân đức

Vô ngôn chân hữu công

Nhiệm tùng thương hải biến

Chung bất vị quân thông


VIỆT TỤNG

Tận tụy giảng hao đức

Im lời mới có công

Mai dù đời dâu biển

Cũng đếch mách cho ông!

⚡️

TẮC THỨ 28: Xa mến thầy Đàm (Cữu hương Long Đàm)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm, Đức Sơn đến thỉnh giáo Hòa Thượng Long Đàm. Đến tối, hòa thượng mới bảo: Trời đã khá khuya, ngươi cũng liệu xuống núi mà về. Đức Sơn không biết làm sao bèn chào từ biệt, cuốn rèm lên định ra ngoài. Nào ngờ bên ngoài đen kịt nên phải quày lại. Ông giải thích: Thưa, tại chung quanh trời tối quá! Hòa Thượng Long Đàm mới thắp ngọn đề đăng (ngọn đèn cầm tay, Ryômin dịch là đuốc chứ không phải đèn) rồi trao cho. Lúc Đức Sơn chực cầm lấy đèn, hòa thượng bỗng thổi tắt cái phụt. Lúc đó, Đức Sơn bèn ngộ đạo, kính cẩn cúi rạp chào Long Đàm. Hòa thượng mới hỏi: Nhà ngươi ngộ được điều gì nào? Đức Sơn đáp: Từ ngày hôm nay trở đi, tôi sẽ không còn lạc lối trong những lời bàn (thiệt đầu) của các bậc hòa thượng thiền sư trong thiên hạ nữa. Đến sáng hôm sau, khi lên bục giảng thuyết pháp, Hòa Thượng Long Đàm mói nói: Giả sử có một anh chàng răng như rừng chông sắc, miệng như chậu máu, nhỡ ai quật một gậy cũng chẳng thèm quay nhìn, thì kẻ ấy sẽ có ngày nào đó. một thân trên đỉnh cô phong (không cần nương tựa vào lời chỉ bảo của ai và không ai có thể đuổi kịp), dấy lên được mối đạo của chính mình (quân đạo). Đức Sơn bèn đem bộ chú thích (sớ sao) kinh Kim Cương tùy thân và một bó đuốc lớn đến trước phòng giảng pháp, huơ qua huơ lại: Nghiên cứu giáo nghĩa (chư huyền biện) của đạo Phật nhiều bao nhiêu, khác gì khác gì ném một sợi lông vào trong không gian bao la. Dù nắm hết bí quyết (khu cơ) để sống sao cho khôn khéo ở đời, chẳng qua nhểu một giọt nước xuống vực núi sâu mà thôi. Nói xong, đốt hết sách chú thích, cáo từ thầy rồi xuống núi

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Khi Đức Sơn còn ở quê nhà, trong tâm trí nghĩ rất nhiều chuyện mà không làm sao nói được thành lời. Tự cho mình là kẻ sẽ đập tan được cái đám tu thiền theo lối “dạy thiền ở ngoài giáo nghĩa” (giáo ngoại biệt truyền) nên mới đem lòng phẫn khái, đi xuống phương Nam. Tuy nhiên, đến Lễ Châu, vào trong quán nước chè bên đường định ăn mấy thứ điểm tâm thì bà lão bán quán mới hỏi: Cái xe nhà thầy đang kéo, trong đó chứa kinh sách gì vậy? Mới trả lời: Đó là những sách chú thích kinh Kim Cương. Nghe thế, bà lão lại hỏi: Trong cuốn kinh đó thế nào cũng có câu: Quá khứ tâm bất khả đắc. Hiện tại tâm bất khả đắc. Vị lai tâm bất khả đắc”.(Tâm có ba, tâm quá khứ, tâm hiện tại và tâm vị lai, đều không thể kiếm ra). Vậy nhà thầy điểm tâm là điểm cho cái tâm nào?” Đức Sơn nghe mỗi câu đó mà cứng họng, miệng câm như hến. Dù xụi lơ, Đức Sơn vẫn chưa tâm phục câu nói của bà lão, nên mới hỏi lại: Hình như chung quanh vùng này có nhiều vị cao tăng? Bà lão trả lời: Cách đây năm dặm có vị hòa thượng tên gọi Long Đàm. Nghe bà ấy nói thế, Đức Sơn mới tìm gặp Long Đàm, trong tư thế của một người thua trận. Rõ ràng tiền ngôn (câu trước = thái độ dương dương tự đắc muốn tiêu diệt người ta lúc ở cố hương) hậu ngữ (câu sau = đối đáp nhũn nhặn với Long Đàm) của ông hoàn toàn không tương xứng. Còn Hòa Thượng Long Đàm vì quá yêu trẻ con (người trẻ và hăng hái học đạo như Đức Sơn) nên cũng không ý thức được hành vi xấu xa của mình. Biết Đức Sơn có chút mồi lửa (căn cơ để trở thành Phật), hấp tấp lấy nước bùn bẩn dội từ trên đầu xuống, làm cho lửa kia tắt ngấm. Bình tĩnh mà quan sát, mới thấy cả hai ông đều đáng đem ra làm trò cười.


