Vô Môn Quan (13 - 24)
- 08 Nov, 2024
undefined (13 - 24)
TẮC THỨ 13: Đức Sơn bưng bát (Đức Sơn thác bát)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Một hôm, hòa thượng Đức Sơn Tuyên Giám bưng bát ra đến trai phòng, bị đệ tử là Tuyết Phong hỏi: Này, chuông hiệu chưa rung, trống hiệu chưa đánh báo giờ cơm mà lão già bưng bát đi đâu thế. Do đó, Đức Sơn đành quày lại tăng phòng. Tuyết Phong mới kể chuyện đó cho Nham Đầu nghe. Nham Đầu nói: Dù là người giỏi như Đức Sơn lão sư đi nữa, ông vẫn chưa hiểu phần cuối của câu nói. Nghe được, Đức Sơn cho thị giả gọi Nham Đầu tới, chất vấn: Nhà ngươi có gì không phục lão chăng? Nham Đầu mới thì thầm thưa cái gì với Đức Sơn mà ông an tâm, không bắt lỗi nữa. Ngày hôm sau, khi bước lên bục giảng, Đức Sơn có thần thái hoàn toàn khác với mọi ngày. Nham Đầu mới đến trước tăng đường, vỗ tay cười lớn: Vui quá đi thôi. Bây giờ người như Đức Sơn lão sư cũng hiểu được phần cuối của câu nói rồi. Từ nay về sau, thiên hạ không ai còn làm gì ông ta được nữa
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Nếu là “phần cuối câu” (mạt hậu cú) thì có một chỗ mà cả Nham Đầu lẫn Đức Sơn cho dù có nằm mộng cũng chưa từng thấy. Dò đi xét lại thật kỹ lưỡng thì Nham Đầu, Tuyết Phong cũng như Đức Sơn, cả bọn đều là một lũ tượng gỗ con rối mà thôi
HÁN TỤNG
Thức đắc tối sơ cú
Tiện hội mạt hậu cú
Mạt hậu dữ tối sơ
Bất thị giả nhất cú
VIỆT TỤNG
Hiểu được phần đầu câu
Lại hiểu nữa câu sau
Phần đầu cộng phần cuối
Nào phải một câu đâu!
⚡️
TẮC THỨ 14: Nam Tuyền chém mèo (Nam Tuyền trảm miêu)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Hòa thượng Nam Tuyền nhân việc các học tăng ở đông đường và tây đường cứ tranh cãi nhau vì một con mèo, mới nắm ngay nó tại chỗ và giơ lên, nói: Nếu có ai trong các ngươi nói được một câu nào, ta sẽ tha mạng con mèo. Bằng không, ta sẽ chém nó cho coi. Chư tăng không ai đáp lại được. Rốt cục, không còn cách nào, Nam Tuyền chém con mèo. Tôi hôm đó, đại đệ tử của ông là Triệu Châu ở ngoài về. Nam Tuyền đem chuyện vừa xãy ra kể lại. Lúc đó, Triệu Châu mới tháo đôi dép cỏ mang dưới chân đội lên đầu và ra khỏi phòng. Nam Tuyền thấy thế mới bảo: Nếu ngươi lúc đó có mặt thì nhất định con mèo không đến nổi chết
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Này, nói thử xem! Triệu Châu nghĩ gì mà tháo giày cỏ đội lên đầu như vậy nhỉ? Nếu thốt ra được một lời chính đáng để chuyển mê khai ngộ tại chỗ, có lẽ mới biết hành động (tàn nhẫn) của Nam Tuyền chẳng phải hoàn toàn vô ích. Ví bằng không làm được như thế thì ông sẽ nguy lắm
HÁN TỤNG
Triệu Châu nhược tại
Đảo hành thử lệnh
Đoạt khước đao tử
Nam Tuyền khất mệnh
VIỆT TỤNG
Nếu Châu có đó
Làm ngược lệnh thầy
Cướp mũi đao lại
Mạng Tuyền sao đây?
⚡️
TẮC THỨ 15: Ba hèo đòn của Động Sơn (Động Sơn tam đốn)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Động Sơn Thủ Sơ đến học đạo hòa thượng Vân Môn. Nhân đấy, hòa thượng hỏi: Vừa ở đâu đến đấy? Động Sơn đáp: Thưa từ Tra Độ. Vân Môn lại hỏi: Mùa hạ, an cư ở vùng nào? Động Sơn đáp: Thưa chùa Báo Từ tỉnh Hồ Nam. Vân Môn: Rời nơi đó hồi nào? Động Sơn: Hôm 25 tháng 8 ạ! Vân Môn mới nói: Thế thì chú đáng ăn ba hèo đòn. Nhưng thôi, tha cho! Ngày hôm sau, Động Sơn đến chỗ hòa thượng vái chào và hỏi: Hôm qua mong ơn lão sư tha cho ba hèo đòn. Nhưng dám hỏi tiểu tăng thất thố chỗ nào? Vân Môn bảo: Cái túi cơm kia! Cứ kiểu đó mà (uổng công) đi hết Giang Tây đến Hồ Nam (loanh quanh khắp các đạo tràng trong thiên hạ) như thế sao? Lúc ấy, Động Sơn bèn đại ngộ
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Lúc đó Vân Môn đã dọn bó rơm xưa nay ngon tuyệt cho anh chàng chẳng ra chi là Động Sơn nhơi, là muốn đưa cả tông môn Động Sơn thoát khỏi cảnh u ám đó chứ. Mặc anh chàng khổ sở nghĩ tới nghĩ lui đủ chuyện suốt một đêm, đợi đến sáng hôm sau ông mới thân tình triệt để giải thích, phá mê cho. Dù lúc đó Động Sơn có khai ngộ nhưng khó nói anh ta là người nhanh nhẩu được. Chắc lúc này các bạn muốn đặt câu hỏi, xem thử Động Sơn có đáng ăn ba hèo đòn (60 bổng) hay không. Nếu anh ta đáng ăn đòn thì có lẽ tất cả mọi người tu hành trên đời này (thảo mộc tùng lâm) đều đáng ăn đòn, còn như không đáng ăn thì lời của hòa thượng Vân Môn quả là xằng bậy. Vậy thì, nếu muốn làm cho ra lẽ ở đây và cũng là để giúp Động Sơn, ta có nên lấy hơi thổi phù một cái (cho hòa thượngVân Môn mất biến đi) không?
HÁN TỤNG
Sư tử giáo nhi mê tử quyết
Nghĩ tiền khiêu trịch tảo phiên thân
Vô đoan tái tự đương đầu trước
Tiền tiễn do khinh hậu tiễn thâm
VIỆT TỤNG
Sư tử dạy con cho lọt hố
Vừa chồm tới trước, đã quay đầu
Ngờ đâu tên trúng ngay hai phát
Mũi trước còn nông, sau mới sâu
⚡️
TẮC THỨ 16: Nghe chuông mặc áo bảy màu (Chung thanh thất điều)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Hòa Thượng Vân Môn nói: Thế giới bao la khoảng khoát như thế này, cớ chi mỗi khi nghe chuông (chúng tăng) lại phải (bó buộc trong chuyện) mặc áo cà sa bảy màu (đi xuống trai phòng)