HÁN TỤNG

Văn danh bất như kiến diện

Kiến diện bất như văn danh

Duy nhiên cứu đắc tỵ khổng

Tranh nại hạt khước nhãn tình


VIỆT TỤNG

Nghe tên đâu bằng gặp mặt

Gặp mặt sao bằng nghe tên

Dù thầy cứu mũi kia được

Ngươi trò bị bóc, sao nhìn?

⚡️

TẮC THỨ 29: Không phải gió không phải phướn (Phi phong phi phan)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Nhân một hôm cây sát phan (cây cờ hiệu) ở ngôi chùa nơi Lục Tổ dự pháp tòa (nghe giảng kinh) bay tung trong gió, có 2 vị tăng thấy thế, một người mới bảo: Phướn động. Người kia cãi: Gió động chứ! Lời qua tiếng lại, không ai chịu ai. Thấy thế, Lục Tổ mới bảo: Xem kìa, không phải gió động, Cũng không phải phướn động. Chỉ có con tâm của 2 thầy (nhân giả) động mà thôi. Nghe thế, 2 tăng run sợ, da nổi gai ốc

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Không phải gió động, không phải phướn động. Ngay cả cái tâm (của Lục Tổvà những ai ngộ đạo, LND) cũng chẳng động nốt. Thế thì, Lục Tổ nhìn ở đâu vậy? (Phải nhìn ở đâu để rõ diện mục của Lục Tổ?) Nếu có người nào nghĩ được thấu suốt điểm này, hợp nhất với ý kiến của Lục Tổ, thì có lẽ sẽ hiểu rằng hai vị tăng như người đi mua sắt mà bắt được vàng. Dù vậy vì Lục Tổ (quá tử tế nên) không nhịn cười được làm ông thành ra một kẻ đang diễn màn kịch vụng về


HÁN TỤNG

Phong phan tâm động

Nhất trạng lãnh quá

Chỉ tri khai khẩu

Bất giác thoại đọa


VIỆT TỤNG

Gió, phướn, tâm đều động

Tội ấy của cả bầy

Lục Tổ nói chi vậy?

Bỗng dưng bị lộ tẩy!

⚡️

TẮC THỨ 30: Tâm ấy là Phật (Tức tâm tức Phật)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Có một hôm, Hòa Thượng Mã Tổ nhân Đại Mai hỏi: Phật là gì vậy? Bèn trả lời: Tâm, ấy là Phật

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Nếu có người nào lĩnh hội được ngay lời dạy của Mã Tổ thì có thể mặc áo Phật, ăn cơm Phật, nói chuyện Phật, hành động như Phật và, cứ như thế ấy, anh ta là Phật. Dầu vậy, cái lão Đại Mai Pháp Thường này khéo dẫn dắt mọi người đến chỗ ngộ nhận khi dạy họ những điều sai trái như thế. Đại Mai ơi, có biết tại sao chỉ cần mở miệng nhắc tới chữ Phật là cả ba ngày phải súc miệng không? Người mà thông hiểu Phật Pháp, mới nghe giảng đến câu kiểu như “Tâm, ấy là Phật” (Tâm, tức thị Phật), đã phải bịt tai, nhanh chân chạy trốn ngay thôi


HÁN TỤNG

Thanh thiên bạch nhật

Thiết kỵ tầm mịch

Cánh vấn như hà

Bão tang khiếu khuất


VIỆT TỤNG

Dưới trời thanh, nắng sáng trong

Ngu gì của cấm mất công tìm hoài

Lại đi hỏi Phật là ai

Tay ôm tang vật, cổ dài kêu oan!