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Phàm các tăng sĩ tham Thiền học Phật thường phải để ý tuyệt đối không cho âm thanh, sắc tướng của thế giới chung quanh (thế giới của giác quan) lôi cuốn (tai và mắt).Vẫn biết có kẻ (như Hương Nghiêm) nghe âm thanh mà hiểu đạo hay (như Linh Vân) nhìn thấy màu sắc mà sáng lòng, những chuyện như vậy không xa lạ gì đối với người tu thiền cả.Tuy nhiên, ngay cả những kẻ tự phụ ở trong thế giới của thiền gia (nạp tăng gia) hình như cũng chưa hiểu điều quan trọng sau đây:họ (phải có cái chủ thể tính) có thể ngồi cưỡi lên (chế ngự) âm thanh đến từ bên ngoài, ôm choàng (bao trùm) được vật có hình sắc, thu nhận và biện biệt từng cái một, lập được quan hệ xảo diệu với chúng.Nói là nói vậy chứ ta nào biết âm thanh bay đến bên tai ta hay tai ta tìm đến nó.Ngay cả kẻ đạt đến trình độ thoát khỏi sự phân biệt giữa âm thanh (tiếng) và tĩnh lặng (im) cũng không biết cách giải quyết vấn nạn này.Lúc ấy, nếu lấy tai để nghe tiếng thì sẽ không nhận thấy gì cả. Phải lấy mắt mà nghe thì âm thanh mới có thể hòa nhập vào người của ta
HÁN TỤNG
Hội tắc sự đồng nhất gia
Bất hội vạn biệt thiên sa
Bất hội sự đồng nhất gia
Hội tắc vạn biệt thiên sa
VIỆT TỤNG
Hiểu ra, như chung nhà
Không hiểu thành khác lạ
Không hiểu coi là một
Hiểu lại vạn lần xa
⚡️
TẮC THỨ 17: Quốc Sư gọi ba lần (Quốc Sư tam hoán)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Thiền sư Huệ Trung Quốc Sư gọi người thị giả. Người ấy đáp lại 3 lần. Quốc Sư mới nói: Ta tưởng ta phụ lòng ngươi, đâu dè ngươi vốn đã phụ lòng ta.
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Quốc Sư 3 lần gọi thị giả lưỡi đã rục mà rơi xuống đất. Thị giả đáp lại 3 lần, không phải để hòa hoãn với người gọi mà để thổ lộ bản tâm của mình. Quốc Sư coi bộ tuổi đã cao, đâm buồn, nên mới đè đầu trâu ép ăn cỏ. Thị giả lại ra điều không muốn nhận bởi vì đem đồ ăn ngon mà đút vào mồm người đã no bụng là làm chuyện thừa thãi. Này nói thử xem, thị giả đã phụ lòng Quốc Sư ở chỗ nào? Hình như có câu: “Đất nước bình yên, nhân tài mới được trọng, cảnh nhà giàu có, trẻ nhỏ hóa con nuông”
HÁN TỤNG
Thiết giá vô khổng yêu nhân đam
Lụy cập nhi tôn bất đẳng nhàn
Dục đắc sanh môn tịnh trụ hộ
Cánh tu xích cước thướng đao sơn
VIỆT TỤNG
Gông kia không lỗ bắt mang vào
Lụy hết đời ông đến cháu sao
Nhà ai, nếu muốn cho tròn đạo
Còn phải chân trần đạp núi đao
⚡️
TẮC THỨ 18: Ba cân tơ của Động Sơn (Động Sơn tam cân)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Hòa thượng Động Sơn nhân một hôm có tăng hỏi: Phật là cái có hình thù như thế nào? Mới trả lời: 3 cân tơ
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Cái lão Động Sơn coi bộ học đâu ra được ba thứ thiền sò, mới vừa mở miệng ra, đã lộ hết gan ruột ra ngoài. Nói thế chứ bọn các ông đã thấy rõ hết những gì lão phơi bày ra chưa? Nói thử nghe coi!
HÁN TỤNG
Đột xuất ma tam cân
Ngôn thân ý cánh thân
Lai thuyết thị phi giả
Tiện thị thị phi nhân
VIỆT TỤNG
Vọt miệng “Ba cân tơ!”
Lời, ý gần gũi ta
Còn kẻ giảng kia nọ
Chỉ là anh vẽ trò
⚡️
TẮC THỨ 19: Tâm bình thường là đạo (Bình thường Tâm thị đạo)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Thiền sư Nam Tuyền, nhân học trò là Triệu Châu hỏi: Đạo là gì vậy? Mới trả lời: Đạo là cái tâm bình thường. Triệu Châu hỏi tiếp: Như thế phải nỗ lực để tiến gần đến nó hay sao? Nam Tuyền đáp: Không đâu. Tiến dần đến đó thì ngược lại, mỗi ngày nó một xa. Triệu Châu: Nhưng nếu không làm gì cả thì sao có thể biết đạo là gì? Lúc ấy, Nam Tuyền mới giảng: Đạo là cái vượt lên trên trình độ của sự hiểu biết lẫn không hiểu biết. Bảo mình biết được đạo rồi thì đó chỉ là ảo tưởng, còn như nói không biết thì tất cả không lẽ hoàn toàn một trang giấy trắng! Tuy nhiên, nếu thực sự sống được một cuộc đời bình thường, không thắc mắc là có thể khoáng đãng như cõi thái hư rồi. Một khi được như thế rồi, còn bận lòng đi tìm hiểu cái này cái nọ cho mất công! Nam Tuyền chưa dứt câu, Triệu Châu đà tỉnh ngộ.
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Hòa thượng Nam Tuyền bị Triệu Châu hỏi sấn tới, lập cập sụm xuống như ngói vỡ băng tan, không biết lấy chi mà trả lời. Còn về phần Triệu Châu, nghe nói lúc ấy đã giác ngộ nhưng, (cứ theo ý Vô Môn tôi thì) để điều đó thấm được vào người, (ông ta còn phải) phải công phu tham thiền thêm 30 năm nữa.
HÁN TỤNG
Xuân hữu bách hoa thu hữu nguyệt
Hạ hữu lương phong đông hữu tuyết
Nhược vô nhàn sự quải tâm đầu
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết
VIỆT TỤNG
Xuân có trăm hoa, thu, ánh nguyệt
Hạ thời gió mát, tuyết vào đông
Người mà thư thái, tâm vô sự
Thời tiết quanh năm đẹp giữa lòng
⚡️
TẮC THỨ 20: Đại lực sĩ (Đại lực lượng nhân)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Hòa thượng Tùng Nguyên nói: Người (tu hành đến độ phát huy được) sức mạnh siêu việt, vì cớ gì (lúc ngồi thiền) nhấc chân (dậy) không nổi vậy? Còn bảo: Tại sao (lại bảo ông ta) nói chuyện mà không cần dùng lưỡi?
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Hòa thượng Tùng Nguyên moi gan móc ruột mình phơi bày cả ra đấy nhỉ! Khốn nỗi, chỉ thiếu người chịu tiếp nhận mà thôi. Tuy nhiên, giả sử có người tiếp nhận ngay thì Vô Môn xin mời đến đây đánh cho một trận đòn đau. Muốn hỏi lý do, hả? Vì muốn chắc là thứ vàng thật hay không, phải lấy lửa thử một lần cho rõ chứ!
HÁN TỤNG
Đài cước đạp phiên Hương Thủy Hải
Đê đầu phủ thị Tứ Thiền Thiên
Nhất cá hồn thân vô xứ trước
(Thỉnh, tục nhất cú!)
VIỆT TỤNG
Nhấc cẳng đạp nghiêng bao biển lớn
Cúi đầu nhìn xuống mấy khung trời
Một khối hồn thân không chỗ tựa
Này này, ngâm nốt một câu chơi!
⚡️
TẮC THỨ 21: Que cứt của Vân Môn (Vân Môn thỉ quyết)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Hòa Thượng Vân Môn, nhân có tăng hỏi: Phật là gì nhỉ? Bèn trả lời: Que cứt khô!