⚡️

TẮC THỨ 31: Triệu Châu dò ý lão bà (Triệu Châu khám bà)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Có hôm, Hòa Thượng Triệu Châu nghe một tăng sĩ kể rằng khi ông hỏi bà lão nọ: Lên Đài Sơn phải đi bằng cách nào, thì được đáp: Cứ thẳng đằng trước mà đi! Vừa mới bước lên năm ba bước, bà ta lại nói: Ông sư này coi được đấy chứ (hảo cá sư tăng). Nhưng rồi cũng đi theo lối đó! Nhân thế, Triệu Châu bảo: Thôi, lần này cho ta thử một chuyến. Để dò xem bà ấy là người thế nào? Hôm sau, ông lên đường ngay, đến nơi và cũng hỏi đường. Bà ta vẫn trả lời in như trước. Triệu Châu lúc đó mới trở về, triệu tập tăng chúng môn hạ lại, kể với họ: Ta vì các ngươi đã khám phá ra được bà già trên Ngũ Đài Sơn (là người như thế nào rồi)!

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Bà lão này hình như biết cách thức bày binh bố trận trong màn trướng nhưng không dè ải hiểm của mình lại bị giặc đánh phá. Còn về phần Hòa Thượng Triệu Châu thì đã đột nhập vào bản doanh bà lão và có máy động biết tấn công cửa ải quan trọng của địch nhưng vẫn không xứng danh một đấng trượng phu. Nếu nghiền ngẫm kỹ càng thì thấy cả hai đều đáng bị lọt sổ. Tuy nhiên, Triệu Châu tự cho mình đã khám phá được bà lão, thế thì thử hỏi ông ta đã khám phá được ở chỗ nào. Nói nghe xem!


HÁN TỤNG

Vấn ký nhất ban

Đáp diệc tương tự

Phạn lý hữu sa

Nê trung hữu thứ (thích)


VIỆT TỤNG

Bởi hỏi cùng một câu

Lời đáp mới giống nhau

Không dè cơm có sạn

Trong bùn gai chích đau

⚡️

TẮC THỨ 32: Kẻ ngoại đạo hỏi Phật (Ngoại đạo vấn Phật)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Đức Thế Tôn nhân có một kẻ ngoại đạo hỏi: Không phải lời nói, cũng chẳng phải lặng thinh, đó là cái gì? Mới ngồi trầm ngâm một lúc lâu. Kể ngoại đạo đó bèn nức nở khen ngợi: Nhờ lòng từ bi của Đức Thế Tôn mà mắt tôi như vén được lớp mây mù. Ngài đã hướng dẫn tôi đến chỗ giác ngộ. Bái lạy xong lui ra. Thấy thế, A Nan mới đặt câu hỏi: Kẻ ngoại đạo kia đã ngộ đạo ở chỗ nào mà lại ca ngợi xong rồi ra đi như thế! Thế Tôn mới nói: Phàm tuấn mã chỉ cần nhìn thấy bóng roi đã biết cách phải chạy thế nào rồi

BÌNH

Vô Môn nói rằng: A Nan là đệ tử chính thức của Phật Đà. Thế mà thấy (trình độ) ông ta coi bộ kém thua kẻ ngoại đạo. Này, các bạn hãy nói tôi nghe, kẻ ngoại đạo và đệ tử ruột, họ khác nhau ở chỗ nào vậy?


HÁN TỤNG

Kiếm nhận thượng hành

Băng lăng thượng tẩu

Bất thiệp giai thê

Huyền nhai tát thủ.


VIỆT TỤNG

Đi trên kiếm nhọn

Chạy giữa băng sắc

Thang bậc không nương

Buông thân xuống vực

⚡️

TẮC THỨ 33: Chẳng tâm chẳng Phật (Phi tâm phi Phật)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Một hôm, Hòa Thượng Mã Tổ nhân tăng hỏi: Phật là gì? Mới đáp rằng: Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật.