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Có thể nói Vân Môn là người nhà cực nghèo, không dọn nổi một bữa cơm xoàng, công việc bận bịu chả tìm ra giờ rảnh để viết lách. Xoay xở vớ được cái que ngoáy cứt về chống đỡ cửa nhà (môn hộ Thiền Tông) cho nên chuyện Phật Pháp hưng phế thế nào thì cũng đã bày trước mắt
HÁN TỤNG
Thiểm điện quang
Kích thạch hỏa
Tráp đắc nhãn
Dĩ sa quá
VIỆT TỤNG
Chớp điện nháng
Đá lóe sáng
Trong nháy mắt
Đã mất dạng
⚡️
TẮC THỨ 22: Trụ cờ của Ca Diếp (Ca Diếp sát can)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Có hôm, A Nan hỏi Ca Diếp: - Đức Thế Tôn (Thích Ca Mâu Ni) ngoài tấm áo(cà sa dệt bằng tơ)vàng, có truyền lại gì cho sư huynh không? Nghe thế, Ca Diếp mới lên tiếng gọi: Này, A Nan! An Nan đáp: Vâng! Thì lúc đó, Ca Diếp bảo: Thôi, hãy ra hạ cây cờ hiệu (của ta) đang cắm trước cửa xuống!
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Nếu trong tình huống như thế này, thốt được một lời chuyển mê khai ngộ thân ái (như Ca Diếp đã làm) thì sẽ thấy rằng đám đông tụ tập nghe buổi giảng pháp ngày nọ trên núi Linh Thứu hãy còn tiếp tục quây quần bên nhau. Nhược bằng không nghĩ ra một lời cho đúng, thì có lẽ dầu dốc lòng tu hành từ thuở xa xưa như Phật Tỳ Bà Thi (vị cổ Phật trong quá khứ, trước cả Phật Thích Ca), đến lúc này (tâm) vẫn chưa có thể đạt được diệu cảnh của sự giác ngộ
HÁN TỤNG
Vấn xứ hà như đáp xứ thân
Kỷ nhân ư thử nhãn sinh cân
Huynh hô đệ ứng dương gia xú
Bất thuộc âm dương biệt thị xuân
VIỆT TỤNG
Hỏi, đáp, so đi! Bên nào thân
Banh tròng, đoán được ý sâu chăng
Anh hô em dạ, nhà sao thối
Chẳng thụ âm dương vẫn cõi xuân
⚡️
TẮC THỨ 23: Mặt mũi chính mình (Bất tư thiện ác)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Lục Tổ bị Minh Thượng Tọa đuổi theo sau cho đến rặng núi Đại Dữu. Khi nhìn thấy bóng của Minh Thượng Tọa, Lục Tổ mới đem y bát (pháp y và trì bát) nhận từ Ngũ Tổ ném vứt lên một tảng đá: Đây là y bát tượng trưng cho việc truyền thừa pháp tự, không phải là vật có thể dùng võ lực chiếm đoạt được đâu. Nếu ông muốn, có thể lấy cả mang đi! Lúc ấy, Minh Thượng Tọa mới cầm lấy chúng nhưng không tài nào giở lên nổi vì nặng như quả núi. Ông ta chần chừ, nén sự sợ hãi, thưa: Tôi đuổi theo ông là vì muốn học Pháp (tìm chân lý) chứ đâu phải vì áo xống. Huệ Năng ơi, xin ông (hành giả) chỉ cho Minh tôi con đường để khai ngộ! Lúc đó, Lục Tổ mới nói: Thế chứ khi nào bỏ qua một bên sự phân biệt thiện, ác rồi, hỏi Minh Thượng Tọa có nhìn thấy con người thực xưa nay của ông không? Ngay lúc đó, Minh Thượng Tọa bèn đại ngộ. Mình mẫy đẫm mồ hội, nước mắt đầm đìa, ông ta nằm phục xuống đất làm lễ, và hỏi: Những bí quyết mà ông chỉ dạy cho Minh tôi, ngoài ngôn ngữ và ý nghĩa nội dung của nó, chắc hãy còn có gì cao sâu hơn nữa chứ ạ? Lục Tổ mới nói: Ngay cả những điều tôi vừa bảo ông cũng chẳng có gì gọi là bí mật cả. Nếu bản thân ông chịu khó tự thử tìm cách nhìn lại con người thực xưa nay của ông, thì sẽ thấy được sự bí mật vốn đã có sẵn trong ông rồi. Minh Thượng Tọa bảo: Tôi cũng là học trò (vân thủy) của Ngũ Tổ ở Hoàng Mai Sơn như các ông, tu hành cùng với chúng tăng, mà sao đến nay, vẫn chưa nhìn thấy được hình ảnh con người thực sự của mình. Thế nhưng giờ đây, tôi đã được ông chỉ dạy nó là cái gì. Lần đầu tiên, khi uống nước đã tự thể nghiệm nóng lạnh thế nào. Bây giờ xin cho phép thờ ông làm thầy. Lục Tổ nghe như thế, mới giải thích: Ông cũng thờ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn Lão Sư làm thầy (học hành như chúng tôi thôi) thì cứ thế mà giữ nguyên vẹn tâm cảnh ấy đi!