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Nếu hiểu thấu suốt được điểm này thì công việc tu thiền xem như đã hoàn tất.


HÁN TỤNG

Lộ phùng kiếm khách tu trình

Bất ngộ thi nhân mạc hiến

Phùng nhân thả thuyết tam phân

Vị khả toàn thi nhất phiến


VIỆT TỤNG

Gặp trang kiếm khách nên trình (kiếm)

Chẳng phải thi nhân chớ tặng (thi)

Với người cứ nói sơ là đủ

Đừng đem gan ruột tỏ làm chi

⚡️

TẮC THỨ 34: Trí không là đạo (Trí bất thị đạo)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Hòa Thượng Nam Tuyền nói rằng: Tâm không phải là Phật, trí không phải là đạo.

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Cái ông Nam Tuyền này, vì già nua lẩm cẩm thành ra hết còn biết hổ thẹn hay sao chứ? Tưởng mở cái mồm thối hoăng ra tán được một câu gì, té ra chỉ làm cho người ta thấy cái sỉ nhục trong nhà mình. Nói là nói vậy chứ cái bọn biết mình chịu ơn Nam Tuyền không được mấy ai đâu!


HÁN TỤNG

Thiên tinh nhật đầu xuất

Vũ hạ địa thượng thấp

Tận tình đô thuyết liễu

Chỉ khủng tín bất cập


VIỆT TỤNG

Trời quang mặt nhật lộ

Mưa xuống đất đượm nhuần

Giãi bày, lòng đã cạn

Chỉ sợ người phân vân

⚡️

TẮC THỨ 35: Người đẹp lìa hồn (Thanh nữ ly hồn)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Ngũ Tổ nhân tăng hỏi: Có truyện nói cô Thanh (Thiến) kia thoát hồn ra khỏi xác, vậy thế cô Thanh (Thiến) thực sự là cô nào?

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Nếu nắm bắt được điểm quan trọng của câu chuyện này (biết được cô Thanh thật là cô Thanh nào), có lẽ đã hiểu hồn thoát ra khỏi xác rồi lại nhập vào (vòng sinh tử) có khác nào việc (một người) đến trọ trong lữ quán (rồi đi). Thế nhưng, khi chưa biết được điều đó thì hãy cẩn thận chớ có chạy lung tung (đi tìm những lối giải quyết ngoài tự kỷ bản thân) trên con đường đời. Khi cái chết bất chợt đến và thân thể tan rã (địa thủy hỏa phong nhất tán), thì sẽ không khác gì con cua lọt vào trong nồi nước sôi, khua que khua càng loạn lên. Lúc đó đừng khóc vì hối hận đã không nghe lời (phải tự kỷ cứu minh mà ta) dặn bảo.


HÁN TỤNG

Vân nguyệt thị đồng

Khê sơn các dị

Vạn phúc vạn phúc

Thị nhất thị nhị


VIỆT TỤNG

Mây trăng thì giống nhau

Chiếu núi khe lại khác

Xin chúc lành tất cả

Hai, một, nhằm chi đâu!

⚡️

TẮC THỨ 36: Giữa đường gặp người đạt đạo (Lộ phùng đạt đạo)

CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)

Hòa Thượng Ngũ Tổ Pháp Diễn có đặt câu hỏi: Trên đường, nếu gặp người (tham thiền đến chỗ) đạt đạo rồi, không lấy lời nói cũng không lấy sự im lặng mà đối ứng được thì phải dùng phương cách nào?

BÌNH

Vô Môn nói rằng: Nếu gặp sự thể như thế này lại xử sự được một cách hoàn toàn thích nghi thì sao mà chẳng thống khoái. Cầm bằng nếu không làm được, thường phải mở mắt nhìn cho thật rõ chỗ thiết yếu nhất (dã tu nhất thiết xứ trước nhãn)


HÁN TỤNG

Lộ phùng đạt đạo nhân

Bất tương ngữ, mặc, đối

Lan tai phách diện quyền

Trực hạ hội tiện hội


VIỆT TỤNG

Gặp người đạt đạo ở trên đường

Im, nói, đều không kịp cự đương

Phải phang một đấm đau ngay mặt

Hiểu được hay không sẽ tỏ tường

⚡️

Tags :
Share :

Related Posts