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Có thể phê bình nhân vật gọi là Lục Tổ này như sau: Những lời ông ta dạy bảo Huệ Minh là do cái máy động khi gặp bước đường cùng không biết tính sao. Có thể gọi đây là lòng tốt thực thà của mấy bà lão. Như thể lấy quả vải tươi, bóc vỏ từng cái, lại lấy cả hạt ra xong, bỏ vào mồm trẻ con. Rồi nghĩ rằng từ đó, đứa bé chỉ có việc nuốt ực mà thôi.
HÁN TỤNG
Miêu bất thành hề, họa bất tựu
Tán bất cập hề, hưu sinh thọ
Sinh lai diện mục một xứ tàng
Thế giới hoại thì cừ bất hủ
VIỆT TỤNG
Tả không tả được, họa nên chi,
Tụng chẳng thành câu, bút vứt đi
Trời cho “bản mặt” làm sao giấu
Thế giới tiêu tan, “hắn” vẫn ì
⚡️
TẮC THỨ 24: Dẹp bỏ ngôn ngữ (Ly khước ngữ ngôn)
CÔNG ÁN (CỬ / TẮC)
Hòa Thượng Phong Huyệt nhân có tăng hỏi: Ngôn ngữ hay sự im lặng nguyên lai chỉ thể hiện được phân nửa cái li vi (sự chân thực). Phải làm thế nào để cho dù có nói hay nín thinh cũng không phạm lỗi và thể hiện thông suốt sự chân thực. Hòa Thượng mới (mượn câu thơ Đỗ Phủ để) trả lời như sau: Trường ức Giang Nam tam nguyệt lý, Chá cô đề xứ bách hoa hương. (Giang Nam gặp lúc mùa xuân chín, Nhớ mãi hương hoa, tiếng chá cô.)
BÌNH
Vô Môn nói rằng: Cái máy động (thiền cơ) nơi Hòa thượng Phong Huyệt như là ánh chớp, trong nháy mắt đã đến nơi phải đến. Dầu vậy, lưỡi ông ta chưa đoạn tuyệt được với câu nói của tiền nhân, thật đáng tiếc làm sao! Nếu các bạn nhìn thấu suốt được chỗ này, có thể phá được chấp, một mình tìm lấy con đường giải thoát. Nào, vừa mới tách khỏi phạm vi ngôn ngữ lý luận (của thiền gia), hãy thử diễn tả điều đó bằng một vần thơ xem sao!
HÁN TỤNG
Bất lộ phong cốt cú
Vị ngữ tiên phân phó
Tiến bộ khẩu nam nam
Tri quân đại võng thố
VIỆT TỤNG
Thầy Phong muốn dấu ý thơ sâu
Chưa nói mà như giảng trọn câu
Nếu thầy sấn tới, mồm leo lẻo
Nhà bác thôi đành đếch biết sao!
⚡️